Quý vị nên biết rằng Sư
Phụ nầy của quý vị rất nghiêm khắc, chứ không ngọt ngào gì đâu. Có lúc tôi
nghiêm khắc đến nỗi đệ tử tôi phải chảy cả nước mắt, nước mũi nữa đó. Nay tôi
xin kể cho quý vị biết là tôi làm sao mà học được cái tánh như thế.
Khi mười sáu tuổi, tôi
đã bắt đầu giảng kinh Kim Cang. Trong kinh có nói về một vị tiên nhẫn nhục, vị
nầy dù bị vua Ca Lợi chặt đứt cả tứ chi mà vẫn không hề sanh tâm sân hận. Sau
khi đọc câu chuyện đó, tôi bèn phát nguyện học theo và một lòng nhất tâm tu
pháp môn nhẫn nhục.
Tôi biết tánh mình bẩm
sinh là nóng nảy và cang cường bướng bỉnh. Cho nên tôi phải tu pháp môn nhẫn
nhục là thích hợp nhất. Nhưng một khi tôi hạ quyết tâm, thì bao nhiêu khảo
nghiệm thử thách từ bốn phương tám hướng ào ào kéo tới. Có người xưa nay chưa
từng mắng tôi, giờ nầy cũng mắng tôi; người vốn chưa hề đánh tôi, giờ đây cũng
đánh tôi. Bạn bè trước đây vốn đối xử với tôi rất tốt, kết quả lại chuyên môn
công kích tôi. Thế nên tôi tự xét rằng: “Mình giảng kinh Kim Cang cho người ta,
trong kinh có nói về ông tiên nhẫn nhục bị cắt đứt cả tay chân mà không sanh
lòng sân hận. Hiện nay những người nầy chỉ chửi mắng mình, công kích mình, chớ
họ chưa đến đổi chặt đứt tay chân của mình, nếu mình không thể nhẫn nhục thì
làm sao mình còn giảng được kinh Kim Cang nữa đây?”
Vì thế tôi bèn hạ quyết
tâm là phải nhẫn nhục. Bất luận những ai đối với tôi không tốt, thậm chí là họ
muốn hại tôi, tôi cũng đều nhịn nhục hết. Kết quả là tôi không bị cảnh giới bên
ngoài làm dao động. Kỳ thật những người nầy không phải muốn đến hại tôi, mà
trái lại họ giáo hóa tôi, xem tôi có chịu nổi mấy thứ khảo nghiệm đó không. Ai
mắng tôi thì tôi hướng về người đó khấu đầu đảnh lễ. Có ai đánh tôi thì tôi ngủ
ngay một giấc cho họ xem. Lúc còn ở nhà, tôi vẫn thường thường bị mấy thứ như
thế đả kích. Nhưng sau khi xuất gia, các bậc thiện tri thức cũng lại tới lui không
dứt. Ôi thôi những vị xuất gia trước sau, tả hữu bao quanh bên tôi, chẳng một
ai xem tôi ra gì. Họ đều coi tôi như cái gai trước mắt, đều muốn ức hiếp tôi.
Có ông thầy khi thấy tôi thắp hương bèn mắng lớn: “Chú mà xuất gia cái gì? Thắp
một cây nhang cũng không biết. Thật là đần độn! Còn dám nói tới xuất gia nữa
sao!”
Lúc bấy giờ tôi nghĩ
rằng: “A! Khảo nghiệm lại đến nữa rồi. Tiên nhân nhẫn nhục bị vua Ca Lợi chặt
đứt tay chân mà không sân hận. Còn hiện nay mình chưa bị như thế mà. Được rồi!
Thì cứ khấu đầu đảnh lễ ông ta!” Thế là tôi đến trước mặt thầy đó khấu đầu cúi
lạy để cám ơn ông ta đã giúp đỡ tôi. Lúc bấy giờ, bất luận là những bậc “thiện
tri thức” xuất gia hay tại gia, họ đã không ngừng đến giúp đỡ tôi như thế,
nhưng lòng tôi đối với họ vẫn không một mảy may sân hận. Mỗi lần như vậy, tôi
đều hồi quang phản chiếu: “Nhất định là lúc xa xưa mình đã không hề giúp họ,
trái lại hôm nay họ lại giúp mình, vậy mình phải cảm tạ họ mới phải chớ!”
Bây giờ các vị đã hiểu
rõ chưa? Sư Phụ của quý vị là ông thầy như thế đó. Là ông thầy chuyên môn tu
hạnh nhẫn nhục, chuyên môn bị người ta ức hiếp. Tôi chuyên môn nhẫn nhịn những
cái người ta không thể nhẫn, nhường những cái người ta không thể nhường. Con
người như vậy thì có lợi lộc gì? Nhưng quý vị đã quá bất hạnh, vì gặp phải một
người chẳng có ích lợi. Vậy sao quý vị vẫn còn muốn học tập theo cái ông Sư Phụ
ngu si nầy? Nhưng khi quý vị đã theo tôi rồi, tôi cũng không thể không kể lại
chuyện quá khứ từng trải của tôi, là tôi đã đến từ con đường tu hạnh nhẫn nhục
đó.
Quý vị học Phật, không
nên nghe cho nhiều Phật Pháp rồi lại không chịu thực hành, mà hãy nên cung hành
một cách thực tiễn. Quý vị nên tự bản thân y chiếu và cố gắng áp dụng theo
những điều răn dạy của đức Phật.
Chúa Giê-Su đề xướng
chủ thuyết “Ái địch” là yêu thương kẻ thù địch. Đối với người không tốt với ta,
thì ta lại càng phải yêu thương người đó.
Còn Phật giáo chủ
trương “Oán thân bình đẳng,” là dù thân hay thù, mình cũng đều xem như nhau.
Lòng nhân từ của chúng ta đối với ai cũng nên bình đẳng, không phân biệt thân
sơ, khinh trọng. Nếu người học Phật không thể thực sự hành theo, thế thì học
đến bao giờ cũng chỉ là học cạn cợt bên ngoài, chứ không thể nào đạt được sự
lợi ích chân thật!
Hãy nhớ kỹ! Nhớ kỹ!
Bước đầu học Phật nhất định là phải tu nhẫn nhục! Cứ kể như là có người muốn
giết mình, mình cũng không nên có tâm sân hận. Thậm chí là nếu so với chỗ tu
hành của ông tiên nhẫn nhục, chúng ta lại càng phải tiến hơn một bước. Nhưng đó
cũng không phải có ý nói: “Ông tiên tu nhẫn nhục bị chặt đứt tay chân mà không
khởi tâm sân hận, vậy bây giờ anh có thể chặt thân thể của tôi đi, tôi cũng
không sân hận đâu!” Đó là bắt chước người ta, chứ không phải là từ ý của mình,
như vậy là bị hạng nhì rồi. Không những tay chân mình dù có bị chặt, mình chẳng
giận hờn, thậm chí nếu thân bị bằm tan xương thịt nát, mình cũng không nên sân
hận! Bởi vậy khi có người phỉ báng tôi, hoặc giả đối xử không tốt với tôi, tôi
cũng chẳng giận hờn.
(Hòa Thượng Tuyên Hóa)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét