Chủ Nhật, 31 tháng 12, 2017

Thế nào là Đại Định?

Đại Định còn được gọi là Kim Cương Định. Đó là cái Định của bậc Giác Ngộ Giải Thoát.

Trong cuộc sống đời thường, tất cả mọi người đều phải có trụ để có thể sinh hoạt ăn uống đi lại ngủ nghỉ. Sự khác biệt giữa người Tỉnh và người Mê là: người tỉnh thì trụ nhưng không ghim, còn người mê thì vừa trụ vừa ghim.

Còn Đại Định thì vừa không ghim vừa không trụ. Không trụ vào đâu cả, mọi thứ được thâu nhận qua 6 căn cứ đến đi đến đi liên tục từng sát na, và đại định là không trụ lại bất cứ sự đến đi nào cả. Vì không trụ lại bất kì sự đến đi nào cả nên họ không biết gì cả. Một người trong cơn đại định thì hoàn toàn không biết gì về những việc đang xảy ra xung quanh. Họ không biết gì cả không có nghĩa là họ hoàn toàn không biết gì. Họ không biết gì cả vì họ biết tất cả nhưng họ không trụ vào bất cứ thứ gì nên gọi là biết tất cả nhưng lại không biết gì cả.

Đó là lý do một người trong cơn đại định thì dù có bão táp mưa sa, sấm vang chớp nổ, đất trời sụp đổ thì họ cũng không biết gì cả. Tất cả mọi thứ đến đi sanh diệt nhanh chóng và họ không dừng lại đâu, không trụ vào đâu nên họ không biết gì cả. Nhưng thật ra 6 căn thâu nhận không thiếu một điều gì dù là nhỏ nhất. Nhưng vì 6 căn thâu nhận tất cả, không thiếu một chi tiết nào, quá kỹ lưỡng, quá chi li nên họ không biết gì cả là như vậy đó.


Túm lại, Đại Định hay Kim Cang Định nghĩa là không ghim không trụ vào bất cứ điều gì, vì không trụ không ghim nên không biết gì, chứ Đại Định không có nghĩa là định vào một thế giới hay một điều đó nên không biết tất cả những việc đang xảy ra.

NÓI TIẾP VỀ THÓI QUEN

Như đã nói, thói quen chính là tập khí/quán tính. Đi theo sự dẫn dắt của thói quen thì ấy chính là MÊ. Dừng lại, không theo thói quen nữa thì đó chính là TỈNH. MÊ hay TỈNH như hai mặt của một bàn tay.

Hành giả khi tu tập bất kì pháp môn nào thì cũng có thể TỈNH hoặc MÊ. Vì sao?
Ví dụ những pháp môn như ngồi thiền, tụng kinh, trì chú, niệm Phật.
Ngồi thiền như một thói quen thì đó chính là Mê.
Tụng kinh như một thói quen thì đó chính là Mê.
Trì chú như một thói quen thì đó chính là Mê.
Niệm Phật như một thói quen thì đó chính là Mê.

Đó là lý do thường các hành giả cứ hành hoài mà không thấy mình tiến bộ, riết rồi chán, rồi sanh nghi, rồi từ bỏ pháp hành mình đang theo và tìm pháp hành khác. Theo pháp hành khác như một thói quen rồi lại sinh chán rồi lại bỏ. Cứ vậy mà xoay vần mãi trong các pháp hành.

Cho nên hành pháp gì không quan trọng, quan trọng là đừng hành như một thói quen, luôn tỉnh thức thì dù hành pháp gì, dù niệm ai, dù trì chú gì, dù thiền kiểu gì thì trước sau gì cũng sẽ giác ngộ thôi hà.

Cho nên vấn đề cốt lỏi của việc hành pháp không phải nằm ở việc nên theo tôn giáo nào, nên theo tông phái nào, nên theo thầy nào,…mà vấn đề cốt lõi chính là TỈNH THỨC.

Thế nào là TỈNH THỨC khi hành pháp?

Khi ngồi thiền thì mỗi lần ngồi là mỗi lần mới, từ lúc ngồi xuống, đến lúc xếp chân, đến lúc quán niệm, lúc nào cũng là lần đầu tiên làm. Đối với người hằng quán hơi thở thì sau một thời gian việc quán hơi thở cũng sẽ trở thành thói quen, vậy là rơi vào Mê, đã rơi vào Mê thì càng hành càng Mê là vậy đó. Hãy dừng chạy theo thói quen. Lần nào thấy hơi thở cũng là lần đầu tiên thấy.

Khi niệm Phật thì niệm riết một thời gian, việc niệm trở thành thói quen, thì đó cũng chính là Mê. Mỗi lần niệm là mỗi lần mới, mỗi lần niệm là mỗi lần niệm lần đầu.
Khi trì chú cũng vậy. Mỗi lần trì chú là mỗi lần làm việc ấy đầu tiên.

Tất cả các pháp hành mà rơi vào thói quen thì thường đi kèm những ảo tưởng, ảo giác, cho nên dễ thấy cảnh giới này cảnh giới nọ. Khi thấy cảnh giới thì tự cho mình tinh tấn. Thật ra không phải vậy. Đó là dấu hiệu cho thấy mình rơi vào thói quen hay còn gọi là MÊ. Nên nhớ: Trụ đâu thì về đó.

Người TỈNH THỨC làm gì cũng là lần đầu tiên làm, không rơi vào thói quen nên không thấy cảnh giới gì cả, không trụ vào đâu, mọi việc cứ thuận theo sự sanh diệt của nhân duyên. Không bám không dính không trụ vào đâu thì không về đâu cả. Hay nói cách khác là: KHÔNG ĐẾN CŨNG KHÔNG ĐI, cứ NHƯ NHƯ theo mọi sanh diệt của nhân duyên đó vậy.

Dấu hiệu cho thấy hành giả rơi vào thói quen khi hành pháp:
Thứ nhất là thấy cảnh giới
Thứ hai là thấy chán, hổng thấy tiến bộ gì cả.
Cứ tiếp tục mãi thì rơi vào TẨU HỎA NHẬP MA là điều tất nhiên. Cho nên bất cứ ai cũng có thể bị tẩu hỏa nhập ma khi hành theo thói quen.

Túm lại, hành pháp gì không quan trọng, niệm ai cũng được, trì gì cũng không sao, thiền thế nào cũng đúng, …..Nhưng nên nhớ: dù làm gì, niệm gì, trì gì, thì đó cũng là lần đầu tiên mình làm, lần đầu tiên mình niệm, lần đầu tiên mình tụng,….. Hằng như vậy thì bắt buộc phải giác ngộ thôi, không có đường nào khác cả.

Gieo nhân Tỉnh Thức thì gặt quả Giác Ngộ, đó là việc thuận Nhân Quả.


Thứ Bảy, 30 tháng 12, 2017

THÓI QUEN

Thói quen chính là tập khí và bất kì điều gì trở thành thói quen đều là sự dính chấp và bám víu, cho nên Thói Quen dẫn đến Mê.

Đối với người Tỉnh, một câu nói hay một hành động được nói/được làm 100 lần thì đó là 100 lần nói/100 lần làm. Mỗi lần nói đều là mới, mỗi lần làm đều là lần đầu tiên làm.

Đối với kẻ Mê, một câu nói hay một hành động được nói/được làm 100 lần thì chỉ có 1 lần được nói/được làm, còn lại 99 lần là nói/làm theo thói quen. Nghĩa là sau 1 hoặc một vài lần nói/làm thì họ ghim lại câu nói hay hành động ấy và từ đó nói/hành động theo quán tính.

Người Tỉnh thức thì không ghim, không bám chấp nên lần nào nói/làm cũng là mới, người Mê thì ghim và bám chấp nên nói/làm theo sự điều khiển của thói quen (còn gọi là quán tính hay tập khí).

Làm sao để biết mình đang nói/làm theo thói quen/quán tính?

Đó là xuất hiện cảm giác chán, mình thấy chán vì mình chưa nói/chưa làm nhưng do mình ghim nên mình tự hình dung trước, vì tự hình dung trước, nên chẳng thấy có gì mới, vì chẳng thấy có gì mới nên xuất hiện cảm giác chán. Còn người Tỉnh thì không ghim nên cái gì cũng là mới, cái gì cũng là mới thì không xuất hiện cảm giác chán.

Bài liên quan: NÓI TIẾP VỀ THÓI QUEN


Khi ngồi thiền mà xảy ra hiện tượng lạ thì nên làm gì?

Khi ngồi thiền, 6 căn gồm mắt tai mũi lưỡi thân và ý sẽ nghe thấy ngửi nếm chạm những điều được xem là kì lạ, chưa từng thấy biết, chưa từng xảy ra,…… Nên nhớ tất cả những cái được thâu qua mắt tai mũi lưỡi thân và ý đều không liên can gì đến mình cả. Hoàn toàn không liên can. Bất cứ khi nào thấy bất cứ điều gì có liên can thì khi ấy tâm bị bám trụ vào đó. Nên nhớ: trụ đâu thì về đấy.

Bất cứ điều gì xảy ra, bất cứ tín hiệu nào đến rồi cũng sẽ tự đi. Đến đi là việc của những tín hiệu ấy. Hoàn toàn không liên can gì đến mình cả. Nên nhớ: Hoàn toàn không liên can.

Đó là lý do mà có câu: Gặp Phật chém Phật, Gặp Ma chém Ma. Phật hay Ma là chỉ cho những hiện tượng xảy ra trong lúc ngồi thiền. Chém nghĩa là không trụ vào, không quan tâm, không để ý, cái gì đến được thì đi được, cái gì có sanh thì có diệt.

Tại sao bình thường hoặc trước đây mình chưa từng thấy những chuyện ấy mà bây giờ khi ngồi thiền mình lại thấy? Vậy nghĩa là những hiện tượng ấy đều là hiện tượng sanh diệt, hễ có ngồi thiền thì mới có, hễ có điều kiện này thì mới có điều kiện kia, hễ có cái này thì mới có cái kia. Cho nên tất cả đều sanh diệt theo nhân duyên của chính nó, chẳng liên quan gì đến mình cả.

Vì không có gì liên quan gì đến mình nên nó tự đến được thì nó cũng tự đi được.

Đó là lý do trong các trung tâm thiền của thiền sư Goenka luôn hướng dẫn thiền sinh niệm Anicca (Không thường trụ/Vô thường) trước tất cả mọi thứ.

Thứ Sáu, 29 tháng 12, 2017

Người tự thấy mình khổ là người có căn tu.

Nghĩa là giống như lời Chúa nói trong Kinh Thánh: Ta đến bằng gươm giáo, con chống đối cha, vợ chống đối chồng... Các ngươi sẽ thù hận chém giết lẫn nhau... chứ không đem đến bằng Hoà Bình.

Cho nên ai lâm vào hoàn cảnh gia đình thế này nghĩa là đúng như ý Chúa rồi đó. Bởi vậy, nên lấy đó làm vui mừng mới phải chứ.

Vì sao?

Vì khổ là thầy của mọi thầy, khổ là đạo sư chân chính nhất. Con người không bao giờ có thể giác ngộ giải thoát nếu chưa từng trải nghiệm khổ, chưa từng thấu hiểu khổ. Chỉ khi khổ đến tận cùng, khổ đến chết đi sống lại, khổ đến mức bản ngã buông xuôi, bản ngã không chống cự lại được nữa, thì chính khi ấy con người mới có thể giác ngộ.

Thời Phật còn tại thế, biết bao người đã trải qua tận cùng của nỗi khổ, và khi gặp, Đức Phật chỉ thuyết một bài pháp là họ buông tay đi theo ổng luôn. Cho nên khổ là thầy của mọi thầy là vậy đó. Nếu chưa từng trải qua khổ thì dù Đức Phật có nói suốt ngày đêm thì vẫn quyết tâm không giác ngộ hihihi.

Đó là lý do ai sống trong hoàn cảnh gia đình như vậy là người được dọn sẳn con đường giác ngộ ngay trước mắt rồi đó.

Hỏi: Vậy cứ xoay quần trong những tranh cãi chống đối giữa những người nhà với nhau miết như vậy sao?

Đáp: Đúng vậy. Cái gì cũng vậy. Khi đến tận cùng thì vấn đề tự giải quyết. Khi vấn đề chưa tự giải quyết nghĩa là cái đó vẫn chưa phải là điểm tận cùng. Khổ tận cam lai.

Cho nên việc của mình không phải là tìm cách giải quyết vấn đề. Vấn đề tự giải quyết, đâu có liên can gì đến mình đâu mà mình đòi giải quyết nó. Cái duy nhất mình cần giải quyết là nội tâm của chính mình. Nội tâm của mình mới là vấn đề của mình, còn nội tâm của ai thì tự họ giải quyết, đâu có liên quan đến mình thì mình giải quyết làm chi.

Hỏi: Làm sao giải quyết nội tâm của chính mình?
Đáp: Đó là cái nội tâm dính mắc, bám víu, luyến ái, sở hữu. Vì những cái này nên mới có KHỔ.
Cho nên cái tự độ-độ tha nghĩa là vầy nè: Tự mình giải phóng ra khỏi những cái dính mắc, bám víu, luyến ái, sở hữu thì tất cả những ai/những nội tâm nào có ân oán với những dính mắc, bám víu, luyến ái, sở hữu cũng đều được giải phóng theo. Tự độ nghĩa là tự mình giải thoát, rồi độ tha là những gì liên can đến mình cũng sẽ giải thoát theo. Mà mình có thói quen hay quay ra ngó người này người kia rồi tội nghiệp rồi thương cảm,…….đủ thứ. Cái tội nghiệp và cái thương cảm mà mình hay gán cho chữ TỪ BI thực ra là sự dính mắc, bám víu, luyến ái và sở hữu đấy chứ.

Hỏi: Tự quay vô giải quyết chính nội tâm của mình nghe sao giống vô cảm vô tâm hổng quan tâm đến ai hết vậy?
Đáp: Cái được gọi là Vô cảm hay Vô tâm thật ra là cái đối lại của cái gọi là dính mắc, bám víu, luyến ái và sở hữu. Ngay bản thân mình tự thấy mình khổ vì sự bám víu ấy nên mình tìm cách thoát bằng cách làm điều ngược lại bằng sự vô cảm vô tâm. Cảm hay Vô cảm thì cũng là dính mắc, vẫn chưa thoát ra được đâu. Giải thoát khỏi sự dính mắc bám víu thì không liên can đến cảm hay vô cảm, vì giải thoát là giải thoát, thế thôi. Do mình chưa giải thoát ra được nên mình tưởng lầm giải thoát là phải vô cảm, vô tâm trước mọi sự. Thật ra không phải vậy. Người thật sự giải thoát họ không hề vô cảm/vô tâm, cái gì họ cũng cảm được và cái gì họ cũng quan tâm, nhưng họ không còn dính mắc và bám víu vào những cái cảm hay những cái quan tâm ấy nữa. Họ sống thuận theo nhân duyên, nhân duyên thế nào thì theo thế nấy, không vui mừng khi đó là thuận duyên, không bực bội trách móc khi đó là nghịch duyên.

Hỏi: Túm lại thì làm sao tự giải quyết nội tâm của chính mình?
Đáp: Tự quay vô nhìn thấy mọi việc đang diễn ra bên trong. Những cái diễn ra bên ngoài là giúp cho cái bên trong có cơ hội bộc lộ, chứ không phải những gì diễn ra bên ngoài là để cho mình chạy theo giải quyết này nọ. Nên nhớ bên ngoài là giúp cho bên trong bộc lộ. Hễ thấy bên trong lộ ra cái gì thì nhìn cái nấy, y như bài viết này:

Nhân gì thì thấy nấy

Bất cứ điều gì mình thấy ở người đều là nhân mình đã có sẳn. Khi thấy người hiền, đó là do mình đã có sẳn nhân hiền. Khi thấy người ác, đó là do mình đã có sẳn nhân ác. Khi thấy người ngu, đó là do mình đã có sẳn nhân ngu. Khi thấy người khôn, đó là do mình đã có sẳn nhân khôn,……………..

Tất cả những gì mình thấy là nhân mình đã có sẳn, người chỉ là duyên hỗ trợ cho những cái nhân ấy có cơ hội trỗi dậy mà thôi. Cho nên khi mình thấy người như thế nào thì mình tự quay vô thừa nhận cái nhân ấy ngay nơi mình, (tự nhìn nhận chứ không có phán xét chỉ trích những cái nhân ấy). Hằng quay vô như vậy thì khi đủ nhân đủ duyên, những cái nhân ấy tự diệt. Còn mình không có can đảm quay vô nên cái nhân có sẳn từ mình, mình ép nó qua cho người, vậy là nhân chẳng những không diệt mà lại được tăng gấp đôi. Nghĩa là trước chỉ có một, sau khi mình gán cho người thì nó được tăng lên thành hai, đó gọi là nhân chồng nhân, đầu chồng đầu.

Hằng quay vô tự nhìn thấy những cái nhân đã có sẳn như vậy, thì đó chính là THIỀN.

Nên nhớ chỉ có người hằng quay vô tự nhìn thấy những cái nhân đã có sẳn này mới là người biết nên làm gì trong mọi hoàn cảnh. Vì vậy những người này làm gì cũng chính xác hiệu quả hết đó. Vì thấy gì cũng thật, nên quyết định dựa trên cái thật chứ không phải dựa trên cái do cái Ta bản ngã ảo tưởng tạo ra.

P.s Cái quyết định dựa trên cái thật gọi là NHƯ LÝ TÁC Ý.


Thứ Năm, 28 tháng 12, 2017

Vì sao có câu “PHẬT THUYẾT PHÁP CHO PHẬT?”

Bậc giác ngộ hoàn toàn thì không bao giờ xoay ra để thấy người, vì còn xoay ra là còn dính kẹt vào tâm phán xét. Vì không xoay ra để thấy người nên họ nói gì cũng là nói với chính họ, làm gì cũng là làm với chính họ. Chính vì không bao giờ xoay ra để thấy người nữa mà không gì mà họ không biết, tất cả đều không nằm ngoài cái biết của họ. Chính vì không bao giờ xoay ra để thấy người nữa mà tam thiên đại thiên thế giới nằm trong lòng bàn tay họ. Chính vì không bao giờ xoay ra để thấy người nữa mà họ thông suốt quy luật vận hành của càn khôn vũ trụ và không còn lầm lẫn nhân quả nữa.
Cho nên khi nói Phật thuyết cho người này người nọ đó là cái thấy của mình, hổng liên can gì đến Phật cả. Phật không thuyết pháp cho ai nghe cả. Phật chỉ thuyết cho chính Phật nghe mà thôi.

Hỏi: Vậy thì vì sao lúc nói thế này lúc nói thế nọ, thậm chí còn gọi tên người này người nọ?
Đáp: Cái có thể thấy được chỉ là hình tướng thôi, còn Phật chỉ nói với chính Phật mà thôi. Những gì Phật nói là do nhân duyên chứ không phải do Phật muốn nói như vậy.

Túm lại, chỉ có bậc giác ngộ mới hiểu được việc làm và lời nói của bậc giác ngộ. Chỉ có Phật mới hiểu được việc làm và lời nói của Phật. Chỉ có Bồ tát mới hiểu được việc làm và lời nói của Bồ tát. Chỉ có Thánh mới hiểu được việc làm và lời nói của Thánh.

Khi tâm mình tương ưng tầng nào thì mình mới có khả năng thấy biết ở tầng ấy. Còn lại thì mọi cái thấy chỉ là hình tướng bên ngoài mà thôi. 

Sự đắc đạo của người nữ

Hỏi: Người nữ thời này tu có đắc đạo nỗi không?

Đáp: Dĩ nhiên rồi. Vì đây là thời kì đắc đạo của nữ giới. Chỉ cần người nữ cố gắng từng chút một từng chút một mỗi ngày thì điều ấy nằm trong tầm tay mà thôi.

Hỏi: Người nữ đắc đạo bằng con đường nào?

Đáp: Do có sự khác biệt về thân tâm giữa nam và nữ nên con đường đi của nữ có hơi khác với nam giới. Các trường thiền hiện có thường hướng dẫn phá móc xích Danh Sắc trong Thập Nhị Nhân Duyên. Đa phần các thiền sư danh tiếng hay những thiền sư sáng lập trường thiền là nam giới và phá móc xích Danh Sắc là con đường họ từng đi và họ hướng dẫn lại cho thiền sinh. Nhưng người nữ lại thích hợp để phá móc xích Thọ hơn là móc xích Danh Sắc, vì sự khác biệt trong thân tâm người nữ so với nam.

Khi nào đủ nhân đủ duyên thì các trường thiền do nữ thiền sư sáng lập sẽ xuất hiện và chuyên hướng dẫn người nữ cách phá móc xích Thọ.

Ăn chay Ăn thịt

Nhân có bài báo viết về những ích lợi của ăn chay so với ăn thịt như: giảm cân, đường tiêu hóa chứa chủ yếu là các vi khuẩn có lợi bảo vệ đường tiêu hóa, tốt cho da, cơ thể nhẹ nhàng năng động hơn, giảm nguy cơ mắc bệnh tim, giảm cholesterol máu, các gen khỏe mạnh, nên tôi viết cái này nha mọi người.

Những con vật có bản chất săn mồi toàn là những con ăn thịt, do vậy mà phân và nước đái có mùi rất nặng, mùi này vang rất xa, vì những con vật săn mồi là những con có ranh giới lãnh thổ rất rạch ròi, và thường xuyên đánh nhau để giành giật lãnh thổ để sinh tồn. Ví dụ: cọp, sư tử, beo, mèo,……

Còn những con vật ăn rau cỏ củ quả thì phân và nước tiểu ít thối hơn, thường sống dung hoà bầy đàn hơn, và việc đánh nhau cũng có xảy ra nhưng trong phạm vi bầy đàn để giành vị trí thủ lĩnh chứ không phải để tranh giành lãnh thổ như những con vật săn mồi.

Cũng vậy, những người mà thiên về cuộc sống tinh thần, đạo giáo thì thường có xu hướng sống nhẹ nhàng đơn giản, không tổn hại sanh mạng của những con vật khác, sống vô hại đối với môi trường, thiên nhiên và những sinh vật khác.

Thật ra, thời xa xưa, con người đã có lối sống của một con vật chuyên ăn rau cỏ củ và hoa trái nhưng dần dần, những tập khí tham sân si càng phát triển mạnh nên từ từ con người bị “thối hóa”, nghĩa là những phẩm chất của con vật ăn cỏ dần dần nhường lối cho những phẩm chất của con vật săn mồi trỗi dậy. Và cứ hết đời này qua đời khác, hết thế hệ này qua thế hệ khác, những phẩm chất săn mồi được ghim lại vào hệ thống gen di truyền, và người ta mặc định việc ăn thịt là đương nhiên, hổng thấy có gì bất thường hay phiền toái cả. Và theo quy luật cân bằng của vũ trụ thì khi cái gì trở nên bất thường thì vũ trụ bị lệch cho nên nó phải lấy lại sự cân bằng bằng cách gây ra những bất ổn về mặt sức khỏe và tinh thần, để con người giật mình tỉnh ngộ mà tự điều chỉnh lại chính mình theo quy luật tuần hoàn vốn có của vũ trụ. Giống như những con vật vậy đó, trong một lãnh thổ mà có quá nhiều con thú cai trị thì tụi nó phải tự diệt nhau để đảm bảo sự cân bằng.

Bởi con người bị vũ trụ trừng trị nên họ buộc phải tự thay đổi. Cho nên tất cả những hoạt động kêu gọi ăn chay này nọ đều là thuận theo những quy luật ấy cả, hổng dư cũng hổng thiếu. Cái gì diễn ra thì cũng là đúng lúc cho nó diễn ra.

Sau khi mở đề dài dòng thì mời mọi người vào đọc bài báo về ăn chay ăn mặn ở đây đi nha.


P.s Ai cũng có thể tự quán sát điều này: Lúc nào mà ăn nhiều thịt thì phân ỉa ra thúi dễ sợ thúi!!!


Thứ Tư, 27 tháng 12, 2017

Hỏi – đáp về Ma

Hỏi: Có ma thiệt không vậy?

Đáp: Có chứ. Vì có nhiều thế giới khác nhau cùng tồn tại trong một khoảng không gian, nên tình cờ trong một lúc nào đó tâm mình tương ưng với một thế giới nào đó thì mình sẽ ở trong thế giới ấy, có khi chỉ là thoáng qua rất ngắn. Cho nên ngay tại căn phòng mình đang ngồi, ngôi nhà mình đang ở đồng thời có nhiều gia đình cùng sống ở những chiều không gian khác nhau, đó là lý do thỉnh thoảng sao mình có cảm giác mình hổng có một mình dù mình ở nhà một mình. Việc đó là bình thường thôi hà.

Giống như thế giới của con kiến là không gian 2 chiều gọi là 2D, còn thế giới con người là không gian 3 chiều gọi là 3D. Con kiến không có khả năng nhìn ngửa lên để thấy cái ở trên đầu nó, cho nên nếu mình cầm con kiến giỡ hổng lên trên thì đối với nó mình đang thi triển phép thần thông và mình là thần linh của nó vậy đó. Còn có những thế giới thuộc không gian 4D, 5D, 6D, 7D, 8D, 9D, 10D, …………….. Vậy là đối với mình những người thuộc những thế giới ấy là thần linh, vì họ làm được những việc mà mình không làm được, y như mình là thần linh của con kiến vậy đó. Khi nào trạng thái tâm của mình tương ưng những thế giới ấy thì mình tự thân trải nghiệm được thôi hà.

Hỏi: Vị trí của những thế giới ấy ở đâu?
Đáp: Ở ngay tại vị trí mình đang ngồi đây nè, chứ hổng có ở đâu xa đâu. Chỉ cần điều chỉnh trạng thái tâm thì mình có thể ra vào những thế giới ấy được thôi hà.

Cho nên cái được gọi là Ma thực ra là người ở thế giới khác. Cứ ai thuộc thế giới khác thì mình gán luôn cho từ Ma. Rồi tự mình nhát mình luôn, vì nói đến Ma là nói đến cái gì đó rất ghê, rất bí ẩn, rất kì lạ.

Hỏi: Vậy có hiện tượng Ma nhập thiệt không?
Đáp: Có. Vì khi tâm mình tương ưng thì bị nhập thôi.

Hỏi: Vậy làm sao để không bị ma nhập?
Đáp: Các tông phái và tôn giáo khác nhau đều có dạy, đó là trạng thái nhất tâm, còn gọi là chánh niệm, tùy mỗi tông phái và tôn giáo mà họ có cách chánh niệm khác nhau. Ví dụ, chánh niệm vào một danh hiệu Phật/Chúa/ Thánh/ Bồ tát, chánh niệm vào một câu chú như Om Mani Padme Hum, chánh niệm vào một dấu hiệu nào đó,….Túm lại tất cả những phương tiện này đều là để cho mình luôn ở trạng thái “tâm ở trong thân.” Vì khi sợ, tâm mình phóng ra ngoài, chạy theo cái hình tượng Ma mà mình nhìn thấy, lúc ấy mình không có chánh niệm, tâm rời khỏi thân rồi, giống như thành mà không có phòng thủ nên thành bị chiếm đóng vậy đó. Cho nên gặp bất kì hiện tượng nào mà tâm luôn ở trong thân thì ma không thể nhập, giống như thành mà luôn phòng thủ thì địch chẳng thể chiếm thành vậy đó.

Túm lại, dù niệm gì, trì chú gì đi chăng nữa thì mục đích cũng là giữ tâm luôn ở trong thân, thân đâu thì tâm đấy, thì chẳng có ma quỷ gì nhập được đâu.

Hỏi: Vì sao khi thấy Ma mình lại sợ dữ vậy?
Đáp: Vì mình bị giật mình, vì mình thấy lạ, vì mình sợ bị giết hại, mình sợ thân thể mình bị hủy hoại, mình sợ mình bị giết bị làm tổn thương. Và để đối trị lại những cái sợ này thì những câu niệm hay câu thần chú được dạy để đè cái sợ xuống, không cho tâm tán loạn theo nỗi sợ, tâm luôn được thu về. Bậc giác ngộ thì không cần câu niệm hay câu chú để đối trị vì tâm họ luôn ở trong thân, không bị tán loạn. Còn chưa giác ngộ thì cần có phương tiện để thu tâm về, để tâm không bị phóng ra ngoài.


Câu chuyện mà Ngài Anan bị Ma Đăng Già thâu phục bằng thần chú cũng vậy đó. Lúc đó Ngài Anan mới nhập dòng chưa phải là A La Hán, tâm bị phóng ra ngoài, hay còn gọi là bị tán loạn theo lời nói và hình bóng mỹ nhân, do vậy mà câu chú của mẹ Ma Đăng Già mới điều khiển được Ngài Anan. Còn bậc giác ngộ tâm luôn ở trạng thái thu vào trong, không phóng ra, thì không có thần chú hay bất kì điều gì có thể điều khiển được họ cả.

Thứ Ba, 26 tháng 12, 2017

TỪ BI là gì?

Không khởi ý chống đối, bất mãn, bất đồng ý, bất như ý về bất cứ ai hay điều gì thì ngay tại đó chính là từ bi. Vì sao lại vậy?

Vì chống đối, bất mãn, bất đồng ý, bất như ý là biểu hiện của sân hận, mà khi sân hận hiện diện thì từ bi vắng mặt.

Chứ từ bi không có nghĩa là mình khởi ý từ khởi ý bi thì mình từ bi. Từ bi như vậy gọi là từ bi đối trị lại cái sân hận. Còn bản thân của từ bi thật sự thì hổng có đối trị gì cả, khi vắng mặt sự bất như ý thì ấy chính là từ bi. Vì mình không thể từ bi như vậy, vì mình còn sân hận, còn bất mãn, còn bất như ý nên để tránh rơi vào vòng xoáy của sân hận, mình buộc phải dùng bản ngã tạo ra cái từ bi để đối trị lại cái sân hận ấy đó vậy.

Còn từ bi của bậc giác ngộ là khi không sân không hận thì ấy chính là từ bi.

Bài liên quan: THẾ NÀO LÀ TU TỪ BI HỶ XẢ?


Nhân gì thì thấy nấy

Bất cứ điều gì mình thấy ở người đều là nhân mình đã có sẳn. Khi thấy người hiền, đó là do mình đã có sẳn nhân hiền. Khi thấy người ác, đó là do mình đã có sẳn nhân ác. Khi thấy người ngu, đó là do mình đã có sẳn nhân ngu. Khi thấy người khôn, đó là do mình đã có sẳn nhân khôn,……………..

Tất cả những gì mình thấy là nhân mình đã có sẳn, người chỉ là duyên hỗ trợ cho những cái nhân ấy có cơ hội trỗi dậy mà thôi. Cho nên khi mình thấy người như thế nào thì mình tự quay vô thừa nhận cái nhân ấy ngay nơi mình, (tự nhìn nhận chứ không có phán xét chỉ trích những cái nhân ấy đâu nha mọi người). Hằng quay vô như vậy thì khi đủ nhân đủ duyên, những cái nhân ấy tự diệt. Còn mình không có can đảm quay vô nên cái nhân có sẳn từ mình, mình ép nó qua cho người, vậy là nhân chẳng những không diệt mà lại được tăng gấp đôi. Nghĩa là trước chỉ có một, sau khi mình gán cho người thì nó được tăng lên thành hai, đó gọi là nhân chồng nhân, đầu chồng đầu.

Hằng quay vô tự nhìn thấy những cái nhân đã có sẳn như vậy, thì đó chính là THIỀN. 

Thứ Hai, 25 tháng 12, 2017

Thế nào là độ?

Hỏi: Thế nào là độ??? Phải chăng người ta sống khổ, chết não, tâm thần phân liệt, ung thư giai đoạn cuối,.... ta đâm 1 dao giúp người ta thì đã độ người thoát khỏi đau khổ????

Đáp: Ông tự độ chính ông, đâu ai cần ông độ. Chỉ có người tự độ được chính mình mới biết nên làm gì trong mọi hoàn cảnh.

Tất cả mọi cảnh khổ của mình và của người đều là phương tiện để cho mình tự độ chính mình, chứ không phải mình đi làm từ thiện, mình đi giúp người là mình đang độ họ đâu. Những người đó là hiện thân của Bồ tát đó, người ta hiện thân như vậy để cho mình hành động này hay hành động nọ để mình tự thấy ra chính mình và tự độ chính mình, chứ không phải người ta hiện thân như vậy để cho mình độ họ đâu mà đòi độ. Đó là lý do người cho cần cảm ơn người nhận, vì nếu không có người nhận thì mình chẳng có cơ hội mà hành hạnh cho là như vậy đó.


Túm lại, sau khi làm từ thiện xong thì nhớ cảm ơn họ đã cho mình cơ hội được làm từ thiện, một phương tiện giúp mình tự độ chính mình. 

Người nữ cũng có thể thành Phật toàn giác được nè mọi người!

Lúc tôi viết bài nói về việc người có thân nữ không thể giác ngộ thành Phật toàngiác, cái có vị phản hồi bài viết của tôi bằng bài viết sau:

Vào thời này sẽ có một người nữ thành bậc giác ngộ toàn giác thấu triệt tất cả quy luật nhân quả là mẹ để các chân lý vận hành muôn pháp thế gian cho đến xuất thế gian .
Người nữ ấy do vì nhân tạo nơi nhân sinh bất bình đẳng phân biệt quả vị Phật là quả sanh diệt nơi thân tướng nam nữ mà đã thệ nguyện sẽ ở thân nữ làm bậc toàn giác dụng tánh tự thấy biết thị sắc tức không độ tận chúng sanh si mê nhân ngã nơi ba cõi địa ngục ngạ quỹ súc sanh, nguyện hy sinh xã ly tất cả tánh mạng tuệ giác cho đến tiền bạc, tình cảm thân bằng quyến thuộc hộ trì cho tất cả muôn hạnh chư Phật, chư Bồ Tát viên mãn hạnh nguyện nơi cõi nhân gian .
Người nữ thị hiện là bậc toàn giác viên mãn đức hạnh, viên tròn giác tánh, là bậc vô tu vô chứng đồng hành cùng chân lý nhân quả vận hành nơi tánh tự thấy biết thị sắc tức không như thị chẳng lập cái thấy biết để thấy nó nên chẳng lập danh phận, chẳng lập sắc tướng để thấy người nữ ấy đó vậy.
Ông chớ cho rằng cái thấy người nữ chẳng thể là bậc toàn giác là cái thấy tuyệt đối khi mà nhân tu giác ngộ chẳng phân biệt hình tướng nam nữ và khi mà vì nhân bất bình đẳng đã gieo nơi nhân sinh mà sanh nên lời nguyện mang thân nữ thành tựu bậc toàn giác đó vậy.
Vị này vô lượng kiếp đã gieo nhân hộ trì cho muôn Phật Bồ tát thành tựu viên mãn hạnh nguyện, điển hình là hộ trì cho Phật Thích Ca thành tựu quả vị Phật toàn giác.
Và đã đến lúc nhân duyên hộ trì cho chư Phật hội đủ để trổ quả toàn giác nên chư Phật mười phương hộ trì lại cho vị này trong đời này sẽ thành bậc giải thoát toàn giác, hòng giúp cho tất cả chúng sanh si mê nhân ngã nơi tâm thức nhân sinh quy về bổn giác, giải thoát mọi trói buộc sanh tử mà tự tại bình an nơi vô thường sanh tử đó vậy.
Và khi mà bậc toàn giác xuất hiện tại thế gian chỉ là duyên hỗ trợ cho nhân đã gieo của nhân sinh cõi ta bà đó vậy.


Sau khi đọc xong bài viết của vị đó, cái tôi mới hỏi và vị ấy đáp như sau:

Tôi: Người nữ đó gọi là Bồ tát, khác với Phật toàn giác?
Vị đó: Người nữ đó đã là bồ tát bất thối vô lượng kiếp và kiếp này hội đủ nhân duyên thành bậc giải thoát toàn giác.
Tôi: Chỗ này thì tôi chưa tự thân trải qua nên chưa biết.
Vị đó: Ông chưa đủ tuệ giác để thấu được chổ này bởi ông chẳng phải là người nữ ấy đó. Và chỉ duy nhất người nữ ấy là bậc giải thoát toàn giác bởi lời nguyện mà thôi.

Tôi: Cái vụ mà người nữ thệ nguyện thành quả vị Phật toàn giác trong thân phận người nữ thì tôi không biết nhưng vụ mà một tỳ kheo từng thệ nguyện sẽ đắc quả vị A La hán trong thân phận của một người nữ để khôi phục lại dòng tỳ kheo ni như thời Phật Thích Ca còn tại thế thì tôi biết vụ này đó.


Sự lập trụ cũng như những tế bào ung thư

Rất âm thầm lặng lẽ nhưng lại có sức giết người ghê gớm!
Ai cũng trụ vô tùm lum thứ, nói túm lại là cái gì cũng trụ, nhờ trụ nhiều thứ như vậy nên mới có cái gọi là bản ngã. Trụ càng nhiều thì bản ngã càng cao, càng nguyên tắc, càng bám chặt, càng bấu víu. Mà thường chúng ta hổng ai thấy mình trụ cả, chỉ nghĩ là mình đúng thôi hà. Trụ mà không thấy mình trụ nên mới giống tế bào ung thư là vậy đó.

Sự lập trụ dắt chúng ta loanh quanh miết ở mấy cõi luân hồi hết lên rồi xuống, hết xuống rồi lên, hết khổ rồi sướng, hết sướng rồi khổ.

Hỏi: Vậy làm sao để hết trụ?
Đáp: Đâu cần phải hết trụ. Chỉ cần trụ mà biết mình trụ thì dần dần trụ tự diệt.
Hỏi: Làm sao để biết mình trụ?
Đáp: Tùy mỗi người. Nhưng tôi có hai cách làm sau:

Thứ nhất, khi nào có sự bất như ý/bất mãn/bất đồng ý nổi dậy thì khi ấy có sự lập trụ. Sự bất mãn càng lớn thì sự lập trụ càng chắc. Tại có trụ nên mới có bất mãn.

Thứ hai, đó là mọi câu trả lời cho mọi câu hỏi đều thay đổi theo thời gian. Nếu không thấy có sự thay đổi nghĩa là có sự lập trụ, bám víu rồi đó. Tôi có cách quán sát sự thay đổi của các câu trả lời như sau: Đó là tôi lập một cái blog chuyên đăng những bài mà tôi tâm đắc vào lúc ấy, hay những bài thuyết pháp mà tôi thích, hay những lời giải thích/luận giải/lập luận của tôi về một vấn đề nào đó. Tôi đăng trên blog với hai mục đích: một là để lưu lại và hai là để ai hữu duyên thì vào đọc. Khi lưu lại hết thì một thời gian sau tôi đọc lại hay nghe lại mà vẫn thấy thích thú/tâm đắc với những lời ấy, nghĩa là tôi có sự lập trụ vào những điều đó rồi. Hoặc có những bài viết/thuyết pháp mà lúc đó tôi thấy hổng hay, hổng đúng, một thời gian sau lại thấy khác. Hoặc có bài, lúc đó tôi thấy hiểu theo kiểu này, bây giờ tôi lại thấy lại hiểu theo kiểu khác.

Mọi thứ đều thay đổi theo thời gian, cái gì cũng thay đổi, chỉ có sự đổi thay là không hề thay đổi. Cho nên việc lưu lại blog các bài viết cũng là cách để tôi tự quán sát sự lập trụ của mình đó. Có bài phải mất vài năm tôi mới có cái nhìn khác về nó, có bài thì chỉ trong vòng vài tháng là đã thấy khác, có bài thì vài tuần, có bài thì vài ngày, có bài thậm chí vừa viết xong đã thấy khác.

Hỏi: Cái gì tạo ra cái khác?
Đáp: Nhân duyên. Do nhân này duyên này mình thấy như vậy, do nhân kia duyên kia mình thấy như kia. Nhân duyên luôn thay đổi, không bao giờ đứng yên. Nhân duyên biến đổi thế nào thì mình biến đổi theo thế nấy, gọi là sống thuận nhân duyên. Nhân duyên biến đổi mà mình đứng yên, mình trụ vào cái cũ, mà cái cũ thì đã trôi qua rồi, thành quá khứ rồi, nhưng mình bám vào cái ảo tưởng của mình về cái nấy, bám víu những cái đã trở thành quá khứ, cho nên mình có trụ, mình không theo kịp sự biến đổi của nhân duyên. Mà hễ trụ chỗ nào đi về chỗ đó.


Có nhiều cái trụ chắc lắm, phải mất thời gian rất lâu mới phá vỡ được. Có cái mới trụ thôi thì đã bị phá vỡ mất rồi. Cho nên mỗi người tự quán sát sự lập trụ của chính mình, chứ không ai làm điều ấy giùm cho đâu nha.

Bão đê, bão đê. Bão đổ bộ rồi mọi người ơi!

Nghe tin chuẩn bị có bão cấp 5 đổ bộ vào miền Nam Việt Nam cái tôi kể chuyện này nghe nha mọi người!!!

Có lần nọ, tôi ở Bồ Đề Đạo Tràng, lúc ấy cũng nghe tin có bão chuẩn bị đổ bộ và khu vực tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu là ngay trung tâm bão luôn. Rồi chuẩn bị thiệt hại về người và của đây này.

Có ông sư Việt Nam ổng kêu gọi mọi người đến chùa Việt Nam của ổng để tụng chú Đại Bi nguyên đêm (là cái đêm bão đến) để cầu nguyện cho Bà Rịa – Vũng Tàu nha.

Tôi cũng bon chen đến xem sao, chứ tôi có biết Chú Đại Bi đâu (vậy mà tôi học thuộc cũng nhanh lắm đó, tụng theo kịp mọi người luôn). Mọi người tụng tụng tụng, có người đem nước cho uống để có sức tụng tiếp. Hình như tụng đến khi mệt thì mọi người ngưng để đi ngủ chứ không có tụng nguyên đêm thì phải, tụng đến khuya thôi hà.

Sáng hôm sau, khi mọi người thức dậy chuẩn bị ăn sáng cái ông sư ổng nghe điện thoại của ai đó, rồi báo tin là đêm qua có bão vào tỉnh Bà Rịa thiệt nhưng đi giữa đường nó đổi hướng quay đầu và trút toàn bộ cơn bão xuống biển. Ai nghe xong cũng mừng quá cỡ luôn vì hổng ngờ có vụ bão đổi hướng, hổng phải đổi hướng đi sang tỉnh khác mà là đi thẳng ra giữa biển luôn mới lạ chớ!!!

Tôi còn biết rằng trên thế giới này có nhiều người có cái nguyện vọng ngộ lắm nha mọi người. Suốt ngày ăn xong rồi cái canh nơi nào chuẩn bị có thiên tai là cầu nguyện suốt cho nơi ấy, cầu nguyện giùm đó, chớ hổng ai biết họ cầu nguyện đâu, bởi họ cũng đâu có nói cho ai nghe đâu mà biết. Hễ có tin cấp báo chuẩn bị có “biến” là biết đêm đó có nhiều người hổng có ngủ để đọc chú hay niệm gì gì đó liền hà. Trên thế giới này, nhiều người của nhiều tôn giáo khác nhau hay làm chuyện này lắm, hổng chỉ có đạo Phật không thôi.

Bởi vậy đêm nào cũng an tâm mà ngủ thẳng cẳng đi mọi người, bởi vì mình thì ngủ chứ có nhiều người hổng có ngủ, họ bận thức để cầu nguyện cho mình được bình an đó, đặc biệt là đêm nào chuẩn bị có thiên tai là đêm ấy có vô số người thức trắng để cầu nguyện đó nha!!!!

Cho nên, thế giới này luôn cân bằng là vậy đó, cứ thiên tai càng nhiều thì số lượng người thức trắng để cầu nguyện càng nhiều, hễ cái ác càng lớn thì cái thiện cũng càng lớn theo là vậy đó.


Bởi có gì đâu để lo, cứ an tâm mà ngủ thôi nè!!!

Chủ Nhật, 24 tháng 12, 2017

Nói về thuật ngữ “Phật”


1. Phật nghĩa là tỉnh thức, bất cứ người nào tỉnh thức thì người đó là Phật. Phật là một danh từ chung chỉ cho sự tỉnh thức nhưng do nguyện vọng, sứ mệnh và cách thức giác ngộ khác nhau mà có phân chia ra nhiều kiểu Phật khác nhau như Phật A La Hán, Phật Độc Giác, Bích Chi Phật, Toàn giác Phật.

2. Tất cả các vị Phật, tất cả các bậc giác ngộ đều có sứ mệnh để thực hiện. Khi nào thực sự giác ngộ thì cũng tự giác ngộ luôn những sứ mệnh ấy là gì. Còn nếu chưa thì sẽ chẳng thể nào hình dung ra được vậy. Và vì những sứ mệnh mà họ phải tái sanh ở hình tướng/hoàn cảnh tương ưng để có thể thực hiện những sứ mệnh đặc thù ấy.

Nên nhớ một vị Phật/một bậc giác ngộ là đứa con chung của toàn thể vũ trụ, nhờ sự dung dưỡng của vũ trụ mà đứa con ấy đủ nhân đủ duyên mới có thể ra đời. Cho nên một bậc giác ngộ không phải giác ngộ xong rồi thong thả vui chơi hổng làm gì cả. Vì mình chưa giác ngộ nên mình mới tưởng như vậy, và vì họ làm mà chẳng dính mắc, nên mình tưởng họ không làm gì. Thực ra họ luôn thực hiện những sứ mệnh của họ đấy chứ. Chỉ có bậc giác ngộ mới hiểu được bậc giác ngộ. Khi nào thực sự giác ngộ mới biết đến những sứ mệnh ấy.

3. Mỗi một thời đại chỉ có duy nhất một vị Phật toàn giác mà thôi. Vì sao lại vậy? Vì toàn bộ vũ trụ trong thời điểm ấy chỉ có thể dung chứa 1 vị Phật toàn giác, giống như một thái dương hệ thì chỉ có duy nhất một mặt trời, mỗi con người chỉ có thể có một bộ não. Đó là lý do không thể xuất hiện hai vị Phật toàn giác cùng một thời điểm trong cùng một thời đại. Còn tất cả những vị Phật khác nếu xuất hiện trong cùng thời đại ấy thì họ cũng là Phật, nhưng không phải là Phật toàn giác

4. Tất cả chúng ta đang sống trong thời đại của Phật toàn giác Thích Ca Mâu Ni, đó là Phật toàn giác hiện tại. Ngoài Phật Thích Ca Mâu Ni là Phật hiện tại thì có các vị Phật toàn giác của quá khứ và các vị Phật toàn giác của tương lai.

5. Phật toàn giác phải mang thân tướng người nam vì Phật toàn giác có những sứ mệnh phải thực hiện mà thân người nữ không thể làm được. Cho nên tất cả Bồ tát, A La Hán hay các danh hiệu Phật khác khi đến kiếp cuối, là kiếp giác ngộ thành Phật toàn giác đều phải tái sanh dưới thân tướng người nam là vậy đó.

6. Đây là thời đại đắc pháp của nữ giới nên một người nữ có thể giác ngộ thành Phật, nghĩa là tỉnh thức, nhưng người nữ đó không thể là Phật toàn giác được.


7. Phật toàn giác là gì? Phật toàn giác nghĩa là người tỉnh thức ĐÃ trải nghiệm tất cả các pháp thế gian, không loại trừ một pháp nào cả. Còn tất cả các danh hiệu Phật khác ĐANG trong quá trình trải nghiệm pháp thế gian, chứ chưa hoàn thành việc trải nghiệm ấy.

Thứ Bảy, 23 tháng 12, 2017

Thế nào là “trở về ngay thực tại, an lạc ngay tại đây, điềm đạm và thong thả, chẳng việc chi rộn ràng, tùy nghi mà vui chơi”?

Điềm đạm và thong thà trong mọi bối cảnh, trong mọi hoàn cảnh, trong mọi tình huống sống thì ấy mới thực sự là điềm đạm và thong thả, chẳng việc chi rộn ràng đó vậy.

Điềm đạm và thong thả lúc lên voi cũng như khi xuống chó.
Điềm đạm và thong thả lúc mặt trời mọc cũng như lúc mặt trời lặn.
Điềm đạm và thong thả lúc thành cũng như lúc bại.
Điềm đạm và thong thả lúc được cũng như lúc mất.
Điềm đạm và thong thả lúc vui cũng như lúc buồn.
Điềm đạm và thong thả lúc được khen cũng như lúc được chê.
Điềm đạm và thong thả lúc thoải mái cũng như lúc không thoải mái.
……………….
Chỉ khi nào trải qua mọi bối cảnh sống, mọi tình huống sống, khi thuận khi chướng, thì mới thực sự trải nghiệm cái được gọi là điềm đạm và thong thả đó vậy.


Thế nào là CƯỚC CĂN ĐIỂM ĐỊA?

Cước căn điểm địa nghĩa là chân lúc nào cũng ở trên mặt đất.
Thế nào là chân lúc nào cũng ở trên mặt đất?
·       Đó là luôn biết mình nói gì, luôn biết mình nghĩ gì, luôn biết mình làm gì. Hằng biết như vậy thì gọi là cước căn điểm địa.
·       Đó là đứng ở chỗ nào chỉ nói ở chỗ nấy, không nói quá chỗ đứng của mình. Nói quá chỗ đứng thì bị hổng chân. Hổng chân thì cước căn không điểm địa đó vậy. Còn gọi là ảo tưởng/điên đảo tưởng.

Vì những lý do này và để cho thiền sinh luôn cước căn điểm địa mà các trường thiền thường có quy định: Luôn giữ im lặng, không được nói chuyện với ai, ngoại trừ nói chuyện với chính mình và nói với chính thiền sư dạy thiền. Ngoài ra còn có quy định: không được đọc bất cứ sách vở nào cả. Vì khi đọc sách vở thì dễ bị ghim kiến thức và từ đó sanh ra ảo tưởng, rồi khi ngồi thiền ảo tưởng rằng mình đã làm được, mình đã chứng được những cái mình chưa thực sự làm được, những cái mình chưa thật sự chứng được.

Đặc biệt nhất là việc chứng từ sơ thiền đến tứ thiền, không nên biết trước các tầng chứng này. Rất dễ rơi vào ảo tưởng. Cho nên không nên đọc trước, khi thiền thì chỉ biết thiền, thấy gì thì trình lại cho thiền sư dạy thiền biết. Thiền sư dạy thiền chỉ ghi nhận chứ họ cũng chẳng cho mình biết mình đang ở tầng chứng nào đâu. Vì như thế sẽ sanh ngã mạn.

Túm cái ý lại, hằng ở trong trạng thái cước căn điểm địa để đối trị lại cái Ta luôn ảo tưởng và thường tạo ảo giác là như vậy đó.


Tập khí chia phe/kết bè

Người tu đạo cũng y như người đời, nghĩa là cùng tôn giáo cùng tông phái cùng thầy là cùng phe, rồi cùng ý tưởng cùng suy tưởng là cùng phe. Hễ ai cùng phe mình thì nói gì mình cũng thấy đúng, làm gì cũng hay, mình ca tụng, khen ngợi, còn ai không cùng phe thì mình chỉ trích chê bai. Một mình mình khen tụng thì chưa xi nhê nên mình tìm đồng bọn để cùng khen. Một mình mình chê bai chưa có xi nhê nên tìm đồng bọn để ném đá, dìm cho chết kẻ nào dám không cùng phe với mình. Đó là nhân A Tu La ấy vậy.

Này các ông, khi nào các ông còn thấy mình đúng người sai, mình chánh người tà, mình hiền người dữ, mình giác ngộ người vô minh, mình sáng láng người ngu si,…..thì khi ấy các ông còn mãi vào ra cõi A Tu La ấy vậy. Vì kết bè kết đảng chia phe chia nhóm là nhân cho A Tu La. Cho nên cõi A Tu La thường xuyên có chiến tranh là thế đó.

Còn chia phe, còn kết bè thì còn chưa vào được Bình Đẳng Tánh, còn chưa vào được Bình Đẳng Tánh thì còn ra vào cõi A Tu La thường xuyên đó vậy.

Đã là đại bàng thì không cần tiếng cổ vũ vẫn vút cánh bay cao.
Đã là voi chúa thì không cần bầy đàn vẫn hiên ngang đi lại chốn rừng sâu.
Đã là sư tử chúa thì không cần vây cánh vẫn cất tiếng gầm oai vệ khắp non cao.
Ấy là những phẩm chất của bậc giác ngộ đó vậy.


Thứ Sáu, 22 tháng 12, 2017

Thế nào là không thêm không bớt, không tăng không giảm, không nhơ không sạch?

Tất cả mọi việc diễn ra đều do đủ nhân đủ duyên, không theo ý muốn của bất kì ai cả. Vì vậy nên tất cả đều đúng, đều tròn đầy, đều viên mãn theo đúng nhân duyên của chính nó, không thể thêm cũng không thể bớt, không thể tăng cũng không thể giảm, không thể sạch cũng không thể nhơ.

Vậy cái thêm, cái bớt, cái tăng, cái giảm, cái nhơ, cái sạch đến từ đâu? Những cái ấy đến từ khởi ý, nói cách khác là đến từ tâm phán xét, không liên quan gì đến sự kiện hay sự vật cả.

Kể chuyện tôi từng thấy Phật nha mọi người!

Hồi lúc tôi còn nhỏ, nhà tôi hổng có thờ Phật, trong nhà có bàn thờ Quán Âm Bồ tát thôi. Còn hình ảnh Phật này nọ thì đi ngang chùa hay xem trên ti vi có thấy thì có biết. Mà nhà tôi cũng hổng có đi chùa Phật gì đâu nha. Phật tại tâm nên đến chùa chi hihi. Ai cũng lo việc sinh sống hoặc học tập cả, hổng có quỡn mà đi chùa này nọ.

Túm lại tôi hầu như chẳng bao giờ bước chân đến chùa. Mà nói đến chùa tự dưng thấy có vẻ trang nghiêm sao sao nên hổng có tự đến mà cũng hổng ai dắt đến mà cũng hổng khoái đến. Ở nhà chơi với mèo sướng hơn. Nhà tôi lúc nào cũng có mèo và tôi có nick là Chúa Mèo vì tôi toàn chơi với mèo, nói chuyện với mèo, và ngủ cùng mèo.

Năm đó tôi học lớp 12. Tôi ở trong đội tuyển của trường để đi thi môn tiếng Anh toàn quốc. Tôi không phải là giỏi tiếng Anh nhất đội, mà có mấy bạn giỏi hơn nhiều, nên ai cũng hy vọng mấy bạn ấy đạt giải. Tôi cũng học bài ôn thi như mọi người chứ hổng có lười biếng. Tôi còn tự mua sách về tham khảo thêm này nọ. Túm lại là siêng học lắm, dù thi là thi chứ hổng phải thi để đậu này nọ nhưng hễ học là học cho nghiêm túc đàng hoàng.

Tối hôm ấy, tôi học ở trung tâm ngoại ngữ chuyên dạy giáo trình Streamline về, khoảng 7h tối. Mệt quá nên tôi nằm dài dưới đất để nghỉ ngơi trước khi dậy làm cho xong bài tập làm văn để sáng hôm sau nộp.

