Hôm nay quí Phật tử đến chùa, xin tôi nói pháp
hướng dẫn nhắc nhở cho quí vị tu hành. Riêng phật tử ở Biên hòa, mấy năm nay
được nghe kinh nhiều, hơn nữa quí vị hiện có mặt ở đây đa số là người lớn tuổi.
Nên tôi không nói đạo lý cao siêu, mà chỉ nhắc cho quí phật tử biết rõ ý nghĩa
tu hành.Vì quí vị đã nghe kinh hiểu đạo, giờ cần thiết là phải tu.
Thế thường nói đến tu hành người đời thường hiểu lầm rằng : Tu là phải bị hành
phạt, tự hành phạt cách này cách nọ. Hiểu như thế là không đúng. “Hành” đây có
nghĩa là thực hành điều mình đã học qua kinh luận Phật Tổ dạy, chớ không phải
học hiểu suông. Nhiều phật tử đến chuà nghe chúng tôi giảng dạy đã hiểu mà về
nhà không thực hành. Học đạo như thế là chưa tròn ý nghiã.
Ví dụ có người bệnh đến nhờ bác sĩ khám bệnh, bác
sĩ khám xong đưa toa và dặn rằng : “Ông uống theo toa thuốc này thì bệnh sẽ
hết”. Người bệnh nhận được toa thuốc hay mừng qúa, cầm đọc thuộc lòng, mà không
chịu mua thuốc uống. Như vậy bệng có hết không? Chắc chắn là không hết dù thầy
giỏi thuốc hay. Thế nên, khi được toa thuốc rồi phải mua thuốc uống mới hết
bệnh.
Hiện tại quí phật tử nghe kinh học đạo biết
tham, sân, si là xấu, là bệnh. Vậy quí vị bỏ được chưa? - Chưa. Đây là điều mà
tôi muốn nhấn mạnh hôm nay. Chúng ta học kinh luận, ai cũng biết sân là món độc
làm tiêu mòn hết công đức tu hành. Một lần nổi sân thì bao nhiêu công đức tu
hành gây tạo hồi nào đến giờ ngang đây liền tiêu tán. Chẳng hạn từ trước đến
giờ quí vị đối xử với mọi người rất tốt, giúp ích đỡ đần họ mọi việc, nên họ
biết ơn và thương mến quí vị. Nhưng một hôm nào đó họ làm điều bất chánh, khiến
cho quí vị bực mình nổi sân la chưởi họ làm cho họ ghét quí vị, thì công ơn mà
quí vị giúp họ mấy năm qua không còn nữa. Chỉ một phút giây nổi sân là công đức
tiêu tan hết. Sân giận tác hại như thế! Quí vị học ba năm qua, buông bỏ sân
giận được bao nhiêu rồi? - Dạ chút chút. Học ba năm mà bỏ được chút chút, như
vậy là tiến chậm quá! Học Phật mà chưa bỏ được tham, sân, si là chưa có thực
hành, chưa có tu, thì sẽ bị người đời chê cười: Chị đó đi chuà học đạo đã lâu,
thế mà đụng tới chị nổi sân ầm ầm, học đạo như vậy đâu có lợi ích! Chính vì vậy
mà hôm nay tôi phải nhắc nhở quí vị. Những điều quí vị đã học thì phải nổ lực
tu hành và phải nhớ đi chùa về nhà ai nói gì cũng nhịn, cũng vui vẻ.
Năm vừa qua có một phật tử từ Bến Tre đến Thiền viện, lúc mười giờ trưa, gần
tới giờ thọ trai. Ông xin tôi cho hỏi hai câu, được giải đáp xong là ông về Bến
Tre liền.
Ông hỏi :
- Thưa Thầy, con học đạo hiểu đạo, ăn chay trường, tụng kinh niệm Phật. Nhưng không
biết tại sao nóng giận con bỏ chưa được, tham lam con bỏ cũng không được, thấy
cái gì đẹp con cũng ham. Xin Thầy chỉ dạy con phương pháp bỏ được tham, sân, si?
Quí Phật tử hiện có mặt ở đây có giống phật tử Bến Tre này không? Đa số phật tử
đều vấp phải lỗi này. Vậy làm sao bỏ được nóng giận, làm sao bỏ được tham lam?
Tụng kinh niệm Phật cũng chưa hết tham sân. Còn tụng kinh, còn niệm Phật thì
tham sân tạm lóng lặng một chút. Ngưng tụng kinh, thôi niệm Phật gặp duyên thì
tham sân vẫn bộc phát. Như vậy làm sao cho hết tham sân? Tôi hỏi đạo hữu ấy
rằng:
-Theo đạo hữu thì mỗi khi người ta làm trái ý đạo hữu, đạo hữu nổi giận; lúc ấy
đạo hữu phải làm sao ?
- Thưa, phải nhịn.
- À nhịn lần thứ nhất. Nhưng lần thứ hai họ làm nữa, đạo hữu ráng nhịn lần thứ
hai. Lần thứ ba họ làm nữa thì đạo hữu làm gì? Chắc nói : “Tôi nhịn lần thứ ba
rồi nhe, lần nữa là tôi không nhịn đó!” Phải vậy không ? Bởi nhịn đây là do đè.
Vì đè nên quá sức chịu đựng thì bung. Vậy, muốn không giận mà cũng không cần
nhịn phải làm sao? - Cần thấy rõ nguồn gốc sanh ra nó. Sở dĩ chúng ta có tham
lam, có sân giận là do chấp ngã, thấy mình quá cao, quá lớn, muốn như thế này,
muốn như thế nọ; muốn mà không được thì tức giận.
Ví dụ quí vị ở nhà với quyền làm cha làm mẹ,
mỗi khi con cái làm điều gì trái ý liền nổi giận la rầy. Còn đến cơ quan chính
quyền, họ làm ngược ý, quí vị có dám giận không? - Không. Tại sao con cái làm
trái ý quí vị giận còn chính quyền làm ngược ý quí vị không dám giận? - Tại sợ.
vì đến cơ quan chính quyền, quí vị tự thấy mình thấp hơn họ, nên sợ không dám
giận. Còn con cái trong nhà, quí vị thấy nó nhỏ, cái ngã quí vị cao lớn hơn nó
nên dễ nóng giận. Rõ ràng bệnh sân giận gốc từ chấp ngã mà ra, chấp ngã là do
si mê. Như vậy, muốn hết sân giận phải phá trừ chấp ngã, làm cho cái ngã mòn
đi, thấp xuống. Đó là then chốt của sự tu hành.
Sở dĩ chúng ta chấp ngã là do chúng ta thấy
thân tâm mình là thật, nên quí nó, thấy nó cao trọng hơn mọi người, lo vun bồi
tô đắp cho nó to lớn thêm. Giờ đây quán chiếu thấy nó vô thường, duyên hợp tạm
có không thật, thấy như thế niệm chấp ngã liền tan.
Đa số người học Phật, thấy Phật Tổ dạy trong kinh luận: Thân này là vô thường
giả tạm, chúng ta cũng nói theo thân này là vô thường giả tạm. Chớ tự mình chưa
có kinh nghiệm bằng trí tuệ thấy rõ thân này vô thường giả tạm; nên miệng nói
thân vô thường giả tạm, mà ý niệm cứ nghĩ mình thật, mình sống lâu, nên tham
lam sân giận mãi không hết. Giờ đây phải dùng trí quán sát thân này thật là
giả, thì tham sân ngang đó liền hết.
Bây giờ quí vị hãy nghe tôi hỏi :
- Hiện tại chúng ta ngồi đây, lỗ mũi đang làm gì ?
- Dạ đang thở.
- Thở là sao và để chi ?
- Thở là hít không khí của trời đất để sống.
- Không khí ở ngoài của trời đất, chúng ta hít vô là mượn, mượn vô rồi trả ra,
trả ra rồi mượn vô, mượn vô rồi trả ra... mượn trả đều đặn gọi là sống. Nếu trả
ra mà không mượn vào thì sao ?
-Dạ chết.
Như vậy, kiếp sống của con người là một việc vay mượn, còn trả ra còn mượn vào
là còn sống, hết mượn hết trả là chết. Vậy làm việc vay mượn có thể gọi là mình
sống thật không? Ví dụ gia chủ cất được một cái nhà, mà chưa sắm được đồ đạc,
nên mượn tủ bàn ghế... của hàng xóm để trang trí trong nhà. Những món đồ mượn
của hàng xóm đó nói là của mình thật được không? Đồ mượn là phải trả, nó đâu
thật của mình! Cũng vậy, thân này mượn không khí vô rồi trả ra, trả ra rồi mượn
vô, còn mượn là còn sống, trả ra không mượn vào thì chết làm sao nói thân này
là thật được? Thân này chẳng những mượn không khí, mà còn phải mượn nước; mượn
nước rồi cũng trả, trả rồi mượn nữa... Một ngày, một tuần không mượn nước có
sống không? - Dạ chết ! Chẳng những mượn không khí, mượn nước, mà còn phải mượn
cơm nữa. Một lát mượn một chén cơm, hai chén cơm, ba chén cơm... mượn rồi cũng
phải trả. Phật nói thân này do tứ đại đất, nước, gió, lửa hợp lại mà thành. Hợp
rồi nó không tự sống, không tồn tại được, mà phải mượn đất nước, gió, lửa bên
ngoài bồi bổ luôn luôn; thở là mượn gió, uống là mượn nước, ăn là mượn đất,
trong thức ăn có những chất nóng là lửa. Đất, nước, gió, lửa có sẳn trong thân
mà không tự tồn tại được, phải tiếp tục mượn đất, nước, gió, lửa bên ngoài luôn
luôn. Còn vay mượn là còn sống, trả mà không mượn là chết; kể cả bốn thứ, thứ
nào trả mà không mượn là chết ngay. Như vậy kiếp sống con người là một cuộc vay
mượn, đã là vay mượn thì không thể nhận là thật được. Cuộc sống đã không thật
thì cái gì thật là NGÃ mà chấp “ta là quan trọng, ta là trên hết”? Khi thấy
thân này vay mượn tạm bợ không bền không lâu, có gì quan trọng để tham lam sân
giận? Giả sử có người nói những lời mắng mỏ, nặng nề, nếu mình thấy thân mình
tạm bợ không thật, thì bỏ qua không chấp, không cần đè nén gì hết. Chẳng hạn
người đau nặng hấp hối sắp chết, nếu ai chưởi mắng họ, họ có chưởi lại không ?
- Không, vì lúc đó họ lo thở, đang chờ chết đâu để ý chưởi lại. Do con người
lúc nào cũng thấy thân tâm mình thật sống lâu, nên chống đối chưởi lại. Như
vậy, khi nào thấy thân tâm mình thật sống lâu thì lúc đó có hơn thua... Còn lúc
nào thấy thân tâm tạm bợ giả dối thì lúc đó không còn hơn thua, hết tham lam
sân giận.
Từ đây quí Phật tử nhớ rõ thân này là tạm bợ giả dối, nó là sự vay mượn không
bền lâu; hơn thua để làm gì? Nếu không hơn thua là mình đã nhịn rồi phải không?
Nhịn như thế có ngu không? - Không. Chúng ta nhịn mà không đè nén gì hết, thấy
thân tạm bợ giả dối nên không hơn thua tranh chấp. Ngày nay mình còn ở đây,
ngày mai chắc gì còn, nếu cứ tranh giành hơn thua không chịu lo tu, chết đến sẽ
khổ đau. Người bỏ qua những chuyện hơn thua để tu; tu để ngày mai được an vui
thanh nhàn, đó là người trí. Còn những người cứ câu mâu hơn thua làm khổ với
nhau, chẳng những khổ trong hiện tại mà khổ cả ngày mai; người như thế không
khôn.
Như vậy, chính vì người trí thấy thân này tạm
bợ vô thường, cuộc sống quá ngắn ngủi, lo tu hành, bỏ qua mọi chuyện tranh chấp
hơn thua. Do không hơn thua nên người đời nói là nhẫn; sự thật không có nhẫn.
Với mắt trí tuệ thấy người vật không bền không thật nên không chấp; không chấp
nên được an vui, do không chấp mà tâm được an vui nên đối với người không chấp
dù có mắng chưởi họ, họ vẫn cười không giận. Không như người đời nghe thấy ai
nói làm hơn mình, cố gắng đè nén, đè nén quá sức chịu đựng thì nổ bung, la lối
mắng chưởi lại. Như thế là chưa điều phục được sân giận. Muốn điều phục sân
giận có kết qủa tốt, thì phải dùng trí thấy rõ thân này, cuộc sống này vô
thường tạm bợ không có thật ngã. Khi đã thấy thân này, cuộc sống này tạm bợ
không thật, thì không khởi niệm tranh chấp hơn thua. Đã không có niệm tranh
chấp hơn thua thì đâu có sân giận. Hơn nữa, khi thấy thân này tạm bợ, sống nhờ
sự vay mượn, thì có tham muốn nhiều không? - Không. Con người sở dĩ tham ăn
ngon, tham mặc đẹp, tham ở cao sang... là để cho thân này được sung sướng.
Nhưng thân này tạm bợ giả dối, sống sung sướng để chi? Thôi thì sống sao cũng
được, nên không khởi lòng tham. Do không tham muốn nên sự mất còn, hơn thua
không bận lòng, không lo buồn. Sự mất còn hơn thua không bận lòng thì đâu có
sân giận.
Như vậy khi thấy thân này tạm bợ giả dối không
thật là phá được si mê, si mê hết thì không còn tham, tham hết thì nóng giận
đâu còn, khổ đau hết sạch. Nếu quí Phật tử tụng kinh hay niệm Phật giỏi, vẫn
còn chấp thân này là thật, là quí thì tham sân không bao giờ hết. Vì vậy mà
Phật dạy chúng ta quán thân vô thường hay quán pháp vô ngã. Do thấy kiếp sống
của con người là sự vay mượn không bền không thật, nên lúc tôi ở Chân Không có
làm một bài kệ nói về mạng sống con người như sau :
Mạng sống trong hơi thở,
Trong nhịp đập quả tim.
Thế nào là mạng sống?
Sự vay mượn liên tục.
Kiếp sống cuả con người là gì ? Là sự vay mượn đất, nước, gió, lửa thường
xuyên. Còn vay mượn là còn sống, ngừng vay mượn là ngưng thở, tim không đập là
chết. Kiếp sống của con người tạm bợ không thật, vậy mà người đời cứ tưởng là
thật rồi tranh giành hơn thua, gây đau khổ cho nhau không dừng không dứt.
Hôm nay tôi không giảng nhiều mà chỉ nhắc nhở cho quí Phật tử nghe hiểu được
lời Phật dạy rồi cố gắng ứng dụng tu hành, để cho bản thân mình bớt si, bớt
tham, bớt sân, như thế mới là người Phật tử có tu, có tiến bộ. Nếu đi chùa lâu
học giáo lý nhiều, mà tham, sân, si vẫn còn nguyên thì tự thân mình không được
lợi ích, lại còn bị người đời cười chê. Vì vậy, tôi mong quí vị nghe qua cố
gắng tu hành cho tham, sân, si tiêu mòn để được an vui.
Hòa Thượng Thích Thanh Từ thuyết giảng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét