Tâm bi là nguồn gốc
của hạnh phúc trong cuộc sống. Nó là phương tiện thiết yếu đảm bảo cho hạnh
phúc của riêng ta cũng như hạnh phúc của xã hội. Nếu không có tâm từ và tâm bi
thì sẽ không có được sự bình yên và hạnh phúc trong gia đình, xã hội, quốc gia
hay cả thế giới. Tâm bi cũng là nguồn gốc của một tinh thần minh mẫn và một
thân thể tráng kiện. Phát triển tâm bi là phương pháp mạnh mẽ nhất để chữa lành bệnh cho chính mình và các
chúng sinh hữu tình khác.
Tâm bi mẫn hết sức quan trọng, vì nó là nhân của hạnh
phúc, thành công, mãn nguyện và an vui trong cuộc sống. Thực hành tâm bi có
nghĩa là không làm tổn hại mà chỉ luôn giúp đỡ người khác, và việc giúp người
là nhân đưa đến sự thành công của chúng ta. Khi ta sống với tâm từ bi, ta mang
hạnh phúc đến cho người khác, như vậy sẽ khiến cho cuộc sống của ta có ý nghĩa.
Chúng ta sẽ hạnh phúc khi thấy mình đang làm cho người khác vui sướng. Đức
Dalai Lama thường nói rằng, nếu muốn chăm lo cho bản thân, chúng ta nên hành xử
với một thái độ khôn ngoan và chăm lo cho bản thân một cách khôn ngoan bằng việc
chăm lo cho người khác, cho chúng sinh hữu tình khác. Và dù chẳng mong cầu gì
cho mình, nhưng bằng cách mang hạnh phúc và thành công đến cho người khác, tự
nhiên ta có được kết quả là hạnh phúc và thành công sẽ đến với ta.
Tâm bi sẽ khiến cho người khác trở thành bạn bè ta.
Khi ta có tâm từ bi, ta xem mọi người đều như anh em bạn bè của mình, ta cảm thấy
gần gũi họ, mặc dù trên thực tế họ ở xa chúng ta. Nếu ta không có tâm từ bi, ta
không cảm thấy gần gũi mọi người cho dù họ đang sống trong cùng căn hộ với ta.
Nếu ta thiếu tâm bi thì sẽ thấy khó kết bạn, và khi ta cố gắng tìm một người bạn,
không chóng thì chầy họ cũng sẽ trở thành kẻ thù của ta. Ngay cả bà con họ hàng
cũng có thể trở thành kẻ thù của chúng ta.
Cuộc sống mà không có tâm bi thì thật sự khốn khổ.
Những người cả ngày chỉ biết quan tâm đến mình, trong lòng trống vắng sự yêu
thương xót xa trước khổ đau của người khác, sẽ không có được sự bình yên và hạnh
phúc đích thực. Nếu không có tâm từ bi thì dù cho giàu có bao nhiêu, có quyền lực
hay học thức bao nhiêu, có bạn bè nhiều bao nhiêu, chúng ta cũng không thể có
bình yên và hạnh phúc, chúng ta không thể hưởng thụ được cuộc sống. Thiếu tâm từ
bi, ta sẽ phải trải qua sự cô đơn, chán nản, và chịu đựng nhiều vấn đề khác nữa.
Trong một cuộc phỏng vấn, khi được hỏi về bệnh trầm
cảm, đức Dalai Lama trả lời rằng, bệnh trầm cảm về cơ bản xuất phát từ sự không
yêu thương người khác. Nhận xét này thật có ý nghĩa, vì thái độ chỉ biết quan
tâm đến riêng bản thân mình sẽ mang lại sự lo âu và sợ hãi.
Nếu chúng ta không có tâm bi, cho dù có bao nhiêu bạn
bè, cho dù giàu có bao nhiêu, chúng ta cũng không thể có sự bình yên và toại
nguyện thực sự trong cuộc sống. Cho dù chúng ta là người giàu nhất trên thế giới,
tiền bạc sẽ không mang đến cho chúng ta bất kỳ sự thỏa mãn nào nếu ta thiếu mất
các phẩm tính quí giá của con người là tâm từ và tâm bi. Chúng ta sẽ không thể
tận hưởng cuộc sống, lòng ta sẽ như một sa mạc nóng bỏng và khô cằn. Nếu chúng
ta thiếu các phẩm tính quí báu này, và với thái độ sống ích kỷ, sự giàu có sẽ
đưa tới cho chúng ta rất nhiều lo âu, sợ hãi và thất vọng. Điều này đặc biệt
đúng nếu chúng ta thành công trong việc có được tất cả những tiện nghi vật chất
sung túc mà ta mong muốn, vì khi ấy ta vẫn không bao giờ có thể tìm thấy sự thỏa
mãn, toại nguyện. Chúng ta sẽ lo sợ đối thủ cạnh tranh trở nên giàu có hơn ta.
Tài sản tiền bạc thậm chí còn tạo ra các vấn đề bất ổn trong cuộc sống, mang đến
với ta những kẻ thù và làm cuộc sống ta bị đe dọa.
Việc ôm lòng vị kỷ và không có tâm từ bi sẽ làm cho
cuộc sống của những người giàu trở nên bất hạnh, bất toại nguyện. Họ còn bất hạnh
hơn cả những người hành khất đi xin ăn từng bữa, vì mặc dù họ có mọi thứ tiện
nghi vật chất nhưng họ vẫn không thấy thỏa mãn. Điều này làm cho các vấn đề
tinh thần trở nên trầm trọng hơn và họ phải chịu đựng nhiều thất vọng, nhiều sự
bất mãn trong cuộc sống.
Ngược lại, nhiều người sống trong những điều kiện
sơ khai thiếu thốn tiện nghi vật chất, nhưng nhờ có tâm bi mẫn, có lòng thương
người nên họ sống rất hạnh phúc và toại nguyện. Lấy ví dụ về dân làng Solu
Khumbu vùng Hy Mã Lạp Sơn nơi tôi đã sinh ra. Nếu so sánh với những người
phương Tây thì dân làng tôi chẳng có gì cả; họ sống trong những căn nhà đá trơ
trọi, có một hay hai bộ quần áo để thay, vài cái nồi nhỏ và thực phẩm thì chỉ đủ
để sống qua ngày. Tuy nhiên, bất chấp các điều kiện sống giản dị và sơ khai, những
người dân này luôn rất hạnh phúc và an vui nhờ vào tấm lòng ấm áp tử tế của họ.
Thêm nữa, cho dù tri thức và học vấn nhiều đến bao
nhiêu, chúng ta cũng không thể có sự bình yên trong lòng nếu ta thiếu tâm từ
bi. Ngay cả khi dành hết cả cuộc đời để học hỏi nghiên cứu, thì vốn kiến thức
đó cũng chỉ tạo ra các vấn đề bất ổn nếu ta bị thúc đẩy bởi tâm ích kỷ chỉ biết
chăm lo cho bản thân mình. Đáng lẽ ra học vấn sẽ mang đến hạnh phúc và toại
nguyện, đằng này ngược lại, nó tạo ra nhân của kiêu căng, sân hận và làm cho những
tư tưởng bất tịnh khác nữa nổi lên. Chúng ta sẽ không tận hưởng được cuộc sống,
ta sẽ không tìm thấy ý nghĩa của cuộc sống. Nếu ta không có tâm từ bi thì có
nguy cơ là ta sẽ dùng kiến thức và học vấn để làm tổn hại người khác, thậm chí
tự hủy hoại mình và hủy hoại cả thế giới. Thí dụ, bom nguyên tử có thể bị sử dụng
với tính cách hủy hoại nếu thiếu động lực từ bi. Nhưng với tâm từ bi, chúng ta
sẽ dùng kiến thức và học vấn để mang hạnh phúc đến cho người khác, đây đích thị
là cách tốt nhất để tìm thấy hạnh phúc cho chính bản thân mình.
- Trích " Điều trị bệnh tận gốc,năng lực của
tâm bi mẫn" - Lama Zopa Rinpoche -
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét