Thứ Ba, 25 tháng 3, 2014

Di Thư của một Người Cha

Đây là một lá thư riêng của ông Tôn Vận Tuyền (Viện Trưởng Viện Quốc Gia Hành Chánh, Trung Hoa Dân Quốc- Đài Loan), một chánh khách nổi tiếng thời bấy giờ. Lá thư gởi cho con của ông lúc ông còn tại thế. Thời gian gần đây mới thấy lưu hành trên mạng Internet, và rất nhanh chóng đã được truyền đi khắp nơi.


Tôn Vận Tuyền để lại những lời căn dặn như sau: 

Con trai yêu dấu: 
Viết lá thư này cho con, cha dựa trên 3 nguyên tắc như sau:

1. Đời người Phúc Họa vô thường! Không một ai biết trước mình sống được bao lâu? Có một số việc tưởng nên sớm nói ra thì hay hơn. 

2. Cha là phụ thân của con, nếu cha không nói với con, chắc không ai nói rõ với con những điều này! 

3. Những lời khuyên để con ghi nhớ này, là kết quả bao kinh nghiệm xương máu, thất bại đắng cay trong cuộc đời, mà bản thân cha đã thể nghiệm. Nó sẽ giúp con tiết kiệm nhiều những nhầm lẫn hoang phí trên bước đường trưởng thành của con sau này. Dưới đây là những điều con nên ghi nhớ trong cuộc đời: 

1. Nếu có người đối xử không tốt với con, đừng bận tâm cho mất thời giờ. Trong cuộc đời này, không ai có nghĩa vụ phải đối xử tốt với con, ngoại trừ Cha và Mẹ của con. Nếu có người đối xử tốt với con, ngoài việc con phải biết ơn và trân quý, con cũng nên thận trọng suy xét, vì người đời làm việc gì thường có mục đích và nguyên nhân . Con chớ vội vàng xem đối phương là chân bằng hữu.

2. Trên đời không phải không có người nào mà không thể thay thế được, không có vật gì mà nhất định mình phải sở hữu được. Con nên hiểu rõ ở điểm này. Nếu mai sau rủi người bạn đời không còn muốn cùng con chung sống, hoặc giả con vừa mất đi những gì trân quý nhất trong đời. Thì con nên hiểu rằng: Đây cũng không phải là chuyện lớn lao gì cho lắm!

3. Đời người ngắn ngủi, nếu hôm nay con đã lãng phí thời gian, mai đây hiểu được thì thấy rằng quãng đời đó đã vĩnh viễn mất rồi! Cho nên càng biết trân quý sinh mạng của mình càng sớm, thì con sẽ được tận hưởng cuộc đời mình càng nhiều hơn. Trông mong được sống trường thọ, chi bằng con cứ tận hưởng cuộc đời mình ngay từ bây giờ. 

4. Trên đời nầy chẳng hề có chuyện yêu thương bất diệt. Ái tình chỉ qua là một cảm xúc nhất thời. Cảm giác nầy tuyệt đối sẽ theo thời gian, hoàn cảnh mà thay đổi. Nếu người yêu rời xa con, hãy nhẫn nại chờ đợi, để thời gian từ từ rột rửa, để tâm tư mình dần dần lắng động thì nỗi đau thương cũng sẽ từ từ nhạt nhòa đi. Không nên cứ ôm ấp hoài niệm mãi cái ảo ảnh yêu thương, cũng không nên quá bi lụy vì tình. 

5. Tuy có nhiều người thành công trên đường đời mà học hành chẳng đến đâu. Nhưng điều đó cũng không có nghĩa là, không cần học hành vẫn thành công. Kiến thức đạt được do việc học hành, là vũ khí trong tay của mình. Ta có thể lập nên sự nghiệp với bàn tay trắng, nhưng không thể trong tay không có tấc sắt. Nên nhớ kỉ điều nầy! 

6. Cha không yêu cầu con phải phụng dưỡng cha trong nửa quãng đời còn lại. Ngược lại, cha cũng không thể bảo bọc nửa quãng đời sau này của con, khi con đã trưởng thành và tự lập. Đây là lúc cha đã làm tròn trách nhiệm của mình. Sau nầy con có đi xe bus hay đi xe nhà, ăn súp vi cá hay ăn mì gói, tự con lo liệu lấy.

7. Con có thể yêu cầu mình phải giữ chữ TÍN, nhưng không thể bắt người khác phải giữ chữ TÍN với mình. Con có thể yêu cầu mình phải đối xử TỐT với người khác, nhưng không thể kỳ vọng người khác phải đối xử tốt với con. Con đối xử người ta thế nào, không có nghĩa là nguời ta sẽ đối xử lại mình như thế ấy. Nếu con không hiểu rõ được điểm này, sẽ tự chuốc lấy buồn phiền cho mình mai hậu. 

8. Hơn mười mấy, hai mươi mấy năm nay, cha tuần nào cũng mua vé số, nhưng vẫn nghèo trắng tay  ngay đến giải 3 vẫn chưa từng trúng. Điều nầy chứng minh rằng: Muốn phát đạt phải siêng năng làm ăn, nổ lực phấn đấu. Trên thế gian nầy không có buổi ăn trưa nào miễn phí cả.

9. Gia đình thân nhân chỉ là duyên phận một đời. Bất luận trong kiếp nầy chúng ta sống chung với nhau được bao lâu và như thế nào, nên trân quý khoảng thời gian sum hợp, gia đình đoàn tụ. Kiếp sau, dù ta có thương hay không, cũng không còn gặp lại nhau.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét