H.T thiền sư Thích Thanh Từ
Người đời và những người mới học đạo đều nhìn sự vật với tính cách cố định. Nói
ác hẳn là ác, nói thiện hẳn là thiện, phải hẳn là phải, quấy hẳn là quấy, có
hẳn là có, không hẳn là không... họ không hiểu nổi lối nói “cái này tức là cái
kia”, trong kinh điển Đại thừa. Họ cho lối nói này ỡm ờ mờ ám không chấp nhận
được. Song với tinh thần Đại thừa Phật giáo, nhìn sự vật thấy rõ không
có bản chất cố định, không ngoài nhau. Vì thế, trong kinh nói “Sắc tức là
Không, Không tức là Sắc”, hay “Phiền não tức Bồ-đề”, hoặc “Sanh tử tức
Niết-bàn”. Chỉ một chữ “Tức” làm sáng tỏ nghĩa không cố định, không ngoài nhau
của các Pháp.
SẮC TỨC LÀ KHÔNG, KHÔNG TỨC LÀ SẮC
Câu này xuất phát từ kinh Bát-nhã. Chữ Sắc ở đây là chỉ cho Sắc uẩn.
Dưới con mắt đức Phật, thân này do năm uẩn kết hợp thành. Sắc uẩn là phần vật
chất; thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn, thức uẩn là phần tinh thần. Chẳng riêng gì
sắc uẩn tức là không, mà thọ, tưởng, hành, thức cũng như thế. Bởi vì bản chất
mọi uẩn không tự có, do duyên hòa hợp thành. Đã do nhân duyên hòa hợp thì làm
sao cố định được. Trước khi nhân duyên hòa hợp nó không có, sau khi nhân duyên
ly tán, nó cũng không, chính khi duyên đang hợp phân tích ra cũng không có thực
thể của nó. Ví như nắm tay, trước khi co năm ngón lại, không có nắm tay, sau
khi buông năm ngón ra không có nắm tay, đang khi co năm ngón lại nếu phân tích
từng ngón cũng không có nắm tay. Thế thì, nắm tay chỉ là cái tên tạm gọi khi co
năm ngón lại, chớ không có thực thể cố định của nắm tay. Sắc uẩn không cố định
nên nói “sắc tức là không”; không, khi đủ duyên hợp thành sắc nên nói “không
tức là sắc”, sắc chẳng ngoài tính chất không cố định, không cố định chẳng ngoài
sắc, nên nói “sắc tức là không, không tức là sắc”! Thấu triệt lý các pháp tùy
duyên biến chuyển, không đứng yên, không tự thành, là thông suốt câu “sắc tức
là không, không tức là sắc”.
PHIỀN NÃO TỨC BỒ-ĐỀ
Câu này bàng bạc trong các kinh Đại thừa. Phiền não là si mê bực bội đau
khổ. Bồ-đề là giác ngộ yên tĩnh an vui. Hai thứ bản chất trái ngược nhau, tại
sao lại nói cái này tức cái kia? Bởi phiền não bản chất không cố định, khi biết
chuyển hoặc biết xả liền thành Bồ-đề. Cái động không ngoài cái tịnh, dừng động
tức là tịnh. Cái sáng không ngoài cái tối, hết tối tức là sáng. Chúng ta cứ
quen chạy tìm cái giác ở ngoài cái mê, tìm an vui ngoài đau khổ. Sự thật không
phải thế, hết mê tức là giác, dứt khổ tức là vui. Thiền sư Tư Nghiệp người
Trung Hoa, khi chưa xuất gia làm nghề hàng thịt. Một hôm mổ heo, bỗng dưng ông
thức tỉnh, bỏ nghề đi xuất gia. Khi xuất gia, ông làm bài kệ:
Tạc nhật Dạ-xoa tâm
Kim triêu Bồ-tát diện
Bồ-tát dữ Dạ-xoa
Bất cách nhất điều tuyến.
Dịch:
Hôm qua tâm Dạ-xoa,
Ngày nay mặt Bồ Tát
Bồ-tát cùng Dạ-xoa
Không cách một sợi chỉ.
Biết dừng phiền não tức Bồ-đề, không phải nhọc nhằn tìm kiếm đâu xa.
Bồ-đề đã sẵn có nơi mình, do phiền não dấy khởi phủ che nên Bồ-đề bị ẩn khuất.
Một khi phiền não lắng xuống thì Bồ-đề hiện tiền. Chúng ta ôm đầy một bụng
phiền não chạy tìm Bồ-đề, dù chạy cùng ngàn sông muôn núi tìm vẫn không thấy
Bồ-đề. Chỉ khéo ngồi yên lại cho phiền não lắng xuống thì Bồ-đề hiện tiền.
Như khi trời đổ mưa to, nước mưa từ hư không mưa xuống là trong sạch,
song rơi đến mặt đất lôi cuốn bụi bặm bùn đất chảy xuống ao hồ, thấy toàn nước
đục. Có người cần nước trong xài, ra ao hồ nhìn thấy toàn nước đục không biết
làm sao. Gặp người thông minh bảo: nước đục tức là nước trong, anh ta ngẩn ngơ không
hiểu, ông này bảo: Anh cứ gánh về đổ vào lu, lấy ít phèn quậy nhiều vòng cho
nước cuồn lộn lên, rồi để yên vài tiếng đồng hồ, cặn bụi lắng xuống nước sẽ
trong. Anh chàng kia làm đúng như người thông minh dạy, kết quả anh được nước
trong.
Bởi vì nước mưa nguyên là trong, do bụi đất cuốn theo và hòa tan trong
nước nên trở thành đục. Kẻ khờ thấy nước đục khác với nước trong, tưởng chừng
như nước trong ngoài nước đục mà có, nên khi cần nước trong thấy nước đục là
thất vọng, không biết phải tìm nước trong ở đâu. Người trí biết nước mưa vẫn
trong, do bụi đất hòa lẫn nên đục, chỉ cần lóng bụi đất trở thành nước trong.
Vì thế, khi thấy nước đục, họ vẫn quả quyết nói “nước đục tức là nước trong”.
Chữ tức ở đây để chỉ nước trong không cố định trong, do duyên hợp thành đục;
nước đục không cố định đục, do duyên lóng thành trong. Nước đục không ngoài
nước trong mà có; nước trong không thể bỏ nước đục mà tìm. Bồ-đề và phiền não
cũng thế, phiền não không cố định phiền não, do duyên hợp thành phiền não,
Bồ-đề không cố định Bồ-đề, do duyên lóng sạch thành Bồ-đề. Bồ-đề không ngoài
phiền não mà có, phiền não không ngoài Bồ-đề mà sanh. Bỏ phiền não chạy tìm
Bồ-đề như người lưới cá trên không, bẫy chim đáy biển, rốt cuộc chỉ phí công vô
ích.
Nước đục lóng thành nước trong, trẻ con thấy mới được nước trong, người
lớn biết nước trước nguyên trong, nay lóng trở lại trạng thái cũ, có gì là
“được”. Nếu trước nước vốn đục, nay lóng mấy cũng không trở thành trong. Cũng
vậy, nếu tất cả chúng sanh không có sẵn tánh giác, dù có tu hành đến đâu cũng
không thể giác được. Chư Phật, Bồ-tát trước cũng là chúng sanh, các Ngài tu
hành đã giác ngộ được, tất cả chúng ta nếu biết tu hành chắc chắn sẽ giác ngộ
như các Ngài. Vì thế, chư Phật thấy rõ tất cả chúng sanh đều có tánh giác, vì
vô minh phiền não che đậy trở thành mê, một khi khéo tu lóng sạch vô minh phiền
não liền trở lại giác. Từ mê sang giác, chúng sanh tưởng là mới được, nên thấy
có chứng có đắc. Chư Phật biết rõ chỉ trở lại tánh giác sẵn có, nên nói vô
chứng vô đắc. Vô chứng vô đắc không có nghĩa là không ngơ, mà không còn mê,
hằng sống lại tánh giác của mình. Cái đã sẵn có, trở lại với nó có gì thêm bớt
mà nói chứng đắc. Tuy không chứng đắc mà hằng giác chẳng mê, làm sao nói không
ngơ được?
Biết trong nước đục vốn là nước trong, nước đục khéo lóng sẽ thành nước
trong, đó là cái thấy của người thông minh. Đức Phật cũng thế, Ngài thấy tất cả
chúng sanh đều sẵn có tánh giác, dù đang mê tánh giác cũng không mất, nên nói
“Ta thấy tất cả chúng sanh đã thành Phật”. Lại có khi Ngài nói “Ta là Phật đã
thành, các ông là Phật sẽ thành”. Bởi chúng ta đã sẵn tánh giác, một khi thức
tỉnh huân tu tánh giác sẽ hiển hiện, việc này không có gì là lạ. Câu Phật nói
trước có vẻ khó hiểu, đã thành Phật tại sao chúng sanh vẫn mê muội loạn cuồng.
Bởi vì Phật cũng là một chúng sanh như chúng ta, Ngài khéo lóng vô minh phiền
não chìm lặng trở thành giác ngộ. Nếu không có tánh giác sẵn, dù Ngài tu đến
muôn a-tăng-kỳ cũng không ngộ, nói gì ba a-tăng-kỳ. Thấy chúng sanh sẵn có tánh
giác, nói “đã thành Phật” thì có lỗi gì? Có sẵn tánh giác mà cứ quên, mải tạo
nghiệp đi trong sanh tử luân hồi, càng luân hồi càng tạo nghiệp, nghiệp mê
chồng chất nên thành mê muội loạn cuồng. Một phen thức tỉnh, dừng bước luân
hồi, nghiệp mê băng hoại, mới tin “ta là Phật sẽ thành”.
SANH TỬ TỨC NIẾT-BÀN
Chúng sanh mải trôi lăn, lặn hụp trong biển luân hồi sanh tử, dừng sanh
tử được an lành là Niết-bàn. Sanh tử là khổ đau. Niết-bàn là an lạc. Sự khổ đau
an lạc dường như hai mà không phải hai. Như người đi trên vai gánh một gánh
nặng đi xa, họ cảm nghe nhọc nhằn vô kể, để gánh nặng xuống nghỉ, họ cảm thấy
nhẹ bổng an vui. Cái nhọc nhằn và an vui người này cảm giác được, dường như hai
mà không phải hai. Chẳng qua, khi gánh nặng còn đè trĩu trên vai là đau khổ, để
gánh nặng xuống thì an vui. Do hết khổ gọi là vui, chớ không có cái vui từ đâu
đem đến. Niết-bàn và sanh tử cũng thế, do hết sanh tử gọi là Niết-bàn, không có
Niết-bàn ngoài sanh tử.
Chúng sanh tạo nghiệp, lại do nghiệp dẫn chúng sanh loanh quanh lẩn
quẩn, không có ngày cùng. Chúng ta vì sự sống tạo nghiệp, nghiệp lại dẫn chúng
ta qua lại trong tam giới, lên xuống trong sáu đường, không biết bao giờ ra
khỏi. Nếu khéo tu dừng nghiệp thì bánh xe luân hồi sẽ theo đó mà dừng. Theo
nghiệp trôi lăn là sanh tử, dừng nghiệp lặng yên là Niết-bàn. Vì thế, cần được
Niết-bàn, chúng ta phải dừng nghiệp. Có nhiều người tưởng Niết-bàn là một cảnh
giới xa xôi đẹp đẽ như cảnh Cực Lạc chẳng hạn. Họ cố cầu xin Phật, Bồ-tát cho
họ được Niết-bàn hoặc tìm minh sư đạt đạo nhờ truyền pháp hay điểm đạo cho họ
được Niết-bàn. Họ không ngờ sạch nghiệp tức là Niết-bàn. Nghiệp lại do mình
tạo, chỉ cần tìm ra động cơ chủ yếu tạo nghiệp, bắt nó dừng lại thì Niết-bàn
hiện tiền. Tâm thức lăng xăng của chúng ta là chủ động tạo nghiệp, khéo tu dừng
lặng nó thì Niết-bàn xuất hiện. Dừng ngắn thì được Niết-bàn ngắn, dừng lâu thì
được Niết-bàn lâu, dừng hẳn thì được Niết-bàn viên mãn.
Sở dĩ có Niết-bàn là do đối với sanh tử mà lập, một khi sanh tử dứt sạch
thì Niết-bàn cũng không còn chỗ đứng. Kinh có câu “Niết-bàn sanh tử đồng như
hoa đốm trong không”. Đã là hai danh từ đối đãi mà lập thì đều không thật.
Không có sanh tử thì không có Niết-bàn; không có Niết-bàn thì nói gì là sanh
tử. Như không có khổ thì không có vui, không có vui thì làm sao biết khổ.
Niết-bàn và sanh tử không riêng lập và không ngoài nhau, nên nói “Sanh tử tức
Niết-bàn”.
Sẽ có người bảo, sanh tử là do nghiệp dẫn là pháp sanh diệt, hư dối là
phải, Niết-bàn là dứt sạch nghiệp là chân thật, tại sao lại nói hư dối? Quả
thật Niết-bàn không hư dối, song danh từ Niết-bàn là hư dối. Thực thể Niết-bàn
không có hình dáng để diễn tả, không có ngôn ngữ để nói bàn, nó vượt ngoài pháp
đối đãi thế gian. Ngôn ngữ chúng ta sử dụng để diễn đạt tâm tư đều nằm trong
đối đãi không thật. Dù là ngôn ngữ Niết-bàn, cũng chỉ là lớp mây phủ núi, chớ
không phải là núi, đứng về núi mà nhìn thì nó là cái hư dối bên ngoài không
đáng kể. Thế nên nói “như hoa đốm trong hư không” mà thực thể chẳng phải không.
THIỆN TỨC ÁC, ÁC TỨC THIỆN, PHẢI TỨC QUẤY, QUẤY TỨC PHẢI
Ta có thể nói rộng ra “thiện tức ác, ác tức thiện” hay “phải tức quấy,
quấy tức phải”... chẳng hạn. Bởi vì, dù là việc thiện mà chúng ta cố chấp liền
trở thành ác. Ví như người theo tôn giáo A tự thấy là hay là lợi ích, liền
khuyên bà con thân quyến cùng theo với mình. Nếu những người thân không bằng
lòng theo, tức thì sanh tâm giận ghét. Thế không phải chấp thiện thành ác là
gì? Tuy là việc ác, chúng ta ý thức được liền bỏ là trở thành thiện. Như anh A
nghe theo bạn bè làm việc trộm cắp, gặp người tốt nhắc nhở giải thích cho A biết
việc làm ấy là xấu xa, tội lỗi, A liền bỏ nghề trộm cắp. Quả thật ác biết bỏ
liền trở thành thiện.
Phải quấy cũng không có tiêu chuẩn cố định, nếu ta chấp vào cái phải của
mình liền trở thành quấy. Bao nhiêu việc cãi vã chửi lộn đánh lộn đâu không phải
do chấp phải mà ra. Có người nào sau khi đánh lộn, bị người hỏi, dám nhận là
tôi quấy đâu. Mọi người đều thấy mình phải nên có ẩu đả. Ngược lại, người ý
thức việc làm của mình là quấy tự bỏ, liền trở thành phải. Những người lầm
đường lạc lối, khi họ thức tỉnh xoay trở lại đường lành liền trở thành người
tốt. Mọi sự việc trong đối đãi đều như thế cả, không có một sự việc gì là cố
định. Cái phải của A không phải là cái phải của B. Cái phải của nhóm C không
phải là cái phải của nhóm D. Cái phải của xứ này không phải là cái phải của xứ
khác. Cái phải của thời gian trước không phải là cái phải của thời gian sau.
Thế thì, lấy đâu làm tiêu chuẩn mà chấp phải quấy! Chấp chặt phải quấy là ngu
xuẩn là khổ đau. Biết buông xả linh động tùy thời là người khôn ngoan an ổn.
CHỮ TỨC ĐỐI TRONG VẠN VẬT
Ta đi xa hơn ra ngoại giới, với mọi sự vật dùng chữ TỨC vẫn đúng lẽ
thật. Như nói “thể lỏng tức là thể hơi” hoặc nói “thể hơi tức là thể lỏng”.
Nước là thể lỏng đun nóng bốc lên thành hơi, hơi nước lên cao gặp khí lạnh đọng
lại rơi xuống thành nước thể lỏng. Cũng có thể nói “thể lỏng tức là thể cứng,
thể cứng tức là thể lỏng”. Nước là thể lỏng khi để vào tủ lạnh cô đọng thành
nước đá thể cứng; nước đá đem để ngoài nắng tan thành nước thể lỏng. Ngoài nước
ra, các loại chì, đồng, sắt..., từ thể cứng để vào lò nấu sức nóng lên đến
1.0000C trở lên sẽ chảy thành thể lỏng, thể lỏng đó đem ra để nguội trở thành
cứng... Vì thế, thấu hiểu chữ TỨC là thấy đúng lẽ thật, cũng là thấy tột cùng
lý tùy duyên chuyển biến của các pháp. Môn hóa học hiện tại chứng minh sự vật
không tự tồn tại, không có cá thể độc lập, không giữ nguyên một vị trí. Một vật
thể này bị thay đổi chất liệu liền biến thành vật thể khác. Thế nên, con người
có thể dùng các thứ nguyên liệu khoa học đã tìm được, biến chế thành những sản
phẩm hữu ích cung ứng cho nhân loại cần dùng. Mọi vật thể kết hợp không phải
đơn thuần, mà sự cấu tạo rất phức tạp. Biết được sự cấu tạo của vật thể, người
ta sẽ tạo điều kiện biến nó thành những vật theo nhu cầu của mình. Sự biến hóa
đổi thay trong mỗi vật thể đã là bằng chứng hùng hồn về lý không cố định của sự
vật. Thấy được lý không cố định là thấy tột bản tánh của sự vật. Những nguyên
tố hợp thành sự vật tuy nhiều song chẳng lắm, do sự kết hợp tăng giảm biến
thành muôn vàn sự vật có đủ thiên hình vạn trạng trên thế gian này. Quả là
trong vật này có những nguyên tố của vật khác, trong vật khác có những nguyên
tố của vật này. Thế nên, nói “A tức B, B tức A” là đúng lẽ thật đâu có sai
ngoa.
HIỆU DỤNG CHỮ TỨC TRONG SỰ TU HÀNH
Hiểu rõ chữ TỨC có công hiệu rất lớn trong việc tu hành. A tức là B, thì
A không thật A, B tức là A thì B không thật B. Muôn vật tùy duyên thay hình đổi
dạng, có cái gì cố định mà chấp. Bệnh lớn của con người là cố chấp, chấp càng
nặng thì khổ càng nhiều. Mỗi người chấp theo cái thấy, cái nghe, cái sở học,
cái suy nghĩ, cái tưởng tượng của mình hoặc của nhóm người thân mình, nếu người
khác thấy đồng cái thấy của mình, nhóm mình thì thân; thấy khác cái thấy cái
chấp của mình, nhóm mình thì thù. Đây là gốc đấu tranh gây ra đau khổ cho nhân
loại. Sự vật là một dòng biến thiên, mà mình nhìn theo cái chấp cố định thì làm
sao thấy được lẽ thật, làm sao đem lại sự an bình. Con người khủng khiếp hãi
hùng khi nghe tin mình sắp chết. Sợ chết vì chấp thân là chắc thật lâu dài,
bỗng dưng nó sắp tan hoại nên hoảng sợ. Sự nghiệp tài sản cũng chấp cố định bền
lâu, xảy ra tai nạn hỏa hoạn, binh đao, trộm cướp... khiến phải tan hoại, người
ta sẽ đau khổ vô hạn. Tình cảm bạn bè, thân hữu..., chấp mãi mãi không đổi
thay; một khi gặp cảnh đổi thay, người ta sẽ thảm sầu vô kể.
Người nắm vững nguyên tắc “các pháp không cố định”, mọi cố chấp trên từ
từ tan rã, khổ đau, sầu thảm, hoảng sợ, hãi hùng dần dần tan biến theo mây
khói. Thân sắp chết, sự nghiệp tan vỡ, bạn bè chia lìa... cũng là lẽ đương
nhiên trong dòng biến thiên của vạn vật. Chúng ta chưa can đảm cười trước cảnh
ấy, song cũng can đảm nhìn chúng trôi qua với tâm niệm an bình. Bởi người tu
hành là huân tập phát minh những lẽ thật ấy. Sở dĩ hiện nay có lắm người tu khi
gặp hoàn cảnh tang thương biến cố liền hoảng sợ bất an, do họ không phát minh
những lẽ thật này. Họ nghĩ rằng tụng kinh nhiều, niệm Phật lắm, cúng kính hậu
là đầy đủ công phu tu hành. Tu bằng cách nhắm ra ngoài, chạy theo hình thức làm
sao đạt được lẽ thật, mà làm suy giảm khổ đau. Họ càng tu thì chấp càng nặng,
chấp nặng thì đau khổ càng nhiều. Thế là, tu chỉ tăng khổ, chớ không hết khổ.
A tức là B, thì A không thật là A, B tức là A, thì B không thật là B,
hai bên đều không cố định. Đã không cố định thì làm sao dám bảo là thật. Hai
bên đều không thật thì không thể thành hai. Bởi không thể thành hai là tiến
thẳng vào “Pháp môn bất nhị”. Thấy vạn vật đối đãi không thật, còn gì để lý
giải luận bàn. Vừa phát ra ngôn ngữ là nằm trong đối đãi, đối đãi thuộc hai
bên. Muốn chỉ chỗ cứu kính của “Pháp môn bất nhị”, ngài Duy-ma-cật chỉ còn cách
lên tòa ngồi lặng thinh. Chính thế mà Bồ-tát Văn-thù tán thán không tiếc lời.
THẤY THÂN GIẢ DỐI CÓ PHẢI QUAN NIỆM CHÁN ĐỜI CHĂNG?
Đa số người nghe trong kinh Phật nói “xem thân như huyễn hóa” cho là tâm
trạng bi quan, yếm thế. Trái lại, nhà Phật thấy thân như huyễn hóa là sức mạnh
để làm lợi ích chúng sanh. Như nói “Bồ-tát lấy thân như huyễn độ chúng hữu tình
như huyễn”, bởi Bồ-tát thấy thân hình không thật nên sẵn sàng lăn xả vào làm
việc lợi ích chúng sanh, dù gặp khó khăn nguy hiểm cũng không ngán sợ, vì thân
như huyễn có mất cũng không gì quan trọng. Thấy chúng hữu tình như huyễn nên độ
chúng sanh mà không chấp nhân ngã. Thấy thân như huyễn, khiến người ta mạnh mẽ
lên, không còn hãi sợ, trước vạn vật biến thiên mà tâm hồn mình vẫn an nhiên tự
tại... Ta hãy nghe bài kệ của Thiền sư Vạn Hạnh:
Thân như điện ảnh hữu hoàn vô,
Vạn mộc xuân vinh thu hựu khô.
Nhậm vận thạnh suy vô bố úy,
Thạnh suy như lộ thảo đầu phô.
Dịch:
Thân như bóng chớp có rồi không
Cây cỏ xuân tươi, thu đượm hồng
Mặc cuộc thạnh suy không sợ hãi
Thạnh suy như cỏ hạt sương đông.
Biết bao lời Phật, ý Tổ trong các kinh, luận thấy thân như huyễn đạt
tinh thần vô úy như thế.
THẤY THÂN HUYỄN HÓA LÀ ĐÚNG LẼ THẬT
Phật giáo nói thân này do tứ đại hòa hợp thành nên không chắc thật bền
lâu. Tứ đại là đất, nước, gió, lửa, bốn thứ này bủa khắp trời đất vạn vật nên
nói là đại. Chất cứng trong thân là đất, chất ướt là nước, chất động là gió,
chất ấm là lửa. Bốn chất này thiếu một thì thân phải hoại. Song bốn chất này
luôn luôn thù địch chống đối nhau. Lửa không ưa nước, đất không ưa gió, ngược
lại cũng thế. Khi lửa thạnh hơn nước sanh nóng bức đau đầu; gió thạnh hơn đất
sanh nhọc nhằn đau nhức. Chúng hằng chống đối nhau, nên lúc nào thân này cũng
sẵn sàng bệnh hoạn hay chực tan rã. Ta khéo điều hòa thì thân còn an ổn, không
khéo chúng sẽ băng hoại. Sự băng hoại của thân thật bất định, một mạch máu bể,
một cái sẩy chân, một luồng gió độc, một viên đạn xuyên qua... là mất mạng. Sự
hòa hợp của tứ đại thật là khó khăn không bảo đảm lâu dài, vì chúng mang bản
chất thù địch nhau. Như bốn người thù địch nhau chung làm một công tác, nếu
thiếu một trong bốn người thì công tác phải đổ vỡ. Thử hỏi, chúng ta dám bảo
đảm bốn người này hòa hợp lâu dài chăng? Và công tác họ đang làm có thể thành
tựu viên mãn không? Thật không ai dám hứa điều đó hết, vì thấy rõ tính chất thù
địch của chúng. Sự hòa hợp của bốn kẻ thù, dù ai ngu tối mấy cũng biết rất tạm
bợ mỏng manh. Thế thì, nói thân tạm bợ hư dối là nói đúng sự thật không còn
nghi ngờ gì nữa.
Chẳng những sự hòa hợp của chúng rất tạm bợ mỏng manh, chính khi đang
hòa hợp, chúng cần phải vay mượn tứ đại bên ngoài hỗ trợ mới được tồn tại. Sự
vay mượn tứ đại bên ngoài bị thiếu hay ngưng trệ, nguy cơ tan vỡ xuất hiện
ngay. Lỗ mũi chúng ta đang hít thở là mượn gió, miệng ta uống nước, ăn cơm là
mượn nước, mượn đất và lửa. Sự vay mượn ấy được thuận chiều ổn thỏa thì thân an
vui khỏe mạnh. Sự vay mượn bị trở ngại khó khăn là thân đau đớn nguy kịch. Quả
thật cuộc sống an vui hạnh phúc là do sự vay mượn và tống trả một cách an ổn
điều hòa, ngược lại là sự sống bất hạnh. Sự sống còn là nhờ vay mượn, làm sao
dám nói thân này là thật, là lâu dài?
Thế mà người đời bị si mê nhiều kiếp, cứ nghĩ thân này là thật, là lâu
bền, là của ta. Thậm chí đất nước gió lửa bên ngoài là của thiên nhiên trời
đất, mà một khi mượn vào xài, liền chấp của mình. Như lỗ mũi vừa mượn không khí
đem vào chưa đến một phút, thở trả ra liền nói hơi của tôi. Nước, đất cũng chấp
như vậy. Một vật gì vừa qua thân này đều nói là của tôi, không ngờ cái tôi này
cũng vay mượn nốt. Bao nhiêu đó đủ thấy, cái si mê chấp ngã của chúng ta thật
quá nặng nề. Vì chấp ngã nên mù quáng, không thấy lẽ thật. Bởi vậy nên nghe nói
thân này như huyễn hóa liền hằn học chống đối ngay.
Nếu thân này là thật, phải có bảo đảm tồn tại trong thời gian bao lâu.
Quả thật không dám bảo đảm, làm sao nói thân này là thật được. Có người ra chợ
mua hàng, thấy món hàng vừa ý muốn mua, song còn ngại đồ giả. Chàng ta hỏi cô
bán hàng: Đây là đồ thật hay đồ giả? Cô bán hàng đáp: Đồ thật! Tôi bảo đảm ông
đồ tốt lâu bền... có thật mới dám bảo đảm, nếu giả đâu dám bảo đảm, trừ kẻ
bướng. Thân này đã không, có ai dám bảo đảm, nói giả dối là hợp lý còn gì nghi
ngờ. Song nói giả dối hay huyễn hóa để chỉ sự có mặt của nó rất tạm bợ không lâu
bền, không chủ tể, chớ chẳng phải không ngơ, không có gì hết. Có người bảo đạo
Phật nói thân như huyễn hóa, tại sao các người tu theo Phật vẫn ăn, vẫn mặc
v.v... và v.v...? Biết thân huyễn hóa là thấy nó có một cách tạm bợ ngắn ngủi,
dễ tan hoại, chẳng phải là không, sự ăn mặc đối với nó là lẽ thường có gì phải
nghi. Thấy được lẽ thật tạm bợ của thân này, chúng ta phá được cái chấp ngã sai
lầm vô lý, dừng tay, không tạo nghiệp ác, đem lại sự cảm thông tương trợ lẫn
nhau, để được chút an vui trong cuộc đời tạm bợ.
THẤY THÂN HUYỄN HÓA ĐỂ TRỪ TAM ĐỘC
Tham, sân, si là ba con rắn độc sát hại người không thể kể xiết. Chẳng
những chúng giết hại người trong đời này, mà còn gây họa ương không biết bao
nhiêu kiếp nữa. Còn tham sân si là con người còn đau khổ. Thấy thân như huyễn
hóa là lối nhìn đúng như thật bằng con mắt trí tuệ. Con mắt trí tuệ mở sáng thì
si mê tan biến là phá được si. Si đã tan thì tham theo đó mà dừng. Tham hết thì
sân không còn lý do trỗi dậy. Bởi si mê nên thân duyên hợp hư dối ta tưởng lầm là
chân thật quí báu. Do tưởng thân thật quí, nên sanh lòng tham muốn thu góp mọi
nhu cầu mà thân yêu thích. Sự thu góp bị ngăn trở liền nổi sân lên. Thế là, từ
si khởi tham, từ tham sanh sân, tạo nghiệp gây khổ cho mình cho người. Hành giả
biết rõ cội gốc của tam độc là si mê dùng cây xẻng trí tuệ bứng tung gốc si mê
lên. Gốc si mê đã trôùc thì thân tham và cành lá sân cũng đổ ngã theo, cây tam
độc ngang đây sẽ khô khan rã mục. Quả là chúng ta đã tháo được cây chốt cửa
giải thoát. Bài kinh Bát-nhã bổ khuyết cho tất cả thời khóa tu tập chủ yếu là ở
chỗ này. Chúng ta tu theo đạo Phật là đi trên con đường giác ngộ, nếu không
thắp sáng ngọn đuốc trí tuệ thì mục đích giác ngộ ắt phải xa vời. Kinh Pháp Cú
Phật dạy “các ông tự thắp đuốc lên mà đi, thắp lên với chánh pháp”. Trong mười
hai nhân duyên, bắt đầu từ vô minh. Từ vô minh tiếp nối đến sanh tử là lưu
chuyển. Vô minh diệt cho đến sanh tử diệt là hoàn diệt. Do vô minh dẫn mãi đi
trong luân hồi sanh tử. Vô minh là tên khác của si mê. Chúng ta đã thấy đích
thực bộ mặt ác độc của hắn rồi, không ra tay tiêu diệt hắn, biết bao giờ chúng
ta mới hết khổ. Vì thế, hành giả thẳng tay trừng trị đích đáng kẻ ác độc này,
với cây kiếm trí tuệ cầm sẵn trong tay. Bất cứ nơi chốn nào, thời gian nào,
hành giả hằng lia kiếm trí tuệ, bọn quân si mê ngã rạp không còn một đứa dám
xáp lại gần là thắng trận, trên đường tiến đến thành giác ngộ. Ngược lại, là kẻ
bại trận không thể cứu.
THẤY THÂN HUYỄN HÓA ĐẠT ĐẾN KHÔNG HUYỄN HÓA
Lý do không bi quan của đạo Phật là thấy thân huyễn hóa để đạt đến không
huyễn hóa. Không phải như những kẻ phàm phu tục tử, có lúc nhàn hạ ngồi yên suy
gẫm cuộc đời, thấy nó ngắn ngủi tạm bợ đâm ra chán chường kinh hoảng. Thấy cuộc
sống đi vào ngõ cụt, họ ê chề chán ngán có khi liều mình tự tử. Hành giả dùng
trí tuệ quán sát thấy thân đúng lẽ thật, nó hư dối tạm bợ không có gì đáng quí.
Song lại có cái chân thật tàng ẩn trong ấy, chỉ có người đạt đạo mới thấy được.
Ta hãy nghe ba câu trong bài ca Chứng Đạo của Thiền sư Huyền Giác:
Huyễn hóa không thân tức pháp thân
Pháp thân giác liễu vô nhất vật
Bản nguyên tự tánh Thiên Chân Phật.
Ngay trong thân không thật huyễn hóa này tức là Pháp thân. Giác ngộ pháp
thân thấy không có một hình tướng sự vật gì. Pháp thân này cũng gọi là Bản
nguyên, Tự tánh, Thiên Chân Phật. Pháp thân là tên khác của tâm thể lặng lẽ,
tràn đầy trong sáng của mọi chúng ta. Nó không có hình tướng nên không bị vô
thường, không dấy động nên không sanh diệt, hằng trong sáng nên chẳng phải
không ngơ. Vì chúng ta quen nhìn cái gì cũng theo hình tướng, theo dấy động mới
cho là có, ngược lại bảo là không? Để sáng tỏ ý này, chúng ta nghe lời đối đáp
của Thiền sư Hoài Nhượng với Lục Tổ. Sư đến Tào Khê, Lục Tổ hỏi: Ở đâu đến? Sư
thưa: Ở Tung Sơn đến. Tổ hỏi: Vật gì đến? Sư thưa: Nói in tuồng một vật tức không
trúng. Tổ hỏi: Lại có tu chứng chăng? Sư thưa: Tu chứng tức chẳng không, nhiễm
ô tức chẳng được. Tổ bảo: Chính cái không nhiễm ô này là chỗ hộ niệm của chư
Phật, ngươi đã như thế, ta cũng như thế.
Tâm thể lặng lẽ tràn đầy trong sáng có sẵn trong mọi người, nên nói là
bản nguyên, là tự tánh. Tại vì vọng tưởng dấy khởi liên miên, khiến chúng ta
chỉ thấy vọng tưởng, không thấy được tâm thể này. Bởi chỉ thấy vọng tưởng nên
chấp nhận vọng tưởng làm tâm mình, hài lòng ngang đây, cam chịu nó lôi chạy
trong lục đạo luân hồi. Mỗi vọng tưởng dấy lên, hay mỗi niệm khởi, đã cắt xén
tâm thể tràn đầy thành những mảnh vụn. Những mảnh vụn này tung tóe lên che
khuất tâm thể lặng lẽ tràn đầy trong sáng. Như mặt biển lặng lẽ tràn đầy trong
sáng, một cơn gió mạnh thổi qua, những lượn sóng trỗi dậy nối tiếp, đã cắt xén
mặt biển phẳng lì thành vô lượng mảnh vụn, đang săn đuổi nhau. Khi này, người
ta nhìn không còn thấy mặt biển phẳng, chỉ thấy bao nhiêu lượn sóng gầm thét
rượt bắt nhau.
Sóng đã dậy làm sao dừng? Chỉ khi nào gió lặng. Sóng tâm muốn dừng chỉ
khi nào gió nghiệp lặng. Vọng tưởng dấy lên đều có đối tượng. Ngã và pháp là
đối tượng chủ yếu của vọng tưởng. Nghĩ cái gì? Nghĩ về ta, về người hay vạn
vật. Thấy thân duyên hợp như huyễn, cảnh duyên hợp như huyễn là vô hiệu hóa gió
nghiệp. Đã biết thân cảnh hư dối còn gì phải bận lòng, đối tượng đã phá vỡ thì
vọng niệm không còn chỗ tựa để phát sanh. Thế là gió nghiệp lặng, sóng vọng
niệm từ từ im bặt, chỉ còn mặt biển tâm lặng lẽ tràn đầy trong sáng như xưa.
Công tác quan trọng của người tu là trí tuệ Bát-nhã, nhờ nó chúng ta mới phá
được mê lầm muôn kiếp. Nó góp công lớn lao trong việc đem lại an bình cho tâm
thể.
Vọng niệm dấy khởi là loạn động, sanh diệt, là cắt xén vụn vặt, là che
phủ ngàu đục. Có vọng niệm thì không thể thấy được tâm thể lặng lẽ tràn đầy
trong sáng. Vì thế, mọi người đều có tâm thể lặng lẽ tràn đầy trong sáng mà ít
người nhận ra. Đã không nhận ra, dù tu hành cũng không tin mình thành Phật. Đây
là nguyên nhân lui sụt của đa số người tu. Nghe trong kinh nói có Chân tâm,
Phật tánh, Tri kiến Phật..., thực tế không bao giờ họ nhận thấy mặt mày của nó.
Tu lâu rồi, họ xoay ra lo cất chùa to, tổ chức lễ lớn... lấy đó làm Phật sự,
việc giác ngộ giải thoát xem như vô phần. Muốn thấy chân tâm, Phật tánh, trước
tiên chúng ta phải dừng vọng niệm. Vọng niệm đã dừng thì tâm thể lặng lẽ tràn
đầy trong sáng hiện tiền, chẳng cần cầu mong trông đợi cũng tự thấy. Song vọng
niệm không phải dễ dừng, nó đã thành một dòng sanh diệt liên tục trong chúng
ta. Để chận đứng nó, trước tiên chúng ta phải đập nát đối tượng chủ yếu làm cơ
sở phát sanh của nó là ngã và pháp. Dùng trí Bát-nhã thấy ngã pháp như huyễn
hóa, là chiếc búa thần đập tan đối tượng chủ yếu của vọng niệm. Đối tượng đã đổ
vỡ thì vọng niệm còn nương đâu phát sanh. Thế là, nhờ trí tuệ Bát-nhã thấy ngã
pháp như huyễn hóa, hành giả đạt đến tâm thể chân thật không huyễn hóa.
BI TRÍ TRÒN ĐỦ
Trí tuệ khai phát, hành giả tháo gỡ lần những mối rối bòng bong trong
tâm tư. Đến khi mọi việc suôn sẻ, trí giác tròn sáng là xong phần tự giác. Phần
giác tha do tâm từ bi thúc đẩy, đến lúc viên mãn thì công phu hành giả mới được
tròn đủ. Khi thực hiện giác tha, hành giả phải chuẩn bị thế nào? Tâm từ bi là
ban vui cứu khổ. Chúng sanh có nhiều loại khổ, không ngoài hai thứ, khổ về vật
chất, khổ về tinh thần. Khổ về vật chất tuy cấp bách song không trầm kha miên
viễn bằng khổ về tinh thần. Thể hiện lòng từ bi bằng hành động bố thí, trong ba
thứ bố thí, tài thí là đứng đầu. Vì thích ứng với nhu cầu cấp bách vật chất,
nên phải thực hiện tài thí trước. Người đang đói rét mà mời đi nghe pháp là
việc làm của kẻ dại khờ. Trước nhất, chúng ta phải cho họ có cơm ăn, cả áo mặc,
sau mới hướng dẫn về đạo lý thâm sâu. Do đó, pháp thí Phật đặt sau tài thí.
Phật tử muốn cứu người thoát khỏi cái khổ trầm kha, miên viễn của tinh thần,
trước phải lo giúp đỡ người giảm bớt cái khổ về vật chất. Vì thế, tuy thấy thân
như huyễn hóa, các pháp như huyễn hóa, chúng ta vẫn phải cần cù lao động làm ra
nhiều tài sản của cải để giúp những người cần giúp, nhiên hậu mới đem chánh
pháp hướng dẫn giáo hóa họ. Thấy thân như huyễn, các pháp như huyễn, để rồi
nhìn cảnh ngắm trăng nhịp đùi ngâm thơ, là người không có lòng từ bi, không
hiểu thấu ý nghĩa Phật dạy. Hoặc gặp ai cũng cố gắng khai mở trí Bát-nhã cho
họ, mà không đếm xỉa gì bản thân người đang no hay đói, là kẻ thuyết pháp chẳng
hợp thời cơ. Vì muốn cứu cái khổ trầm kha miên viễn tinh thần của mọi người,
chúng ta phải cố gắng nỗ lực cứu cái khổ cấp bách vật chất cho họ trước đã.
Được vậy, sự tự giác giác tha, chúng ta mới tròn đủ. Tự giác là trí,
giác tha là bi, đạo Phật chủ yếu đưa người đến giác ngộ, nên bi trí đều
cùng một chữ giác.
KẺ SI MÊ NGƯỜI TRÍ TUỆ CAN ĐẢM HY SINH
Kẻ si mê can đảm hy sinh không ngoài ba yếu tố chính là tham lam, sân
hận, si mê. Vì tham danh, tham lợi, tham sắc..., họ can đảm hy sinh, vì đam mê
không mãn ý, họ can đảm hy sinh, vì nóng giận hận thù, họ can đảm hy sinh. Sự
can đảm hy sinh của họ do động lực bên ngoài thúc đẩy. Họ can đảm trong cái sợ
sệt, hy sinh trong cái liều lĩnh. Người đời muốn lợi dụng lòng can đảm, hy sinh
của họ, bèn cám dỗ bằng danh lợi, kích động bằng hận thù, xây dựng bằng lý
tưởng. Bởi không tự chủ được, họ phải làm theo cái gì mà người khác muốn họ
làm. Cuộc sống của họ xem ra rất ngang dọc anh hùng, song là cái anh hùng của
người khác tạo nên. Họ hy sinh trong cái tự cao, ngã mạn, hoặc trong nhắm mắt
đánh liều.
Người trí tuệ can đảm hy sinh do nhận chân lẽ thật, vì lòng từ bi cứu
khổ chúng sanh. Khi thấy rõ thân này duyên hợp như huyễn, chúng sanh không biết
chấp là thật, gặp cảnh khổ liền kinh hoàng, hoảng sợ. Người trí tuệ thấy thế
dám hy sinh thân mình để đem sự an vui cho người. Đôi mắt trí tuệ với lòng từ
bi, người trí tuệ can đảm hy sinh giúp người, cứu vật, không do động lực nào
khác thúc đẩy. Nói can đảm hy sinh, mà thật không có gì đáng hy sinh. Bởi thấy
thân như huyễn hóa, sự còn mất có đáng gì, gọi là hy sinh. Cho nên, hy sinh cho
mọi người, vẫn không thấy có mình hy sinh, đây là tâm hồn Bồ-tát. Bồ-tát thấy
chúng sanh khổ coi như mình khổ, xả thân mình giải khổ cho người là việc làm dễ
dàng thường nhật của Bồ-tát.
KẾT THÚC
Qua những lý do trên, chúng ta được quyền khẳng định rằng thấy thân giả
dối là đúng lẽ thật, là diệt trừ tam độc, là giải thoát sanh tử, là tích cực vì
người, là can đảm hy sinh, không phải là quan niệm bi quan yếm thế. Mọi khổ
đau, mọi hèn nhát, phát nguồn từ bản ngã khổng lồ. Phá tan được bản ngã này, có
sự lợi ích nào chẳng dám làm, sự đau khổ nào mà chẳng dám cứu, sự hiểm nguy nào
mà chẳng xông vào. Bồ-tát Địa Tạng đâu không nói “ta không vào địa ngục, ai vào
địa ngục”. Có phải chăng là một sức mạnh vô biên, khi thấy thân không thật. Chỉ
trừ bọn phàm phu, sau khi trà dư tửu hậu, ngồi suy gẫm cuộc đời, thấy kiếp sống
mỏng manh cuộc đời tạm bợ, nảy sanh ra quan niệm chán đời. Với cái nhìn của bọn
người này, không dính dáng gì với trí tuệ Bát-nhã. Trí tuệ Bát-nhã không rời từ
bi. Bi trí viên mãn mới tròn Phật quả.
nguồn: thientongvietnam.net
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét