Trong giới luật, có quy định rõ. Phật tử không
được tự sát, nếu tự sát thì có tội [Xem Tứ phần luật và luận Nhiếp, quyển 2]. Ở
đây, nói tự sát là vì chán cuộc sống hiện tại, mà lầm nghĩ rằng, sau khi tự sát
sẽ được giải thoát.
Người Phật tử tin ở định luật nhân quả, nếu
không chứng ngộ thực tướng của các pháp, nếu không lấy công phu tu trì để thoát
khỏi sinh tử thì tự sát không có tác dụng gì hết. Vì nếu chưa hết nghiệp báo,
thì dù có tự sát, cũng phải chịu một kỳ sinh tử tiếp theo. Cũng
như một con nợ, để tránh mặt chủ nợ đòi nợ, bèn dời nhà từ nơi A đến nơi B.
Nhưng sớm hay muộn, chủ nợ cũng sẽ tìm ra nơi ở mới của con nợ, để tiếp tục đòi
nợ. Vì vậy, Phật tử phản đối tự sát, Phật giáo động viên mọi người hãy tận dụng
thời gian trong một đời Người để nỗ lực tu thiện, tích đức nhằm cải thiện vận
mệnh hiện tại và tương lai của mình.
Thế nhưng, Phật giáo
không phải là một tôn giáo khuyến khích vị kỷ. Người Phật tử, vì sự nghiệp độ
sinh, trong trường hợp cần thiết cũng sẵn sàng xả thân. Để bảo vệ tin ngưỡng
thần thánh của mình, có những Phật tử đã tuẫn tiết. Một người hành Bồ Tát đạo
chân chính, có thể xả bỏ cả tay chân, thịt, mắt cho đến cái đầu của mình.
Cũng như đức Thích Ca Thế Tôn, trong các kiếp
sống trước của Ngài, trong thời kỳ hành đạo Bồ Tát, Ngài đã nhiều lần xả thân
không tiếc sinh mạng. Như trong kinh Pháp Hoa nói : "Không có một bụi trần
nào nhỏ như hạt cải, không phải là nơi Bồ Tát xả bỏ thân mạng". Kinh Tạp A
Hàm quyển 39 và 47 kể truyện có ba vị A La Hán tự sát mà đức Phật cũng tán
thành.
(HT. Thích Thánh Nghiêm)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét