Ông Cấp Cô Độc là một
đệ tử rất thân cận v với Bụt. Ông là người xứ Koshala, phía bắc con sông Gangs,
dưới chân rặng Hy Mã Lạp sơn. Ông Cấp Cô Độc là một thương gia thành công và
được kính trọng. Mọi người thương quý ông vì ông có tấm lòng rất rộng rãi. Tên
thật của ông là Sudatta, nhưng ông được gọi là ông Cấp Cô Độc, có nghĩa là
‘người chu cấp, thương tưởng tới những kẻ nghèo đói.’ Đây là một điều thể hiện
sự kính trọng ông, vì ông luôn luôn giúp tất cả những người nghèo hay thất
nghiệp và các trẻ mồ côi.
Khi ông mới ba mươi
tuổi, một hôm ông đi tới vương quốc Magadha, nơi mà Bụt cũng mới tới. Ông đi
thăm người em gái và em rể đang sống tại xứ đó. Ông khá ngạc nhiên thấy các em
không đón tiếp ông long trọng ân cần như mọi khi. Khi hỏi cô em vì sao cô
không có thì giờ với ông thì cô cho biết cả nhà đang rất bận rộn để sửa soạn
đón tiếp Bụt, một vị thầy tuyệt hảo. Nghe tên Bụt, ông Cấp Cô Độc rất tò mò.
Ông hỏi cô em: “Đó là ai vậy?” Cô liền trả lời ông với giọng rất tôn kính Bụt,
khiến cho ông nóng lòng muốn tới thăm Bụt ngay.
Sớm hôm sau, ông Cấp Cô
Độc đi tới tu viện Trúc lâm để nghe Bụt thuyết pháp. Bài giảng đã khiến ông rất
xúc động. Ông Cấp Cô Độc lạy Bụt và thỉnh Ngài tới thuyết giảng tại quê ông để
cho gia đình và bạn bè ông được nghe pháp.
Dù Bụt chỉ mới đi
thuyết pháp ba năm, Ngài đã có một ngàn hai trăm đệ tử. Trong số các tăng sĩ
cùng du hành với Bụt có Ngài Xá lợi Phất. Ngài đã nổi tiếng là một vị đại sư
trước khi trở thành đệ tử của Bụt. Khi Thầy Xá Lợi Phất làm môn sinh của Bụt,
các sư đệ và môn sinh của Ngài cũng đi theo Ngài.
Bụt nhận lời ông Cấp Cô
Độc để tới Shravasti, thủ đô của vương quốc Koshala. Ông Cấp Cô Độc về đó trước
để sửa soạn đón tiếp. Ông cần một tăng sĩ đi cùng. Bụt cử Thầy Xá Lợi Phất là
người rất giỏi trong việc xây dựng tăng thân, đi cùng với ông Cấp Cô Độc. Hai
vị, một tăng sĩ và một cư sĩ đó, chẳng bao lâu trở nên thân thiết với nhau.
Có người nghĩ rằng tu
sĩ chỉ thân được với tu sĩ và cư sĩ cũng chỉ gần được cư sĩ thôi. Nhưng không
phải vậy. Một khi cả hai cùng có ước vọng tu tập tỉnh thức và nhìn sâu, họ có
thể trở thành bạn thân, người cộng sự và bạn đồng tu được. Không có sự phân
biệt. Người tu sĩ hay cư sĩ đều có thể là người tốt và là bạn thân thiết của
nhau.
Ông Cấp Cô Độc muốn
tặng cho Bụt một miếng đất để xây tu viện tại Kosahala. Sau khi tìm kiếm nhiều
nơi, ông biết chỉ có một khu đất kia là khá đẹp. Đó là một khu công viên xinh
xắn của hoàng thân Kỳ Đà (Jeta). Ông Cấp Cô Độc rất giàu có, nên tin rằng ông
có thể thuyết phục hoàng thân bán miếng đất ấy cho ông. Ông hoàng đã trồng
nhiều thứ cây đẹp đẽ trên miếng đất nên nó đẹp như một cõi thiên đàng. Khi ông
Cấp Cô Độc tới hỏi mua thì hoàng thân từ chối. Ông trả giá cao hơn nhưng vẫn bị
từ chối. Cuối cùng ông Cấp Cô Độc hỏi: “Hoàng thân muốn bao nhiêu tiền, tôi
cũng sẵn sàng trả.” Ông hoàng trả lời: “Nếu ông có thể phủ kín đất bằng cách
trải vàng lá lên đó, thì tôi sẽ bán.” Ông Hoàng nói đùa như thế, không ngờ rằng
ông Cấp Cô Độc lại nhận lời.
Ông Cấp Cô Độc mang
vàng tới trải khắp khu vườn. Hoàng thân vẫn không muốn bán, nhưng các cố vấn
của Ngài nói rằng: “Ngài là hoàng thân quốc thích, thuộc gia đình hoàng tộc,
Ngài không thể nuốt lời hứa.”
Hoàng thân Kỳ Đà tự hỏi
không hiểu vị thầy tâm linh kia có gì xuất chúng tới độ ông Cấp Cô Độc chịu trả
giá cao như thế để mua đất cúng dường. Mọi người liền nói với Hoàng thân Kỳ Đà
về Bụt, một đạo sư trẻ tuổi nhưng hoàn toàn tỉnh thức, và các bài giảng cùng
lòng từ bi của Ngài không người nào có thể so sánh được. Thấy được sự kính tín
và ngưỡng mộ của ông Cấp Cô Độc, Hoàng thân Kỳ Đà bảo ông ngừng, không cần trải
thêm vàng ra nữa và nói: “Ông trả như vậy là quá đủ để mua đất rồi. Tôi xin
tặng Bụt tất cả cây cối tôi đã trồng, coi như tôi cúng dường Ngài.” Vì thế nên
người ta gọi đó là vườn Kỳ Đà - Cấp Cô Độc. Vườn do ông Cấp Cô Độc và cây do
Hoàng thân Kỳ Đà hiến tặng cho Bụt. Bụt rất thích khu vườn này và Ngài ở đó tới
hai mươi mùa mưa an cư. Bạn có thể tới viếng khu này và nay vẫn còn thấy những
dấu tích cổ của các tu viện cổ tại đó.
Trong suốt các năm sau
khi gặp Bụt, ông Cấp Cô Độc vẫn tiếp tục công việc giúp người nghèo và hỗ trợ
Bụt, Pháp và Tăng. Cả gia đình ông hàng tuần tới vườn Kỳ Đà nghe pháp và thực
tập tỉnh thức. Ông thường dẫn các bạn cùng ngành thương mại tới nghe Bụt giảng
dạy. Một lần ông dẫn tới hơn năm trăm thương gia để nghe Bụt dạy các cư sĩ thực
tập chánh niệm. Đa số các bạn ông thọ nhận ngũ giới. Suốt cuộc đời, ông
Cấp Cô Độc rất an lạc và hạnh phúc trong việc hỗ trợ Bụt, Pháp và Tăng. Dù có
nhiều thành công, ông Cấp Cô Độc cũng đã gặp nhiều khó khăn trong cuộc đời. Có
lần mất hết tài sản, sau nhờ các người cộng sự và bè bạn, ông lại trở nên giàu
có.
Ba mươi lăm năm sau khi
gặp Bụt lần đầu, ông Cấp Cô Độc bị đau nặng. Nghe tin ông bị ốm, Bụt tới thăm
ông và nhắc ông thực tập thở khi nằm trên giường bệnh. Rồi Bụt cử Thầy Xá Lợi
Phất chăm sóc cho người bạn thân của Thầy. Bụt bảo Thầy Xá Lợi Phất ở lại
Koshala với ông Cấp Cô Độc để giúp ông chết một cách bình an.
Khi Thầy Xá Lợi Phất
biết tin ông Cấp Cô Độc đang tiến dần tới cái chết, Ngài mời người sư đệ Ananda
cùng đi thăm ông với Ngài. Ananda là anh em bà con của Bụt và là người nhớ hết
tất cả những bài giảng của Bụt. Ngài là cái duyên chính khiến chúng ta được học
giáo pháp của Bụt ngày nay.
Sau buổi khất thực, hai
Ngài tới thăm ông Cấp Cô Độc tại nhà ông. Khi hai vị tăng tới nơi, ông Cấp Cô
Độc rất vui sướng được gặp hai người, vì ông cảm thấy rất cần gặp quý vị đó.
Ông cố hết sức để ngồi dậy đón tiếp hai Thầy cho phải phép, nhưng ông quá yếu
nên không thể ngồi lên.
Thầy Xá Lợi Phật nói:
“Ông bạn ơi, đừng cố ngồi dậy làm gì. Hãy cứ nằm yên, chúng tôi sẽ mang ghế tới
ngồi cạnh ông đây.” Rồi Thầy Xá Lợi Phất hỏi: “Ông bạn cảm thấy thế nào? Có đau
lắm không? Cái đau nó tăng hay giảm?”
Ông Cấp Cô Độc trả lời:
“Thưa Thầy, hình như cái đau trong thân tôi không giảm mà tăng lên hoài.”
Thầy Xá Lợi Phất liền
nói: “Như vậy, tôi đề nghị ông thực tập thiền quán về Tam Bảo nhé.” Thầy giúp
ông Cấp Cô Độc thiền quán về Bụt, Pháp và Tăng với sự trợ giúp của Thầy Ananda
ngồi kế bên. Thầy Xá Lợi Phất được coi là vị đệ tử xuất sắc nhất của Bụt, như
là cánh tay mặt của Bụt vậy. Ngài là sư huynh của hàng ngàn tăng ni. Ngài biết
ông Cấp Cô Độc đã có nhiều năm hạnh phúc khi hỗ trợ Bụt, Pháp và Tăng. Ngài
cũng biết rằng khi thiền quán về Tam bảo, ông Cấp Cô Độc sẽ tưới tẩm được các
hạt giống hạnh phúc trong ông, ngay lúc khó khăn này.
Ngài cùng ông Cấp Cô
Độc thiền quán nhớ tưởng tới bản chất huyền diệu của Bụt, Pháp và Tăng. Chỉ sau
sáu phút cơn đau của ông Cấp Cô Độc đã đỡ nhiều vì hạt giống an lạc trong ông
đã được tưới tẩm. Cơ thể ông được quân bình lại và ông Cấp Cô Độc mỉm cười.
Tưới tẩm những hạt
giống của hạnh phúc là việc rất quan trọng cho người bệnh hay người sắp lìa
đời. Tất cả chúng ta đều có những hạt giống hạnh phúc trong mình. Trong những
lúc khó khăn như đau ốm hay sắp chết, cần có bạn bè ngồi với ta để giúp ta tiếp
xúc được với những hạt giống tốt đó. Nếu không các hạt giống sợ hãi, hối tiếc
hay thất vọng sẽ xâm chiếm chúng ta dễ dàng.
Khi ông Cấp Cô Độc có
thể mỉm cười, Thầy Xá Lợi Phất biết đã có sự quân bằng giữa cái đau và niềm
vui. Ngài mời ông Cấp Cô Độc tiếp tục thiền quán theo Ngài hướng dẫn. “Bạn hãy
thực tập theo tôi và Ananda như sau: Thở vào tôi thấy thân này không
phải là tôi. Tôi không kẹt vào nơi thân này. Tôi là sự sống thênh thang. Tôi
chưa bao giờ từng sinh cũng chưa bao giờ từng diệt.”
Khi bạn sắp chết, có lẽ
bạn không tỉnh thức gì mấy về cái thân mình. Bạn có thể bị tê bại, và bạn bị
kẹt vào ý niệm cái thân ấy là bạn. Bạn bị kẹt vào ý tưởng là khi thân đó chết
thì bạn cũng bị diệt. Vì vậy mà bạn sợ hãi. Bạn sợ trở thành hư vô. Sự hoại
diệt của cái thân người không thể đụng tới bản chất thật sự của người đó. Bạn
cần giải thích cho người đó hiểu rằng anh ta có một đời sống không có giới hạn.
Cái thân này chỉ là một biểu hiện, như đám mây. Khi đám mây không còn là mây
nữa, nó cũng không mất đi đâu hết. Nó không trở thành hư không mà chỉ chuyển
hóa ra thành mưa mà thôi. Vậy thì ta không nên đồng hóa ta với cái thân này. “Thân
này không phải là tôi. Tôi không kẹt vào nơi thân ấy. Tôi là sự sống thênh
thang.”
Thật vậy, ta cần bắt
đầu thực tập với mắt, rồi mũi, tai, lưỡi, thân và ý. “Mắt này không
phải là tôi. Tôi không kẹt vào đôi mắt này. Tôi là sự sống thênh
thang. Tai này không phải là tôi. Tôi không kẹt vào đôi tai này. Tôi là sự sống
thênh thang. Mũi này không phải là tôi. Tôi không kẹt vào cái mũi này. Tôi là
sự sống thênh thang...”
Thực tập như vậy giúp
ta không tự đồng hóa mình với cặp mắt, đôi tai, cái lưỡi, cái mũi hay cái thân
mình. Ta khám phá ra các thức của những ngũ quan đó và thấy ta không phải chỉ
là các giác quan. Ta phong phú hơn sự biểu hiện của các giác quan đó nhiều. Sự
ngừng bặt của các biểu hiện kia không ảnh hưởng tới ta.
Chúng ta nhìn lại coi
cái gì là tự tánh của ta. Trên cơ thể và giác quan, có ngũ uẩn sắc thọ tưởng
hành và thức. Nhìn sâu vào từng uẩn, ta nói: “Những thứ đó không phải là ta.”
Nhận thức, cảm thọ, tư tưởng tới rồi đi, đó không thể là ta được. Tâm thức cũng
như vậy, chỉ là những biểu hiện. Khi các duyên đầy đủ thì chúng biểu hiện. Khi
duyên không còn đầy đủ thì chúng không biểu hiện. Dù có biểu hiện ra hay không,
những thứ đó cũng không phải là ta.
Thầy Xá Lợi Phất hướng
dẫn ông Cấp Cô Độc qua các thức của giác quan và qua năm uẩn, và ông Cấp Cô Độc
thấy chúng không phải là mình. Sau đó Thầy Xá Lợi Phất hướng dẫn ông thiền quán
về tứ đại. Thầy nói với ông Cấp Cô Độc: “Bạn ơi, chúng ta hãy tiếp tục thiền
quán. Đất không phải là tôi (đất đây nghĩa là tất cả các chất rắn như thịt,
xương, các cơ quan, bắp thịt). Lửa hay hơi nóng để giữ cho thân ấm áp và tiêu
thức ăn không phải là tôi. Tôi không kẹt vào yếu tố lửa hay hơi nóng đó. Chất
nước trong tôi không phải là tôi. Có nước cùng khắp trong thân tôi, nhưng tôi
không bị ràng buộc vào nó. Gió hay không khí trong tôi cũng không phải là tôi
vì tôi không bị kiềm tỏa bởi biên giới nào hết.” Thầy Xá Lợi Phất tiếp tục như
thế.
Cuối cùng ông Cấp Cô
Độc được hướng dẫn thiền quán về sự tương duyên sinh: “Ông bạn thân, ta hãy
nhìn sâu hơn nữa. Khi nhân duyên đầy đủ, cái thân ta tự nó biểu hiện. Nó không
từ đâu tới, và sau khi hoại diệt nó cũng không đi tới đâu hết.” Khi một sự vật
biểu hiện thật sự ta không thấy nó sinh ra. Khi nó ngừng biểu hiện ta cũng
không thể gọi là nó chết đi. Chúng ta vượt thoát được các ý niệm tới-đi,
có-không, sinh-diệt, giống nhau - khác nhau. Nó cũng giống hệt như bài
giảng mà ta đã học quán chiếu về đám mây, ngọn lửa hay hoa hướng dương.
Khi thực tập tới đó,
ông Cấp Cô Độc bắt đầu khóc. Thầy Ananda lấy làm ngạc nhiên. Thầy Ananda trẻ
hơn Thầy Xá Lợi Phất nhiều nên Thầy không thấy được sự chuyển hoá và giải thoát
của ông Cấp Cô Độc vào lúc đó. Thầy nghĩ rằng ông Cấp Cô Độc khóc vì còn tiếc
nuối chuyện gì đó hoặc ông đã thực tập không thành công.
Thầy Ananda hỏi: “Tại
sao bạn lại khóc? Bạn có hối tiếc điều gì không?”
Ông Cấp Cô Độc trả lời:
“Không, Thầy Ananda, tôi không có gì hối tiếc cả.”
Thầy Ananda lại hỏi:
“Hay là bạn thực tập không thành công?”
Ông Cấp Cô Độc trả lời:
“Không thưa Thầy Ananda, tôi thực tập rất thành công.”
Thầy Ananda: “Vậy tại
sao bạn lại khóc?”
Ông Cấp Cô Độc ràn rụa
nước mắt trả lời: “Thầy Ananda ơi, tôi khóc vì tôi sung sướng quá. Tôi đã phục
vụ Bụt, Pháp và Tăng ba chục năm qua và tôi chưa bao giờ được giảng dạy và thực
tập giáo pháp mầu nhiệm như bài Thầy Xá Lợi Phất mới dạy tôi ngày hôm nay. Tôi
sung sướng quá, tôi thảnh thơi quá!”
Thầy Ananda liền nói
với ông: “Bạn không biết rằng các tu sĩ chúng tôi được học giáo pháp này hàng
ngày sao?”
Ông Cấp Cô Độc mỉm cười
và nhỏ nhẹ nói với giọng yếu ớt: “Xin Thầy Ananda hãy trở về thưa với đức Thế
Tôn là tôi hiểu bài giảng này. Có lẽ nhiều cư sĩ quá bận rộn nên không tiếp
nhận và thực hành được giáo pháp này nhưng cũng có nhiều vị có đủ thảnh thơi và
thì giờ để học hỏi và tu tập. Xin đức Thế Tôn hãy dạy giáo pháp này cho các cư
sĩ nữa.”
Biết đây là lời yêu cầu
cuối cùng của ông Cấp Cô Độc, Thầy Ananda nói: “Dĩ nhiên tôi sẽ làm như bạn yêu
cầu, sẽ trình lên đức Thế Tôn ngay khi chúng tôi trở lại tu viện.” Sau khi hai
thầy ra về ít lâu, ông Cấp Cô Độc đã chết một cách bình an và không đau đớn.
Câu chuyện này được ghi
lại trong “Kinh Dành Cho Người Hấp Hối.” Tôi xin những ai có thể, đều nên học
hỏi và hành trì kinh này. Xin đừng để tới lúc đụng chuyện sống chết mới học và
hành kinh đó. Xin hãy tập nhìn sâu ngay bây giờ để có thể tiếp xúc được với bản
chất không sinh - không diệt, không đến - không đi, không giống nhau - không
khác nhau. Làm được như vậy bạn sẽ hết đau buồn, khổ não. Nếu bạn cố gắng thực
tập cho tinh chuyên, bạn sẽ nuôi dưỡng được sự vô úy trong bạn. Bạn sẽ có thể
chết một cách bình an và hạnh phúc.
Sống hạnh phúc, chết
bình an là chuyện có thể làm được. Ta sẽ được như thế khi ta nhìn thấy mình
tiếp tục biểu hiện trong các hình thái khác. Ta cũng có thể giúp người khác
chết bình an nếu ta có những yếu tố vững chãi và vô úy trong ta. Bao nhiêu
người trong chúng ta có cái sợ sẽ thành hư vô. Vì sợ hãi mà ta rất đau khổ. Vì
vậy mà ta cần giúp người sắp chết hiểu được cái chân lý: “ta chỉ là sự
tiếp nối trong nhiều biểu hiện.” Như vậy ta sẽ không bị chuyện sống
chết làm cho ta hoảng sợ, vì ta hiểu đó chỉ là những khái niệm mà thôi. Đó là
một cái nhìn rất quan trọng giúp cho ta hết sợ hãi.
Tôi đã lấy những lời lẽ
của bài “Kinh Dành Cho Người Hấp Hối” (Anguttara Nikaya) để làm thành một bài
hát. Đó là một điệu ru, có thể hát cho người sắp chết nghe, khi họ sắp thở hơi
cuối cùng:
“Thân này không phải là tôi
Tôi không kẹt vào nơi
thân ấy
Tôi là sự sống thênh
thang
Tôi chưa bao giờ từng
sinh và cũng chưa bao giờ từng diệt
Này kia biển rộng trời
cao
Muôn ngàn tinh tú lao
xao
Tất cả đều biểu hiện
tôi, từ nguồn linh tâm thức
Tự muôn đời tôi vẫn tự
do
Tử sinh là cửa ngõ ra
vào
Tử sinh là trò chơi cút
bắt
Hãy cười cùng tôi
Hãy nắm tay tôi
Hãy vẫy tay chào để rồi
tức thì gặp lại
Gặp lại hôm nay
Gặp lại ngày mai
Chúng ta sẽ gặp nhau
nơi suối nguồn
Chúng ta sẽ gặp lại
nhau trên muôn vàn nẻo sống.”
Hàng thứ nhất có thể
được nhắc lại với các chữ: “Mắt này không phải là tôi, tôi không kẹt vào hai
mắt đó... Mũi này... Tai này... Lưỡi này...Ý này... Các hình sắc này... Các âm
thanh này...” thay vào chữ “Thân này.”
Khi hát hay đọc bài này
cho người hấp hối nghe, ta sẽ giúp họ thoát được ý nghĩ họ có một tự tánh
thường hằng dính liền với một phần nào đó trong thân thể của họ. Tất cả các hợp
uẩn đều bị tan rã nhưng bản chất thực của ta sẽ không biến vào quên lãng. Việc
hướng dẫn thiền quán này sẽ giúp ta không bị vướng vào ý niệm ta là cái thân
này, ta là cảm xúc hoặc tư tưởng kia. Thật sự ta không phải là những thứ đó. Ta
là sự sống thênh thang. Chúng ta không bị kẹt vào sinh, không bị kẹt vào tử,
vào có hoặc vào không. Đó là chân lý của thực tại.
Vậy, xin hãy đừng quá
bận rộn trong đời sống hàng ngày. Xin hãy dành thì giờ thực tập. Hãy học cách
sống hạnh phúc, bình an và sung sướng ngay hôm nay. Hãy tập nhìn sâu để hiểu
được bản chất thật của sinh tử, như vậy bạn sẽ được chết bình an, không sợ hãi.
Đây là điều ai cũng có thể làm được.
Nếu bạn thực tập như vậy,
không còn sợ hãi, thì khi có người thân quen sắp chết, bạn có thể giúp họ được.
Bạn phải biết thực sự bạn muốn làm gì và không muốn làm gì. Bạn là người thông
minh nên sẽ biết cách dùng thì giờ một cách khéo léo. Bạn không cần mất thì giờ
để làm những chuyện vô ích và tầm thường. Bạn không cần giàu có, không cần phải
có danh vọng hay quyền hành. Điều bạn cần là tự do, vững chãi, bình an và hạnh
phúc. Bạn cần có thì giờ và năng lực để có thể chia sẻ những thứ đó với người
khác.
Hạnh phúc của chúng ta
không tùy thuộc vào chuyện ta có nhiều tiền của hay danh vọng. Sự an toàn của
chúng ta là do ta có thực tập chánh niệm hay không. Một khi chúng ta có thực
tập tỉnh thức thì Bụt, Pháp và Tăng sẽ chăm sóc ta và chúng ta sẽ có hạnh phúc.
Đôi mắt sáng, miệng cười tươi và bước chân ta vững chãi trên con đường thênh
thang của cuộc sống tự do. Hạnh phúc của ta sẽ nở hoa trên những người sống bên
cạnh. Chúng ta sẽ không dùng thì giờ vào những chuyện hời hợt. Ta dùng thì giờ
cho sự tu học để làm cho đời sống ta có phẩm chất hơn. Đó là món quà quí nhất
ta có thể tặng cho con cháu ta. Đó là những tinh túy ta có thể chia sẻ với bạn
bè. Ta cần có thì giờ để tiếp nhận, học hỏi và thực hành những giáo pháp mầu
nhiệm của Bụt, như bài dạy cho ông Cấp Cô Độc vào lúc ông hấp hối.
Nương tựa vào gia đình,
bè bạn và cộng đồng, tăng thân, ta thay đổi cuộc đời mình. Ta phải sống an vui
ngay được chứ không đợi tới mai sau. Ta phải bắt đầu ngay lúc này, tại đây,
sống an lạc vui vẻ ngay bây giờ. Không có con đường dẫn tới hạnh phúc, hạnh
phúc chính là con đường mình đi.
Bài giảng của Thầy Xá
Lợi Phất có thể tặng cho bất cứ ai. Ông Cấp Cơ Độc rất may mắn nhận được giáo
pháp đó vào lúc cuối đời. Mọi chuyện đều vô thường và ta không thể biết lúc nào
ta sẽ thở hơi cuối cùng. Ta có thể sẽ không may mắn như ông Cấp Cô Độc, có
người bạn tâm linh bên cạnh để hướng dẫn khi ta sắp chết. Vì vậy ta không nên
để quá trễ. Ta nên thực tập ngay để có thể tự hướng dẫn mình.
Câu chuyện về cái chết
thời nay
Vào đầu thập niên 1990,
trên đường tới trung tâm Omega thuộc tiểu bang Nữu Ước để hướng dẫn một khóa
tu, tôi nhận được tin một người bạn cũ đang nằm hấp hối trong bệnh viện ở ngay
phía bắc thành phố Nữu Ước. Ông ta tên là Alfred Hassler. Ông đã từng là giám
đốc tổ chức Hòa Giải. Trong những năm 1966 - 1967, ông và tôi thường đồng hành
trên nhiều quốc gia để cố gắng vận động chấm dứt chiến tranh Việt Nam.
Sau này khi tôi không
được phép trở về xứ nữa, tôi đã nói cho thế giới biết về các hành động vi phạm
nhân quyền của cả hai miền Nam Bắc Việt. Hassler đã thay tôi qua Việt Nam để
điều hợp các công việc tại đó. Ông giúp các bạn tôi dựng những khu trại giúp
nạn nhân chiến tranh. Chúng tôi cùng nhau nuôi khoảng 8 ngàn trẻ mồ côi. Khi
tôi tới Mỹ vào năm 1966, hội Thân hữu Hòa Giải tổ chức các buổi nói chuyện cho
tôi.
Khi cô Chân Không và
tôi tới bệnh viện, Alfred đã hôn mê. Vợ ông Dorothy, và con gái Laura của ông
có mặt bên ông. Laura là người làm việc tình nguyện cho phái đoàn Phật giáo Hòa
Bình, khi cô còn rất trẻ.
Khi Dorothy và Laura
nhìn thấy chúng tôi, họ rất sung sướng. Laura ráng gọi để cha cô tỉnh lại: “Ba
ơi, Thầy tới này - Cô Chân Không có đây này!” Nhưng Alfred không tỉnh lại, ông
vẫn chìm trong cơn mê. Tôi bảo cô Chân Không hát cho ông ta nghe. Người sắp
chết vẫn có khả năng nghe, dù ta không thấy được điều đó. Cô Chân Không bắt đầu
hát: “Thân này không phải là tôi. Tôi không kẹt vào nơi thân ấy. Tôi là sự sống
thênh thang. Tôi chưa bao giờ từng sinh cũng chưa bao giờ từng diệt.” Cô hát
lại lần thứ hai, lần thứ ba. Giữa bài lần sau này, Alfred tỉnh lại, mở mắt ra.
Laura rất sung sướng,
cô bé gọi: “Ba, ba biết là Thầy có đây không? Ba có biết Sư cô Chân Không cũng
có đây không?” Alfred không nói được tiếng nào. Nhìn vào mắt ông chúng tôi hiểu
là ông biết chúng tôi đang có mặt. Cô Chân Không bắt đầu nói chuyện với ông về
những kinh nghiệm hoạt động chung của chúng tôi cho hòa bình Việt Nam. “Alfred,
ông nhớ thời gian ông ở Saigon và ráng gặp Thầy Trí Quang hay không? Hoa Kỳ đã
quyết định thả bom Hà Nội ngày hôm trước và Thầy Trí Quang giận quá nên nói là
sẽ không gặp một người Tây phương nào nữa, dù họ là bồ câu hay diều hâu.”
“Khi ông tới, thầy
không mở cửa. Alfred, ông có nhớ đã ngồi ngoài cửa viết một đoạn ngắn: ‘Tôi là
bạn, không phải kẻ thù, tới để giúp cho cuộc chiến sớm chấm dứt trên xứ Thầy.
Tôi sẽ không ăn hay uống gì hết cho tới khi Thầy mở cửa cho tôi.’ Ông đã đẩy
thư qua khe cửa, Alfred, ông nhớ không? Ông đã nói sẽ ngồi đó cho tới khi cửa
mở. Ông nhớ chứ? Chỉ mười lăm phút sau, Thầy Trí Quang mở cửa, miệng cười tươi
để mời ông vô phòng... Alfred, ông có nhớ không? Khi ở La Mã, có một đêm không
ngủ của ba trăm tu sĩ Thiên chúa giáo, mỗi người mang tên một vị sư Việt Nam đã
bị tù vì không chịu gia nhập quân đội.”
Sư cô Chân Không tiếp
tục nói với Alfred về những niềm vui mà chúng tôi đã cùng trải qua khi vận động
hòa bình cho Việt Nam. Chuyện này có hiệu quả thật mầu nhiệm. Cô ráng làm như
Thầy Xá Lợi Phất làm cho ông Cấp Cô Độc. Cô cố gắng tưới tẩm những hạt giống
hạnh phúc cho Afred. Niềm vui của ông là lý tưởng phụng sự hòa bình và chấm dứt
khổ đau cho người khác. Khi những hạt giống hạnh phúc được tưới tẩm, trong ông
có sự thăng bằng về khổ và vui, nên ông tỏ ra bớt đau đớn.
Trong khi đó tôi thoa
bóp chân Aflfred. Tôi nghĩ là một người hấp hối có thể không có ý thức gì mấy
về cơ thể của họ vì nó đã bị tê. Laura hỏi: “Ba, ba có biết là Thầy đang thoa
bóp chân cho ba không?” Ông ta không nói được nhưng nhìn vào mắt ông, chúng tôi
biết ông có nhận ra là chúng tôi đang hiện diện. Bỗng nhiên ông mở miệng kêu
lên: “Mầu nhiệm quá, mầu nhiệm quá!” Sau đó ông hôn mê lại và không bao giờ
tỉnh nữa.
Đêm hôm đó tôi phải nói
Pháp thoại hướng dẫn cho các thiền sinh tại Omega. Chúng tôi từ biệt họ và bảo
Dorothy cùng Laura hãy làm theo tôi và cô Chân Không, hãy nói chuyện và hát cho
Alfred. Sớm hôm sau tôi được tin Alfred đã chết rất bình an vài giờ sau khi
chúng tôi rời ông.
Những người bị hôn mê
vẫn có cách để nghe chúng ta nếu ta thật sự có mặt một cách bình an bên cạnh
họ. Mười năm trước đây có một sinh viên sống tại Bordeaux, bên Pháp, nghe tin
mẹ anh đang hấp hối tại California, anh khóc thật nhiều. Anh không biết khi bay
về tới California thì mẹ còn sống hay không. Sư cô Chân Không bảo anh bay ngay
về và nếu thấy mẹ còn sống thì hãy làm giống như thầy Thầy Xá Lợi Phất đã làm
cho ông Cấp Cô Độc. Cô bảo anh ta hãy nói về những kỷ niệm đẹp đẽ giữa hai mẹ
con. Anh cũng nên nhắc tới thời mẹ mới lấy bố và những năm mẹ còn trẻ. Nói với
mẹ như thế, anh sẽ gợi lại cho mẹ những điều làm mẹ vui, dù cho mẹ không còn
tỉnh.
Khi anh đó tới nhà
thương thì mẹ anh đã hôn mê. Dù không hoàn toàn tin rằng người mê man có thể
nghe được nhưng anh ta đã làm những gì mà sư cô đã căn dặn. Bác sĩ cho anh biết
bà mẹ đã mê cả tuần trước và không hy vọng gì bà sẽ tỉnh lại trước khi chết.
Nhưng sau khi nói chuyện với mẹ khoảng một giờ rưỡi đồng hồ, bà tỉnh lại. Khi
ngồi bên giường người hấp hối, nếu bạn bình tĩnh và thân tâm bạn hoàn toàn hiện
diện tại đó, bạn có thể giúp được người đó chết một cách an nhiên.
Vài năm trước đây, Sư
cô Chân Không tới thăm chị cô bị đau rất nặng sau khi thay gan. Sau hai năm cơ
thể bà ta từ chối không nhận lá gan mới ghép đó nữa. Bà ấy rất đau đớn. Khi vô
tới nhà thương, cô Chân Không thấy cả nhà ai cũng như đầu hàng, thấy không còn
giúp gì cho bà ấy được. Dù hôn mê, người bệnh vẫn quằn quại, kêu rên và la hét vì
quá đau đớn. Tất cả các con bà, kể cả người con bác sĩ đều cảm thấy bất lực.
Sư cô Chân Không đã
mang tới nhà thương cái băng niệm Bồ tát Quan Thế Âm của tăng ni Làng Mai. Dù
chị cô đã hôn mê, cô vẫn để cho máy chạy, mắc ống nghe vào tai bà và mở cho âm
thanh lớn gần tới tối đa. Năm sáu phút sau, điều kỳ diệu đã xảy ra: chị của sư
cô nằm gần như yên lặng, không còn quằn quại kêu la gì nữa hết. Bà ta được bình
an như vậy cho tới lúc lìa đời, khoảng năm ngày sau đó.
Trong năm ngày chót đó,
chị của Sư cô đã liên tục nghe tiếng niệm Bồ tát. Bà ta đã tới chùa nhiều lần
và thường nghe niệm như vậy. Nghe lại khi hấp hối, là tưới tẩm được các hạt
giống quý báu và an lạc khi bà còn sống. Bà ta có đức tin và đã thấy được bình
diện tâm linh trong cuộc đời, bà đã nghe tụng niệm và nghe Pháp thoại nhiều
lần. Cái băng và giọng tụng niệm của tăng ni đã khơi dậy những hạt giống hạnh
phúc, những hạt giống mà bác sĩ không biết làm sao tiếp xúc cho được. Ai cũng
có thể làm như Sư cô Chân Không, nhưng không có ai nghĩ ra.
Tâm thức của chúng ta
giống như cái máy truyền hình có nhiều đài. Khi ta bấm một cái nút, đài ta chọn
sẽ hiện ra. Khi ta ngồi bên người hấp hối, ta phải biết nên chọn đài nào. Người
thân với bệnh nhân là người tốt nhất để làm việc này. Nếu bạn ở cạnh người hấp
hối, bạn nên dùng các hình ảnh và âm thanh có thể tưới tẩm những giờ phút hạnh
phúc nhất của người đó. Trong tâm thức của ai cũng có những hạt giống của Tịnh
độ hay Niết bàn, của vương quốc Thượng đế hay Thiên đàng.
Nếu chúng ta biết thực
tập và thấm nhuần thực tại vô sinh bất diệt, nếu ta hiểu được rằng đến-đi,
tới-lui chỉ là những ý niệm, và nếu ta hiện diện một cách vững chãi, bình an,
thì ta có thể độ được người sắp chết. Ta có thể giúp họ bớt hẳn sợ hãi và đau
khổ. Ta có thể giúp họ chết một cách bình an. Ta có thể giúp chính ta hiểu rằng
không có sự chết, nghĩa là không có sợ hãi. Chỉ có sự tiếp tục mà thôi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét