Thứ Sáu, 8 tháng 12, 2017

Hỏi: Tu mà không nghe, không thấy, không biết, có phải là tột lý không?

Đáp: Mỗi một hành giả phải trải qua nhiều giai đoạn tu, dùng nhiều phương tiện/pháp môn để tu. Căn cơ thế nào thì dùng phương tiện nấy để chèo chống cho qua một giai đoạn nào đó.

Ví có lúc phải hành hạnh độc cư, nghĩa là ở một mình, không ở cùng ai cả, có lúc phải chung với chúng, có lúc phải thu thúc 6 căn, có lúc phải đối cảnh, có lúc phải niệm Phật, có lúc phải thiền, có lúc phải nghiên cứu kinh sách, có lúc phải im lặng, có lúc phải thuyết giảng,………………….. Tất cả các pháp môn/phương tiện đều vô thường theo thời gian, nghĩa là khi qua một đoạn nào thì cần biết buông phương tiện ấy xuống mà dùng phương tiện thích hợp hơn.

Người nào qua hết tất cả các giai đoạn thì có thể hiểu người khác vì sao họ phải hành như vậy, vì sao phải tu như vậy, vì sao họ phải ôm phương tiện này chứ không phải phương tiện kia,…. Vì trải qua tất cả, thấu hiểu tất cả, nên tôn trọng căn cơ của tất cả, không khởi ý khinh bai hay chê cười ai cả. Đó gọi là sự thấu hiểu.

Còn bậc giác ngộ khi thể nhập chân lý Nhân quả, thì nói nín nghe thấy suy nghĩ đều theo sự vận hành của Nhân quả, không theo chủ ý của bản ngã. Cho nên, không nghe không thấy không biết của bậc đã thể nhập chân lý Nhân quả là như sau:

Khi đủ nhân đủ duyên thì nghe, nghe rồi thôi, không trụ lại điều đã nghe, đó gọi là nghe mà không nghe.

Khi đủ nhân đủ duyên thì thấy, thấy rồi thôi, không trụ lại điều đã thấy, đó gọi là thấy mà không thấy.

Khi đủ nhân đủ duyên thì biết, biết rồi thôi, không trụ lại điều đã biết, đó gọi là biết mà không biết.

Khi đủ nhân đủ duyên thì cần trụ lại cái nghe, trụ lại xong rồi thôi, đó gọi là nghe, đã nghe, rồi không nghe.

Khi đủ nhân đủ duyên thì cần trụ lại cái thấy, trụ lại xong rồi thôi, đó gọi là thấy, đã thấy, rồi không thấy.

Khi đủ nhân đủ duyên thì trụ lại cái biết, trụ lại xong rồi thôi, đó gọi là biết, đã biết, rồi không biết.

Thể nhập chân lý Nhân quả cũng là thể nhập lý vô thường. Mọi việc do duyên hợp mà thành, do duyên tan mà diệt. Sanh diệt sanh diệt cứ thế mà tiếp diễn. Dù trụ hay không trụ thì cũng theo đúng quy luật nhân quả mà hành.


1 nhận xét:

  1. Thiệt là hay ! Khi đủ nhân đủ duyên thì làm, làm rồi thôi, không trụ cái làm, gọi là làm mà hổng làm !?

    Trả lờiXóa