* * * * * * * * * *
* * * * * * * * * * * * * * * * * * * * * * * * * *
...Thầy hiểu rất rõ
tâm trạng con khi con viết: "Tâm con vô cùng dao động", "rõ ràng
là con không có sự tỉnh giác" hoặc "... con vẫn lo âu, vẫn thất vọng,
chán nản trước cái hiện tại và vẫn khổ đau"... nghĩa là con muốn giải
thoát ra khỏi những trạng thái ấy, những khổ đau vật chất lẫn tinh thần ấy, cái hiện tại
đầy thất vọng, đầy chán nản ấy, bằng cách có một hành động tỉnh giác nào đó có
thể xóa bỏ chúng đi phải không?
Nhưng không phải thế đâu, con thương mến của Thầy,
con đã hiểu sai chữ tỉnh giác mà Thầy đã dạy. Nếu có một thứ tỉnh giác nào như
con hiểu thế, Thầy e rằng nó chỉ là công cụ của ý muốn trốn tránh thực tại mà
thôi!
Và trước hết tại sao con muốn giải thoát? Phải
chăng con muốn lẩn tránh cái hiện tại đầy chán nản khổ đau để đạt được ở đâu đó
một cái gì hạnh phúc hơn? Nhưng nói cho cùng quả thật không ai có thể trốn
tránh nó được cả, và cũng không bao giờ có được ở đâu đó một hạnh phúc khác
hơn.
Con ạ, giải thoát thật sự thì phải có trí tuệ, mà
trí tuệ là thấy rõ thực tại đúng như nó đang là. Phật dạy rất rõ ràng:
(Tất cả hành vô thường ...
Tất cả hành là khổ ...
Tất cả pháp vô ngã ...
Thấy thế với trí tuệ
Liền thoát ly đau khổ
Ðó là đường thanh tịnh).
Vậy làm thế nào con có thể hy vọng thoát khỏi khổ
đau khi bản chất các hành là đau khổ? Khi ba cõi bất an y như nhà lửa? Và khi
con không thật sự giáp mặt với thực tại khổ đau bằng cái nhìn trí tuệ, mà chỉ
lo toan lẩn tránh hay tìm cầu một hạnh phúc nào khác trên thế gian?
Nói thế không phải là đành chấp nhận đau khổ một
cách bi quan, hay đầu hàng khổ lụy. Vì thực ra vẫn có giải thoát, nhưng không
phải là giải thoát về đâu mà là giải thoát chính mình ra khỏi vô minh ái dục để
có thể thong dong tự tại giữa cuộc đời đau khổ này. Và vẫn có hạnh phúc, nhưng
không phải thứ hạnh phúc loại trừ đau khổ mà là hạnh phúc dung nhiếp khổ đau, một"paramam
sukham" như Phật đã dạy.
Phật dạy: "Santi paramam sukham" "an
tịnh (Niết-bàn) là hạnh phúc tuyệt đối", là để chỉ một sự im lặng tuyệt đối
trước tất cả mọi nỗi khổ đau trong cuộc đời, sự im lặng dung thông được tất cả
mọi trạng thái mâu thuẫn hay hỗ tương của đời sống, chứ không phải là một trạng
thái bất động của cơn thiền định xuất thần như biết bao nhiêu người ngộ nhận.
Im lặng tuyệt đối cũng là Bát-nhã (Pannà), trí tuệ,
viên chiếu, viên minh, giác tánh, tự tánh v.v... qua đó các pháp tự thể hiện một
cách chơn thật, sống động. Và tuy rằng tướng của các hành, các pháp là vô thường,
khổ, vô ngã nhưng im lặng tuyệt đối vẫn viên dung vô ngại. Ðó chính là hạnh
phúc, là giải thoát, ngoài ra không còn một hạnh phúc giải thoát nào hơn được.
Thầy muốn nói nếu có một sự giải thoát nào từ chối
sự hiện hữu của vô thường, khổ, vô ngã thì đó là một sự giải thoát tạo nên càng
thêm nhiều mâu thuẫn và khổ đau, là một sự giải thoát giả tạo do chính bản ngã
dựng lên mà thôi.
Ðể Thầy kể cho con nghe câu chuyện vi tiếu này:
"Một thiền sinh bực mình về chuyện gì đó xảy
ra trong viện với các thiền sinh khác, đến than phiền với thiền sư. Sư nói:
- Chuyện như thế mà con không đương nổi sao?
- Thưa Thầy, con thà đương sự giải thoát chứ không
thà đương cái chuyện bực mình đó.
Sư ôn tồn nói:
- Thôi bỏ qua cái giải thoát của con đi, giải thoát
thật sự thì vạn pháp còn đương nổi huống là một chuyện bực mình."
Con thương mến !
Bây giờ trở lại vấn đề tỉnh giác. Khi con thấy
"đây là dao động", "đây là lo âu", "đây là thất vọng",
"đây là chán nản", "đây là khổ đau" v.v ... là tự nhiên con
đã tỉnh giác rồi đó. Nhưng vì con chưa thấy được giá trị của tỉnh giác một cách
vô tâm như thế, nên con lại xen vào đó ý muốn giải thoát, thế là con đã đánh mất
sự trong sáng vô tâm của vai trò tỉnh giác đích thực.
Ý muốn giải thoát biến tỉnh giác thành dụng cụ và
như thế làm gia tăng mâu thuẫn, chồng chất vô minh, trong khi tỉnh giác tự nó
đã là cứu cánh rồi con ạ. Thầy quả quyết nếu con dẹp đi ý muốn giải thoát (trốn
tránh thực tại) con sẽ phục hồi được nguyên tính của tỉnh giác và nó sẽ giúp
con thấy các pháp như thực trong im lặng tuyệt đối, và con sẽ không ngờ đó lại
chính là giải thoát đích thực, là:
Mục đích có sẵn rồi
Nào phải vọng xa xôi
Dặm trình thong dong bước
Hoa trắng nở ven đồi.
Thật vậy, có ai ngờ tất cả đang ở nơi thanh tịnh,
chỉ vì vô minh, ái dục vọng động dấy lên để rồi chỉ thấy đâu đâu cũng là luân hồi
đau khổ. Phật dạy trong Dìgha Nikàya: "Một khi đã thanh tịnh thì thấy tất
cả các pháp đều là thanh tịnh". Vậy hãy coi chừng ý muốn giải thoát (lẩn
tránh) là cái vọng động dấy sinh làm mất thực tánh các pháp đang vận hành.
Khi được hỏi: "Có cần ước muốn giải thoát mới
được giải thoát không?", Ðức Phật trả lời: "Dầu không có ước muốn giải
thoát mà thực hành đúng vẫn giải thoát" (Majjhima Nikàya).
Nhưng thế nào là thực hành đúng? Con chỉ cần sáng
suốt, định tĩnh, trong lành để có thể "thấy như thực thấy, nghe như thực
nghe, xúc như thực xúc, biết như thực biết" như Ðức Phật đã dạy.
Một vị tỳ kheo biết mình sắp lâm chung, liền tinh tấn
thực hành những lời dạy đó của Phật và đã tự mình giác ngộ giải thoát hoàn
toàn. Ðể thấy nghe như thực, vị ấy phải thấy nghe với im lặng tuyệt đối, phải để
các pháp hiện đúng bản lai diện mục của nó, chứ không thể lẩn tránh nó được.
Trong Kinh chép rằng có vị giải thoát như vậy ngay
trong điều kiện mù lòa, tàn tật hoặc bịnh hoạn liên tục, v.v... Thầy nhắc như vậy
để một lần nữa xác minh rằng giải thoát không cần phải loại trừ đau khổ. Ðức Phật
cũng đã xác minh điều đó với một người đau khổ cùng cực là nàng Pàtacàrà, không
phải diệt trừ khổ đau mà chỉ cần diệt trừ nguyên nhân đau khổ.
Trong im lặng tuyệt đối ở đó nguyên nhân đau khổ đã
bị loại trừ, chúng ta sẽ thấy cái gì hư ngụy tự nó hủy diệt và cái gì chân thật
sẽ tự hiển bày mà không cần phải dùng tới nhiều nỗ lực của ý chí và ước mong lẩn
tránh nào.
Con ạ, thật là giản dị nếu con có ước muốn, con hãy
lắng nghe trong im lặng tuyệt đối rằng "đây là ước muốn". Nếu con có
dao động, con hãy lắng nghe trong im lặng tuyệt đối "đây là dao động".
Nếu con có chán nản, con hãy lắng nghe trong im lặng
tuyệt đối "đây là chán nản". Nếu có khổ đau, con hãy lắng nghe trong
im lặng tuyệt đối "đây là khổ đau"...
Khi nào con như thực thấy "nó phát sinh như vậy"...
"nó an trụ như vậy"... "nó hủy diệt như vậy" tự nhiên con sẽ
thoát ly đau khổ (Atha nibbindati dukkhe), tuy rằng chúng vẫn đến và đi nhưng
không bao giờ còn có thể chi phối con nữa...
Thân ái chào con,
Thầy.
(Trích "Tuyển tập lá thư Thầy"- Thiền sư
Viên Minh)
Nói, làm thường thận trọng
Trả lờiXóaLuôn trọn vẹn chú tâm
Lắng nghe quan sát rõ
Đi đến Pháp lặng thầm
( Thầy Viên Minh)