Thứ Năm, 17 tháng 4, 2014

Tu tập xả ly phải chăng là vô cảm?

************************
HỎI: Người tu lập nguyện xả ly, buông bỏ hết mọi thứ tạp niệm, tâm không vướng bận, không màng chuyện thế sự, vậy điều đó có phải là vô cảm không? Đạo Phật dạy mọi người hãy xem nhẹ mọi chuyện, đừng bám víu, hãy xem mọi thứ là Không thì sẽ chẳng dính mắc, nhưng tôi không biết làm thế nào mới là đúng? Đơn cử như khi đi đường gặp cảnh cướp giật nếu không giúp người đuổi cướp sẽ bị gọi là vô cảm, hèn nhát, còn đuổi theo thì có phải là động tâm, bị sân si chi phối không? Một việc khác, như người trong gia đình bị kẻ xấu hãm hại, mình không can thiệp thì không thương gia đình, nhưng mình trả thù thì có đúng không? Thật khó quá khi không làm gì thì bị coi là vô cảm, còn can thiệp vào thì tâm chưa tịnh. 
(NAM, nam.torres_t9@yahoo.com)

ĐÁP: Bạn Nam thân mến! 

Trước tiên cần minh định rằng, xả ly và vô cảm là hai vấn đề hoàn toàn khác biệt nhau. Vô cảm là không có cảm xúc, tâm trơ lì với mọi người, mọi sự trong cuộc sống. Người vô cảm tâm không còn rung động, thờ ơ và dửng dưng trước những khổ đau của người khác. Xả ly là tâm buông bỏ, không dính mắc vào ngũ dục (tiền tài, sắc đẹp, danh tiếng, ăn uống, ngủ nghỉ), không chấp thủ vào cái “tôi và tự ngã của tôi”; một tâm thái tự do với đầy đủ trí tuệ và từ bi. Nói cách khác vô cảm là biểu hiện của tâm si mê, vô minh, còn xả ly là biểu hiện của minh triết, trí tuệ. 

“Nguyện xả ly, buông bỏ hết mọi thứ tạp niệm” là không tham lam, sân hận, si mê… phiền não, tâm luôn tràn đầy hoan hỷ, yêu thương, dấn thân phụng hiến, lợi mình và người. Người tu “không màng chuyện thế sự” nên hiểu là những thăng trầm, vinh nhục, khen chê ở đời không tác động hay chi phối lên tâm bình an của họ, hoàn toàn khác tâm lý an phận, trốn đời kiểu “mũ ni che tai” vốn không phải là hạnh xả ly (luôn có mặt đồng thời với từ-bi-hỷ-xả) của Phật giáo. 

Đạo Phật dạy quán Không, tức nhìn thật sâu sắc vào các pháp để thấy như thật về tính chất duyên sinh của chúng. Vạn pháp do duyên sinh nên vô thường, do duyên khởi nên vô ngã. Phàm đã vô thường, vô ngã thì sự vật hiện tượng tuy có đó nhưng chỉ là giả có, không chắc thật nên không bám víu, không dính mắc. Đây là một tuệ giác lớn, là một sự thật khách quan, cần phải quán chiếu thâm sâu mới ngộ ra được. Khi đã có tuệ giác trực nhận tánh Không thì luôn tự tại, thảnh thơi, vui sống vì mọi người, vì cuộc đời. 

Người có tâm xả ly luôn phát huy tuệ giác để ứng xử thích hợp với từng hoàn cảnh trong cuộc sống. Cụ thể như gặp cảnh cướp giật, người tu liền vận dụng trí tuệ phân tích tình huống, lượng sức mình để chọn giải pháp như: đánh đuổi bọn cướp, gọi cơ quan chức năng, kêu gọi mọi người cùng ứng cứu, giúp đỡ người bị hại…, làm tất cả khả năng có thể để cứu người với tâm từ bi mà không hề có chút sân hận. Điều này hoàn toàn khác với người sân si hay vô cảm. 

Trường hợp khác, nếu người thân của mình bị hại thì mình cũng tìm mọi cách để lấy lại sự công bằng, đem sự việc ra ánh sáng nhưng điều đó hoàn toàn không phải là hành động “trả thù”. Người có tâm xả không hề tồn tại ý niệm trả thù mà chỉ theo lương tâm, trách nhiệm và lòng từ bi để làm sáng tỏ công lý, để ứng xử và đối đãi với mọi người, kể cả thủ phạm gây oan nghiệp cho người thân của mình. 

Cần nói thêm rằng, có một số trường hợp nhìn vào hình thức bên ngoài thì người tu hạnh xả ly và người vô cảm có biểu hiện khá giống nhau nhưng bên trong tâm thức của họ lại khác biệt nhau. Đơn cử như trước sự được mất của bản thân, người tu hạnh xả ly thấy rõ tính chất huyễn ảo của cuộc sống nên tâm không động, bình thản mà tiếp tục phụng hiến làm đẹp cho đời. Ngược lại, người vô cảm tâm cũng không động nhưng chẳng có động thái nào dấn thân phụng sự cả. Và trước sự được mất của người khác, người vô cảm thì dửng dưng còn người tu hạnh xả ly quán thấu nhân quả-nghiệp báo của họ nên bình thản an nhiên, chỉ tìm cách sẻ chia hay giúp đỡ trong khả năng có thể. 

Nói chung tâm xả ly là biểu hiện của trí tuệ, có trí mới buông bỏ được. Bốn tâm vô lượng từ-bi-hỷ-xả luôn có mặt trong nhau, tương tức với nhau nên xả ly có mặt thì từ, bi, hỷ đồng thời hiện hữu. Vậy nên xả ly hoàn toàn khác biệt với vô cảm. Vì vậy, bạn hãy phát huy trí tuệ, thấy bản chất các pháp là tánh Không mà xả ly. Buông xả càng nhiều thì hạnh phúc, an vui càng lớn. 

Chúc bạn tinh tấn!
(Thích Quảng Tánh)



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét