Thứ Năm, 14 tháng 1, 2016

9 câu chuyện cực ngắn và ý nghĩa

1. Câu chuyện thứ nhất:
Một cậu học trò lớp ba viết rằng cậu muốn trở thành một diễn viên hài trong bài tập làm văn của mình. Người bố phê: “Không có chí lớn”, còn thầy giáo nói: “Thầy chúc em mang tiếng cười cho toàn thế giới”.

Là người lớn, chúng ta nên khuyến khích, cổ vũ hơn là đặt ra những yêu cầu quá cao đối với trẻ con. Hơn thế, chúng ta hãy mở rộng khái niệm thành công để trẻ con thoải mái tung đôi cánh ước mơ của mình.

2. Câu chuyện thứ hai:
Ăn cơm xong, mẹ và con gái rửa chén bát trong bếp, bố và con trai ngồi xem ti vi. Bỗng nhiên có tiếng đổ vỡ dưới bếp, sau đó im bặt. Con trai nói: “Con biết chắc mẹ vừa làm bể chén bát”, bố hỏi: “Tại sao con chắc như thế?”, con trai trả lời: “Vì không nghe tiếng mẹ la”.

Chúng ta luôn đánh giá người khác và đánh giá bản thân qua những tiêu chuẩn nào đó, thường khó khăn với người khác nhưng lại rất dễ dãi đối với mình.

3. Câu chuyện thứ ba:
Người ăn mày nói: “Bà có thể cho tôi xin một ngàn không?”, người qua đường trả lời: “Nhưng tôi chỉ có năm trăm”, người ăn mày bảo: “Vậy bà thiếu tôi năm trăm nhé”.

Nhiều người trong chúng ta luôn cho rằng ông trời mắc nợ mình, cho mình không đủ, không tốt nên lòng tham đã che mất thái độ biết ơn.

4. Câu chuyện thứ tư:
Người vợ đang nấu ăn trong nhà bếp, người chồng đứng bên cạnh nhắc nhở: “Cẩn thận, coi chừng khét!”, “Sao em bỏ ít muối thế?, “Ơ kìa, nước đã sôi rồi, em cho thịt vào đi”. Người vợ bưc bội: “Anh làm ơn đi ra ngoài giùm em! Em biết nấu ăn mà!”.
Người chồng mỉm cười: “Ừ, có ai bảo em không biết nấu ăn đâu. Anh chỉ muốn em hiểu được cảm giác của anh như thế nào khi đang lái xe mà em ngồi bên cạnh cứ lải nhải”.

Học cách thông cảm người khác không khó, chỉ cần chúng ta đặt mình vào hoàn cảnh của người khác.

5. Câu chuyện thứ năm:
A nói với B: “Khu nhà tôi vừa dọn về một ông hàng xóm bất lịch sự. Tối hôm qua, đã gần một giờ sáng rồi mà ông ta còn qua đập cửa nhà tôi rầm rầm”. B hỏi: “Thế anh có báo cảnh sát không?”. A trả lời: “Không, tôi mặc kệ ông ta, xem ông ta như thằng điên vì lúc ấy tôi đang tập thổi kèn saxophone”.

Chuyện gì cũng có nguyên nhân, nếu biết trước lỗi của mình thì hậu quả sẽ khác đi. Tuy nhiên, chúng ta lại thường ít khi thấy mình sai, nhưng lại dễ dàng thấy người khác sai.

6. Câu chuyện thứ sáu:
Hai cha con đi ngang qua một khách sạn 5 sao. Trông thấy một chiếc xe hơi xịn rẽ vào, cậu con trai nhận xét:
· Những người ngồi trên chiếc xe ấy đều có trình độ học vấn rất thấp!
Người cha ôn tồn đáp lại:
· Người vừa phát biểu câu ấy là người hiện trong túi không có lấy một đồng xu!

Con người thường có thái độ “ghen ăn tức ở”, khi nói ra điều gì, nhận xét việc gì đều thể hiện trình độ và “đẳng cấp” của mình. Bởi vậy hãy thận trọng!

7. Câu chuyện thứ bảy:
Có hai đoàn khách nước ngoài đến tham quan một địa điểm du lịch sinh thái. Do trời mưa nên đường dẫn vào khu “Kỳ hoa dị thảo” lầy lội. Người hướng dẫn của đoàn thứ nhất bảo: “Xin lỗi quý khách, chúng ta không thể đi tiếp”. Còn người hướng dẫn đoàn thứ hai suy nghĩ một thoáng rồi nói: “Để quý khách thấy rằng việc tìm kiếm kỳ hoa dị thảo khó khăn như thế nào, Ban giám đốc công ty đã cố tình tạo con đường lầy lội cho quý khách có thêm cảm xúc thực tế”.

Hoàn cảnh khác nhau, quan điểm khác nhau sẽ nhìn một sự vật không giống nhau. Tư tưởng kỳ lạ như thế đấy bạn ạ! Nếu bạn chịu suy nghĩ thì quyền quyết định hoàn cảnh nằm trong tay bạn.

8. Câu chuyện thứ tám:
Một phụ nữ vào tiệm kim hoàn, trông thấy hai chiếc vòng đeo tay giống nhau như đúc, một chiếc giá 2 triệu, một chiếc giá 20 triệu. Không chần chừ, bà ta liền lấy chiếc 20 triệu vì nghĩ rằng đắt tiền chắc chắn sẽ là đồ tốt. Khi vừa quay lưng bước đi, bà nghe nhân viên nói với nhau: “Không ngờ chỉ vì đính sai bảng giá mà chúng ta lời đến 18 triệu đồng!”.

Hãy xem, lắng nghe và kiểm định. Đó là lời khuyên trong câu chuyện này. Có nhiều thứ tưởng vậy, thấy vậy, nghe vậy mà không phải vậy, đừng vì chủ quan, tin vào suy nghĩ của mình mà lầm to.

9. Câu chuyện thứ chín:
Hai vợ chồng vào xem triển lãm tranh của các họa sĩ trẻ, trong đó có một bức tranh của con trai họ. Người vợ đi rất nhanh, mắt chỉ kịp lướt vào tên của tác giả ở mỗi bức tranh. Một lúc sau không thấy chồng, người vợ quay lại tìm. Người chồng đang đứng trước một bức tranh say sưa ngắm nhìn.
Bức trang ấy lúc nãy người vợ đã xem qua. Bà bực bội nói: “Ông đứng đó làm gì vậy? Sao không đi tìm bức tranh của con mình?”. Người chồng quay sang nhìn vợ: “Đây là tranh của con mình nè, nó quên ký tên trên bức tranh”.

Trong cuộc sống, có người chỉ lo chạy băng băng nên đã không thể tìm thấy thứ mình cần tìm, đánh mất cơ hội được thưởng thức hoa nở hai bên đường.  

Sưu tầm

Người tự biết mình là người có thể biết được cả càn khôn vũ trụ.

Chính vì lý do đó mà trong đạo Phật, tự biết chính mình là điều quan trọng nhất. Thiên thượng thiên hạ duy ngã độc tôn là vậy đó. Người tự biết chính mình chính là người có thể làm vua cả ba cõi, chính là người có thể ra khỏi luân hồi sinh tử, chính là người khiến cho mọi quỷ thần đều kính nể và cũng chính là người xứng đáng được tôn kính và cúng dường. Vì sao lại như vậy?

Mỗi một người chính là một tiểu vũ trụ hay nói cách khác, mỗi một người chính là miniature của toàn thể vũ trụ, cho nên nếu biết được tiểu vũ trụ này thì không gì mà họ không biết. Một người có thể thấy ra từng cử động dù là nhỏ nhất của tâm mình thì cũng có thể thấy ra từng cử động dù là nhỏ nhất, nhẹ nhàng nhất, vi tế nhất của tâm người khác. Một người có thể tự đọc chính mình vanh vách như đọc một quyển sách thì cũng có thể đọc người khác vanh vách.
Đừng nhầm lẫn người tự biết chính mình với người có thần thông. Người có thần thông chưa chắc tự biết chính mình, người có thần thông chưa chắc biết được càn khôn vũ trụ, người có thần thông chưa chắc ra khỏi luân hồi sinh tử, người có thần thông chưa chắc có thể đọc mình và người khác vanh vách như đọc một quyển sách.

Nếu so sánh ví von thì lấy bộ phim Tây Du Kí mà mọi người ai cũng có thể đã từng xem qua làm ví dụ. Cảnh Tề Thiên Đại Thánh đấu với Phật Tổ Như Lai. Một người có 72 phép thần thông như Tề Thiên Đại Thánh, trên trời dưới đất ai cũng khiếp sợ, đi đến đâu là lật tung cả nơi ấy. Một người thần thông ghê gớm đến như vậy vì sao vẫn cứ nhảy loi choi mãi vẫn không thể nào thoát ra khỏi bàn tay 5 ngón của Phật Tổ Như Lai. Đơn giản là vì Tề Thiên Đại Thánh dù có phép thần thông kinh thiên động địa như vậy vẫn không phải là người tự biết mình, và bàn tay Phật Tổ chính là tượng trưng cho người tự biết mình. Người tự biết mình không cần có thần thông gì cả, nhưng không có gì mà họ không thâu tóm được và không có gì có thể thoát ra khỏi cái biết của họ.

Tập trung vào luyện thần thông cho giỏi là con đường của ngoại đạo, không phải là con đường của đạo Phật. Con đường của đạo Phật là mỗi người đều tự quay về nơi chính mình mà xem xét khám phá học hỏi nơi chính mình. Thiên thượng thiên hạ duy ngã độc tôn. Trên trời dưới đất không ai qua được mình. Cho nên chỉ có quay về tự biết chính mình là việc làm tối thắng và tối thượng nhất. Thần thông phép thuật tất cả những thứ khác đều là phụ, không phải là mục đích chính của đạo Phật. Người nào tự chọn cho mình con đường luyện thần thông phép màu là người ấy tự chọn cho mình con đường triền miên trong luân hồi sinh tử, đó không phải là con đường Đức Phật đã nhìn thấy và chỉ cho chúng ta.

Làm sao để tự biết chính mình? Đó là làm thì biết mình đang làm gì, nói thì biết mình đang nói gì, nghĩ thì biết mình đang nghĩ gì. Đây con đường đúng đắn và là con đường duy nhất cho một người muốn tự biết chính mình.

Thứ Tư, 13 tháng 1, 2016

Cần suy ngẫm


Nếu cuộc đời của bạn mà lấy tiền làm trung tâm,
==> Bạn sẽ phải sống rất khổ.
Nếu cuộc đời của bạn mà lấy con cái làm trung tâm,
==> Bạn sẽ sống rất mệt mỏi.
Nếu cuộc đời của bạn mà lấy tình yêu làm trung tâm,
==> Bạn sẽ sống rất đau đớn.
Nếu cuộc đời của bạn mà lấy vượt lên người khác làm trung tâm,
==> Bạn sẽ sống rất buồn khổ.
Nếu cuộc đời của bạn mà lấy sự khoan dung làm trung tâm,
==> Bạn sẽ sống rất hạnh phúc.
Nếu như cuộc đời của bạn mà lấy việc tự cho là đủ làm trung tâm,
==> Bạn sẽ sống rất vui vẻ.
Nếu cuộc đời của bạn lấy cảm ân làm trung tâm,
==> Bạn sẽ sống rất thiện lương.
 
Làm người, cung kính bề trên, không khinh bề dưới, đấy chính là Lễ;
Làm việc, việc lớn không hồ đồ, việc nhỏ không tính toán, đấy chính là Trí;
Đối với lợi ích, có thể lấy sáu phần mà chỉ lấy bốn phần, đấy chính là Nghĩa;
Về phẩm cách, thân tựa như sen, gần bùn chẳng hôi, đấy chính là Liêm (trong sạch);
Đối nhân xử thế, trước sau như một, chân thành đối đãi, đấy chính là Tín;
Tu tâm, hòa ái từ bi, kính trời yêu người, đấy chính là Nhân.
 
Khi không có tiền, hãy cho đi sự chuyên cần, hành động, lời hay lẽ phải... tiền tài tất sẽ đến,
Đây gọi là đạo trời không phụ kẻ siêng năng.
 
Khi có tiền rồi, hãy cho đi tiền tài, như vậy người sẽ đến,
Đây gọi là của đi người tụ họp.
 
Khi đã có người rồi, hãy cho đi yêu thương, sự nghiệp tất sẽ đến,
Đây gọi là bác ái dẫn dắt lòng người.
 
Sau khi sự nghiệp thành công rồi, hãy cho đi thật nhiều trí huệ, tất niềm vui sẽ đến,
Đây gọi là đức hạnh thiên hạ.
 
Không có mất, thì sẽ không có được!
Nhất định hãy nhớ kỹ………thế gian vốn vẹn toàn.
 
Bạn đối với người khác như thế nào, người khác sẽ đối với bạn như vậy…!  

Sưu tầm

Thứ Hai, 11 tháng 1, 2016

Tâm bất thiện mà đòi sống an lạc thì làm sao mà có!

Theo quan niệm truyền thống nào đó (hổng biết có căn cứ không) cho rằng: mèo đến nhà là xui, cho nên có một số người cứ thấy mèo đến nhà là tìm cách đánh đập, lấy xăng đốt trụi lông, đâm thủng mắt, hoặc giết cho chết để mình không bị xui, đặc biệt những gia đình kinh doanh càng tin vào điều này hơn nữa.

Mình hên hay xui là do những gì mình đã và đang tạo dựng ra đấy chứ. Sao lại đổ thừa cho con mèo? Mình muốn một cuộc sống an lạc hạnh phúc mà mình lại tìm cách tước đoạt sự an lạc hạnh phúc của một sinh vật khác. Thử hỏi khi bị đánh, bị đốt, bị móc mắt, bị giết con mèo có đau không, chẳng những đau đớn mà có khi con vật còn sinh lòng oán hận mình nữa đấy. Dùng sự đau đớn của một sinh vật khác để đổi lấy sự an lạc cho bản thân thì điều này nghe có hợp lý hay không vậy mọi người? Vô lý như vậy mà vẫn có vô số người, thậm chí là người trí thức, tin thì cũng thật là lạ à nha!

Tương tự, một số người ỷ giàu có có tiền của nên vung tiền mua những thức ăn tẩm bổ như mật gấu, sừng con này con nọ…….. Mọi người có biết những con vật này phải trải qua thảm cảnh gì khi bị lấy những cái đó không vậy. Khi sự đau đớn của con vật lên cùng tột thì sự đau đớn và căm phẫn đi theo từng thớ thịt từng tế bào trong người con vật đó. Thức ăn như vậy có tẩm bổ được hay không, hay là mình bỏ tiền ra để mua thuốc độc về tự tẩm độc mình mà mình không biết. Thiệt cái tình! Trừ phi con vật vui vẻ tự nguyện tặng cho mình một bộ phận cơ thể của nó thì còn hy vọng tẩm bổ, còn đằng này nó bị cưỡng ép, bị hành xác thì bổ gì nỗi hả mọi người. Chuyện vô lý rành rành vậy mà vẫn có người nhìn không ra mới lạ chứ!

Tạo ra sự đau khổ cho người/sinh vật khác để cầu an lạc cho mình là điều không thể có. Nếu muốn an lạc thì mình hãy mang an lạc đến cho người khác. Nếu muốn hạnh phúc thì mình hãy tạo hạnh phúc cho người khác. Như thế này mới đúng theo quy luật cân bằng của vũ trụ chứ mọi người! Cũng vậy, muốn giàu có thì hãy ban tặng, muốn sống dai thì hãy bảo vệ mạng sống, muốn gia đình xum họp thì đừng chia rẻ người khác, muốn sử dụng được đồng tiền do mình làm ra thì hãy kiếm tiền chân chính và công bằng với người khác. Nếu mình kiếm tiền bất chính hay đè đầu bắt chẹt người khác để lấy tiền thì số tiền ấy mình không thể nào giữ được. Hoặc là bị lường gạt, hoặc là bị con phá của, hoặc là bị bệnh tật, hoặc là bị nhà nước tịch thu……… Vì sao? Vì số tiền ấy vốn dĩ không thuộc về mình, cho nên mình chẳng thể nào giữ. Quy luật cân bằng trong vũ trụ là vậy đó. Khi nào mình sống theo quy luật cân bằng của vũ trụ thì mình an lạc hạnh phúc, khi nào có sự mất cân bằng thì có chuyện xảy ra ngay. Vì sao? Để cho nó trở về trạng thái cân bằng chứ còn sao nữa? Có người lập luận với tôi thế này nè mọi người! Nếu không tích lũy nhiều tiền bạc thì nhỡ khi nhà có chuyện hay bệnh hoạn này nọ thì tiền đâu mà xoay xở. Câu trả lời: Nếu mình chân chính thì những chuyện xui xẻo có xảy ra đâu mà lo; chính vì mình bất chính làm cho cán cân bị lệch cho nên mới xảy ra chuyện này chuyện nọ để mọi việc được trở về trạng thái cân bằng. Cái này ai học vật lý mà chẳng biết.

Cho nên muốn an lạc thì tạo an lạc, muốn đau khổ thì tạo đau khổ, hay nói cách khác thì hên hay xui là do mình tự tạo ra cả, có phải do yếu tố bên ngoài đâu. Yếu tố bên ngoài có khi chỉ là duyên cho cái nhân mà mình đã gieo được trổ quả mà thôi. Cũng như mình gieo hạt xoài rồi thì nhờ duyên nước và ánh sáng thì hạt xoài ấy thành cây. Vậy là do mình gieo hạt xoài, chứ sao lại đổ thừa cho nước và ánh sáng, nếu không có sẳn hạt xoài thì nước và ánh sáng có tự tạo ra cây xoài được đâu. Thiệt cái tình! Bởi vậy mới nói: “Phàm làm việc gì phải nghĩ kỹ đến hậu quả của nó” là vậy đó.
 

Chủ Nhật, 10 tháng 1, 2016

Đức Phật dạy về đạo vợ chồng

Trong bài kinh “Bảy Loại Vợ” thì Đức Phật liệt kê ra 7 loại vợ như sau:

- Một là, người vợ nào có tâm địa hiểm độc, hai lòng không chung thủy trong hôn nhân, bỏ rơi chồng mình, quan hệ bất chính với các đàn ông khác chỉ vì choáng ngộp trước sự giàu có hay vẻ bề ngoài của họ, khinh bỉ chồng và tính tình hiếu sát. Người vợ như vậy, Như Lai gọi là  loại vợ sát nhân.  

- Hai là, người vợ nào không chung lo kinh tế gia đình, trái lại còn tiêu xài hoang phí tài sản hợp pháp của chồng tạo ra. Người vợ như vậy Như Lai gọi là loại vợ trộm cướp.

- Ba là, người vợ nào sống ỷ lại, lười biếng, không có lời từ ái, nhu hòa với chồng mà chỉ biết phát ngôn thô tháo, lấn lướt chồng. Người vợ như vậy Như Lai gọi là vợ chủ nhân.

- Bốn là, người vợ nào biết thương yêu chăm sóc, giúp đỡ chồng, biết cách giữ gìn và làm giàu tài sản của chồng như một người mẹ lo lắng chu tất cho con cái. Người vợ như vậy, Như Lai gọi là loại vợ như mẹ.

- Năm là, người vợ nào thùy mỵ, đoan trang, khiêm tốn, biết chiều chuộng và thuận phục chồng mình như đối với một người anh trong gia đình. Người vợ như vậy, Như Lai gọi là loại vợ như em.

- Sáu là, người vợ nào luôn luôn niềm nở, vui vẻ, hòa thuận với chồng như thể khi hội ngộ một người bạn thân từ lâu mới gặp lại. Luôn giữ tiết hạnh và thủy chung với chồng. Người vợ như vậy, Như Lai gọi là loại vợ như bạn.

- Bảy là, người vợ nào luôn mềm mỏng, không nóng tánh, không sân hận, giận dỗi. Dù bị chồng đối xử không đẹp nhưng vẫn nhường nhịn, không tỏ thái độ lỗ mãng, lớn tiếng. Trái lại còn biết tùy thuận để khuyên răn và chinh phục chồng mình. Người vợ như vậy, Như Lai gọi là loại vợ như người hầu

- Này Su-cha-ta, trong bảy loại người vợ mà Như Lai vừa nói, ba hạng đầu là loại vợ như sát nhân, như những người bất hảo, do đó con nên xa tránh. Những hạng vợ như vậy do sống không giới hạnh, ác khẩu và vô lễ, sau khi qua đời phải sanh vào cõi xấu. Bốn loại vợ sau là đáng tôn kính và noi theo. Đó là vợ như mẹ, vợ như em, vợ như bạn và vợ như người hầu. Những hạng vợ này khi sống thì tạo ra hạnh phúc cho gia đình và con cái; khi qua đời thì được sanh vào cõi lành.
  
Trong Trường Bộ II, kinh Giáo Thọ Thi Ca La Việt, Đức Phật dạy về đạo nghĩa vợ chồng như sau:

Này gia chủ, có 5 cách người chồng phải đối xử với người vợ: Kính trọng vợ, không bất kính đối với vợ, trung thành với vợ, giao quyền hành cho vợ, sắm đồ nữ trang cho vợ.

Này gia chủ, được chồng đối xử như vậy, người vợ có lòng thương tưởng chồng theo 5 cách: Thi hành tốt bổn phận của mình, khéo tiếp đón bà con, trung thành với chồng, khéo giữ gìn tài sản của chồng, khéo léo và nhanh nhẹn làm mọi công việc. 

Này gia chủ, người vợ được chồng đối xử theo 5 cách và người vợ tỏ lòng thương tưởng chồng theo 5 cách như vậy, gia đình sẽ an ổn và thoát khỏi các sợ hãi.
 

Thứ Năm, 7 tháng 1, 2016

Đức Phật không có làm từ thiện!

Cái này chúng ta hay bị nhầm lẫn lắm nè mọi người! Cứ nghĩ rằng làm từ thiện nghĩa là tu, tu là phải làm từ thiện. Chính vì nghĩ như vậy mà đi làm từ thiện được một chút, được khen ngợi một tí là thấy hỉnh mũi lên rồi, hỉnh riết rồi tự ảo tưởng xem mình ngang Phật ngang Thánh luôn mới ghê đó nha! Chúng ta thiệt là mắc cười lắm đó mọi người!

Tại sao chúng ta phải làm từ thiện? Bởi vì chúng ta còn làm ác nên chúng ta mới phải làm thiện để mà cân bằng lại chứ. Còn ông Phật ổng có làm ác đâu mà ổng phải đi làm thiện. Phật là người đã ngừng làm tất cả các việc ác. Chính vì ngừng làm tất cả các việc ác nên ổng làm gì cũng thiện thì mắc gì phải đi làm từ thiện nữa. Người còn đi làm từ thiện là người còn làm ác đó nha bà con! Nhưng mà mình còn làm ác thì mình biết mình còn làm ác, và để cân bằng thì mình đi làm thiện. Như vậy là tự biết mình. Chứ đừng có ảo tưởng kiểu: Thôi mình bắt chước Phật, hổng cần làm từ thiện nữa bởi mình làm gì ra cũng thiện. Có chắc không vậy? Trong suy nghĩ còn điều ác cả đống. Tại mình không nhìn ra chứ đâu phải là không có đâu mà bày đặt ảo tưởng hehehehehehehe.

Túm lại là vậy đó. Ai thấy mình cần làm từ thiện thì cứ việc làm đi, tôi hổng có cản. Nhưng cần thấy rõ rằng do mình còn làm điều ác nên mình buộc phải làm thiện cho nó cân bằng, chứ không phải làm thiện có tí mà tự cho mình là ghê gớm là mắc cười lắm đó!

Tôi là người chủ trương không làm từ thiện. Cái này xem như là sở thích đi nha mọi người. Tôi không làm từ thiện không có nghĩa là tôi thành Phật rồi nha. Nghĩ vậy là cũng mắc cười lắm đó. Tôi còn nghĩ điều ác, còn nói điều ác, còn làm điều ác cả đống, đếm hoài hổng hết luôn nè! Nhưng mà tôi không có chủ trương làm từ thiện. Biết sao không?

Vì làm từ thiện là một hình thức sám hối đó nha mọi người! Và tôi làm ác cái gì thì tôi biết cái đó, cho nên tôi sám hối đúng chỗ, đúng người, đúng việc, chứ không có thấy người khác làm mình cũng làm cho có phong trào, cho giống thiên hạ, cho có cảm giác mình là người thiện lành. Biết mình làm ác cái gì và cần làm gì để cân bằng lại mới là chủ trương của tôi đó nha mọi người, hổng việc gì phải hùa theo người khác. Làm mà không biết mình đang làm gì là con đường dẫn đến vô minh.

Mọi người cũng chớ đánh đồng người tu với người làm từ thiện nha! Như trên đã nói, làm từ thiện là một hình thức sám hối, và người làm từ thiện là người thiện lành trong xã hội. Còn người tu là người biết việc mình đang làm và biết lời mình đang nói. Thấy việc gì cần làm thì làm, làm xong thì thôi, hổng có ghim để mà kể công (cái vụ ghim để kể công là tôi cũng hay dính lắm nè! Tự kể công với mình cũng là hình thức ghim để kể công đó nha mọi người!)

Vậy đó. Đọc xong bài này rồi thì đừng có nói là Phật làm từ thiện nữa nha mọi người! Nói vậy cũng được, nhưng mà nghe mắc cười quá hihihihihihihihihi.

Chủ Nhật, 3 tháng 1, 2016

Duyên Vợ Chồng

Tu trăm năm mới chung một chuyến thuyền, tu nghìn năm mới nên duyên chồng vợ, đó là câu nói dân gian về duyên phận nhân sinh, gặp nhau bởi chữ duyên, gắn kết đời nhau bởi chữ nợ, trân quý cơ duyên này cũng chính là trân quý bản thân mình vậy.

Vợ chồng là thiếu nợ lẫn nhau sao? Vợ chồng là nợ nghiệp nhau sao? Duyên vợ chồng như thế nào mới có thể chấm dứt đây? Vợ chồng lại là cái gì duyên mà kết thành đây? Tục ngữ có câu:“Tu trăm năm mới đi chung thuyền, tu ngàn năm mới chung chăn gối”. Ý câu này là, những người có thể ngồi chung trên một chuyến thuyền đều là người hữu duyên, còn có thể kết thành vợ chồng thì giữa họ với nhau mối duyên càng sâu đậm. Nói cách khác, quan hệ vợ chồng là loại sâu sắc nhất trong tất cả các loại duyên phận, chỉ có điều là trong những duyên này có thiện có ác.

Duyên vợ chồng nhìn chung đến từ ba loại duyên dưới đây:

Duyên đến từ việc người này có ân với người kia
Con người trong những lần gặp nhau, nếu người này có ân với người kia, khiến họ cảm động khôn nguôi, và nguyện ý báo ân trả nợ, thì vào kiếp sau một người sẽ là nam còn người kia là nữ, bởi nguyện ước thiện lành trong quá khứ mà kết thành vợ chồng.

Ví dụ, khi bạn rơi xuống nước, lúc đó không ai nguyện ý cứu bạn, nhưng lại có một người dũng cảm quên mình vì bạn, mặc kệ có cứu sống hay không, bạn vẫn ghi lòng tạc dạ ân nghĩa này. Vì đền ân cứu mạng, bạn vào kiếp sau sẵn lòng làm thân trâu ngựa báo đáp. Loại tình huống này chính là duyên vợ chồng vì báo ân mà kết thành.

Trong các loại duyên vợ chồng, loại duyên vợ chồng này có thể hạnh phúc mỹ mãn nhất, bởi vì sâu thẳm trong ý thức của một người tồn tại ý niệm dâng hiến một cách không oán không hối, nên hai bên đều có thể hạnh phúc. Tuy nhiên, loại vợ chồng này không bảo đảm là không cãi nhau hoặc không ly hôn, nếu cá tính không hợp thì vẫn sẽ có vấn đề ma sát khi sống chung.

Duyên mà người này thiếu nợ người kia
Nếu như duyên vợ chồng kết thành từ việc người này thiếu nợ người kia, thì chúng ta có hai loại nợ nần được tính đến. Một là khoản nợ tiền tài, hai là khoản nợ tình cảm, cũng có những khoản nợ khác, nhưng hai loại trên vẫn là chính yếu.

Ví như nếu kiếp trước bạn là đàn ông, bị một người con gái phụ bạc, lừa gạt tình cảm, cảm thấy không cam lòng. Như vậy kiếp sau bạn sẽ còn gặp lại cô ấy. Khi cô gái này gặp được bạn, cô sẽ nắm chặt bạn, không bao giờ để bạn chạy trốn nữa. Đây chính là vợ chồng vì khoản nợ tình cảm mà kết thành.

Một ví dụ khác như, khi nam nữ đang trong quá trình tìm hiểu, con trai lúc nào cũng là người chi trả mọi khoản. Nếu cô gái ham hưởng thụ điều này, mà lại không thành tâm muốn kết giao, khi đã lợi dụng được một thời gian liền lạnh lùng rời đi, như vậy người con trai đương nhiên sẽ rất không cam tâm. Nếu là vậy, cô gái này trong kiếp sau sẽ còn gặp người con trai này, cô gái khi đó cũng sẽ có tiền, nhưng rất nhiều tiền của cô đều bị anh ta tiêu hết, hoặc cuối cùng đều thuộc về anh ta. Trường hợp này là vợ chồng vì khoản nợ tiền tài mà kết thành. Dẫu đây là vì ác duyên mà kết thành vợ chồng, nhưng chỉ cần trong quá trình sống chung tại kiếp này có thể làm việc chăm chỉ, không so đo với nhau khi ở chung, thì vẫn có cơ hội sống hạnh phúc.

Nhân duyên thiếu nợ lẫn nhau
Loại duyên thiếu nợ lẫn nhau này, tức là nợ qua nợ lại nhưng là nợ tiền tài và tình cảm là phần nhiều. Nói cách khác, nếu đôi bên khi tìm hiểu, đã nợ nhau các khoản tiền tài và tình cảm như trên, họ kiếp này gặp lại kết thành vợ chồng, vừa vặn dễ dàng giúp nhau trả nợ.

Lúc này cũng có thể nói, vợ chồng kết thành chính là vì cân bằng nhân quả. Chính vì có nhân quả nên “quan hệ” giữa con người với nhau liên tục được cân bằng, không tồn tại bất công.

Vì vậy, bất kì ai khi đã nên duyên vợ chồng, cần phải quý trọng nhau mà chung sống, vì khoản nợ này sẽ còn thay đổi. Không được oán giận người kia, không được oán trời trách đất, vì oán thán sẽ khiến món nợ kia trả hoài không hết! Hoặc món nợ đã mắc càng ngày càng nặng hơn! Trong loại duyên vợ chồng này, bởi vì hai bên đối với nhau đều đòi hỏi bên này phải trả nợ bên kia, nên thường xuất hiện tính toán và tranh chấp. Tuy nhiên, hai bên chỉ cần thay đổi suy nghĩ, dùng thái độ cam tâm tình nguyện mà đối đãi với người kia, như vậy khoản nợ này sẽ nhanh chóng được trả hết.

Duyên vợ chồng tốt nhất
Trên đây là nói về các loại yếu tố kết thành duyên vợ chồng. Nếu dùng số mệnh con người để xem, các loại thiện ác trong duyên vợ chồng cũng phần nào nói lên bạn có hạnh phúc hay không, những người vì ác duyên mà thành vợ chồng, lại càng không cần phải nói. Tuy nhiên, nếu hai bên phù hợp ba điều kiện dưới đây, bất kể là loại vợ chồng duyên gì cũng có thể hưởng hạnh phúc. Vì vậy, khi bạn chọn người phối ngẫu, ba nhân tố này là rất quan trọng:

Một, hai bên cá tính tương hỗ.
Hai, hai bên đều kính trọng lẫn nhau.
Ba, hai bên đều là người có trách nhiệm.

Nói cách khác, điều kiện bên ngoài, vinh hoa phú quý hay không cũng không phải chỉ tiêu hạnh phúc hay không.

Làm sao biết duyên vợ chồng đã kết thúc hay chưa?
Bên cạnh đó, khi chung sống tại kiếp này, vợ chồng cãi nhau là chuyện thường tình. Tuy nhiên, sau khi giằng co cự cãi không ai chịu ai, luôn sẽ có một người nhất định muốn ly hôn, nhưng người kia lại không chịu, điều này nói lên rằng khoản nợ lẫn nhau vẫn còn chưa hết, duyên vợ chồng này còn chưa kết thúc.

Ngược lại, nếu như trong quá trình chung sống, tình cảm vợ chồng nhạt nhẽo, chẳng ai lưu luyến ai. Điều này nói lên rằng khoản nợ giữa vợ chồng đã hết, vì vậy hai bên sống chung giống như bạn bè, chẳng lưu luyến bịn rịn.

Ngoài ra, qua việc chia tay cũng có thể nhìn rõ duyên vợ chồng đã kết thúc hay chưa. Bất luận việc chia tay này là tử vong, đi xa nhà, xuất gia, hay ly hôn.

Nếu như đôi bên khó lòng chia ly, lúc chia tay khóc nức nở, thì ắt hẳn ân oán vợ chồng này còn chưa trả hết, duyên vợ chồng vẫn còn.

Còn khi chia tay, oán hận lẫn sự bất mãn vẫn khuấy động tâm can hoặc không cam lòng, điều này nói lên rằng “khoản nợ” giữa các bạn vẫn còn chưa trả hết, kiếp sau gặp lại vẫn sẽ tiếp tục kết làm vợ chồng.

Hoặc lúc chia tay, cả hai giống như bạn bè, không oán hận, chỉ đau thương hoặc khổ sở một chút, nhưng không đến nỗi muốn níu kéo nhau, điều này nói lên rằng khoản nợ giữa vợ chồng các bạn cuối cùng có thể chấm dứt rồi.

Vợ chồng là nghiệp chướng sao?
Phật giáo thường nói, kết hôn là nghiệp chướng, cái này chủ yếu nói về giải thoát trong tu luyện. Dựa vào duyên vợ chồng trong quá khứ, bởi vì có ân oán tình thù chưa kết thúc, vì vậy đời này kết làm vợ chồng, mà trước khi ân oán tình thù chưa cân bằng, hai bên sẽ phải gắn kết với nhau, người này cản trở người kia, tạo thành chướng ngại trên con đường tu hành. Tuy nhiên, nếu các bạn mong muốn nhanh chấm dứt duyên vợ chồng này, có thể dùng lý trí mà suy nghĩ để cải thiện quan hệ đôi bên. Suy nghĩ cho lợi ích của đối phương là điều kiện tiên quyết để quyết định sự việc, chuyện cản trở lẫn nhau này có thể giải quyết được.

Ngoài ra, nếu như duyên vợ chồng của các bạn còn chưa kết thúc, mà bạn muốn tu hành, thì bạn có thể tận dụng khoản thời gian chung sống vợ chồng để hiểu rõ nhân tính. Việc này chính là giúp bạn thêm trí tuệ, bởi hiểu tận tường nhân tính con người không phải chuyện dễ dàng.

Nam và nữ đều có cả ưu và khuyết điểm, và khoảng thời gian chung sống của vợ chồng cũng chính là thời khắc bạn học tập ưu điểm của người kia, đây cũng là điều không dễ để tiếp thu. Đặc thù giữa nam nữ khác nhau rất lớn, ví dụ như mưu cầu dục vọng và giá trị quan của nam nữ khác nhau, sở thích hoặc nhu cầu tình cảm cũng không giống nhau v.v.., bạn chính là trong khi chung sống vợ chồng mà tự mình tìm hiểu, nếu làm được như thế thì đây cũng là tu hành rồi.

Duyên vợ chồng mặc dù là trở ngại giải thoát, nhưng nếu bạn có thể tận dụng tốt việc này để tìm hiểu nhân tính, thì cũng chính là có thể giúp bạn khai mở trí tuệ, chẳng phải đó là “đá kê chân” sao. Hãy tận dụng cho tốt cơ duyên này vậy!

Iris, dịch từ watchinese.com, theo tinhhoa.net
Xem nguồn bài viết ở đây.