Thuở xưa có một người, tuy không được ai giáo hóa cho, nhưng vì đụng chạm trong
đời, bị chuyện thế sự dầy vò, chuyện thị phi nhân ngã làm cho khốn đốn quá
nhiều nên vô cùng phiền não và đâm có những suy nghĩ như sau: một con người
trầm luân trong cõi trần lao này, cuối cùng được cái gì? Trong vũ trụ mênh mông
con người bé nhỏ li ti chỉ như một hạt cát của sông Hằng, thế mà suốt ngày tâm
trí chỉ dùng trong việc tranh đoạt hoặc lừa gạt dối trá bên ngoài, đến giờ phút
cuối cùng của cuộc đời mang theo được gì? Một đời người như thế, thử hỏi có ý
nghĩa nào không?
Ông lại nghĩ đến đời sống của người tu, đó là những người làm việc vì chúng
sinh, đời sống như thế thì cao cả biết bao! Những người tu ít nhất không bị thế
sự trần lao làm cho khốn đốn phiền não, hơn nữa, họ còn có thể đắc được thánh
quả của sự giải thoát trong tương lai. Nghĩ đến đây, ông rời bỏ gia đình đi tu
làm sa môn.
Vị sa môn này từ sáng sớm đến chiều tối chăm chỉ tu học, không phút nào dám
giải đãi. Chỉ cần nhớ lại đời sống của ông lúc trước và cái quả vị thánh mà ông
nhắm đến trong tương lai cũng đủ thôi thúc ông chuyên cần học đạo.
Nhưng năm này sang tháng khác đã trôi qua mà ông vẫn chưa chứng đắc được quả vị
nào, không lẽ công phu sâu dày như thế mà vẫn không đúng đạo hay sao? Ông càng
nghĩ càng lo sợ, hẳn là mình đã lầm đường lạc lối hay đang bị ma phá? Ôi! Chẳng
thà trở về nhà làm kiếp phàm phu cho rồi, cần gì phải tu hành khổ sở như thế
này!
Ông lấy quyết định sửa soạn bỏ về nhà rồi bỗng lại do dự. Sự thành công hay
thất bại có khi được định đoạt chỉ trong một niệm: bỏ đi thì mấy năm cần khổ
học đạo vừa qua coi như đổ xuống sống xuống biển, hy vọng ngộ đạo coi như mất
vĩnh viễn; còn nếu lấy lại tinh thần để tiếp tục con đường tu hành, biết đâu có
thể thành tựu một ngày nào đó chăng?
Trong lúc những ý nghĩ nên đi hay nên ở như thế đang quay cuồng trong đầu ông,
thì có một vị thần cây trong núi thấy thế cảm thấy xúc động, vì trong kiếp
trước đã từng có nhân duyên với ông. Thần cây rất lo lắng cho ông, biết rằng
nếu ông trở về thì sẽ vĩnh viễn trôi nổi trong biển rộng sinh tử.
Thần cây bèn dùng chút thần thông thử thách, biết đâu xoay chuyển được ý chí
của ông và giúp cho ông thành tựu đạo nghiệp? Thần cây bèn hóa thành một vị tỳ
kheo ni xinh đẹp, ăn mặc diêm dúa, đeo đầy nữ trang châu báu, ưỡn ẹo làm dáng
đến trước mặt vị sa môn.
Vị sa môn thấy thế không chịu được, bèn nghiêm sắc mặt lại mà mắng rằng:
- Cô là tỳ kheo ni, là người xuất gia học đạo, tại sao lại mặc quần áo của
người thế tục? Tại sao lại làm bộ làm tịch để làm quáng mắt người khác?
Hóa nhân tỳ kheo ni trả lời :
- Chuyện ấy có quan hệ gì? Quần áo, nữ trang chỉ là huyễn hóa, phấn son chỉ là
mầu sắc, thì có gì đáng tham luyến đâu? Tất cả đều là giả tướng, chính thân của
ông bộ cũng không đồng một thể hay sao? Trước mắt thì thấy có tuổi thanh xuân,
có sức khỏe dồi dào, nhưng một khi vô thường đến, đất nước lửa gió phân tán
rồi, thì chủ của thân ấy ở đâu? Vô tướng, thật tướng, chân như vốn bất sinh bất
diệt, biết rõ các pháp bổn lai là như thế thì chứng đạo có chi là khó khăn?
Một con người sống trên thế giới này giống như mặt trăng trên trời vậy: một
mình một bóng, đến một mình và đi cũng một mình, trên thân đến không mang một
thứ gì và cũng sẽ không một thứ gì trên thân mà đi, không có vật chi thuộc về
mình một cách chân thật.
Chúng sinh ngu si, trong những hoàn cảnh hư huyễn không thật mà sinh tham
luyến, mê say đến nỗi tự ràng buộc mình vào đó. Không phải cảnh giới mê hoặc
con người, mà chính là con người tự đắm chìm vào cảnh giới ; không phải phiền
não trói buộc con người mà chính là con người tự đi tìm phiền não để cột ràng
mình vào. Vì mê lầm mà tham ái cảnh vật hư huyễn không thật nên suốt một đời
sống như mộng, như say, như si, mà còn ngày đêm oán trời hận người. Họ không
hiểu cái khổ không phải là cái gì tự có, mà là do ác nghiệp của chính họ chiêu
cảm đến.
Chúng sinh thật đáng thương. Họ ngẫu nhiên tạo được vài nhân thiện, chiêu cảm
được vài phúc báo, thế là dương dương tự đắc mà không hiểu rằng phúc báo cũng
chỉ là giả tạm. Một khi nếm cái mùi giả tướng của thế gian rồi tham luyến nó,
thì sẽ thấy cái vui sướng rất khó mà đi theo thân mình mãi mãi, ngược lại cái
tai họa thì như bóng theo hình, một giây một khắc cũng không rời. Muốn cầu cái
vui sướng tự tại vĩnh viễn thì phải liễu ngộ vấn đề sinh tử, phải vĩnh lìa tham
dục và tạo tác.
Trong tam giới, dĩ nhiên cũng có những vị được rất nhiều phúc báo ở cõi trời,
nhưng những vị này rồi cũng có lúc hưởng hết phúc và phải bị đọa lạc. Pháp Phật
có nói : người ở trong gia đình như ngồi trong lao tù, mà cái tầng trời cao
nhất của ba cõi cũng chỉ như lao tù. Chỉ có cái học vô lậu mà chư Phật và chư
bồ tát đã tu học, tức là quán chiếu cái tướng "không" của chư pháp,
và dừng bỏ cái thấy lệch lạc là có sự sai biệt giữa ta và người, mới là cái
cảnh giới thường hằng an vui cứu cánh.
Hóa nhân tỳ kheo ni nói thao thao bất tuyệt một hồi, như một thùng nước sạch
dội lên tâm trí của vị sa môn. Ông suy xét kỹ lưỡng ý nghĩa của từng câu nói
mới nghe. Đúng thế, cái giả tướng vốn do tứ đại hòa hợp, chúng sinh vì quá ư
say đắm cái giả tướng này mà tự hại lấy mình.
Khi giác ngộ được rằng pháp tính vốn là không, con người sống ở trên thế giới
này như một du khách đi qua xứ khác chơi, thì nhìn chúng sinh trong mười phương
thật sự không thể nói được là có thân có sơ.
Vị sa môn nhờ thế mà tâm hồn trở nên cởi mở, xả bỏ hết mọi quái ngại. Ý nguyện
ban đầu kiên cố trở lại, ông chăm chỉ tu học và về sau đắc được đại tự tại.
st
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét