Thứ Năm, 3 tháng 4, 2014

Có 3 loại khổ

1. Cái khổ tự nhiên:
Đi bộ lúc đầu thì thấy khoẻ, đi nhiều bắt đầu thấy mỏi mệt tức là khổ. Đứng ngoài nắng lúc đầu thấy ấm áp, đứng lâu bắt đầu thấy nóng nực đó là khổ. Mới ăn thì thấy rất ngon, ăn nhiều thấy khó chịu đó là khổ.


Cho nên Đức Phật mới nói: "Cái gì vô thường là khổ", trong tiến trình biến đổi vô thường của các pháp ở mức độ nào đó sẽ thấy lạc mà ở mức độ khác sẽ thấy khổ. Nóng quá cũng khổ, lạnh quá cũng khổ… Cái khổ này là tự nhiên trong đời sống, không phải do tham-sân-si. Chúng là tín hiệu cảnh báo để mọi người có thể điều chỉnh lại hành vi của mình cho vừa phải, hợp hoàn cảnh và khả năng chịu đựng của mình. Thí dụ ăn vừa phải thôi, không ăn quá no, đi vừa phải thôi, không cố gắng quá nhanh quá chậm, v.v…

Cái khổ này rất hữu dụng, vì nó giúp chúng ta biết điều chỉnh nhận thức và hành vi của mình, nên đó hoàn toàn không phải là Khổ Đế trong Tứ Diệu Đế.


2. Khổ do nghiệp quả:
Những việc mình đã làm trong quá khứ, bây giờ đương nhiên mình phải gặt lấy hậu quả của nó. Thí dụ hôm qua ăn uống không cẩn thận bị trúng thực nên hôm nay đau bụng quằn quại, phải nôn tháo hoài đến mệt lả. Tất nhiên là khổ rồi, nhưng có như vậy mới tống bớt độc ra để sớm hồi phục, đó cũng là một sự tự động điều chỉnh rất hiệu quả. Đồng thời qua đó chúng ta cũng học được bài học nhân quả để điều chỉnh lại nhận thức và hành vi của mình.


Khổ quả luôn tương ứng với nhân đã tạo trước đó, vì vậy một khi đã khổ tức phải là hậu quả hành vi tạo tác sai lầm của chính mình chứ không phải do bất cứ ai khác hoặc nguyên nhân nào bên ngoài. Cách tốt nhất là bình tĩnh sáng suốt và nhẫn nại đón nhận hậu quả do chính mình gây ra để thấu hiểu nguyên lý nhân quả và để biết sống thận trọng hơn.

Cái khổ này tuy có dính líu tới Khổ Đế nhưng vẫn chưa phải là Khổ Đế trực tiếp mà Đức Phật chỉ dạy trong Tứ Diệu Đế.


3. Cái khổ tâm lý:
Đây là cái khổ mang tính tâm lý nhiều hơn là cái đau thể xác. Cái khổ này do thái độ tâm lý sai lầm - là ảo tưởng - nên thực ra nó chỉ là ảo giác. Tuy vậy nó còn khổ hơn cả hai loại khổ trên nên mới gọi là Khổ Đế. Và khi giác ngộ chỉ thoát khỏi loại Khổ Đế này thôi chứ không cần phải thoát khỏi hai loại khổ kia.


Sở dĩ Khổ Đế là ảo giác vì đó là cảm xúc, cảm giác do những ảo tưởng tâm lý gọi là ái (dục ái, hữu ái, phi hữu ái) tạo ra. Thí dụ, con nhà giàu mà bắt nhai bánh mì không thì thấy thật là khổ, nhưng con nhà nghèo thường chịu đói, nay được nhai bánh mì thì thật là sung sướng.

Như vậy, loại khổ này xuất phát từ thái độ tâm lý không vừa lòng, còn nếu cảm thấy vừa lòng thì cho là lạc. Cảm giác lạc hay khổ loại này hoàn toàn phụ thuộc vào thái độ tâm lý mà thôi, vì vậy rõ ràng là không thật. Và cái khổ này mới chính là Khổ Đế mà Đức Phật chỉ dạy trong Tứ Diệu Đế.

(Pháp thoại thầy Viên Minh)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét