Thứ Tư, 26 tháng 3, 2014

Chuyện về đệ tử duy nhất âm mưu sát hại Phật Thích Ca

*****************

1. Cậu em họ hay ganh ghét



Devadatta (Đề Bà Đạt Đa) vốn là con trai trưởng của vua Sukkodana (Bạch Phạn) - em trai của vua Suddhodana (Tịnh Phạn). Như vậy, xét về dòng dõi, Đề Bà là em họ con chú của Thái tử Siddhartha (Tất Đạt Đa) tức Phật Thích Ca sau này. Đề Bà chỉ kém Thái tử Tất Đạt Đa có một tuổi nên từ khi còn rất nhỏ, hai người đã chơi rất thân với nhau. Đề Bà từ nhỏ đã tỏ ra là một đứa trẻ thông minh, lanh lợi. 

Tất cả các môn học mà các Hoàng tử được học, Đề Bà đều xuất sắc hơn những người anh em của mình. Tuy nhiên, Đề Bà lại luôn phải chịu thua trước người anh họ là Thái tử Tất Đạt Đa. Chính sự thua kém này cộng thêm bản tính hay tự phụ và hay tranh giành khiến Đề Bà ngay từ nhỏ đã đố kỵ và ganh ghét với Tất Đạt Đa. 

Sách nhà Phật kể rằng, vào năm Đề Bà lên tám tuổi đã từng xảy ra chuyện tranh giành với Tất Đạt Đa một con thiên nga. Sự việc chẳng có gì quan trọng vì chỉ là chuyện tranh cãi giữa hai đứa trẻ mới lên tám lên chín thế nhưng vì Đề Bà cứ khăng khăng cho rằng con thiên nga là của mình và nhất định đòi nhà vua Tịnh Phạn phải phân xử. Cuối cùng, sự việc đã phải đưa ra quyết định tại một buổi thiết triều có mặt đầy đủ văn võ bá quan. Tuy nhiên, kết quả là Thái tử Tất Đạt Đa thắng cuộc còn Đề Bà vì thế mà uất ức mãi không thôi.

Khi trưởng thành, với trí thông minh trời phú, Đề Bà cùng Thái tử Tất Đạt Đa trở thành hai vị Hoàng tử tài giỏi nhất của gia tộc Thích Ca. Tuy nhiên, tính tình hai người thì vẫn khác nhau một trời một vực. 

Trong khi Đề Bà háo thắng, tự phụ thì Thái tử Tất Đạt Đa lại rất điềm đạm, bao dung. Một lần, triều đình tổ chức một cuộc thi võ nghệ, Đề Bà chỉ đứng hạng nhì còn Thái tử Tất Đạt Đa thì đã thắng tất cả các môn thi từ bắn cung, đấu kiếm cho tới cưỡi ngựa … và đứng hạng nhất. Vì thành tích ấy, Thái tử được trao giải thưởng là một con voi trắng quí báu. 

Người được cử thay mặt triều đình đem giải thưởng trao cho Thái tử chính là công chúa Da Du Đà La, con vua Thiện Giác và hoàng hậu Amita, em gái vua Tịnh Phạn ở vương quốc Koliya. Đề Bà thấy mình thua kém Tất Đạt Đa thì bực tức lắm, liền tiến tới, đấm cho con voi trắng một đấm với tất cả sức mạnh của mình, khiến cho con voi phải ngã quỵ xuống rồi bỏ đi. Buổi trao giải cũng vì thế trở nên kém vui. Tuy nhiên, sau đó, Tất Đạt Đa gặp Đề Bà cũng chỉ nói một câu rằng: “Em làm vậy là không tốt”. Sự bao dung và thái độ nhẹ nhàng của Tất Đạt Đa càng khiến một con người tự phụ như Đề Bà thêm uất hận.

2. Người đệ tử kiêu ngạo

Câu chuyện đố kỵ ganh ghét giữa hai người dần rơi vào quên lãng khi Thái tử Tất Đạt Đa quyết định rời khỏi cung điện quyết tâm tìm con đường giải thoát, cứu độ chúng sinh. Lúc bấy giờ cả hoàng tộc và triều đình, ai cũng phản đối Tất Đạt Đa vứt bỏ tất cả quyền lực cũng như sự giàu sang để con đường tu luyện khổ hạnh. Nhưng 10 năm sau khi ra đi, Tất Đạt Đa ngộ đạo trở thành Đức Phật Thích Ca được hàng ngàn người tin theo. Và đó cũng là lúc, người em họ hay đố kỵ Đề Bà gặp lại Thái tử Tất Đạt Đa.

Sau khi thành đạo và thiết lập tăng đoàn, lần đầu tiên sau nhiều năm Phật Thích Ca quay trở về thăm quê hương. Trong chuyến trở về quê hương đó, Thích Ca chỉ làm lễ thụ giới cho Nanda và Rahula, một là anh em cùng cha khác mẹ, còn một là con trai ruột của mình. Khi nghe tin Phật Thích Ca trở về và đã thụ giới cho Nanda và Rahula, Đề Bà cùng 5 vị Hoàng tử khác thuộc dòng dõi Thích Ca cũng đã đến gặp và xin Phật Thích Ca cho gia nhập tăng đoàn. 

Trong suốt 12 năm đầu của cuộc sống xuất gia, mặc dù chưa đắc đạo nhưng Đề Bà tỏ ra là một đệ tử chuyên cần và cực kỳ gương mẫu. Tới mức, một đệ tử nổi tiếng của Phật Thích Ca là Xá Lợi Phất đã hết lời ca ngợi Đề Bà trước mặt mọi người khiến dân chúng khắp nơi đều biết đến tiếng Đề Bà. Nhiều người từng hy vọng, Đề Bà sẽ trở thành một đệ tử xuất sắc kế thừa Đức Phật nếu một ngày kia Thích Ca tịch diệt. Tuy nhiên, sự việc ngày càng trở nên xấu đi khi Đề Bà không kiềm chế được sự kiêu ngạo, tính tự phụ cũng như ham muốn quyền lực của mình.

Sau nhiều năm tu hành, Đề Bà tới gặp Phật Thích Ca để xin học phép thần thông nhưng Phật không dạy. Đề Bà lại tìm tới hai đệ tử nổi tiếng về phép thần thông trong tăng đoàn của Phật Thích Ca là Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên để xin học, song vẫn bị hai người này từ chối. Vừa thất vọng lại vừa uất giận, Đề Bà tìm tới Thập Lục Ca Diếp để xin học và đã được vị này chấp nhận. Sau nhiều ngày tháng khổ luyện, Đề Bà đã học được phép thần thông. Tuy nhiên, cũng từ đó, Đề Bà tự phụ, cho rằng không có ai có thể tài giỏi bằng mình. Tham vọng đen tối sẽ thay thế Phật để lãnh đạo tăng đoàn bắt đầu len lỏi vào trong suy nghĩ của Đề Bà. 

Ban đầu Đề Bà chưa dám công khai chống đối Thích Ca song đã bắt đầu dùng tài hùng biện và trí thông minh trời phú của mình để lôi kéo các đệ tử trong tăng đoàn ủng hộ mình. Cũng vì thế, số người ủng hộ Đề Bà ngày một trở nên đông hơn. 

Trong số những người này, quan trọng nhất chính là Thái tử A Xà Thế, con vua Tần Bà Sa La, một người rất ủng hộ Thích Ca. A Xà Thế đã bỏ tiền vàng xây cho Đề Bà một tu viện to lớn trên núi Gayasisa rồi cứ ba bốn ngày một lần lại cho chở các vật phẩm thiết yếu lên tu viện cho Đề Bà. Được sự ủng hộ của A Xà Thế và các đệ tử, Đề Bà càng tự tin rằng mình sẽ là người thay thế Thích Ca lãnh đạo tăng đoàn.

Cho tới một hôm, Thích Ca thuyết pháp tại tu viện Trúc Lâm. Khi Thích Ca vừa nói xong, Đề Bà liền đứng lên tới trước mặt Phật và nói: “Thưa Thế Tôn! Năm nay Thế Tôn tuổi đã cao, sức khỏe đã kém. Xin Thế Tôn hãy lui về tịnh xá nghỉ ngơi để đỡ bót mệt nhọc. Con sẽ xin thay Thế Tôn lãnh đạo giáo đoàn”. 

Ngay sau khi Đề Bà dứt lời, ở phía dưới có hơn 300 đệ tử cũng đồng loạt đứng lên tỏ ý ủng hộ Đề Bà. Thích Ca lúc này mới nhìn thẳng vào Đề Bà nói: “Cảm ơn thầy đã lo lắng, ta vẫn còn đủ sức để lãnh đạo giáo đoàn. Vả lại trong số các đệ tử của ta vẫn còn có những người xuất sắc và xứng đáng hơn thầy nhiều. Thầy chưa đủ tư cách đâu!”. Câu nói nặng nề của Thích Ca đã khiến Đề Bà được một phen xấu hổ. Cũng bắt đầu từ đây, Đề Bà công khai trở thành người chống đối Thích Ca.

3. Và tên phản đồ lầm lạc

Đề Bà lôi kéo một số lượng lớn đệ tử của Thích Ca về tu viện trên núi Gayasisa và tự lập một giáo đoàn độc lập, tự gọi mình là giáo chủ tu tập theo cách riêng và độc lập hẳn với giáo đoàn của Thích Ca. Đề Bà còn xúi giục A Xà Thế giết vua cha là Tần Bà Sa La để lên ngôi sớm nói rằng như vậy vừa có lợi cho A Xà Thế vừa có lợi cho mình. 

Đề Bà cho rằng, một khi A Xà Thế lên ngôi vua thì ông ta có thể dựa vào thế lực của A Xà Thế để đoạt lấy địa vị lãnh đạo toàn thể giáo đoàn. A Xà Thế mê muội đã nghe theo lời của Đề Bà, soán ngôi, bắt vua cha giam vào ngục. 

Về phần mình, theo thỏa thuận với A Xà Thế, Đề Bà tìm cách giết Thích Ca khi có cơ hội để trừ mọi hậu họa. Một buổi chiều, lúc Phật Thích Ca đang đứng bên sườn núi Linh Thứu, nơi có nhiều mô đá nhấp nhô thì Đề Bà đã trèo lên đỉnh núi và đẩy một tảng đá thật lớn cho lăn xuống chỗ Thích Ca đang đứng hòng giết chết Thích Ca. May mắn là khi lăn xuống gần Thích Ca thì tảng đá bị chặn lại bởi các mô đá nhô ra trên sườn núi. Tảng đá đứng lại tuy nhiên một mảnh nhỏ văng ra trúng ngay vào chân trái của Thích Ca khiến Thích Ca bị thương. 

Một lần khác, khi Phật Thích Ca đang dùng các đệ tử đi khất thực thành Vương Xá, nơi A Xà Thế đã lên ngôi thay cho quốc vương Tần Bà Sa La bị hãm hại thì một con voi to lớn trong chuồng voi của hoàng cung điên cuồng lao về phía Thích Ca. Con voi này có tiếng là hung dữ nhất nước vì vậy hoàng cung nuôi và canh giữ cẩn thận. 

Một khi nó xổng ra ngoài thì chắc chắn sẽ có hàng trăm người trong thành phải bỏ mạng. Song để hãm hại Thích Ca thực hiện mưu đồ đen tối của mình, Đề Bà đã không quản sinh mạng của những người vô tội đó. Tuy nhiên, mưu đồ lần này của Đề Bà lại thất bại.

Sử sách nhà Phật chép, khi con voi chạy tới cách Thích Ca mươi bước thì bị Thích Ca chế ngự. Nó bỗng nhiên đứng khựng lại, rồi quì mọp xuống trước đức Phật, vòi tai, đuôi đều cụp lại hết. Thích Ca tiến đến vò đầu nó và bảo nó đứng lên, rồi đích thân dắt nó đem trả về lại cho chuồng voi hoàng cung.

Sau sự việc này, Đề Bà mất hết uy tín, các đệ tử trước kia ủng hộ Đề Bà giờ công khai chống đối, rời bỏ tu viện ở núi Gayasisa quay trở về tu viện Trúc Lâm với giáo đoàn của Thích Ca. Ngay cả vua A Xà Thế, sau cái chết đau thương của vua cha do mình chủ tâm sát hại, cũng bắt đầu hối hận nên không còn tiếp tục ủng hộ Đề Bà nữa. Sau đó, A Xà Thế còn đến gặp Thích Ca xin được quy y theo Phật. Mất đi sự ủng hộ của A Xà Thế, Đề Bà đã hoàn toàn bị cô lập. Âm mưu hãm hại Thích Ca hoàn toàn thất bại.

Nhiều năm sau đó, Đề Bà sống trong bệnh tật và đau ốm liên miên, phải nằm một chỗ, không đi đâu được. Cho tới một hôm, thấy cơ thể mình đã quá yếu, Đề Bà sai hai người hầu đưa mình tới gặp Thích Ca. Trước mặt Phật Thích Ca, Đề Bà đã dùng hết phần sức còn lại của mình nói vỏn vẹn một câu: “Đệ tử quy y Phật” rồi tắt thở, kết thúc cuộc đời một đệ tử tài năng nhưng lầm lạc.
ST

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét