Bạn cứ hình dung một
mặt hồ nước tĩnh trên núi, phản chiếu mây trời và các đỉnh núi rõ nét cho đến nỗi
ta có thể chụp hình mây trời và đỉnh núi khi đưa ống kính hướng về mặt hồ.
Tâm ta tĩnh lặng thì
ta cũng phản chiếu được sự thực một cách trung thực, không làm cho sự thực méo
mó. Hơi thở và thế ngồi cũng như bước chân chánh niệm có thể làm lắng dịu lại
được những tâm hành như giận hờn, sợ hãi, tuyệt vọng ...
Trong kinh Quán Niệm Hơi Thở, Bụt có đưa ra một bài tập gọi là An tịnh tâm
hành, làm cho tâm hành an tịnh. Tâm hành đây là những trạng thái giận hờn, sợ
hãi, lo lắng ...
“Thở vào, tôi nhận diện được tâm hành đang có mặt trong tôi”. Bạn có thể gọi
tên tâm hành ấy. Nó là sự bực bội. Nó là sự lo lắng. Ta không cần phải đàn áp
nó, chê trách nó, xua đuổi nó. Ta chỉ cần nhận diện sự có mặt của nó là đủ. Đó
là phép nhận diện đơn thuần, không tìm cách níu kéo cũng không tìm cách xua đuổi.
“Thở ra, tôi làm lắng dịu tâm hành trong tôi.” Hơi thở chánh niệm khi nhận diện
và ôm ấp tâm hành có khả năng làm lắng dịu tâm hành.
Bài tập này cũng giống như bài tập mà bạn đã học để làm lắng dịu thân hành,
nghĩa là lắng dịu những căng thẳng và đau nhức trong thân. Bài này cũng là của
Bụt dạy trong kinh Quán Niệm Hơi Thở.
Bạn là người hành giả, nghĩa là người thực tập thiền quán, chứ không phải chỉ
là một học giả hay một lý thuyết gia về thiền. Vì vậy, bạn nên luyện tập để làm
lắng dịu những tâm hành, những cảm xúc của mình khi chúng bắt đầu phát hiện.
Như vậy bạn mới có thể làm chủ được thân tâm và không gây đổ vỡ trong bạn cũng
như người khác, kể cả người thương của bạn.
(HT. Thích Nhất Hạnh)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét