Thứ Tư, 9 tháng 4, 2014

Cái biết cái thấy cái nghe hằng hiện hữu

Như tôi đã nói khi tất cả các niệm diệt hết là chứng diệt tận định. Nếu trong tâm an định rồi, hành giả nhìn thấy sự vật bên ngoài có dấy niệm không? Không dấy. Bên trong lặng thì đối với cảnh bên ngoài cũng lặng. Trong lặng, ngoài lặng lúc này còn cái gì ? Chỉ một cái trong lặng. Tôi thường nói như quý vị ngồi năm ba phút không một ý nghĩ nào dấy lên, lúc đó có biết không? Biết rõ ràng. Tiếng chim kêu mình nghe, bóng người đi mình thấy. Thấy biết rành rẽ cái nào ra cái ấy, biết mà không dấy động, lặng yên hằng tri giác. Cái biết đó không động cũng không có tướng nên nó không sanh diệt.


Nhưng chúng ta có bệnh vừa thấy thì phân biệt tốt xấu, vừa nghe thì phân biệt hay dở, rồi quên cái thấy nghe ban đầu của mình. Nắm bắt theo sắc tướng, âm thanh bên ngoài thành ra điên đảo. Hiện giờ ai không có cái biết hiện tiền ấy? Thấy tức là biết, biết tức là tâm. Như vậy khi ở trong lặng được vọng tưởng rồi, bên ngoài đối duyên xúc cảnh, sáu căn không bị dính kẹt với sáu trần, lúc đó ta là Phật hiện tiền chớ còn gì nữa! Nhưng nói thế thiên hạ không chịu đâu, phải có hào quang, có hoa sen hiện ở trên trời, trên mây mới được.



Cái biết rõ ràng nơi mắt, đó là cái thật của mình mà chúng ta coi thường, không chịu nhận. Nhìn cây tùng nói nó dáng con gì, vật gì thì thích lắm, chớ nói cây tùng là cây tùng thì không chịu. Phật nói chúng sanh điên đảo là vì vậy, không bao giờ chấp nhận sự thật, chấp nhận sự hiện hữu của mình và muôn vật đúng ở vị trí của mỗi thứ.



Trong hội Linh Sơn, đức Phật đưa cành hoa lên là muốn chỉ cái Ngài đã ấp ủ từ trước tới giờ, đó chính là tâm hiện tiền chân thật đầy đủ nơi mỗi người, là tánh thấy, tánh nghe hằng tri hằng giác. Mọi người đều có tánh thấy, tánh nghe, tánh biết mà không chịu nhận, cứ chạy theo những thứ giả tạm bên ngoài. Phật muốn chỉ thẳng nhưng không làm sao chỉ được, buộc lòng phải nói quanh co, đủ thứ phương tiện. Chờ đến nhân duyên chín mùi Ngài mới chỉ thẳng bằng cách đưa cành hoa lên. Ở đây đức Phật cốt làm cho hội chúng nhận ra tánh thấy hằng hữu nơi mình, nhưng tất cả đều ngẩn ngơ chứng tỏ không biết gì. Tới ngài Ca Diếp nhìn thấy liền cười vì Ngài nhận biết chỗ Phật muốn chỉ, đó là Ngài đã ngộ nên được đức Thế Tôn ấn chứng.



Qua câu chuyện trên, chúng ta thấy Phật đã cố gắng chỉ cái chân thật cho mình, chớ không muốn che giấu làm gì. Nhưng vì ta không lãnh hội thôi, cứ theo kinh mà hiểu, kẹt trong văn tự chữ nghĩa nên không thấy được cái sâu kín bên trong. Sau khi Phật nhập Niết-bàn rồi, tôn giả A-nan hỏi ngài Ca Diếp:

- Thưa sư huynh, đức Thế Tôn truyền y kim lang cho sư huynh, ngoài ra
còn có truyền cái gì khác không ?
Ngài Ca Diếp kêu:
- A-nan.
Ngài A-nan ứng thinh:
- Dạ.
Ngài Ca Diếp bảo:
- Cây phướn trước chùa ngã. 



Nhưng thật ra lúc ấy cây phướn có ngã đâu. Như vậy mới biết rằng trọng tâm là vừa kêu liền ứng thinh dạ, đó là tánh nghe hằng hữu. Cái biết từ lỗ tai không có suy nghĩ, nghe kêu thì lên tiếng, chứng tỏ cái biết ấy luôn sẵn nơi ta. Đó là ngài Ca Diếp đã trả lời cái đức Phật truyền cho mình rồi, ngay đó ngài A-nan liền nhận được.



Người xưa có cố tình giấu giếm mình gì đâu, chỉ vì không nói được. Bởi nói ra là trật, chỉ còn thuật kêu thôi. Khi ngài Ca Diếp kêu, A-nan ứng thinh “dạ”, cả hai bên đều không khởi suy nghĩ mà nghe biết rõ ràng, hiện tiền nơi sáu căn của chúng ta. Đó là điều cốt tủy đức Phật đã để lại và chư Tổ tiếp nối truyền trao cho đến ngày nay.


Chúng ta thấy từ Phật tới Tổ Ca Diếp chỉ truyền một thứ, không có khác.
Nếu khác chăng thì ở mắt hoặc tai thôi, chớ không có hai pháp. Các Ngài cố chỉ cái biết thật của mình, còn cái biết hơn thua, phải quấy là cái biết của thế gian không thật, biết qua bóng dáng vô thường. Cái biết thật là biết trực tiếp không qua hình ảnh ngôn ngữ nào hết. Đó là chỗ thiết yếu chư Phật, Tổ đã truyền lại cho chúng ta.
HT. Thích Thanh Từ


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét