Vừa tìm thấy trên
internet bài chia sẻ này hay quá nên trích đoạn cho mọi người cùng đọc. Dưới
đây là vài câu hỏi đáp về pháp môn Tịnh độ.
- Đối với các bạn tin
vào pháp môn Tịnh Độ: hy vọng sau khi đọc xong các bạn sẽ phần nào giải đáp
được vài thắc mắc của mình và ngày càng tinh tấn trên con đường mình đã chọn.
Chúc các bạn mã đáo thành công!
- Đối với các bạn không
tin vào pháp môn Tịnh Độ: xin các bạn lưu ý là trong 6 chữ “Nam mô A Di Đà
Phật” thì chữ quan trọng nhất là chữ “Phật.” Khi thấy người ta “Nam mô Phật”
thì mình nên khuyến khích không nên ngăn cản hoặc làm họ thối tâm bồ đề. Người
ta “Nam mô Phật” chứ có Nam mô tiền, Nam mô nhà lầu, Nam mô xe, Nam mô gái đẹp,
Nam mô địa vị đâu mà các bạn cản. Nếu người ta Nam mô mấy cái khác mà cản thì
có phước đức, còn người ta Nam mô Phật mà cản người ta thì sẽ mất phước đức.
Xin mời các bạn đọc:
Trong kinh Tùy Nguyện
Vãng Sinh nói rằng: “Bạch đức Thế Tôn! Mười phương đều có Tịnh độ, tại sao Thế
Tôn lại riêng khen ngợi cõi Tây phương Cực lạc và khuyên chúng sinh nên chuyên
niệm Phật A Di Đà để cầu về cõi ấy?”
Phật bảo ngài Phổ
Quảng: “Chúng sinh ở cõi Nam Diêm-phù-đề (là cõi nước chúng ta đang ở) phần
nhiều tâm trược loạn, vì thế Ta chỉ tán thán một Tịnh độ ở Tây phương, khiến
các hữu tình chuyên tâm vào một cảnh, để cho sự vãng sinh được dễ thành tựu,
nếu nhớ niệm tất cả chư Phật, vì niệm cảnh quá rộng, nên tâm mênh mang tán
loạn, Tam muội khó thành, không được vãng sinh”.
Có người đặt câu hỏi
như thế này: đức Phật dạy tất cả các pháp hữu tướng đều là như huyễn, Ta bà
cũng huyễn, Cực lạc cũng huyễn vậy ta cần chi phải niệm Phật để cầu sinh Cực
lạc có ích lợi gì?
Để trả lời câu hỏi này, chúng tôi xin lấy một ví dụ về “giấc mộng” để làm đáp
số.
Giấc mộng thì có mộng
ác và mộng lành, trong giấc mộng ác chúng ta thường mơ thấy ma quỷ đủ loại rất
ghê sợ hãi hùng, đôi khi cũng thấy có người lấy dao rượt chém mình, có khi thấy
mình bị rơi từ núi cao xuống v.v… Những hình ảnh trong giấc mộng ác này luôn
làm cho chúng ta thất kinh, thất hồn, hoang mang, sợ sệt không khi nào mà an
tâm được trong giấc ngủ.
Trong giấc mộng lành,
chúng ta thường thấy những điều tốt đẹp, như là thấy Phật, thấy chư Bồ tát, chư
Tổ, khi thì chúng ta thấy mình trúng số độc đắc, thấy những người bạn tốt đến
dùng những lời hay ý đẹp khuyên mình tu hành, mơ thấy mình làm vua, làm quan,
mơ thấy mình thi đỗ Đại học v.v… những hình ảnh đẹp trong giấc mộng lành luôn
luôn đem lại cho chúng ta một đời sống tinh thần an lạc hơn, vui tươi hơn, tâm
được an tịnh hơn.
Như vậy qua hai giấc
mộng trên, chúng ta chọn giấc mộng nào? Tức nhiên chúng ta phải chọn giấc mộng
lành, mộng đẹp chứ không ai dại khờ gì chọn giấc mộng ác.
Cũng vậy, giấc mộng ác
ví như cõi Ta bà ngũ trược ác thế, còn giấc mộng đẹp ví như cõi Cực lạc. Vậy
thì Ta bà và Cực lạc cũng đều huyễn mộng, nhưng hai cái huyễn mộng này hoàn
toàn là khác nhau.
Ở trong cảnh mộng khổ của Ta bà, chúng sinh luân chuyển sinh tử không ngừng để
chịu khổ trong cảnh mộng, từ mộng cảnh này sang mộng cảnh kia không bao giờ
dứt. Càng đi sâu trong mộng thì càng mê càng khổ. Chi bằng ta nguyện sinh Cực
lạc, tuy là cũng cảnh mộng, nhưng ra khỏi mộng thì liền thành bậc Đại giác. Uế
và tịnh tuy đồng cảnh mộng nhưng bậc Bồ tát từ Thất địa trở xuống vẫn còn cảm
thọ khác nhau; còn nóng, còn lạnh, còn xúc, còn cảm, nên thà rằng ta cảm nhận
cảnh giới an lạc để bước vào Phật quả, hơn là chấp sự thọ cảm khổ bức để cho
tâm Bồ-đề bị thối chuyển.
Kinh dạy: “Từ bậc Nhị
thừa, sơ phát tâm Bồ tát, cho đến Bồ tát đệ thất địa Viễn Hành, đều ở trong
huyễn mộng mà tu, chỉ trừ bậc Bồ tát đệ bát địa trở lên bậc Đẳng giác và Phật
quả mới an tịnh trong Phật quốc Tịnh độ”.
Có ai đó hỏi chúng ta:
“Tu theo Pháp môn Tịnh độ là tu cái gì?”.
Trả lời: Tu “Thanh tịnh, bình đẳng, giác”.
Tại sao phải tu thanh
tịnh, bình đẳng, giác?
Trả lời: Vì có đầy đủ Tam bảo và tam vô lậu học, đây là cốt lõi của đạo Phật.
Thanh tịnh: Tăng bảo – Giới
Bình đẳng: Pháp bảo – Định
Giác: Phật bảo – Tuệ
Vậy tu phương pháp nào
để đạt được tam học và Tam bảo?
Trả lời: Chỉ cần dùng tín nguyện trì danh hiệu Phật A Di Đà là đủ. Sáu chữ Nam
mô A Di Đà Phật mà chứa đủ tam học và Tam bảo. Thật phải nói pháp môn niệm Phật
thù thắng vi diệu, bất khả tư nghì vô cùng.
Chúng ta chỉ cần gieo
nhân niệm Phật thì đời đời kiếp kiếp chúng ta không bao giờ gặp quả khổ. Vì
thế, trong kinh Pháp Hoa nói rằng: “Nếu có người nào đi vào tháp miếu có thờ
tượng Phật, miệng chỉ cần xưng lên Nam mô Phật, hay đưa tay lên tỏ lòng cung
kính thì cũng được thành Phật”.
Như chúng ta thấy, ông
Tu Bạt Đà La là vị đệ tử cuối cùng của đức Phật. Tại sao ông Tu Bạt Đà La được
đức Phật xuất gia và chứng quả A-la-hán? Là vì thế này, trong nhiều kiếp quá
khứ ông ta là một người đi đốn củi ở rừng. Một hôm, bị cọp rượt, ông ta hoảng
hốt leo lên một cây lớn, con cọp cứ hung dữ, cắn xé dưới gốc cây hết sức ghê
gớm, ông ta rất sợ, liền lớn tiếng niệm “Mô Phật” thì con cọp liền bỏ đi xa.
Chúng ta thấy chỉ cần
niệm một tiếng Mô Phật thôi mà được gặp Phật xuất gia chứng quả vị A-la-hán.
Huống hồ chúng ta niệm Phật ròng rã suốt ngày đêm, chắc chắn chúng ta sẽ được
thành Phật sớm.
Nguồn: <a>https://www.facebook.com/133514986737836/photos/a.562221437200520.1073741828.133514986737836/622102074545789/?type=1&theater</a>
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét