Thứ Hai, 31 tháng 8, 2015

Kiếp Sau Của Mỗi Bậc Thánh-Nhân

* Bậc Thánh-Nhập-lưu đã diệt-đoạn-tuyệt được 2 loại phiền-não là tà-kiến và hoài-nghi, nên kiếp hiện-tại không còn khổ tâm do 2 loại phiền-não ấy nữa.
Sau khi bậc Thánh-Nhập-lưu chết, chắc chắn vĩnh viễn không còn tái-sinh trong 4 cõi ác-giới: địa-ngục, a-su-ra, ngạ-quỷ, súc-sinh nữa, chỉ có dục-giới đại-thiện-nghiệp cho quả tái-sinh kiếp sau trong cõi-thiện-giới là cõi người hoặc 6 cõi trời dục-giới nhiều nhất 7 kiếp nữa mà thôi.
Đến kiếp thứ 7, chắc chắn sẽ trở thành bậc Thánh-A-ra-hán, rồi tịch diệt Niết-bàn, giải thoát khổ tử sinh luân hồi trong tam-giới.

* Bậc Thánh-Nhất-lai đã diệt-đoạn-tuyệt được 1 loại phiền-não là sân loại thô, nên kiếp hiện-tại không còn khổ tâm do sân loại thô ấy nữa.
Sau khi bậc Thánh-Nhất-lai chết, dục-giới đại-thiện-nghiệp cho quả tái-sinh kiếp sau trong  cõi người hoặc cõi trời dục-giới một kiếp nữa mà thôi. Trong kiếp ấy chắc chắn sẽ trở thành bậc Thánh-A-ra-hán, rồi tịch diệt Niết-bàn, giải thoát khổ tử sinh luân hồi trong tam-giới.

* Bậc Thánh-Bất-lai đã diệt-đoạn-tuyệt được 1 loại phiền-não là sân loại vi tế, nên kiếp hiện-tại không còn khổ tâm do sân nữa.
Sau khi bậc Thánh-Bất-lai chết, chắc chắn sắc-giới thiện-nghiệp cho quả tái-sinh kiếp sau làm phạm-thiên trên cõi trời sắc-giới, sẽ chắc chắn trở thành bậc Thánh-A-ra-hán, rồi sẽ tịch diệt Niết-bàn, giải thoát khổ tử sinh luân hồi trong tam-giới.

* Bậc Thánh-A-ra-hán đã diệt-đoạn-tuyệt được 7 loại phiền-não còn lại là tham, si, ngã-mạn, buồn-chán, phóng-tâm, không biết hổ-thẹn tội lỗi, không biết ghê-sợ tội lỗi không còn dư sót, nên kiếp hiện-tại hoàn toàn không có khổ do phiền-não nữa.
Bậc Thánh-A-ra-hán ngay kiếp hiện-tại tịch diệt Niết-bàn (chết), không còn tái-sinh kiếp nào nữa, giải thoát khổ hoàn toàn tử sinh luân hồi trong tam-giới. 

Xem nguồn bài viết ở đây.

Trả Ơn Mẹ Cha Không Dễ (Na Suppatikāraṃ)

Mỗi người được hiện hữu trên cõi đời do nhờ công ơn sinh thành dưỡng dục của mẹ cha, cho nên, công ơn của mẹ cha thật là lớn lao vô lượng, vô biên mà bổn phận làm con khó mà đền đáp công ơn sinh thành dưỡng dục của mẹ cha một cách xứng đáng được.

Đức-Phật dùng ví dụ rằng:

Người con đặt mẹ bên vai phải, đặt cha bên vai trái, cung phụng đầy đủ mọi thứ nhu cầu cần thiết trong cuộc sống hằng ngày của mẹ cha, tắm rửa, xoa bóp, xức nước hoa, ăn uống ngủ nghỉ, thậm chí mẹ cha đi tiểu tiện ở trên vai của người con, suốt thời gian tuổi thọ 100 năm như vậy.

Dù người con có thật sự làm được như vậy, thì cũng chưa có thể gọi là người con chí hiếu trả công ơn sinh thành dưỡng dục của mẹ cha một cách xứng đáng, bởi vì mẹ cha có công ơn lớn lao vô lượng, vô biên, … đối với người con. Mẹ cha cho con sinh ra đời, nuôi nấng, dưỡng dục con nên người.

Vậy, người con có cách nào để trả công ơn mẹ cha một cách xứng đáng hay không?


Đức-Phật dạy 4 pháp với ý nghĩa:

* Người con nào biết mẹ cha là người không có đức-tin trong sạch nơi Tam-bảo: Đức-Phật-bảo, Đức-Pháp-bảo, Đức-Tăng-bảo; không tin nghiệp và quả của nghiệp,… người con ấy nên thuyết phục mẹ cha trở thành người có đức-tin đầy đủ (saddhāsampadā).
  
* Người con nào biết mẹ cha là người không có ngũ-giới,… trong sạch, người con ấy nên thuyết phục mẹ cha trở thành người có ngũ-giới trong sạch và đầy đủ trọn vẹn (sīlasampadā).

* Người con nào biết mẹ cha là người có tâm bủn xỉn, keo kiệt trong của cải tiền bạc của mình,… người con ấy nên thuyết phục mẹ cha trở thành người có đại-thiện-tâm hoan-hỷ trong sự làm phước-thiện bố-thí, cúng-dường đến chư tỳ-khưu-tăng, v.v… người có sự bố-thí đầy đủ (cāgasampadā).

* Người con nào biết mẹ cha là người không có trí-tuệ sáng suốt,… người con ấy nên thuyết phục mẹ cha trở thành người có trí-tuệ sáng suốt, thấy rõ biết rõ thật-tánh của các pháp, trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ biết rõ các sắc-pháp, danh-pháp tam-giới và siêu-tam-giới, người có trí-tuệ đầy đủ (paññāsampadā).

Ví như Ngài Đại-Trưởng-lão Sāriputta thuyết pháp tế độ mẫu thân trở thành bậc Thánh-Nhập-lưu. Cho nên, Ngài Đại-Trưởng-lão dạy rằng: 
“Tôi đã trả ơn sinh thành dưỡng dục của mẹ tôi rồi.”

Nếu người con nào có khả năng thuyết phục:

* mẹ cha là người không có đức-tin, trở thành người có đức-tin đầy đủ (saddhāsampadā).

* mẹ cha là người không có ngũ-giới,… trở thành người có ngũ-giới trong sạch và đầy đủ trọn vẹn.

* mẹ cha là người có tâm bủn xỉn, keo kiệt trong của cải, tiền bạc của mình, trở thành người hoan-hỷ trong sự bố-thí đầy đủ (cāgasampadā).

* mẹ cha là người không có trí-tuệ, trở thành người có trí-tuệ sáng suốt, có trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ biết rõ thật-tánh của các sắc-pháp, danh-pháp đầy đủ (paññāsampadā).

Thì người con ấy mới được gọi là người con biết ơn mẹ cha và biết trả ơn mẹ cha của mình  một cách xứng đáng.
Nếu trường hợp người con không có khả năng thuyết phục mẹ cha được thì thỉnh mời các vị Trưởng-lão đến thuyết giảng để cho mẹ cha trở thành người có đức tin, có giới trong sạch, biết bố thí, có trí-tuệ thì người con ấy cũng được gọi là người con biết ơn mẹ cha và biết trả ơn mẹ cha của mình một cách xứng đáng.
Thật vậy, dù người con cung phụng những nhu cầu cần thiết trong cuộc sống hằng ngày đến mẹ cha thì cũng chỉ giúp đỡ về phần thân thể của mẹ cha được an-lạc trong kiếp hiện-tại mà thôi.

Nếu người con nào có khả năng thuyết phục  mẹ cha trở thành người có đức-tin đầy đủ (saddhāsampadā), có ngũ-giới trong sạch và đầy đủ (sīlasampadā), có sự bố-thí đầy đủ (cāga-sampadā), có trí-tuệ đầy đủ (paññāsampadā) thì mẹ cha chắc chắn không chỉ hưởng sự lợi ích, sự tiến hoá, sự an-lạc trong kiếp hiện-tại mà còn hưởng vô số kiếp vị-lai, nhất là làm nhân-duyên dẫn đến chứng-ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc Thánh-đạo, Thánh-quả, Niết-bàn, giải thoát khổ tử sinh luân hồi trong 3 giới 4 loài.

Cho nên, người con ấy được gọi là người con chí hiếu biết ơn mẹ cha (kataññū) và biết trả công ơn (katavedī) sinh thành dưỡng dục của mẹ cha một cách xứng đáng.

Xem nguồn bài viết ở đây

CHÚNG TA LÀ NHỮNG TẤM GƯƠNG PHẢN CHIẾU LẪN NHAU!

Đây là một trong những kiểu ngụy biện mà ai trong chúng ta cũng có thể mắc phải:
- Khi ai đó nói mình sân, mình đáp: "Ta không có sân, cái sân ấy nằm sẳn nơi ông!"
- Khi ai đó nói mình ngã mạn, mình đáp: "Ta không có ngã mạn, cái ngã mạn nằm sẳn nơi ông."
- Khi ai đó nói mình tào lao, mình đáp: "Ta không có tào lao, cái tào lao ấy nằm sẳn nơi ông."
.....................................................
Trong mỗi người ai mà chẳng có các hạt giống thiện như từ bi hỷ xả... và các hạt giống bất thiện như tham sân si mạn nghi ác kiến.... Và mỗi khi hạt giống nào đó được nổi trội thì có thể sẽ lộ ra bên ngoài qua các biểu hiện. Ví dụ: biểu hiện của sân có thể là dùng từ thô tục, có thể là lớn tiếng, có thể là quát tháo, có thể là nói liên tục,.................... Những biểu hiện này có thể mọi người ai cũng đều biết qua việc tự mình trải nghiệm cơn sân và qua việc quán sát người khác khi họ nổi sân. Vì thế khi chúng ta có một hay vài biểu hiện này thì người khác dễ dàng kết luận là chúng ta sân.
Chúng ta là tấm gương phản chiếu của họ. Khi họ nhận thấy chúng ta sân thì do trong họ có sẳn hạt giống sân. Dĩ nhiên rồi (vì nếu không thì họ đã thành Phật rồi.)
Tuy nhiên chớ quên rằng họ cũng chính là tấm gương phản chiếu chúng ta. Nếu chúng ta không lộ ra các biểu hiện của sân thì hạt giống sân bên trong họ chẳng thể được gợi lên để họ thấy rằng chúng ta đang sân.
Do đó khi có ai đó nói mình sân thì hãy tự xem lại chính mình. Chắc chắc về hình thức là mình đã và đang có những biểu hiện của sân. Còn về tâm thì mình có sân hay không. Hãy quán sát cho kỹ. Có khi mình không sân thô nhưng lại là sân vi tế và siêu vi tế đó.
Đó là lý do vì sao các bậc giác ngộ thường có những biểu hiện từ ái trong cả hành vi và lời nói. Vì những biểu hiện từ ái ấy gợi cho người xung quanh phát triển những hạt giống thiện, thay cho những hạt giống bất thiện. Do đó có câu: "Phật và Bồ tát dù có xuống địa ngục thì nơi ấy vẫn nở hoa hồng; còn người đầy tham sân si dù có đến thiên đường thì nơi ấy cũng hóa thành địa ngục" là như vậy đó.

Chủ Nhật, 30 tháng 8, 2015

Giới cấm thủ là gì?



...Kính thưa thầy! Xin Thầy chỉ giúp con "giới cấm thủ" bao hàm những ý nghĩa gì ạ, mong Thầy khai sáng cho con. Con xin thành kính cảm ơn Thầy, chúc Thầy nhiều sức khỏe và an vui!
Trả lời:
Giới cấm thủ là chấp thủ vào những hình thức nghi lễ, cúng bái, tế đàn, xin xăm, xem bói, mê tín, dị đoan v.v... Đặc biệt đối với Tăng, Ni, Thiện nam, Tín nữ nếu chấp vào hình thức giới chế định mà không biết được giới tự tánh thì vẫn xem là giới cấm thủ.
Bậc Nhập Lưu (vào được thực tánh chân đế) mới không chấp hình thức nên không còn giới cấm thủ nữa...
Viên Minh - mục Hỏi & Đáp trungtamhotong.org
(Copy từ trang FB yenlang.net)

Thứ Bảy, 29 tháng 8, 2015

*CHÈ BẮP BẰNG NỒI CƠM ĐIỆN*

 
 Nguyên liệu:

- Ngô ngọt: 3 bắp.

- Gạo nếp: nửa bát con.

- Đường thốt nốt: 100g. Các bạn có thể dùng đường kính, nhưng khuyến khích dùng đường thốt nốt vì chè sẽ thơm hơn các bạn nhé.

- Lá dứa: 3 lá.

- Dừa nạo: 50g

Cách làm:

- Ngô ngọt bóc vỏ, nhặt sạch râu, tẽ hạt. Phần cùi các bạn để lại để luộc lấy nước cho ngọt.

- Gạo nếp vo sạch, lá dứa rửa sạch. Lá dứa sẽ giúp chè của các bạn được thơm hơn.

- Cho ngô tẽ hạt + lõi ngô + gạo nếp vào nồi cơm điện, cho nước đến nửa nồi và cắm điện, bật chế độ nấu.

- Khi thấy nồi cơm điện sôi, các bạn lấy lõi ngô ra bỏ đi, cho thêm lá dứa vào, đậy nồi và tiếp tục nấu.

- Khi nồi chè sôi lại, các bạn cho đường vào rồi nhanh tay đảo đều, nếu thấy nước gần cạn rồi thì nhớ cho thêm nước đến lấp xấp chè.

- Để nồi chè sôi lần nữa thì các bạn chuyển sang chế độ ủ nhé. Khoảng 5 phút sau các bạn kiểm tra, thấy các nguyên liệu chín mềm nhừ rồi là được.

Chè chín múc ra bát, rắc một ít dừa nạo lên trên, dùng nóng hay lạnh đều ngon nhé. Chè bắp có vị ngọt mát, mùi thơm thơm của dừa cùng hòa quyện sẽ làm bạn cảm thấy ngon miệng. Các bạn có thể dùng món này làm món điểm tâm hoặc là món khai vị trong các buổi tiệc mini. Chúc các bạn thành công và có một bát chè thơm ngon hấp dẫn

Sưu tầm trên net.

Bánh chuối hấp - món quà vặt dân dã

Bạn cần chuẩn bị những nguyên liệu sau để làm bánh chuối hấp:

- 3 quả chuối tây chín
- 50g đường cát
- 100g bột năng
- 170ml nước
- Lạc rang, nước cốt dừa, vài giọt phẩm màu vàng (nếu thích)

Chế biến:

- Chuối thái khoanh tròn chừng 1 cm.
- Cho chuối vào 170ml nước luộc đến khi sôi chừng 3 phút.
- Vớt chuối ra, dùng phần nước chờ nguội rồi hòa với bột và đường cho tan, thêm 1 thìa canh nước cốt dừa quậy cùng, nếu thích có màu vàng đẹp mắt bạn có thể thêm vài giọt phẩm màu vàng nhé!
- Chuẩn bị khuôn hấp, bôi một lớp dầu ăn mỏng vào khuôn, xếp một lớp chuối rồi đổ bột ngập mặt chuối.
- Đem hấp đến khi thấy bánh trong thì bắt đầu đổ lớp tiếp theo lên, cứ làm như vậy cho đến hết.
- Khi thấy bánh trong hoàn tàn là đã chín, nhấc cả bánh và khuôn ra để nguội.
- Dùng dao mỏng và sắc lách qua thành khuôn để lấy bánh ra.
- Xắt thành những miếng vuông cỡ 2cm x 2cm.
- Lạc rang đập dập.
- Xếp bánh xuống dưới, rắc lạc rang và nước cốt dừa lên trên là bạn đã hoàn thành món bánh chuối hấp cực ngon rồi đấy!

Món bánh chuối hấp cùng nước cốt dừa khi ăn sẽ hơi dai dai, beo béo vị cốt dừa và bùi bùi của lạc rang. Món này có thể dùng làm món tráng miệng hoặc ăn chơi, bạn hãy vào bếp trổ tài để cả nhà có thêm một món ăn vặt dân dã và đáp ứng tiêu chí ngon - bổ - rẻ này nhé!

 Sưu tầm trên net.

 

Chè bưởi

Để làm chè bưởi tuy có hơi kỳ công một tí nhưng thành quả thì cực đáng luôn!

 

Chuẩn bị những nguyên liệu sau:
- 1 quả bưởi
- 500g đỗ xanh bóc vỏ
- Nước cốt dừa
- Đường
- Nước
- Muối

Bước 1:

- Bổ quả bưởi và lấy phần cùi bưởi đem đi sơ chế.


 

 Bước 2:

- Cắt cùi bưởi thành từng miếng nhỏ và ngâm vào nước muối trong vòng 1 đến 1,5 tiếng cho cùi không còn vị đắng.

Bước 3:

- Vớt cùi bưởi ra giá, đem phơi khô từ 2 đến 3 tiếng ngoài nắng cho cùi se lại và sau này khi nấu có độ giòn nhất định.

Bước 4:

- Cho cùi bưởi vào nấu, cho thêm chút muối và đường để giúp cho cùi bưởi thêm thơm hơn. Khi nào thấy cùi bưởi chuyển sang màu trong là bạn đã hoàn thành công đoạn chế biến cùi bưởi rồi.

Bước 5:

- Cho đỗ xanh đã bóc vỏ vào nồi và đun nhừ.
Bước 7:

- Hòa bột sắn pha loãng vào nồi đỗ, bạn quấy thật đều tay cho đến nồi chè sôi trở lại thì cho thêm đường và cùi bưởi ở trên vào, trộn đều rồi tắt bếp.

Các bạn cho thêm một chút cốt dừa lên trên và cùng thưởng thức chè bưởi nào!

Sưu tầm trên net.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Cách làm bánh chuối chiên vàng

Nguyên liệu:
– Chuối chín: 10 quả (Làm bằng chuối xiên sẽ ngon hơn nha)
– 100g bột gạo, 2 thìa canh bột mì.
– Gia vị: 1 thìa canh đường, muối.
Cách làm:
– Hòa tan bột mì, bột gạo với nước cho hỗn hợp đó sánh lại. Thêm gia vị: 1 thìa canh đường, ít muối vào rồi khuấy tan. Để bột trong khoảng 30 phút trước khi chiên.
– Nhúng chuối vào lớp bột mỏng.
– Chiên vàng chuối lần 1 trong chảo ngập dầu.
– Tiếp tục nhúng bột chiên lại lần 2 (Mục đích giúp chuối có lớp vỏ ngoài dày giòn thơm ngon, màu vàng đẹp mắt).
– Chiên đến khi chuối vàng giòn bạn thấm bớt dầu là bánh đã hoàn thành nha.

Sưu tầm trên net. 

Thứ Năm, 27 tháng 8, 2015

Vì sao Phật lại dạy Trung Đạo?

Phật dạy trung đạo là vì chúng ta có thói quen: cứ thích cái gì là bám lấy cái đó, cứ ghét cái gì là tìm cách tẩy chay cái đó. Không bám, không tẩy chay thì đó là trung đạo. Để làm được điều này thì không dễ đâu nha! Đó là lý do chúng ta có thể bám và có thể tẩy chay, nhưng quan trọng là chúng ta cần biết bám đến lúc nào thì nên buông, và tẩy chay đến lúc nào thì không tẩy chay nữa.

Tương tự trong việc học đạo. Chúng ta bám vào một vị thầy và một pháp môn nào đó vào thời điểm này vì vị thầy và pháp môn ấy thích hợp cho chúng ta, nhưng đến lúc cần buông thì nên buông. Khi đã chọn được thầy và pháp môn thích hợp thì chúng ta có xu hướng "tẩy chay" những vị thầy và những pháp môn không phù hợp vào thời điểm này. Điều này là bình thường. Đến lúc nào đó tự mình sẽ nhận thấy là không tẩy chay nữa.

Và trung đạo trong đạo Phật còn thể hiện rất rõ trong cuộc sống đời thường nữa đó mọi người. Thú vị lắm nha! Cứ việc quán sát. Ví dụ nè: thời điểm này cơ thể tôi cần đường nên tôi thích ăn những món có vị ngọt và tẩy chay những món có vị chua. Đến lúc nào đó, cơ thể tôi không tiếp nhận nhiều đường nữa và không tẩy chay món có vị chua nữa.

Thấy ra trung đạo trong công việc, trong cuộc sống đời thường thì mới thực sự là "cuộc đời sao đẹp quá!" đấy nha mọi người. Khi đã trung đạo được trong cuộc sống, nhìn lại đạo, thấy sao mà dễ thế, vậy mà trước đây sao mình chẳng hiểu nỗi!

Vô thường quả thật là vẻ đẹp của cuộc sống!

Thứ Tư, 26 tháng 8, 2015

Vì sao bị ma nhập? Làm sao để không bị ma nhập?

Theo phong tục dân gian, cứ đi đâu qua những nơi như đền miễu, nghĩa địa, cây cổ thụ to hay đường âm u hoang vắng hoặc ban đêm tối mịt thì ông bà hay dạy con cháu là để ngón cái vào trong lòng bàn tay và nắm chặt hai tay lại và niệm câu chú: Án ma ni bát mị hồng để cho không bị ma nhập.

Phong tục này có thể giải thích như sau: bị ma nhập là do tinh thần hoảng loạn, bị sự sợ hãi làm chủ lấy mình và điều khiển cử chỉ hành vi lời nói của mình. Do đó khi mình niệm chú là khi mình định thần lại, chú tâm vào câu chú nên không bị sự sợ hãi điều khiển nữa. Một người có thể định tâm, không dễ bị sự sợ hãi thao túng thì gọi là người nặng bóng vía; còn người dễ phóng tâm thì gọi là nhẹ bóng vía.

Để không dễ bị ma nhập thì chỉ cần định tâm, không chạy theo sự hoảng loạn. Niệm Phật, trì chú, bấm ngón tay là những cách định tâm. Ngoài ra còn có thể dùng phương pháp quán sát sự sợ hãi của mình. Khi sợ biết mình sợ, khi hoảng loạn biết mình hoảng loạn, khi run biết mình run. Thường biết mình như vậy thì chẳng bị nhập đâu.

Ngoài ra mình bị nhập là do sự tưởng tượng của mình quá phong phú nữa. Có khi chỉ thấy 1 mình tưởng thành 10, nghe tiếng này mình tưởng tượng thành tiếng kia. Rồi bị hoảng vì trí tưởng tượng của mình. Do đó, thấy gì thì biết cái nấy, nghe gì biết nấy, thì trí tưởng tượng không xen vào được. Trí tưởng tượng không có chỗ thì lấy gì mà sợ hãi. Ví dụ: thấy cái cây thì biết đó là cái cây, đừng tưởng tượng đó là người đang bay bay; thậm chí nếu có thấy người đang bay bay thì biết đó là người đang bay bay, đừng tưởng tượng đó là ma hay quỷ hay thánh thần gì cả, thấy người đó nhe nanh thì biết rằng người đó nhe nanh, đừng tưởng tượng thêm gì cả. Thấy chỉ là thấy. Nghe chỉ là nghe. Vậy là xong. Tuy nhiên như vậy thì không dễ. Do đó, nếu sợ thì cứ việc sợ nhưng phải quán sát sự sợ hãi của mình, đừng để nó điều khiển mình.

Có một nhà sư muốn quán sự sợ hãi cho nên đi vào trong một nghĩa địa. Thời may có người vừa chết và được hỏa thiêu. Đống lửa hỏa thiêu xác chết vẫn đang tí tách cháy. Nghĩa địa vắng bặt không một ai, cả ánh trăng cũng không. Nhà sư này chọn một chỗ gần đống lửa thiêu xác và ngồi quay lưng lại bắt đầu thiền. Một hồi nghe có tiếng chân đi về phía mình từ phía đống lửa, bước chân thật chậm rãi và nặng thình thịch, thời gian chậm chạp trôi qua và cuối cùng thì tiếng chân cũng dừng lại bên cạnh nhà sư; tiếng hơi thở phì phò vào lỗ tai, thời gian lại trôi qua thật chậm chạp. Rồi tiếng chân lại đi ra. Rồi lại gần. Sự sợ hãi lên tột độ, nhà sư nhắm nghiền mắt lại, cố ngồi vững để không bị gục xuống vì quá sợ. Rồi trời bắt đầu chuyển mưa. Mưa trở nên tầm tã. Nhà sư vẫn ngồi lặng một chỗ. Rồi thời gian chậm chạp cũng từ từ trôi qua. Trời dần hửng sáng. Nhà sư bắt đầu từ từ mở mắt và từ từ di chuyển cái thân đang cứng đờ của mình đứng dậy. Lúc ấy quá mắc đái nên nhà sư đái thì thấy đái ra cả máu. Chắc do sợ quá nên có đoạn ruột nào đó bị bể hay đứt chăng?

Nhà sư đã dùng cách này để quán sự sợ hãi đấy và sau trở thành 1 thiền sư vĩ đại nổi tiếng khắp thế giới.

"Khi học trò sẳn sàng thì đạo sư mới xuất hiện."

Trong Phật giáo Bắc tông hay trong các truyện viết về tâm linh như "Hành trình về phương Đông" hay nói về các đạo sư trú ẩn nơi rừng sâu núi thẳm nơi hoang vu hẻo lánh hiếm người có thể tìm đến được. Người đi tìm đạo phải mất thời gian lặn lội trèo non lội bể chịu bao nhiêu gian khổ mới đến được chỗ minh sư. Vậy mà minh sư vẫn chưa chịu tiếp nhận, có người phải hy sinh cả mạng sống như nhảy luôn xuống vực khi bị từ chối. Qua những câu chuyện này làm cho mọi người mơ hồ tưởng tượng ra rằng cao tăng phải ở nơi khó tìm chứ nơi thành thị thì làm gì có minh sư. Vậy là có những vị ngây ngây ngơ ngơ bỏ hết mọi thứ lặn lội rừng sâu núi thẳm, leo lên tận dải Hy Mã Lạp Sơn để tìm minh sư. Rồi lại bỏ mạng nơi thiên nhiên hoang dã. Thật là ngu ngơ!
Ý nghĩa câu nói: "Khi học trò sẳn sàng, đạo sư mới xuất hiện" là như sau: "Sẳn sàng" ở đây nghĩa là đã chịu buông xuống mọi quan điểm chấp trước thành kiến của mình rồi. Đó là sẳn sàng. Khi chịu buông xuống rồi thì ai/cái gì cũng trở thành minh sư cả (chứ không phải minh sư là phải ở trên núi hay trong rừng.) Minh sư có thể là một cơn bạo bệnh, có thể là một chiếc lá rơi, một cơn gió thoảng hay một câu nói vu vơ của một ai đó.......
Người chịu buông thì gọi là người ít bụi trong mắt. Những người này mới có thể vào đạo được.

Thứ Ba, 25 tháng 8, 2015

Làm bánh trung thu chay không cần lò nướng

Nguyên liệu cần chuẩn bị cho món bánh trung thu hấp

Vỏ bánh:

• 100g bột gạo
• 50g bột ngô
• 15g đường
• 1g muối

Nhân bánh:

• 300g đậu xanh
• 100g đường

Cách làm bánh trung thu theo những bước sau

Phần vỏ bánh

Bước 1. Lấy một bát ô tô lớn cho hết tất cả các nguyên liệu bột vào. Thêm màu thực phẩm nếu muốn vỏ bánh có màu sắc hấp dẫn như tím, hồng, trắng... Cho nước từ từ vào bột, dùng thìa trộn đều bột thật dẻo.

Bước 2. Dùng tay nhào bột thật kỹ cho tới khi bột thành khối dẻo mịn.

 

Bước 3. Chia bột ra thành từng phần nhỏ để riêng để nặn bánh.

Phần nhân bánh

Bước 1. Đỗ xanh đem ngâm nở từ 2-3 tiếng. Sau đó rửa sạch để ráo nước.
Bước 2. Cho đỗ xanh vào nồi, thêm chút muối rồi luộc chín.

Bước 3. Cho đỗ xanh và đường vào máy xay sinh tố xay nhuyễn mịn.

Bước 4. Bỏ đỗ xanh đã xay lên bếp sên nhỏ lửa. Khi đỗ xanh quánh mịn là được.

Bước 5. Đỗ xanh nguội, đem nặn thành từng viên nhỏ để làm nhân bánh.

 

Phần nặn bánh và hấp bánh

Bước 1. Nặn tròn từng viên bột, ấn dẹt bột và thêm phần nhân bánh vào giữa. Nặm bánh tròn lại.
Bước 2. Cho bánh vào khuôn tạo hình

Bước 3. Cho bánh vào xửng hấp chín trong khoảng 25-30 phút là bánh chín.

 
Với cách làm bánh trung thu dẻo này, bạn không cần đến lò nướng cũng như học cách pha nước đường làm bánh dẻo. Các bước thao tác khá đơn giản và bạn dễ dàng thực hiện ngay tại nhà. Đặc biệt, với bánh trung thu dẻo hấp, vỏ bánh có độ mềm dẻo rất ngon, không bị quá ngọt như các loại bánh dẻo khác.
Chúc bạn thành công! 

Sưu tầm trên net.

Thứ Bảy, 22 tháng 8, 2015

SUY NGẪM

“Dưới đây là 9 điều về nhân tình thế thái mà một người đã rút ra khi nhìn ngắm cuộc đời của mình và những người khác, những điều rất đáng để học hỏi:

1. Thường xét lỗi lầm của mình, sẽ từ từ quên đi lỗi lầm của người khác. Vốn không có ai đúng ai sai, chỉ là lập trường bất đồng, mỗi người tôn trọng lập trường của nhau.

2. Xin bạn đừng mạo muội đánh giá tôi, bạn chỉ biết tên họ của tôi, trái lại không biết câu chuyện của tôi; bạn chỉ nghe nói tôi đã làm cái gì mà không biết tôi đã trải qua những gì.

3. Một người chân chính mạnh mẽ sẽ không quá quan tâm đến chuyện làm vui lòng đẹp ý người khác. Đừng quá quan trọng cái gọi là giữ gìn quan hệ xã hội, điều quan trọng nhất là bạn phải nâng cao nội lực của chính mình, chỉ khi chính bạn rèn luyện tốt rồi, mới sẽ có người khác đến gần gũi bạn, chính mình là cây ngô đồng, phượng hoàng mới đến đậu, chính mình là biển lớn, trăm sông mới tụ hội, như hoa có hương ắt ong bướm tìm đến. Chỉ khi bạn đến được tầng bậc nhất định thì mới có được những quan hệ xã hội tương ứng, mà không phải là ngược lại.

4. Không có ai theo bạn cả một đời, cho nên bạn phải có năng lực vui sống ở nơi đang sống, vui với việc mình làm. Sẽ không có ai giúp bạn cả một đời, cho nên bạn phải kiến lập một cái tôi mạnh mẽ.

5. Đời người vốn là một loại cảm thụ. Lúc có người nói xấu bạn, dù lưỡi bạn như hoa sen, bạn cũng trăm miệng không biện bạch được, chuyện đời vốn là vậy. Lúc đắc ý, tâm thế như triều dâng, lúc thất chí, tâm tình như hoa rụng. Đừng quá xem trọng chính mình, những lúc bị khuất nhục, không còn cách gì, muốn rơi lệ, chính những giây phút đó là một bộ phận không thể thiếu trong đường đời.

6. Có người luôn ngưỡng mộ, ham thích hạnh phúc của người khác, bỗng có lúc quay đầu nhìn lại phát hiện cuộc sống của chính mình đang được người khác ngưỡng mộ. Kỳ thực mỗi một người đều đang hạnh phúc, chỉ là hạnh phúc của bạn thường đang ở trong mắt người khác. Ngọn núi hạnh phúc này vốn không có đỉnh, không có đầu, bạn phải học cách đi thật chậm, chiêm ngưỡng cảnh núi, thưởng thức cầu vồng, hóng gió mát vi vu, tâm trạng thư thả mới có thể cảm nhận cuộc sống thật sung túc.

7. Hạnh phúc không bỏ sót bất kỳ người nào, sớm muộn gì cũng có ngày nó tìm đến bạn.

8. Đời người là một quá trình vận động phát triển liên tục, bạn sẽ không bao giờ biết thời khắc kế tiếp sẽ phát sinh chuyện gì, cũng sẽ không rõ vì sao vận mệnh đối đãi với bạn như vậy. Chỉ sau khi bạn trải qua các loại biến cố trong đời sống, bạn mới rũ bỏ cái nhìn phù hoa ban đầu, nhìn nhận thế giới bằng tâm thái khiêm tốn.

9. Ví như bạn quét lá, dù hôm nay bạn dùng hết sức, thì lá khô ngày mai vẫn bị gió thổi đến. Trên đời có rất nhiều việc không cách gì mong gấp mong sớm được, chỉ có thể sống với giây phút hiện tại và không ngừng vươn lên.

<Sưu tầm>