Phòng tôi ở trên lầu 1. Từ chỗ tôi nằm nhìn ra là ban công, bên ngoài ban công là mái nhà (hồi nhỏ leo ra mái nhà chơi hoài hà). Tôi nằm thư giản mắt nhìn ra mái nhà, cái tôi thấy cái đèn đỏ nhấp nháy ở ngoài sân banh nha mọi người. Sân banh có  trụ cột rất cao nên gắn đèn để ban đêm máy bay bay ngang thì tránh hổng có lủi vô đó. Rõ ràng là tôi không có ngủ nha. Tôi nằm nghỉ mệt thôi, tôi nhìn hoài cái đèn đỏ đỏ chớp chớp từ phía xa, nhìn chơi chơi thôi vì mọi hôm vẫn nhìn, có thấy gì hay đâu, nhưng hôm ấy lại nhìn hoài hổng rời mắt, thấy sao nó chớp chớp ngộ quá. Tôi nhìn miết, nhìn miết rồi cái đèn mất tiêu mà thay vào đó là một cỗ xe do tuần lộc kéo, cỗ xe chạy thẳng về phía tôi, trên xe là ông Phật. Cỗ xe thoáng cái ở ngay trên mái nhà bên ngoài ban công. Rồi tự dưng tôi thấy tôi đứng dậy tiến lại phía ổng, mà tôi tiến đến rồi đứng thôi chứ còn hổng biết là gặp Phật thì phải quỳ xuống đảnh lễ này nọ nên tôi đứng xổng, với lại lúc ấy tôi ngạc nhiên kinh khủng luôn, chưa kịp ý thức việc gì đang xảy ra. Ông Phật tay cầm bình nước giống y chang bình nước của Quán Âm, tay cầm nhành dương xỉ. Ổng rải lên đầu tôi 3 giọt nước. Tôi thấy rất rõ là ba giọt nước luôn nha mọi người. Ba giọt thấm nhanh vào đầu tôi y như đất cằn mà gặp nước hay sa mạc đang khô khốc mà gặp nước. Nước thấm cực nhanh nên tôi càng kinh ngạc. Xong, ổng lên xe và chiếc xe biến mất trên mái nhà bên cạnh. Tôi kinh ngạc vì mọi chuyện xảy ra chớp choáng, tôi không kịp ý thức gì cả, thậm chí ngay cả lời ú ớ cũng không có cơ hội mà thốt ra luôn. Lúc ấy tôi chợt giật mình một cái, vẫn đang nằm trên sàn, tôi phóng véo ra ngoài ban công nhìn theo hướng chiếc xe vừa biến mất, hổng thấy gì cả, một màn đêm u tối trước mặt. Quay trở vào phòng mà tôi còn chưa hết bàng hoàng, tôi thấy rõ ràng là tôi không có ngủ, vẫn tỉnh như sáo nên tôi mới vọt lẹ ra ban công để ngó theo chiếc xe được chớ. Nhưng nếu tôi không ngủ thì tại sao sau khi mọi chuyện xảy ra xong thì tôi lại nằm trên sàn chứ hổng có đứng chỗ ban công. Trùi, lúc đó tôi mới có 18 tuổi thôi, có biết gì đâu, hổng biết gì về đạo Phật hay tôn giáo gì cả.

Vài ngày sau tôi đi thi học sinh giỏi tiếng Anh toàn quốc và đậu giải nhì nha mọi người. Tôi trở thành người đầu tiên của tỉnh đạt giải cho môn Tiếng Anh luôn đó. Những đứa giỏi hơn tôi nhiều thì đạt giải khuyến khích. Tôi đạt giải mà ai cũng ngạc nhiên ngay cả tôi, vì tôi chỉ cần đạt giải khuyến khích là đủ rồi, vậy mà đạt giải nhì luôn. Rồi tôi được tuyển thẳng vào đại học. Đó là lý do tôi hổng biết không khí thi đại học là thế nào cả, vì có thi đâu mà biết, dân tuyển thẳng mừ.

Khi tôi kể chuyện về việc gặp Phật và được rải lên đầu 3 giọt nước cho giáo viên tiếng Anh nghe, cái cổ nói nhờ có Phật gia hộ nên tôi đạt giải đó. Cổ nói vậy là tôi tin liền.

Túm lại, chuyện tôi từng gặp Phật là vậy đó.

Còn chuyện nữa, hổng phải là chuyện gặp Phật mà là chuyện ở Bồ Đề Đạo Tràng. Đó là lần thứ hai tôi đến Bồ Đề Đạo Tràng. Hôm đó tôi cũng bắt chước mọi người ở lại khuôn viên cây Bồ đề vào ban đêm. Mọi người ở lại để ngồi thiền còn tôi đâu biết ngồi thiền đâu, nên tôi đi lạy Phật, lúc đó bị cái ghiền lạy Phật mừ. Mọi người dặn đi dặn lại là vào đó ban đêm thì tận dụng cơ hội để ngồi thiền hay thức chứ đừng có ngủ, muốn ngủ thì về phòng mà ngủ, ai lại đến đó ngủ bao giờ. Họ còn bảo khoảng 1-2h sáng là giờ chư Phật thuyết pháp cho chư thiên cho nên nếu thiền vào lúc đó mà may mắn có thể dự được buổi thuyết pháp đó luôn đó. Họ nói vậy thì nghe vậy thôi chứ tôi có biết cái gì đâu. Tôi mang theo lều vào, vì lúc đó mùa hè nên hơi nóng và muỗi nhiều lắm. Nghe họ nói cũng ham nhưng tôi mê ngủ nên hổng chắc là mình thức nổi đâu nha.

Tôi vào đó, tôi lạy Phật xong, cái nghỉ ngơi uống nước này nọ chờ 1-2h sáng để nghe Phật thuyết pháp cho chư thiên, dù hổng nghĩ mình có thể nghe được nhưng được dựa hơi cũng sướng. Vậy mà ngồi một hồi, cái thấy mệt sau khi đi tam bộ nhất bái cộng thêm sự im lặng cùng bóng tối quyến rũ cơn buồn ngủ, cái tôi đi theo tiếng gọi hoang dã là căng lều lên rồi chui vào đó ngủ luôn cho rồi. Ai mộ đạo thì ráng thức đi, còn tôi mộ ngủ nên tôi đi ngủ hihi.

Trong giấc ngủ thì tôi nằm mơ và giấc mơ ấy không bao giờ lặp lại lần 2 đâu nha mọi người. Tôi thấy tôi nằm ngủ dưới gốc bồ đề, tôi ngước mắt nhìn lên thì tán lá bồ đề trên đầu tôi lấp lánh ánh vàng, giống như có người đem vàng treo lên đó vậy đó. Toàn là vàng không hà, nguyên mảng vàng y như tấm vải được giắt lên tán cây, và lấp la lấp lánh. Chỉ thấy thoáng vậy rồi thôi, tôi ngủ tiếp đến lúc bị đuổi, 4h sáng thì ai cũng phải dậy sửa soạn ra về để nhường chỗ cho người khác vào cúng sớm. Sao tôi nghi cái lúc tôi thấy vàng là lúc chư Phật thuyết pháp nên chư thiên mới giăng vàng lên cây trang trí để đón Phật quá! Túm lại dù lo ngủ hổng nghe thuyết pháp được nhưng cũng được hưởng ké tí hơi là đủ rồi. Lúc đó tôi cũng có biết gì đâu, còn không biệt được là ông A Di Đà và ông Thích Ca là hai ông khác nhau nữa chớ, cứ tưởng hễ Phật là giống nhau, đều là A Di Đà hết. Ngu ngơ dễ thương ghê chưa!!!! Kệ, dù sao cũng được hưởng ké duyên vậy đủ rồi hihi.
P.s Thời đó Bồ Đề Đạo Tràng chưa bị ném bom khủng bố nên an nình còn lỏng lẻo, ai muốn ở lại ban đêm thì đăng kí là được. Còn bây giờ thì khó lắm đó. Nghe nói là phải trường hợp đặc biệt lắm mới được đặc cách cho ở lại ban đêm, chứ không còn thoải mái như xưa nữa rồi.


Bởi vậy tôi nói rồi, hễ thấy đủ duyên làm gì thì làm đi, đừng có nấn ná này nọ, tất cả mọi thứ đều thay đổi theo thời gian, hổng có giống y chang vậy hoài được đâu. Bởi ai đủ duyên đi Ấn độ thì khăn gói đi liền đi, visa đang dễ nè. Biết đâu ngày mai có chiến tranh, họ đóng cửa hổng cho mình vào hổng chừng nữa đó nha mọi người hihi