*************************************
“Công đức” cùng phước đức có khác biệt, chúng ta cần phải nhận biết cho rõ
ràng. Công là công phu, phải có công phu tu học chân thật. Công phu thu hoạch
được gọi là công đức. Ví dụ trì giới có công, thiền định là đức do giới. Bạn
trì giới, do trì giới mà được định, cái giới đó gọi là công đức. Nếu bạn trì
giới tốt nhưng không được định thì trì giới cũng có lợi ích, đó là phước đức,
không phải công đức. Bạn trì giới tinh nghiêm thì bạn được phước báu của nhân
thiên, đời sau hưởng phước, nhưng đó không phải công đức. Công đức có thể đoạn
phiền não, có thể chứng được bồ đề, còn phước đức thì không. Phước đức không
thể đoạn phiền não cũng không thể chứng bồ đề, chỉ có thể mang đến cho bạn
phước báu. Do đó chúng ta nhất định phải phân biệt rõ ràng công đức và phước
đức.
Tu định có công, trí tuệ liền khai. Khai huệ là
đức. Tu định mà không thể khai huệ, cái định đó là phước đức, không phải công
đức. Phước đức ở trong trời Tứ Thiền, không thể đoạn kiến tư phiền não, không
thể siêu việt ba cõi sáu đường. Cho nên công đức cùng phước đức khác biệt nhau
rất lớn.
Làm sao tu công đức? Công đức không hề rời khỏi
phước đức. Tu phước không dính mắc chính là công đức. Tu phước mà dính mắc là
phước đức. Ta tu tài bố thí, hy vọng tương lai được đại phú, vậy thì liền biến
thành phước đức. Nhưng nếu ta tu tài bố thí “tam luân thể không”, không có bất
cứ mong cầu nào thì liền biến thành công đức. Khi không có bất cứ mong cầu nào,
thì ở ngay trong cuộc sống thường ngày của bạn cũng không thiếu bất cứ thứ gì,
vì trong công đức có phước đức, nhưng trong phước đức không có công đức.
Chúng ta không luận tu phước như thế nào, thông
thường nói ba loại bố thí: tài bố thí, pháp bố thí, vô uý bố thí, phải bố thí
sạch trơn. Then chốt là tâm địa phải thanh tịnh, không dính vào tướng bố thí,
không nên thường hay nghĩ đến ta có ân đức đối với người, có rất nhiều việc tốt
đối với họ, không nên có ý niệm này, vì khởi ý niệm này thì liền biến thành
phước báu, không thể được định.
Định là gì? Định là tâm thanh tịnh. Bố thí
tuyệt đối không nhận báo thì tâm mới được thanh tịnh. Trong tâm thanh tịnh
phước báu bao lớn? Tận hư không biến pháp giới là chỗ chúng ta hưởng phước. Bạn
bố thí chỗ này, thì không chỉ ở ngay đây hưởng phước, mà bạn đến bất cứ nơi
nào, mười phương vô lượng vô biên cõi nước, bạn đều được hưởng phước, vì tâm
lượng của bạn rộng lớn không có chướng ngại, cho nên phước của bạn to lớn. Cái
phước đó cũng hư không khắp pháp giới. Đạo lý quan trọng này ở trên kinh đại
thừa.
Nếu chúng ta tu phước mà thường dính vào thì,
chẳng hạn, tôi ở khu vực này, đã kết duyên với người khu vực này. Tôi tu được
bao nhiêu phước, tương lai phải đầu thai đến đây thì mới hưởng được phước. Còn
đầu thai đi nơi khác, người ở nơi khác không có quan hệ gì với tôi, chưa kết
được cái duyên này thì tôi sẽ không có phước. Cũng tu như nhau nhưng được phước
không như nhau. Vậy vì sao chúng ta dại khờ không chịu mở rộng tâm lượng? Trồng
được chút phước nào đều biến hư không pháp giới, mọi nơi mọi chỗ đều hưởng
phước. Chúng ta ở trong kinh điển đại thừa, chỗ này nhất định không thể xem thường.
Phật dạy, “An trụ nhất thiết công đức pháp
trung”, cái gì gọi là an trụ? “An” là an ổn, “trụ” là ở nơi đó bất động. Phàm
phu chúng ta thật rất đáng thương vì không có chỗ trụ. Người ta hỏi bạn trụ ở
đâu. Nếu thông minh trí tuệ, bạn có thể nói: “Tôi ở nơi đó”. Hiện tại ta ở Cư
Sĩ Lâm, làm gì có chỗ trụ. Không có chỗ, thân tìm một chỗ trụ. Phòng ốc, nhà
cửa là chỗ trụ của cái thân. Có nhà, có phòng, thân liền được an ổn, nhưng tâm
không an. Then chốt nhất là tâm phải trụ ở nơi nào đó. Đó là vấn đề lớn.
Kinh Kim Cang, tôn giả Tu Bồ Đề thỉnh pháp với
Phật Thích Ca Mâu Ni, câu hỏi thứ nhất: “Ưng vân hà trụ?”, ý nói tâm này nên
trụ vào đâu? Người thế gian hiểu thân trụ nhưng không hiểu tâm trụ, cho nên cả
đời bồng bềnh trải qua ngày tháng khổ sở, không luận họ có phước hay không. Có
phước cũng khổ, không phước càng khổ hơn, cả đời ưu bi khổ não, sống như vậy
khổ dường nào. Nếu hiểu được tâm phải có một chỗ an trụ, thì cả đời bạn liền có
phước, cả đời liền có thành tựu. Không luận thế pháp hay Phật pháp đều thành
tựu.
Do đây có thể biết an trụ của tâm rất quan
trọng. An ổn an trụ vào một nơi, nơi đó bất động. Căn tánh của chúng sanh không
như nhau cho nên trong tất cả kinh luận, Phật dạy người an trụ cũng không như
nhau. Ví dụ chúng sanh tâm lượng nhỏ, tầm nhìn nông cạn, nghe nói trên trời
không tệ, đời sau có thể sanh thiên thì đã rất vừa lòng. Nếu bạn khuyên họ phải
ra khỏi ba cõi, gặp người không tự tin, nghĩ rằng nghiệp chướng của mình sâu
nặng, không thể ra khỏi, lập tức liền muốn thoái lui. Phật đối với loại chúng
sanh này có phương pháp giúp họ mãn nguyện. Họ muốn sanh thiên thì dạy cho họ
phương pháp sanh thiên. Người căn tánh hơi lanh lợi một chút, biết được thiên
phước cũng có lúc hưởng hết, hưởng hết thì phải làm sao? Thời gian tuy dài,
nhưng dài rồi cũng có lúc đến đoạn kết, vậy loại người này cao hơn một bậc so
với người muốn sanh thiên. Họ biết được ngoài siêu việt luân hồi, ngày tháng
trải qua tốt hơn nhiều so với trong luân hồi, họ có cái tâm xuất tam giới, Phật
liền dạy họ phương pháp xuất tam giới, tâm an trụ ở nơi đó.
Cho nên giáo học của Phật chân thật khế lý khế
cơ, thỏa mãn nguyện vọng của tất cả chúng sanh. Nếu bạn muốn sanh thiên, Phật
liền dạy tâm của bạn nhất định phải an trụ trong mười thiện, gọi là thập thiện
nghiệp đạo, thường hay sanh thiện niệm, sanh thiện tâm, lợi ích tất cả chúng
sanh, sau cùng chính mình được lợi ích sanh thiên. Dạy người trì giới tu hành
mười thiện, tâm của bạn an trụ ở ngay chỗ này, nhất định sẽ được phước báu nhân
thiên.
Nếu bạn muốn chứng quả A La Hán, siêu việt sáu
cõi sanh tử luân hồi, Phật liền dạy cho bạn an trụ ở trong pháp tứ đế. Nếu bạn
muốn làm Bồ tát, học Phật quảng độ chúng sanh, Phật liền dạy bạn đặt tâm an trụ
trong lục độ, đó là Phật dạy mọi người pháp an tâm. Nếu tâm lượng của bạn quả
nhiên rộng lớn, chí nguyện thù thắng, bên trên có Bồ tát, trên nữa còn có Phật,
trên Phật thì không còn nữa, quyết tâm phải thành Phật, thì chí nguyện này cao,
Phật liền dạy bạn an trụ trong công đức thành Phật. “An trụ nhất thiết công đức
pháp trung”, pháp công đức này chỉ “Di Đà nguyện hải, sáu chữ hồng danh”. Hay
nói cách khác, bạn đem tâm an trụ trong bốn mươi tám nguyện, an trụ ở “phát bồ
đề tâm, nhất hướng chuyên niệm”, đây là pháp cả đời này bất thoái viên mãn
thành Phật, loại an trụ thù thắng hơn bất cứ loại nào.
Trích từ
Kinh Đại Thừa Vô Lượng Thọ - phần 39
Pháp sư: HT. TỊNH KHÔNG
Biên dịch: Vọng Tây cư sĩ
Biên tập: PT. Giác Minh Duyên
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét