*****************************************************
Vấn đề tôi nói hôm
nay là một chữ XẢ. Quí vị biết ngược với xả là gì không? Là cố chấp, nắm chặt.
Cố là chặt, chấp là nắm; cố chấp là nắm chặt. Khác với nắm chặt là buông bỏ.
Mới nghe đơn giản quá nhưng xét kỹ, quí Phật tử sẽ
thấy tất cả chúng ta sống trên thế gian này, ai cũng than buồn than khổ, gốc tại
cố chấp thôi, chớ không có gì khác. Bây giờ muốn hết buồn, hết khổ thì chúng ta
phải làm sao? Phải xả, phải buông bỏ. Buông bỏ thì hết khổ.. Như vậy quá giản
đơn, quá tầm thường. Chỉ cần quí Phật tử thực hiện được điều chúng tôi nhắc thì
sẽ bớt khổ ngay trong cuộc sống hiện tại này.
Lâu nay chúng ta cố chấp những gì mà bây giờ phải
buông xả?
Người thế gian luôn luôn nghĩ ai làm trái ý mình
thì mình buồn, mình giận. Buồn giận nên bỏ liền hay nên giữ mãi? Có người thường
hay nói: “Con giận người đó hai, ba chục năm không quên.” Giận hai, ba chục năm
không quên thì nghe như khẳng khái lắm nhưng thật ra là dại, là khổ, chớ có hay
gì đâu.
Quí Phật tử nghĩ trên thế gian này chung quanh mình
nào xóm giềng, thân tộc v.v… có bao giờ hoàn toàn không đụng chạm nhau đâu? Người
ta nói vợ chồng như chén trong sống. Chén úp trong sống thế nào cũng có khua,
huống là xóm giềng, thân tộc làm sao vừa ý mình hết, mà trái ý thì mình giận.
Giận rồi chứa trong tâm. Chứa là cố chấp. Giận một người chứa trong lòng, giận
hai người cũng chứa trong lòng. Nếu giận một trăm người thì sao? Chứa cả một
trăm cái giận trong lòng, làm sao chịu nổi.
Quí vị xét khi mình đang vui vẻ mà bỗng nhớ tới người
mình giận thì lúc đó gương mặt quạu xuống liền. Sở dĩ chúng ta ngủ không ngon
là cũng tại giận đó. Khi nào nằm nhớ lại hôm qua, hôm kia ai làm trái ý mình liền
nổi giận lên, thì hết ngủ. Đó là chứa chấp oán hờn. Chứa chấp là khổ. Ta đang
vui vẻ tươi mát mà chứa một cái giận, cũng như đem cục than bỏ trong tay hay
trong da, trong thịt mình vậy. Nếu cục than bỏ trong tay, trong da, trong thịt
thì sao? Nóng, khó chịu. Vậy mà lòng mình chứa một trăm cục than thì người này
khổ nhiều ít? Khổ thứ nhất là khô héo vì ngủ không ngon, ăn không ngon. Giận
quá làm sao ăn ngon, ngủ ngon được. Khổ thứ hai là giận làm cho mình dễ xấu.
Quí vị thấy mỗi lần nổi giận lên gương mặt mình thế nào? Nổi giận lên thì con mắt
đỏ ngầu, mặt đổi màu đổi sắc, không còn tốt đẹp nữa. Cả trăm cái giận ở trong
lòng thì nó đốt riết mình khô héo, xấu xa. Như vậy ôm ấp cái giận mấy chục năm
là khôn ngoan hay thiếu khôn ngoan?
Bởi vậy nên người biết tu ai nói gì trái ý, mình giận
chút rồi bỏ đi, xả đi. Giận làm chi, ngu! Ôm cái giận là ngu chớ không phải
khôn, tội gì ôm cho khổ. Trong nhà Phật có câu: “Tăng hận bất cách túc” nghĩa
là Tăng (người tu) giận không quá một đêm. Chúng ta là Phàm tăng nên tham sân
si cũng còn, vì vậy gặp việc trái ý cũng giận. Nhưng giận chút thôi rồi bỏ, chớ
không nên chấp chứa.
Người thế gian thường thích chứa, chứa năm này qua
năm nọ. Họ tưởng như vậy là hay, là khôn mà không ngờ đó là tự chuốc họa vào
mình, tự đeo khổ cho mình chớ không có lợi gì hết. Vì vậy nên Phật dạy phải xả
hết những giận hờn. Chứa chấp vừa bị khổ trong hiện tại, mà còn khổ cả vị lai nữa.
Trong kinh Phật dạy, người khi sắp bỏ thân này qua
đời khác thì nghiệp thương và nghiệp ghét sẽ đi theo. Bởi vì thương ai thì ta
nhớ người đó, ghét ai cũng nhớ kẻ đó. Như chúng ta ngồi ôn lại trong lòng, thì
nhớ những người mình thương và những người mình ghét nhiều nhất phải không?
Ghét không mất, thương cũng không mất. Vì vậy càng chứa sâu thì khi nhắm mắt
các nghiệp đó dẫn mình đi đến chỗ thương hoặc chỗ ghét.
Do đó khi chúng ta thọ thân sau, nếu ôm ấp nghiệp
ghét nhiều quá thì đến những gia đình gặp toàn chuyện buồn phiền, hờn giận,
không vui. Có bao giờ chúng ta muốn gặp những người mình ghét không? Không muốn.
Ai cũng muốn gặp người mình thương. Nhưng trong lòng thù oán nhiều quá thì nó sẽ
dẫn mình gặp lại những người thù oán. Nên hiện tại khổ mà vị lai cũng khổ luôn.
Điều này rất thiết yếu.
Chúng ta phải khéo đừng nuôi dưỡng oán thù trong
lòng, nên buông bỏ hết. Cái gì qua rồi không chứa chấp nữa. Hơn thua, phải quấy,
chuyện đó không có gì quan trọng. Quan trọng ở chỗ làm sao cuộc sống mình bình
an, thanh thản, tươi vui. Đó mới là điều đáng lưu tâm. Chúng ta sống muốn hạnh
phúc, muốn được an lạc thì nên giữ hay nên xả? Nên xả.. Vì vậy tôi nói tu muốn
cho hết khổ thì phải xả, đừng chứa chấp. Đó là điều thứ hai.
Điều thứ ba, chúng ta đừng cố chấp ý kiến mình là
đúng, ý kiến người khác là sai. Bởi vì ở thế gian này không có gì là đúng cố định
mà cũng không có gì là sai cố định. Chúng ta mở miệng nói với ai cũng “Tôi nghĩ
thế này là đúng”. Nếu nói tôi nghĩ như vậy là đúng, người thứ hai nói tôi nghĩ
thế khác mới đúng, thì hai cái đúng nó đụng nhau. Mình đúng theo cái nghĩ của
mình, người khác đúng theo cái nghĩ của họ. Ai cũng đúng hết thì cãi lộn hay huề?
Thế gian không ai chịu thua ai, mình đúng thì người khác sai, mà người khác
đúng thì mình sai. Cho nên khi người ta nghĩ khác với mình, mà họ cho rằng họ
đúng thì mình bực lên liền, và người kia cũng nổi tức vậy. Hai cái nổi tức sẽ
đi đến khẩu chiến. Khẩu chiến không xong thì tới thân chiến.
Như vậy chỉ một chữ Xả mà chúng ta được an ổn vui
tươi. Cần gì phải nhiều. Một chữ mà biết tu là cả cuộc đời sống thoải mái, an
vui. Ngược lại quí vị sẽ thấy mặt mày nhăn nhó hoài, bất mãn cái này, bất mãn
cái nọ, bất mãn con cái, bất mãn vợ chồng, bất mãn xã hội… Mấy chục năm cứ nhăn
nhó hoài, uổng một cuộc đời. Cho nên mình phải vui tươi xả bỏ, có mấy mươi năm
ngắn ngủi, sống làm sao cho thảnh thơi, tạo phước lành để khi nhắm mắt được đến
cõi lành, ở đó mà buồn giận làm chi cho khổ.
Vậy mong quí Phật tử nghe hiểu, ứng dụng tu để tất
cả chúng ta sống trên thế gian này lúc nào cũng tươi cười, không còn buồn bực.
Đến lúc nhắm mắt ra đi chúng ta cũng vui luôn. Đó là kết quả tốt đẹp của người
Phật tử khéo tu.
HT. Thích Thanh Từ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét