Thứ Sáu, 29 tháng 12, 2017

Người tự thấy mình khổ là người có căn tu.

Nghĩa là giống như lời Chúa nói trong Kinh Thánh: Ta đến bằng gươm giáo, con chống đối cha, vợ chống đối chồng... Các ngươi sẽ thù hận chém giết lẫn nhau... chứ không đem đến bằng Hoà Bình.

Cho nên ai lâm vào hoàn cảnh gia đình thế này nghĩa là đúng như ý Chúa rồi đó. Bởi vậy, nên lấy đó làm vui mừng mới phải chứ.

Vì sao?

Vì khổ là thầy của mọi thầy, khổ là đạo sư chân chính nhất. Con người không bao giờ có thể giác ngộ giải thoát nếu chưa từng trải nghiệm khổ, chưa từng thấu hiểu khổ. Chỉ khi khổ đến tận cùng, khổ đến chết đi sống lại, khổ đến mức bản ngã buông xuôi, bản ngã không chống cự lại được nữa, thì chính khi ấy con người mới có thể giác ngộ.

Thời Phật còn tại thế, biết bao người đã trải qua tận cùng của nỗi khổ, và khi gặp, Đức Phật chỉ thuyết một bài pháp là họ buông tay đi theo ổng luôn. Cho nên khổ là thầy của mọi thầy là vậy đó. Nếu chưa từng trải qua khổ thì dù Đức Phật có nói suốt ngày đêm thì vẫn quyết tâm không giác ngộ hihihi.

Đó là lý do ai sống trong hoàn cảnh gia đình như vậy là người được dọn sẳn con đường giác ngộ ngay trước mắt rồi đó.

Hỏi: Vậy cứ xoay quần trong những tranh cãi chống đối giữa những người nhà với nhau miết như vậy sao?

Đáp: Đúng vậy. Cái gì cũng vậy. Khi đến tận cùng thì vấn đề tự giải quyết. Khi vấn đề chưa tự giải quyết nghĩa là cái đó vẫn chưa phải là điểm tận cùng. Khổ tận cam lai.

Cho nên việc của mình không phải là tìm cách giải quyết vấn đề. Vấn đề tự giải quyết, đâu có liên can gì đến mình đâu mà mình đòi giải quyết nó. Cái duy nhất mình cần giải quyết là nội tâm của chính mình. Nội tâm của mình mới là vấn đề của mình, còn nội tâm của ai thì tự họ giải quyết, đâu có liên quan đến mình thì mình giải quyết làm chi.

Hỏi: Làm sao giải quyết nội tâm của chính mình?
Đáp: Đó là cái nội tâm dính mắc, bám víu, luyến ái, sở hữu. Vì những cái này nên mới có KHỔ.
Cho nên cái tự độ-độ tha nghĩa là vầy nè: Tự mình giải phóng ra khỏi những cái dính mắc, bám víu, luyến ái, sở hữu thì tất cả những ai/những nội tâm nào có ân oán với những dính mắc, bám víu, luyến ái, sở hữu cũng đều được giải phóng theo. Tự độ nghĩa là tự mình giải thoát, rồi độ tha là những gì liên can đến mình cũng sẽ giải thoát theo. Mà mình có thói quen hay quay ra ngó người này người kia rồi tội nghiệp rồi thương cảm,…….đủ thứ. Cái tội nghiệp và cái thương cảm mà mình hay gán cho chữ TỪ BI thực ra là sự dính mắc, bám víu, luyến ái và sở hữu đấy chứ.

Hỏi: Tự quay vô giải quyết chính nội tâm của mình nghe sao giống vô cảm vô tâm hổng quan tâm đến ai hết vậy?
Đáp: Cái được gọi là Vô cảm hay Vô tâm thật ra là cái đối lại của cái gọi là dính mắc, bám víu, luyến ái và sở hữu. Ngay bản thân mình tự thấy mình khổ vì sự bám víu ấy nên mình tìm cách thoát bằng cách làm điều ngược lại bằng sự vô cảm vô tâm. Cảm hay Vô cảm thì cũng là dính mắc, vẫn chưa thoát ra được đâu. Giải thoát khỏi sự dính mắc bám víu thì không liên can đến cảm hay vô cảm, vì giải thoát là giải thoát, thế thôi. Do mình chưa giải thoát ra được nên mình tưởng lầm giải thoát là phải vô cảm, vô tâm trước mọi sự. Thật ra không phải vậy. Người thật sự giải thoát họ không hề vô cảm/vô tâm, cái gì họ cũng cảm được và cái gì họ cũng quan tâm, nhưng họ không còn dính mắc và bám víu vào những cái cảm hay những cái quan tâm ấy nữa. Họ sống thuận theo nhân duyên, nhân duyên thế nào thì theo thế nấy, không vui mừng khi đó là thuận duyên, không bực bội trách móc khi đó là nghịch duyên.

Hỏi: Túm lại thì làm sao tự giải quyết nội tâm của chính mình?
Đáp: Tự quay vô nhìn thấy mọi việc đang diễn ra bên trong. Những cái diễn ra bên ngoài là giúp cho cái bên trong có cơ hội bộc lộ, chứ không phải những gì diễn ra bên ngoài là để cho mình chạy theo giải quyết này nọ. Nên nhớ bên ngoài là giúp cho bên trong bộc lộ. Hễ thấy bên trong lộ ra cái gì thì nhìn cái nấy, y như bài viết này:

Nhân gì thì thấy nấy

Bất cứ điều gì mình thấy ở người đều là nhân mình đã có sẳn. Khi thấy người hiền, đó là do mình đã có sẳn nhân hiền. Khi thấy người ác, đó là do mình đã có sẳn nhân ác. Khi thấy người ngu, đó là do mình đã có sẳn nhân ngu. Khi thấy người khôn, đó là do mình đã có sẳn nhân khôn,……………..

Tất cả những gì mình thấy là nhân mình đã có sẳn, người chỉ là duyên hỗ trợ cho những cái nhân ấy có cơ hội trỗi dậy mà thôi. Cho nên khi mình thấy người như thế nào thì mình tự quay vô thừa nhận cái nhân ấy ngay nơi mình, (tự nhìn nhận chứ không có phán xét chỉ trích những cái nhân ấy). Hằng quay vô như vậy thì khi đủ nhân đủ duyên, những cái nhân ấy tự diệt. Còn mình không có can đảm quay vô nên cái nhân có sẳn từ mình, mình ép nó qua cho người, vậy là nhân chẳng những không diệt mà lại được tăng gấp đôi. Nghĩa là trước chỉ có một, sau khi mình gán cho người thì nó được tăng lên thành hai, đó gọi là nhân chồng nhân, đầu chồng đầu.

Hằng quay vô tự nhìn thấy những cái nhân đã có sẳn như vậy, thì đó chính là THIỀN.

Nên nhớ chỉ có người hằng quay vô tự nhìn thấy những cái nhân đã có sẳn này mới là người biết nên làm gì trong mọi hoàn cảnh. Vì vậy những người này làm gì cũng chính xác hiệu quả hết đó. Vì thấy gì cũng thật, nên quyết định dựa trên cái thật chứ không phải dựa trên cái do cái Ta bản ngã ảo tưởng tạo ra.

P.s Cái quyết định dựa trên cái thật gọi là NHƯ LÝ TÁC Ý.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét