Thứ Sáu, 26 tháng 1, 2018

Về việc ăn Ngũ Vị Tân


Trên một diễn đàn ăn chay có người đưa ra câu hỏi sau:

“Hôm trước giao hàng cho chị khách, ông xã chị ấy cầm hộp lạc rang tỏi ớt này lên và phán:
- Ăn chay mà lại có tỏi?
Mình bảo anh ý là:
- Người ăn chay là người ăn các loại cây cỏ để tránh sát sinh, tỏi là thực vật và còn là loại thảo dược chữa bệnh rất tốt. Tỏi nặng mùi nên người đi chùa không muốn dùng vì sợ hôi. Thêm nữa, người đi tu không dùng tỏi để hạn chế ham muốn sex. Người ăn chay mà không đi chùa hoặc không đi tu thì tại sao phải kiêng tỏi?
Không biết suy nghĩ của em thế có chuẩn không? Nhờ các chuyên gia ăn chay chỉ giáo với!!!”

Mọi người trả lời như sau:
·       Tỏi là kháng sinh tự nhiên tốt cho sức khỏe
·       Hành, hẹ, tỏi, kiệu, rau dấp cá thì đối với người tu hành nên tránh vì sẽ làm gia tăng sự dâm dục. 
·       Tỏi giúp tăng cường sức đề kháng và là kháng sinh tự nhiên. Người khoẻ thì cái gì chả ham! 
Mình nghĩ ăn chay không vì tôn giáo thì ăn tỏi ko sao. Chồng mình theo đạo Phật, có nói rằng có 1 tích cho rằng tỏi là cây mọc lên từ đĩa thịt chó, nên người theo đạo Phật khi ăn chay mà kỹ thì nta ko ăn tỏi.
·       Mình cũng ăn chay vì sức khỏe nên vẫn ăn tỏi ớt..
·       Mình ăn chay chỉ vì thích ăn chay, nên cứ ăn các gia vị như tỏi, hành vô tư, và chúng thật sự rất ngon
·       Hành tỏi hẹ gây nhiều ham muốn và tạo mùi cơ thể khó thanh tịnh nên người xuất gia không ăn.


Có bạn còn cho đường link vào một bài viết, trong đó có nói: "Điều này, người tu theo Mật giáo, chuyên trì chú, thì tuyệt đối không được ăn. Vì ăn những loại nầy, sự trì chú sẽ không được linh nghiệm. Nhưng đối với những người tu theo Hiển giáo, thì có khác. Vì Hiển giáo không chú trọng vào sự trì chú, nên Phật không có cấm một cách tuyệt đối." 

Lời bình của tôi về vấn đề này là vầy:

Xứ Ấn độ ăn củ hành như ăn trái cây, nấu cái gì họ cũng cho củ hành vào, cấm ăn củ hành thì có khi họ chẳng biết nấu nướng ra làm sao luôn đó. Củ hành Ấn độ có vị ngọt ngọt nên họ hay ăn sống giống như mình ăn sống cà chua chín đỏ hay ăn sống dưa leo vậy đó.

Nhưng mà cái giai đoạn tôi ở trong khóa thiền ở trung tâm thiền Goenka, tự nhiên cơ thể nóng đổ lửa, mắt đổ ghèn nặng, thậm chí chảy máu cam, ho như bị lao phổi. Tôi phải tự làm mát cơ thể lại. Uống nước chanh không đường mỗi ngày. Tôi chỉ ăn được cơm trắng với rau củ luộc. Ngoài ra không ăn uống thêm bất cứ món gì khác. Vậy là mắt không bị ghèn và không bị ho nữa. Mà cứ hôm nào thèm thức ăn, tôi ăn chỉ một miếng thức ăn nấu nướng có gia vị là mắt lại đổ ghèn và lại tiếp tục ho bể phổi. Thậm chí sau khi ra khỏi khóa thiền, nguyên cả thời gian sau đó tôi cũng không thể đụng đến gia vị được. Hễ đụng đến là cơ thể tôi bị nóng trở lại liền hà.

Hình như những người khác không có ai bị giống tôi, tôi là người duy nhất bị nóng dữ dội như vậy thì phải. Tự nhiên trong suốt khóa thiền và ngay cả thời gian sau đó, tôi buộc phải ăn thức ăn chế biến đơn giản như ăn sống (trái cây) hoặc luộc chín (rau củ), không có một chút gia vị gì cả, ăn cùng cơm trắng.

Cái này giống như cơ thể xổ ra những uế trược nên không thể tiếp nhận trở lại được. Nếu cố ép thì sẽ xổ ra bằng những đường khác như mắt đổ ghèn, ho dữ dội, đổ máu cam, người nóng phừng phừng,…..

Túm lại, sau khi học xong khóa thiền Goenka, cơ thể tôi thành ra tinh khiết luôn rồi.

Vài tháng sau khi ngưng thiền thì ăn uống trở lại bình thường. Cơ thể không bị nóng sau khi ăn gia vị nữa. Vậy là trở lại thành người phàm hehehehe.


Sau sự kiện ấy thì tôi hiểu luôn, vì sao người tu không nên ăn gia vị. Cái này tự hiểu thông qua trải nghiệm thực tế chứ hổng phải do kiêng cử hay bị buộc phải theo giới luật gì cả. 

Thứ Hai, 22 tháng 1, 2018

Dưỡng sinh thực vật để khỏe mạnh trường thọ

Mọi người vào đường link này để tải toàn bộ quyển sách gồm có 89 trang về dinh dưỡng thực vật để học cách ăn chay cho đúng cách. Có vô số người ăn chay hàng năm trời và bị vô số bệnh. Bị bệnh là do ăn chay không đúng cách chứ không phải do ăn chay nên bệnh đâu nha mọi người. Muốn biết làm thế nào để ăn chay đúng cách thì tải sách về đọc và áp dụng vào cuộc sống của mình đi nha.

Ăn chay chuyển hóa được tướng yểu

Bài này chôm ở đây!

Nampoku Mizouno là một nhà chiêm tinh người Nhật nổi tiếng trên thế giới. Ngay từ nhỏ, gia đình xin cho ông được vào tu ở chùa. Sư trụ trì thấy ông dung mạo xấu xí, lại có tướng yểu nên đã từ chối. Nhưng vì gia đình ông quá nghèo không thể nuôi nổi nên nhà chùa chỉ nhận nuôi ông làm phước, sắp xếp cho ông ăn ở sau hậu liêu phụ trách công việc giã gạo hàng ngày…

Ông làm việc rất chăm chỉ, không sai sót điều gì nên ai cũng thương. Ông biết tướng mạo xấu xí hèn mọn của mình mà được nhà chùa nuôi cơm, tương chao chay lạt ngày hai bữa là may lắm rồi. Mãi đến ba năm sau, sư trụ trì tình cờ xuống hậu liêu mới gặp lại Nampoku Mizouno, lúc này ông đã trở thành một chú tiểu to khỏe đẹp hẳn ra khiến sư vô cùng ngạc nhiên vì cái tướng yểu của Nampoku đã biến mất. Sư tò mò hỏi Nampoku: “Từ lúc vào chùa đến giờ con có làm thêm điều thiện gì không?”. Nampoku thật thà trả lời dứt khoát: “Bạch thầy, không ạ”.  

Ông Nampoku đã bộc bạch trong cuốn Tự truyện, nhờ ở chùa ăn chay trường tương chao rất đạm bạc trong nhiêu năm đã cứu giúp cho cái tướng yểu của ông biến mất. Mặc dù chỉ được phép ở sau hậu liêu nhưng ông đã nghe và thấu hiểu rất nhiều kinh qua những buổi lễ, lời kinh từ chánh điện vọng xuống giúp cho ông mở mang thêm trí tuê. Khi trưởng thành, vì không có duyên làm tu sĩ, ông đã cất công nghiên cứu về tướng số và sau này ông trở thành một chiêm tinh gia nổi tiếng thế giới với cuốn sách để đời Sampaku (Tam bạch bản), trong đó có tiên đoán cuộc đời của Tổng thống Kennedy, Ngô Đình Diệm… sẽ bị bất đắc kỳ tử khi hai vị này đang còn sống. Về sau đúng như lời tiên đoán cho cả hai vị này.

Ông Nampoku Mizouno sống thọ vượt qua được cái tuổi cổ lai hy. Vì thế chúng ta cần tin tưởng vào cái đức, ăn chay có thể chuyển hóa được tướng yểu.
(Theo Tự truyện của Nampoku Mizouno)

BÀI HỌC ĐẠO LÝ:
      Đây là một câu chuyện hoàn toàn có thật. Sau khi vào chùa ăn chay trường đạm bạc cơm gạo với tương chao rau cỏ, tướng yểu của Nampoku Mizouno đã hoàn toàn biến mất, để sau này ông đã trở thành một chiêm tinh gia lỗi lạc nổi tiếng khắp hoàn cầu. 
Chuyện Sa di cứu kiến trong kinh Phật có nói về chú Sa di cứu một đàn kiến đang gặp nạn, đã chuyển được yểu mệnh của chú. Cứu sống một đàn kiến hàng ngàn con tức là làm một việc thiện lớn, chuyển được nghiệp. Vậy thì ăn chay cũng là một cách gieo nghiệp lành vì tránh cho nhiều loài vật khỏi bị sát hại cũng chuyển được nghiệp. 
Những nghiên cứu của các nhà khoa học cho biết loài vật cũng có tình cảm, trí thông minh, ham sống sợ chết, cũng cảm nhận được sự đau đớn về thể xác, kinh hoàng la hét trước khi bị hành quyết như con người vậy. Chính vì thế, Đức Phật đã dạy chúng ta nên ăn chay để khỏi phạm vào giới sát, biết tôn quý sự sống của hết thảy chúng sanh. Chúng ta tôn quý sự sống của con người bao nhiêu thì nên bảo vệ thương yêu loài vât bấy nhiêu, bởi vì chúng cũng được tạo hóa sinh ra và có quyền sống bình đẳng như các loài hữu tình khác.
Ăn chay sẽ làm cho thân thể chúng ta được nhẹ nhàng bằng những thức ăn rau quả thanh đạm. "Quả đất này đã cung cấp cho chúng ta rất nhiều thức ăn vô tội, đã khoản đãi chúng ta bằng những bữa tiệc không can dự vào máu” (Pythagore). Thức ăn nuôi sống con người và có thể làm thay đổi tính cách con người. “Sự sát sanh đã làm cho những người vốn có một tâm hồn cao thượng, có lòng vị tha đối với mọi người như đối với bản thân mình, trở thành những kẻ hung bạo” (Tolstoi). 
Vì vậy, một khi chúng ta đã chọn con đường ăn chay để tránh sát sanh thì sức khỏe sẽ được cải thiện và chúng ta sẽ trở nên một con người hiền lành, có đạo đức hơn, kéo dài tuổi thọ; tức là chuyển nghiệp dữ thành nghiệp lành như câu chuyện có thật ở trên. Chúng ta có thể cảm nhận được ý tưởng thông điệp của nhà chiêm tinh tài danh Nampoku Mizouno: Ăn chay chuyển hóa được tướng yểu.


LÊ ĐÀN

Bạn có đang bị ngành Công nghiệp sữa "tẩy não"?

Bài này chôm ở đây!

Mình ăn chay không sử dụng sữa động vật, vì lý do đó là sản phẩm của bạo hành, giết hại:
Giết bê con, tiêm tinh trùng (hiếp dâm) bò mẹ, bắt bò mẹ mang thai liên tục để có sữa,.. Sữa thời nay chứa đầy máu và nước mắt, là một sản phẩm độc ác không kém gì thịt.

Hormone estrogen cao gấp 30 lần con người trong sữa bò là nguyên nhân chính gây dậy thì sớm ở trẻ nhỏ, loãng xương ở người lớn, kích hoạt ung thư.

Trước kia, mình cũng từng bị tẩy não đấy: uống sữa để cao lớn, khỏe mạnh. Đến khi tìm ra sự thật, nói thì người ta bảo mình.. dở hơi. Đây là bài báo rất hay, mình xin phép tác giả, người tổng hợp và báo được đăng lại ạ. Mình rất mong tất cả chúng ta luôn là những người ăn chay giàu tình thương và khỏe mạnh, để đồng hành cùng nhau trên con đường an lành ạ!
"Đã đến lúc nên phơi bày những sự thật về ngành công nghiệp sữa bò và dũng cảm đối mặt với nó. Thuốc đắng thì giã tật – Còn sự thật này tuy có thể làm bạn mất lòng nhưng chắc chắn sẽ giúp bạn có một đời sống dinh dưỡng lành mạnh và hiểu biết về sữa một cách tỉnh táo hơn.
Có thể bạn chưa biết:

1. Nước nào tiêu thụ sữa nhiều nhất ? – Mỹ.
Nước nào tỉ lệ loãng xương cao nhất ? – Mỹ.
2. Nước nào tiêu thụ sữa nhiều thứ hai ? – Anh.
Nước nào tỉ lệ loãng xương cao thứ hai ? – Anh.
3. Nước nào tiêu thụ sữa nhiều thứ ba ? – Thụy Điển.
Nước nào tỉ lệ loãng xương cao thứ ba ? – Thụy Điển.

Bạn thấy đấy, thống kê chỉ ra top 3 nước tiêu thụ sữa nhiều nhất lại là top 3 nước dẫn đầu về tỉ lệ loãng xương. Điều đó chứng minh một thực tế: Chúng ta đang vướng phải đầy rẫy lầm tưởng về ngành công nghiệp sữa.
Ly sữa bạn và gia đình uống mỗi ngày rất có thể không tốt đẹp như bạn tưởng
Bạn đang bị “tẩy não” bởi ngành công nghiệp sữa!

Tôi có thể cũng giống như bạn. Sinh ra và lớn lên, phát triển trong một môi trường mà “uống sữa rất tốt” là một chân lí không ai bàn cãi thêm nữa. Trong kí ức của tôi thời còn bé đi học, bữa sáng bình thường của một đứa trẻ con là “chiếc bánh ngọt và một hộp sữa”.

Hễ nhắc đến sữa, chúng ta sẽ lập tức nghĩ đến những lợi ích điển hình: sữa giúp phát triển trí tuệ và chiều cao của trẻ nhỏ; sữa bổ sung canxi khiến xương chắc khỏe – chống loãng xương; sữa có nhiều vitamin D, giàu protein, giàu dưỡng chất. Đi kèm đó là hình ảnh những chú bò sữa dễ thương trong các video quảng cáo đang nhảy múa trên cánh đồng cỏ xanh mướt, hát những khúc nhạc tinh nghịch rất hấp dẫn với các bạn nhỏ. Những điều này cứ xảy ra “rất vô tình”, tạo thành một niềm tin vững chắc cho mọi người, rằng “uống sữa đem lại rất nhiều lợi ích”.
Nhưng bạn đã từng một lần tự hỏi: Ai/Cái gì đã dạy mình rằng sữa là tốt, sữa là cần thiết? Liệu có phải là TV, là quảng cáo của các nhãn sữa?
Nếu câu trả lời là “có”, vậy thì xin chia buồn: Bạn đã bị ngành công nghiệp sữa “tẩy não” thành công.
Thành thật chia buồn với bạn...

Bạn XỨNG ĐÁNG được biết sự thật

Sự thật là những thông tin khoa học đáng tin cậy được nghiên cứu bởi các bác sĩ/chuyên gia dinh dưỡng trên toàn thế giới. Luôn luôn có những số liệu thống kê chi tiết và rõ ràng. Sự thật là thứ không sinh ra để nịnh nọt vốn hiểu biết của bạn, nó khiến bạn phải đặt câu hỏi. Cho dù bạn không muốn, nhưng nhiều khi, sự thật sẽ phô bày những điều đi ngược lại hoàn toàn với những gì bạn đã biết.
Sự thật thứ nhất: “Loài người là loài DUY NHẤT uống sữa của một loài động vật khác.”
Năm 2014, Aaron E. Carroll – giáo sư nhi khoa tại trường Đại học Y khoa Idiana viết trên tờ New York Times rằng chúng ta cũng chính là loài động vật có vú duy nhất trên hành tinh tiêu thụ sữa sau giai đoạn sơ sinh (thậm chí là với số lượng lớn).
Đây là một điều bất thường. Nhưng nhờ vào hàng tỷ đô chi trả cho quảng cáo qua rất nhiều năm, như được một dòng mật rót vào tai, chúng ta bắt đầu chấp nhận những thông tin ấy và coi đó là một điều hết sức tự nhiên. Steve Jobs đã từng nhắc đến ngành công nghiệp sữa như sau:
“Ngành công nghiệp sữa bỏ ra 20 năm để thuyết phục bạn: sữa tốt cho bạn. Đó là sự lừa phỉnh, nhưng họ vẫn cứ làm”.

Đúng vậy, ngành công nghiệp sữa không đẹp đẽ và nên thơ như những gì bạn cùng các con xem trong các chương trình quảng cáo. Bò sữa được miêu tả như là một loài “sống để mang thai – sinh ra để chết”. 12 tháng tuổi, bò sữa được áp dụng các biện pháp nhân tạo để có thể liên tục mang thai, liên tục có sữa. Khi một con bê con được sinh ra, nó ngay lập tức bị tách ra khỏi bò mẹ. Nếu nó là con đực, số phận nó sẽ nằm trong lò mổ. Nếu là con cái, tiếp tục vòng đời kiệt quệ vì mang thai như mẹ nó. Cuối cùng, khi một con bò sữa đã hết giá trị mang lại nguồn sữa, nó cũng sẽ chịu chung số phận trong lò mổ. Chỉ cần lên Youtube tìm một vài từ khóa, bạn có thể xem vô số những video quay hết những quá trình “man rợ” này. Có thể bạn sẽ ngay lập tức vứt hết các chai/hộp sữa đang có trong nhà đi, tôi xin cảnh báo trước! Như vậy, thứ sữa của con bò mẹ đáng lẽ đứa con của nó phải được hưởng. Nhưng KHÔNG! Là con người. Điều này có mảy may khiến bạn phải suy nghĩ?

Điều này có mảy may khiến bạn phải suy nghĩ?
Sự thật thứ hai: Cơ thể của con người không thể dung nạp được lactose có trong sữa bò
75% dân số hiện nay “bị” Lactose Intolerance (rối loạn tiêu hóa do không tiêu hóa được lactose - một loại carbonhydrate có trong sữa bò). Đây là một điều hết sức tự nhiên bởi con người vốn không có Enzyme Lactase để có thể tiêu hóa được đường lactose có trong sữa bò. Khiến cho phần lớn chúng ta khi uống sữa bò sẽ có nhiều triệu chứng khó tiêu, ợ chua và thậm chí tiêu chảy.
Câu hỏi đặt ra là tại sao bạn và những người khác uống sữa bò mà không làm sao? Đó là bởi ngành công nghiệp sữa đã nghĩ ra một giải pháp thương mại rất “thông minh”, đó là trộn thêm enzyme lactase nhân tạo vào sữa mà bạn uống để giúp bạn tiêu hóa được đường Lactose.
Và giải pháp của các nhãn sữa là trộn thêm Enzyme Lactase nhân tạo - chất dùng để điều trị tiêu hóa với vô số tác dụng phụ khó lường
Sự thật thứ ba: Sữa có nhiễm nhiều chất từ hormones tự nhiên vốn có trong bò cho đến thuốc trừ sâu
Thậm chí để tăng năng suất sữa, các tập đoàn sữa lại nghĩ ra giải pháp khác thông minh không kém đó là sử dụng hormone tăng trưởng tái tổ hợp (recombinant bovine growth hormones- BGH). Khi những thứ hormone này được đưa vào cơ thể người, có thể dẫn đến sự rối loạn hormones, nguyên nhân chính của hàng loạt căn bệnh.
Không thể tin được "thuốc trừ sâu" lại có trong ly sữa ngon lành

Sự thật thứ tư: Uống sữa không hề giúp tăng khả năng miễn dịch
Bò được cấy rất nhiều kháng sinh (antibiotics) để chữa các triệu chứng viêm vú (martitis), viêm tuyến vú (mammary glands) và các loại viêm khác không thể tránh khỏi trong quá trình “sản xuất” sữa .

Biện pháp này được sử dụng thường xuyên trong ngành công nghiệp sữa. Khi người uống sữa bò được tiêm và cấy kháng sinh, khả năng miễn dịch và độ nhạy kháng sinh trong tương lai sẽ giảm đáng kể.
Xin chia buồn vì bạn đã bị lừa quá lâu
Sự thật thứ năm: 25%-50% các độc tố (thuốc trừ sâu, polychlorinated biphenyls (PCBs), và dioxins) được tìm thấy trong cơ thể người có nguồn gốc từ sữa bò và các sản phẩm khác từ sữa bò (bơ, phô mai)
Các loại độc tố này không được thải ra mà sẽ tích tụ trong cơ thể và khi tích lũy đến một lượng nhất định sẽ gây hại đến khả năng miễn dịch, khả năng sinh sản và hệ thần kinh trung ương. Ngoài ra, PCBs và dioxins đã được chứng minh gây ung thư.
Sự thật đau lòng...

Sự thật thứ sáu: Sữa bò là một trong những nguyên nhân khiến phụ nữ bị vô sinh
Nghiên cứu về sữa bò tách béo (low-fat dairy) và khả năng vô sinh trên 18.555 phụ nữ chỉ ra: Phụ nữ tiêu thụ trên 2 cốc sữa bò tách béo trở lên một ngày tăng rủi ro vô sinh lên gấp 185%.
Bạn có đang bị ngành Công nghiệp sữa tẩy não? - Ảnh 8.
Phải chăng vì thế mà tỉ lệ vô sinh ngày càng cao?
Sự thật thứ bảy: Uống sữa bò gây ra mụn trứng cá
Đừng vội ngạc nhiên. Mối liên hệ giữa mụn trứng cá (acne) và mức tiêu thụ sữa đã được chứng minh qua hàng loạt nghiên cứu. Nhưng nghiên cứu rõ ràng nhất được tiến hành trên 6094 bé gái ở độ tuổi 9-15 càng khẳng định thêm sự rõ ràng của mối liên hệ này.

Sự thật thứ tám: Sữa bò dẫn đến dậy thì sớm
Nghiên cứu trên 67 bé gái tại Boston, Massachusetts đưa ra kết luận: Bé gái có mức tiêu thụ Protein động vật nhiều nhất (trong đó có sữa bò) vào năm 3-5 tuổi có xu hướng dậy thì sớm hơn.
Và tình trạng dậy thì sớm cũng ngày càng báo động?
Tạm kết

Sức khỏe của bạn trước hết nằm ở trong tay bạn, thay vì trong tay bệnh viện. Càng không nên trong tay các nhà quảng cáo, các tập đoàn ngành công nghiệp sữa.

Giữa thời đại tin tức chộp giật và nhiễu nhương như hiện nay, về vấn đề gì chứ nhất là vấn đề dinh dưỡng, tôi tin rằng thay vì cố hữu giữ những lầm tưởng và niềm tin mù mờ, phản khoa học, chúng ta nên biết đến nó bằng một cái đầu tỉnh táo, rộng mở và khách quan.
Bạn có đầy đủ những nguồn tin đáng tin cậy để tham khảo đến từ tâm sức, nỗ lực nghiên cứu có khi đến cả hàng thập kỷ của những y bác sĩ, nhà khoa học, hà cớ gì lại từ chối tiếp nhận?

Cho nên, các chị em thân mến, lần tới khi đi siêu thị, nhất định phải nhớ: Đừng bao giờ là người tiêu dùng bị tẩy não!


Nguồn: Tổng hợp
Bài liên quan: SỰ THẬT VỀ SỮA BÒ  

Công thức làm sữa chua (yaourt) từ đậu nành hoặc sữa dừa

Bài này chôm ở đây nè!

Hôm nay mình viết lại nguyên lý và công thức làm sữa chua (yaourt) từ đậu nành hoặc sữa dừa nhé. Mình đã làm vô số lần, sữa chua thuần thực vật mà thơm phức, đặc quánh hơn cả sữa chua từ bò, dê, hay sữa công thức. Mời bạn tham khảo bạn ạ!

***** Các bước tiến hành (công thức):
- Đun nóng sữa đến khoảng 50 độ C, tức là ấm ấm thì đổ men vào. Không được đun sôi sùng sục, men sẽ chết hết.
- Tùy theo lượng men, ủ khoảng 3-10 tiếng. Nếu men công nghiệp ủ 12 tiếng, còn men là hũ sữa chua bạn bớt lại thì chỉ cần 3 tiếng. Do men công nghiệp rất yếu nên mất nhiều thời gian.
- Thành phẩm: đặc quánh.
Các bạn có thể trộn thêm nha đam, dâu tây, nước cam, trộn salad.. tùy ý thích bạn nhé!

Nguyên tắc: các loại đạm cao đều có thể làm sữa chua. Hiện nay mình chưa phát hiện ra loại đậu nào đủ đạm để làm sữa chua như đậu nành. Sữa chua có đặc hay không hoàn toàn phụ thuộc vào nguyên liệu đầu vào có đặc hay không.
20 năm trước, khi mình còn làm sữa chua từ sữa bò, nếu sữa ông thọ thì đặc, nhưng các sữa khác như ngôi sao,.. đều rất loãng. Đến khi thử nghiệm các loại đậu, thì chỉ có đậu nành là mình làm đặc quánh, hơn cả sữa bò đặc nhất, còn các loại đậu khác thì đều không được.
Có điều với đậu nành, các bạn cần lựa chọn đậu tương truyền thống, tránh loại đậu nhập khẩu nhé, vì 93% đậu nành ở VN là nhập khẩu, 100% đậu nhập khẩu là biến đổi gen (tiếng Anh là GMO). Thực phẩm biến đổi gen chống lại mẹ thiên nhiên, cây biến đổi gen là cây vô sinh nên nó không tốt cho sức khỏe con người, họ bưng bít nhưng cái gì trái tự nhiên chưa bao giờ là tốt. Biến đổi gen gây vô sinh, tăng bệnh tự miễn,..

Khi làm sữa đậu nành, các bạn nên làm sữa thật đặc, 500 gram đậu nành cho khoảng 1 lít sữa là ổn nhất. Nếu không, mua sữa đậu nành bán sẵn, mình mua của goldsoy, cam kết không biến đổi gen thì lần nào cũng đặc. Mình không thích vinamilk, không ưa gì các sản phẩm từ sữa bò nhưng mình công nhận sữa đậu nành goldsoy làm sữa chua rất ổn.

*** Đã có bạn làm thành công từ sữa hạnh nhân: hạnh nhân ngâm 6 tiếng, đãi tróc vỏ, xay, lọc làm sữa rồi lấy sữa đó làm sữa chua, mình sẽ thử.


*****sữa dừa là nước cốt dừa bạn ạ!

Lưu ý về men: các bạn có thể sử dụng men gì bạn có từ vi khuẩn, ví dụ mình không có men nên mình lấy sữa chua công nghiệp từ bò. Nhưng lần sau bớt lại 1 hũ làm men.
Chúc các bạn thành công với sữa chua từ đậu nành, sữa dừa nhé, không thành công thì xem kỹ lại nhé, vì mình thấy làm như công thức, 1000 lần thành công cả 1000.
Do mình không ở nhà, không có hũ mình làm mà trình chụp ảnh kém, nên mượn tạm hình ảnh trên mạng.
(Diep Nguyen)

 

Thứ Sáu, 19 tháng 1, 2018

Hỏi: Vì sao thời Thích Ca tại thế có vô số tôn giáo khác nhau mà Thích Ca vẫn có thể tuyên truyền Chánh Pháp mà không bị cản trở gì nhiều?

Đáp: Thứ nhất, vì Thích Ca là Phật toàn giác, đã hoàn thiện Chân Thật Ba La Mật nên nói gì ra cũng là nói cái Thật, đó là một sức mạnh vô biên làm cho ai cũng phải nghe theo. Còn mình nói gì ra cũng là do cái TA ảo tưởng sai khiến nên lời nói không có sức mạnh. Sức mạnh của Chân Thật Ba La Mật có thể thay đổi cả thiên nhiên chứ đừng nói chi là con người.

Thứ hai, vì những người cùng thời với Thích Ca là người có căn duyên sâu dầy với Thích Ca và có căn cơ cao nên trước khi Phật Toàn giác ra đời thì họ cũng hành theo Chánh Pháp rồi. Vì từng có hành theo Chánh Pháp nên khi Phật toàn giác thuyết giảng một/một vài bài pháp thì họ có thể giác ngộ dễ dàng. Chưa bao giờ hành gì cả thì dù Phật có nói suốt ngày đêm thì cũng chẳng thể giác ngộ.

Đó là hai lý do chính vì sao Thích Ca có thể thuyết pháp vào thời đó. Ngoài ra còn có vô số lý do phụ, mà cái chính là Phật toàn giác đã hoàn thiện được các Ba La Mật nên mới có thể làm được chuyện mà không ai làm được là vậy đó.

Nói tiếp về Bát Chánh Đạo.

Bài trước: Hỏi: Người chưa biết Phật Pháp, đời sống của họ có Bát Chánh Đạo không?

Vì Bát Chánh Đạo không nằm ở ngôn từ cho nên chỉ ai thật sự hành Bát Chánh Đạo mới biết được đó là gì.

Thế nào là hành Bát Chánh Đạo? Đó là thấy ra Bát Chánh Đạo trong từng suy nghĩ, lời nói và hành động của chính mình.
Điều này là quá sức cho những ai căn cơ chưa tới, cho nên trước hết chỉ cần học và hành từ “Chánh” thôi.

Thế nào là Chánh?
Chánh nghĩa là giác ngộ giải thoát. Thế nào là hành Chánh trong cuộc sống đời thường? Nghĩa là tất cả những gì mình nói, làm, nghĩ đều dẫn mình đến giác ngộ giải thoát thì ấy chính là Chánh.
Hằng thấy biết như vậy thì tự động mọi suy nghĩ, thái độ, hành vi và lời nói của mình đều được thay đổi và sửa đổi dần dần theo hướng ấy.

Rồi đến lúc nào đó tự mình thấy ra Bát Chánh Đạo trong thân khẩu ý của chính mình. Khi nào đến bước này thì mới có thể mở miệng mà thuyết giảng về Bát Chánh Đạo. Chưa đến mà nói thì gọi là CƯỚC CĂN KHÔNG ĐIỂM ĐỊA, nghĩa là nói điều vượt sức, gọi là bị hổng chân, nói cách khác là ảo tưởng/điên đảo tưởng. Dù mình có trích dẫn y chang Tam Tạng kinh điển đi chăng nữa thì những gì mình nói cũng đều là điên đảo tưởng mà thôi.

Đó là lý do các trường thiền thường có những quy chế rất nghiêm ngặt nhằm giúp cho thiền sinh lúc nào cũng cước căn điểm địa là vậy.


Lưu ý: Cước căn điểm địa nghĩa là chân lúc nào cũng ở trên mặt đất.
Thế nào là chân lúc nào cũng ở trên mặt đất?
·       Đó là luôn biết mình nói gì, luôn biết mình nghĩ gì, luôn biết mình làm gì. Hằng biết như vậy thì gọi là cước căn điểm địa.
·       Đó là đứng ở chỗ nào chỉ nói ở chỗ nấy, không nói quá chỗ đứng của mình. Nói quá chỗ đứng thì bị hổng chân. Hổng chân thì cước căn không điểm địa đó vậy. Còn gọi là ảo tưởng/điên đảo tưởng.

Thứ Năm, 18 tháng 1, 2018

Hỏi: Người chưa biết Phật Pháp, đời sống của họ có Bát Chánh Đạo không?

Đáp: Có. Thậm chí có khi còn có Bát Chánh Đạo hơn cả người tự cho rằng mình biết Phật Pháp nữa đấy. Vì sao lại vậy?

1. Có những người từ sáng ra sáng, gọi là người căn cơ cao nên làm gì nói gì nghĩ gì cũng theo Bát Chánh Đạo cả, nhưng họ không lạm dụng ngôn từ để dạy bảo chỉ trích ai cả, vì vậy mà Bát Chánh Đạo của họ tròn đầy. Họ dạy bằng lối sống của chính họ.

2. Có những người từ sáng vào tối, nghĩa là nhờ căn duyên biết học Phật Pháp nhưng từ ấy ghim lại những gì đã học và dùng nó làm thước đo để đánh giá người này người nọ. Họ tự nghĩ mình có Bát Chánh Đạo nhưng chỉ là cái Bát Chánh Đạo do họ tự tưởng tượng ra mà thôi. Chỉ học mà không thật sự hành nên từ sáng vào tối là vậy.

3. Có người từ tối ra sáng nghĩa là người không có học Phật Pháp, căn cơ thấp nhưng họ biết hướng thiện hướng về cuộc sống tâm linh nương nhờ thiện tri thức nên biết hành pháp, nhờ vậy cuộc sống họ tràn đầy Bát Chánh Đạo. Cứ tiếp tục như vậy thì họ trở thành người từ sáng ra sáng.


Nên nhớ: Bát Chánh Đạo không nằm ở ngôn từ, không thuộc về quyền sở hữu của ai cả. Vì Thích Ca là người đầu tiên dùng ngôn từ để mô tả một cách có hệ thống nên nhiều người lầm tưởng rằng chỉ có Thích Ca mới nói hay thấy biết về Bát Chánh Đạo và cũng lầm tưởng rằng Bát Chánh Đạo là thuộc quyền sở hữu của đạo Phật đó vậy.

Bài tiếp theo: Nói tiếp về Bát Chánh Đạo.

Thế nào là người bình thường?

Chúng ta hay nghe câu: “Làm người bình thường thôi” hoặc câu “Tâm bình thường là Đạo.”

Người bình thường là người không thấy cái gì là khác thường, không thấy cái là lạ, không thấy cái gì phi thường, không thấy cái gì là ngạc nhiên cả. Ấy là người bình thường.

Chúng ta quen làm người bất thường rồi cho nên nghe mọi người nói: Làm người bình thường thôi nên cố tỏ ra rằng mình bình thường. Càng cố tỏ ra bình thường thì càng bất thường.

Bình thường là bình thường, không cần cố, không cần tỏ vẻ, thậm chí họ còn không biết rằng họ bình thường. Thấy mình bình thường là đả bất thường rồi đó.

Túm lại, thế nào là người bình thường? Người bình thường là người thấu tỏ Quy Luật Vận Hành của Nhân Quả hay còn gọi là người thấu tỏ Lý Duyên Khởi. Vì thấu tỏ nhân duyên của vạn vật. Cái gì xảy ra cũng do những nhân những duyên phù hợp cho nên họ không thấy cái gì là khác, không thấy cái gì ngạc nhiên, không thấy cái gì là kì lạ cả.

Mọi việc đều do đủ nhân đủ duyên mà hình thành cho nên người nào thấu tỏ điều này thì người đó là bình thường.

Đó là nói về việc bình thường trong đạo pháp. Còn bình thường trong cuộc sống hàng ngày thì nói đơn giản là vầy nè: Người bình thường là người trải nghiệm nhiều quá rồi, cái gì cũng trải qua hết nên họ chẳng còn thấy lạ lẫm, ngộ nghĩnh với bất cứ thứ gì cả. Cái gì cũng kinh qua hết thì không còn thấy gì khác lạ. Vì nhờ kinh qua hết mà họ hiểu rõ nguyên nhân của sự việc nên họ không bị bất ngờ. Đó là lý do người ta hay ví người càng già thì tâm càng bình là vậy, ít có dậy sóng trước sự việc. Thật ra người già ở đây nghĩa là già dặn về trải nghiệm chứ không phải là già dặn về tuổi tác.


Túm lại làm người bình thường là vậy đó, chứ không phải cố tỏ ra vẻ mình bình thường thì mình bình thường được đâu nha!

Mối quan tâm tiếp theo

Trong bài viết Người hạnh phúc là người có nhiều sự quan tâm, cuối bài tôi có câu hỏi: còn gì nữa không ta?
Hóa ra là còn đó nha mọi người!
Một mối quan tâm khác nữa, đó chính là ngôn ngữ. Tôi có khiếu học ngôn ngữ nên tôi có thể học rất nhanh. Và phương châm của tôi là đi đến đâu thì nói tiếng ở chỗ đó. Nên túm lại tôi ở địa phương nào thời gian đủ lâu để cho tôi thâm nhập thì tôi nói tiếng của địa phương đó. Tôi trở thành người bản địa chứ không còn là người lạ nữa. Đó là lý do tôi biết nhiều ngôn ngữ khác nhau lắm nha! Biết ở đây nghĩa là có thể dùng dể giao tiếp nói chuyện thông thường, đi chợ, mua đồ, hỏi họ tên sức khỏe nghề nghiệp, chứ tôi không biết đọc, không biết viết. Chỉ nghe nói cơ bản và đủ để tôi sinh hoạt hàng ngày.

Vì chứa nhiều ngôn ngữ quá cho nên não bộ có chức năng QUÊN. Tôi chỉ nói được ngôn ngữ ấy khi tôi ở trong vùng ấy thôi. Tôi học qua việc quán sát âm thanh và cọ xát thực tế. Vừa bước chân ra khỏi lãnh thổ đó là tôi quên liền lập tức để tiếp nhận ngôn ngữ mới. Cứ vậy mà nơi nào tôi cũng nghe hiểu được tiếng bản địa là vậy. Nhưng ai hỏi tôi biết tiếng đó không, tôi trả lời là không biết. Biết sao được mà biết, não bộ được tẩy để chứa cái khác rồi. Nhưng mà vừa trở về vùng đó thì tôi lại nói, lại nghe được. Vậy là mọi người nói tôi nói xạo dễ sợ. Lúc biết lúc không là sao! Bởi vì học nhanh thì quên nhanh, đó là nguyên lý mừ. Quên nhanh thì học cũng nhanh.

Thỉnh thoảng trong não bộ tôi hiện lên một câu nào đó mà tôi suy nghĩ hoài cũng hổng biết đó là tiếng nước nào luôn hihi.

Đảm bào những điều tôi nói ở trên ai chưa bao giờ trải qua thì không bao giờ có thể hình dung nổi.
Đó là lý do ai hỏi tôi biết mấy thứ tiếng, tôi nói chỉ biết tiếng Việt và tiếng Anh thôi. Nhưng khi thấy tôi nói tiếng nước khác thì cũng đừng có ngạc nhiên nha! Tôi chỉ nói được tiếng nước đó khi đủ điều kiện thôi à!

Riết rồi cái có lúc tôi hổng thèm học một ngôn ngữ cho tới nơi tới chốn luôn, nghĩa là học để đủ đi chợ đó. Có lần ở bang Tamil Nadu, tôi chỉ ở có mấy ngày nên tôi làm biếng học số đếm. Tôi chỉ học câu: Giá bao nhiêu tiền? và mấy con số nhỏ nhỏ thôi. Rồi một buổi sáng, tôi ra ngoài mua trái cây gặp một bà bán hàng rong. Tôi hỏi: Bao nhiêu tiền? Bà ta trả lời bằng tiếng Tamil. Không hiểu. Nên hỏi tiếp bao nhiêu tiền. Rồi lại không hiểu câu trả lời. Tôi cứ đứng đó hỏi hoài luôn. Sáng sớm, đứng ngoài đường có một câu hỏi hoài mà bà bán cũng có một câu trả lời hoài, hai người giống như đang diễn hài. Cái cuối cùng có một anh chàng khách bộ hành, dừng lại thông dịch giúp cho số tiền. Biết sao tôi không biết không. Vì tôi chỉ biết mấy số đếm nhỏ nhỏ và ở chỗ khác người ta thường nói giá tiền cho 500 gr hà. Ở đây họ lại nói giá tiền cho 1 kí lô, thành ra con số vượt số con số tôi học nên tôi hổng hiểu. Túm lại, hổng hiểu thì hỏi hoài, cuối cùng cũng có người đứng lại phiên dịch giùm thôi hihi.

Sau khi học và sử dụng đủ thứ ngôn ngữ, cái tôi phát hiện ra một điều, điều này do mấy đứa trẻ câm điếc dạy cho tôi nè!
Chuyện là vầy: Tôi được một cô gái người Nhật giới thiệu cho đến một trường học dành cho trẻ câm điếc để dạy tụi nó cách tái chế rác thải ny lông. Chỉ dạy ở đó thời gian ngắn thôi mà tôi ngộ ra được một điều mà ai cũng biết. Đó là: ngôn ngữ chung cho tất cả, bất kể màu da chủng tộc tôn giáo…, chính là sự TĨNH LẶNG. Cái này nói thì ai cũng có thể nói thao thao bất tuyệt, nhưng tôi phải nhờ mấy đứa trẻ câm điếc thì tôi mới thực sự NGỘ ra điều ấy.

Không cần âm thanh mà vẫn có thể giao tiếp và hiểu nhau. Tụi nó nói chuyện với nhau bằng ngôn ngữ tay, tôi đâu có biết ngôn ngữ tay đâu nhưng tôi quán sát tụi nó nói chuyện và thấy thật là kì diệu. Khi tiếng nói vắng bặt, mà sự thông hiểu vẫn tồn tại. Vậy túm lại đâu cần nói ra thành lời đâu, đâu cần học ngôn ngữ này ngôn ngữ nọ làm gì đâu. Chỉ cần học một ngôn ngữ duy nhất. Đó là ngôn ngữ TĨNH LẶNG. Vậy là có thể hiểu hết rồi.

Túm lại,
Mối quan tâm của tôi là: Ngôn ngữ
Mục tiêu: Học và sử dụng thành thạo ngôn ngữ TĨNH LẶNG.
Tôi cần thời gian để học và để ứng dụng ngôn ngữ này vào thực tế cuộc sống nha mọi người. Khi nào thành thạo thì kể chuyện tiếp cho nghe!


Lưu ý: Ngôn ngữ Tĩnh Lặng không có nghĩa là không nói gì hết, không làm gì hết, mà có nghĩa là dù nói gì, làm gì, dù có sự hiện diện của âm thanh, của chữ viết, của hành vi hay không thì ngôn ngữ Tĩnh Lặng vẫn luôn có mặt. Vì ngôn ngữ này luôn có mặt, cho nên không cần âm thanh, không cần chữ viết, không cần hành vi mà người ta vẫn có thể hiểu được. Tất cả những cái như âm thanh, chữ viết, hành vi, chỉ là hiện tướng, chỉ là cái bên ngoài thôi, và cái bên ngoài này thay đổi xoàn xoạt, mình chạy theo nó riết, mình mệt luôn. Còn ngôn ngữ luôn đi kèm những hiện tướng, những cái bên ngoài ấy chính là ngôn ngữ Tĩnh Lặng. Chỉ cần học được ngôn ngữ này thì mấy cái bên ngoài ấy dù có mặt hay không có mặt vẫn không làm cản trở cái hiểu cái thấy của mình. Ai học được ngôn ngữ này rồi thì không còn bị bất cứ rào cản ngôn ngữ nào cản trở nữa. Cho nên ráng học nó đi nha mọi người hihi! 

Thứ Hai, 15 tháng 1, 2018

Những gì chúng ta nói về người khác thật ra là đang tự nói chính mình.

Đây là việc rất khó chấp nhận vì ai cũng có xu hướng khen mình chê người, mình đúng người sai. Nhưng người thực sự tu đạo thì cần đối diện với nó. Vì ai cũng có xu hướng tự khen mình chê người nên phải dùng người để làm phương tiện để lộ diện những cái nhân tiêu cực ấy ra. Và thường mọi người không dám nghĩ tiêu cực về mình nên đẩy qua cho người. Cho nên mình nói người thế nào thì thật ra mình chính là thế nấy.

Người xưa đã nhận biết điều này nên họ có câu nói: Muốn biết một người thế nào thì hãy để họ nhận xét kẻ thù của họ.

Vì sao lại vậy?
Vì khi nhận xét kẻ thù, người mình thù óan nhất, bất đồng ý kiến nhất thì khi ấy các nhân tiêu cực nhất sẽ lộ diện ra hết.
Một người có nhiều nhân tích cực và các nhân tích cực hằng áp đảo nhân tiêu cực thì khi nói về kẻ thù hoặc người bất đồng ý kiến thì nhân tích cực vẫn luôn áp đảo.
Ngược lại một người có nhiều nhân tiêu cực và các nhân tiêu cực hằng áp đảo nhân tích cực thì khi nói về kẻ thù hay người bất đồng ý kiến thì họ thể hiện ra toàn là nhân tiêu cực.

Vì vậy, để biết chính mình là người có nhiều nhân tích cực hay nhân tiêu cực thì hãy tự quán sát chính mình khi thấy/nói/nghĩ về người khác, đặc biệt là người mình bất đồng ý kiến.


Lưu ý: việc người khác thể hiện những nhân tiêu cực khi nói về mình thì đó là nhân quả nghiệp báo của họ, không liên can gì đến mình cả. Cái duy nhất liên can đến mình là thái độ và phản ứng của mình với những lời nói ấy, đó là nhân quả nghiệp báo của chính mình.

Đó là lý do có sự so sánh một người có nhiều nhân tiêu cực y những xe chở rác vậy đó. Họ đi đến đâu thì nơi ấy bốc mùi, vì họ chỉ toàn là chứa rác, và họ xả rác ra xung quanh. Đối với những xe chở rác thì người xung quanh không cần lãng tránh họ vì có lãng tránh cũng chẳng được. Chỉ cần không mang rác do họ xả ra về nhà mình, rồi xả trở lại với những người xung quanh mình mà thôi. Đó là một câu chuyện kể về triết lý cuộc sống. Những người càng già dặn kinh nghiệm sống, càng trải nghiệm nhiều, càng va chạm nhiều thì càng dễ không mang rác thải về nhà.

Sự khác biệt trong con đường Thánh đạo và con đường Bồ tát đạo

Nếu buộc phải đánh giá một bậc chứng đắc thì có thể dùng THÂN KHẨU Ý để đánh giá một bậc Thánh. Nhưng Thân Khẩu Ý không phải là tiêu chuẩn để đánh giá một Bất thối Bồ tát.Vì sao lại vậy?

Vì chánh kiến của một bậc Thánh A La Hán dựa trên Tứ Diệu Đế trên Bát Chánh Đạo nên dùng Thân Khẩu Ý để đánh giá họ là phù hợp.

Còn chánh kiến của một Bất thối Bồ tát dựa trên Quy Luật vận hành của Nhân Quả. Cho nên chỉ ai thể nhập được vào Chân Lý Nhân Quả thì mới có thể thấy biết họ.

Dùng tiêu chuẩn của Thánh A La Hán để đánh giá một Bất thối Bồ tát cũng như dùng hành vi của một con chim để đánh giá một con mèo đó vậy.

Để có thể đến chỗ của Bất thối Bồ tát thì bất cứ ai cũng phải thông qua con đường Tứ Diệu đế Bát chánh đạo, nghĩa là ấn chứng được Tam pháp ấn Khổ Vô thường Vô ngã. Nói cách khác: Tất cả các Bất thối Bồ tát đều phải qua được Tam Pháp ấn này thì mới có thể bước chân trên con đường của Bồ tát bất thối. Còn ai đang trên đường tu tập Tứ Diệu đế Bát Chánh đạo vẫn chưa chứng ngộ tam pháp ấn thì chẳng thể thấy biết một Bất thối Bồ tát là việc đương nhiên đó vậy.

Pháp tu tập của một một vị trên đường chứng ngộ tam pháp ấn và pháp tu tập của một vị trên đường Bồ tát bất thối không giống nhau. Vì sao?

Vì đối với một vị trên đường thánh đạo, họ buộc phải khép kín thân khẩu ý, cô lập với những ngoại cảnh để có thể giải quyết tận gốc cái bên trong. Cho nên nhiều người thường nhầm những vị này với sự cực đoan. Thật ra không phải vậy, vì đó là điều kiện cần cho họ trong việc hành pháp.

Còn đối với một vị trên đường hành 6 ba la mật thì họ không khép kín thân khẩu ý mà họ phải mở rộng ra để trải nghiệm tất cả các hoàn cảnh sống khác nhau. Cho nên nhiều người lầm tưởng họ với sự buông lung. Thật ra không phải vậy, vì đó là điều kiện cần cho họ trong việc hành pháp.

Nên nhớ: không ai có thể bước chân trên đường Bồ tát Bất thối nếu không chứng ngộ được Tam pháp ấn. Nhiều người thấy con đường của Bồ tát sao mà thênh thang rộng mở và khoáng đãng quá nên lao vào mà không thông qua Tam pháp ấn (nghĩa là phải qua được Tứ Diệu đế và Bát chánh đạo). Vậy là bị hổng chân đấy thôi.

Và nhiều người đang trong quá trình khép kín thân khẩu ý để giải quyết tận gốc cái bên trong nhưng lại buông lung phóng tâm ra ngoài nhìn ngó phán xét bằng tiêu chuẩn khép kín của chính mình, cho nên mãi không chứng ngộ Tam pháp ấn là vậy đó.

Ấy là sự khác biệt trên con đường Thánh đạo và con đường Bồ tát đạo. 

Chủ Nhật, 14 tháng 1, 2018

Trở ngại của người tu tập pháp môn Quán Từ Bi Hỷ Xả.

Từ Bi Hỷ Xả là bản chất của Bình Đẳng Tánh. Vì không vào được Bình Đẳng Tánh nên phải dùng phương tiện quán ấy để vào. Nhưng quán mãi mà vẫn không vào được, lậm vào phép quán ấy thì lâu dài sẽ đi về thái cực ngược lại. Đó là thái cực ngược với Từ Bi Hỷ Xả, nghĩa là cực ác. Vì sao lại vậy? Vì khi dùng Từ Bi Hỷ Xả ra làm đối tượng để quán thì rơi vào nhị nguyên. Nhị nguyên nghĩa là hễ có thiện thì buộc phải có ác đi kèm. Cho nên quán Từ Bi Hỷ Xả lâu dài mà vẫn không vào được Pháp, lạm dụng phép quán ấy thì cán cân vũ trụ bị lệch, nên họ phải thể hiện sự cực ác để cán cân ấy cân bằng trở lại. Do đó họ có thể phạm đủ thứ giới và không điều ác nào mà không dám làm là vậy.
Cho nên bất cứ điều gì mà lạm dụng thì đều có tác hại là vậy đó.
Đó cũng là câu trả lời cho câu hỏi: Vì sao người tu đạo một thời gian trở nên ác quá vậy?

Làm thế nào để biết mình đang rơi vào cái bẫy của việc lạm dụng phép quán Từ Bi Hỷ Xả?
Đó là khi mình hành ác pháp thì tánh tự thấy biết (Phật tánh) báo cho mình biết đó là ác pháp nhưng mình hay dùng cái mác Bồ tát để ngụy biện. Mình nghĩ rằng mình đang làm thiện, đang giúp người, đang làm Bồ tát,…. Nghĩa là mình luôn tìm mọi cách, tìm mọi lý lẽ để che đậy cho việc làm ác ấy. Bất cứ khi nào mình cần phải dùng cái mác bồ tát hay dùng lý lẽ để che đậy thì khi ấy mình rơi vào cái bẫy do cái Ta ảo tưởng tạo ra rồi đó. Vì sao?

Vì một Bồ tát thật sự khi làm ác họ biết rất rõ họ đang làm ác, họ thừa nhận cái ác ấy chứ không cần phải che đậy, không cần phải ngụy biện gì cả. Họ biết rất rõ đó là ác, và họ thậm chí biết rất rõ quả báo cho việc làm ác ấy. Không cần giấu giếm, không cần che đậy, ác thì là ác, và làm ác thì có quả báo ác. Đó là một Bồ tát thực sự. Vì vậy mà có câu nói: Bồ tát thì không biết mình là Bồ tát là vậy. Dù họ làm gì, thiện hay ác, thì họ cũng không hề dùng cái mác Bồ tát để lấp liếm, cho nên họ mới là Bồ tát.

Túm lại, bất kì lúc nào mình phải dùng cái mác Bồ tát để che đậy, để ngụy biện, để lấp liếm thì chắc chắn lúc ấy mình đã bị cái Ta bản ngã hạ gục rồi đó.

Bài liên quan: TỪ BI là gì?

Làm thế nào để thu tâm vào trong khi vẫn sống và làm việc trong xã hội?

Chỉ cần nhớ: Bất cứ điều gì mình nói đều là tự nói mình. Bất cứ gì mình nghĩ đều là mình nghĩ về mình. Bất cứ điều gì mình làm mình đều làm cho mình.
Cứ hằng thấy biết như vậy thì từ từ xóa đi ranh giới giữa mình và người.
Cái hằng thấy biết ấy chính là hành pháp giữa cuộc sống đời thường đó vậy.

Đó cũng chính là câu nói trong đạo Chúa: Con cứ lo việc của Chúa (hằng quay vô), còn việc của con thì hãy để Chúa lo (mọi việc được sắp xếp theo nhân duyên.)

Thứ Bảy, 13 tháng 1, 2018

Sở tri chướng

Sở tri chướng, đây là trở ngại lớn nhất cho người học đạo (bất kể đạo gì) của thời đại này. Vì sao lại vậy? Vì khi chứa chấp tri kiến thì bất cứ cái gì được đọc được thấy đều thông qua lăng kính của tri kiến ấy, nên thấy gì cũng là cái thấy chủ quan còn gọi là tư kiến. Và khi đọc/nghe/thấy điều gì thì tâm thức khởi ý so sánh với cái đã chấp chứa.

Khi so sánh thì sẽ xảy ra hai xu hướng, hoặc thích thú (đó là tham) hoặc bài bác (đó là sân) Ai cũng phải đi theo hai xu hướng này vì tâm thức ai cũng đầy ắp tri kiến. Người tỉnh thức thì luôn nhìn thấy được sự so sánh ngầm ấy, một sự so sánh âm thầm rất khó nhận biết nhưng lại có sức mạnh rất to lớn. Kẻ mê thì bị sự so sánh ấy lôi kéo vào những cái được cho là bảo vệ quan điểm, bảo vệ tín điều. Khi nào mình khởi ý làm điều này thì khi ấy mình bị cái TA ảo tưởng hạ nốc ao rồi đó. Chỉ cần tự thấy biết như vậy thì đó chính là HÀNH PHÁP.

Nói về việc đọc kinh Nikaya mà không hiểu kinh.

Tất cả các bài kinh đều ra đời do những nhân duyên phù hợp. Người học Phật ngày nay có xu hướng tách các bài kinh ra khỏi nhân duyên của chính nó rồi gán ghép nó vào nhân duyên khác theo đúng ý mình. Do đó đọc kinh mà chẳng hiểu kinh là vậy. Khi nhân duyên không phù hợp, bài kinh thành ra có nghĩa khác. Cho nên tất cả ai đọc mà hiểu kinh là do đặt bài kinh vào nhân duyên tương ưng hay nhân duyên của chính nó. Mà để có thể hiểu nhân duyên một bài kinh thì phải có tuệ đến mức nào đó mới làm được việc ấy. Còn kẻ không có tuệ mà đọc kinh thì chẳng khác nào những kẻ cực đoan sẳn sàng ôm bom tự sát cả. Đó là lý do tôn giáo nào kể cả Phật giáo cũng có những phần tử vô cùng cực đoan là vậy.

Thế nào là ngoại đạo, thế nào là nội đạo?

Những kẻ thường đọc kinh Nikaya hay nhầm lẫn danh từ ngoại đạo thường được nhắc đến trong kinh này. Đó là Đức Phật gọi người tôn giáo khác là ngoại đạo nên mình ôm luôn điều ấy và ghim vào tâm thức rằng cứ ai không là Phật tử thì đó là ngoại đạo. Đó là sự nhầm lẫn do không hiểu Phật.

Phật dùng từ ngoại đạo để chỉ những kẻ thường xuyên quay ra chứ không phải là kẻ thuộc tôn giáo khác. Nhưng thời Phật tại thế thì có vô số tôn giáo khác nhau và thời đó thậm chí còn không có cả Phật giáo (Phật giáo chỉ hình thành sau này), thời đó chỉ có ngoại đạo và nội đạo.

Tất cả kẻ nào hằng quay vô, tự nhìn ngó tâm thức chính mình thì đó là nội đạo, chứ nội đạo không có nghĩa là Phật tử.
Tất cả kẻ nào hằng quay ra, không tự thấy biết tâm thức chính mình thì gọi là ngoại đạo, chứ ngoại đạo không có nghĩa là người thuộc tôn giáo khác.

Do đó dù tự xưng là Phật tử đi chăng nữa mà thường quay ra, thường xuyên không thấy được tâm mình thì kẻ ấy là ngoại đạo.

Ngoại đạo và nội đạo không có nghĩa gì là xấu cả mà chỉ là những cấp học mà thôi. Người hằng quay ra thì giống như học trò học tiểu học. Còn người hằng quay vô thì giống như học trò học những cấp cao hơn. Cho nên ngoại đạo là chỉ cho kẻ ở cấp học thấp chứ không có ý phỉ báng hay khinh chê gì cà.

Và một điều có vẻ như nghịch lý thời nay rằng: Những kẻ tự xưng là Phật tử lại là kẻ ngoại đạo, nghĩa là người học tiểu học.

Cho nên muốn tìm minh sư thì hãy đi tìm ở các tôn giáo khác. Vì sao lại vậy?
Vì thời nay Phật toàn giác Thích Ca Mâu Ni không còn tại thế nhưng Bất thối Bồ tát lại ở khắp, không có tôn giáo nào mà không có mặt họ, không có cõi trời nào hay cảnh giới nào mà lại thiếu vắng họ. Kể cả trong nhà nước Hồi giáo cực đoan IS, họ cũng hiện diện. Bất thối Bồ tát tái sanh theo tâm nguyện, và đang trên đường hoàn thiện 6 Ba La mật. Họ trà trộn khắp nơi theo đúng tâm nguyện và nguyện vọng.

Vì họ có mặt ở khắp nơi nên kẻ nào bám chặt vào tôn giáo thì chẳng thể thấy biết họ huống chi là tiếp cận họ mà học hỏi. Họ chính là minh sư và minh sư thì mình gọi là ngoại đạo, còn mình tôn thờ ma sư làm thầy. Minh sư là kẻ hằng quay vô, còn ma sư là kẻ hằng quay ra.


Túm lại dù theo tôn giáo nào cũng không quan trọng. Quan trọng là nếu bám chặt vào tôn giáo, quyết tử vì tôn giáo thì tự mình tước bỏ đi cơ hội tiếp cận minh sư (là các Bất thối Bồ tát) đó vậy.