Bồ tát Văn Thù Sư Lợi hỏi Phật: Sao kêu rằng hảo
tâm?
Thế Tôn nói: Hai chữ hảo tâm ít người làm được, nếu
có lòng hảo tâm, làm việc lợi ích cho người chẳng cần trả ơn, làm việc giúp người
chẳng cần quả báo, cúng dường cho người chẳng cần phước báo, làm lợi ích cho người
chẳng cần ân báo những đến hạ tâm mình xuống, làm cho lòng muốn của người được
đầy đủ. Khó bỏ xả mà bỏ xả đặng, khó nhịn mà nhịn đặng, khó làm mà làm đặng,
khó cứu mà cứu đặng, chẳng luận bà con hay người dưng, lấy tâm bình đẳng cứu
giúp làm đúng sự thật. Chẳng phải miệng nói mà lòng không làm, con người cái miệng
nói hảo tâm mà lòng không làm từ thiện; người hiền tâm thường làm những việc tốt
mà miệng chẳng khoe khoang. Ý nghĩ giúp ích cho người mà thôi, chẳng cầu danh vọng
cho mình như vậy mới thật là hảo tâm. Không phải như những người bỏ ra có một tấc
mà muốn lấy vô được một thước, gieo giống ít mà muốn đặng trái nhiều, như vậy
đâu phải là người hảo tâm.
Bồ tát Văn Thù sư Lợi hỏi Phật: Sao kêu là người
trí, sao kêu là người ngu, sao kêu là người mê, sao kêu là người ngộ? Xin đức
Phật từ bi giảng dạy cho tôi được biết?
Đức Phật nói: Chữ trí là biết, người trí biết có đạo
Phật cần phải tu, biết có thánh giáo cần phải học, biết có minh sư cần phải cầu.
Biết có phước cần phải làm, biết có tội cần phải sám hối, cho đến biết rõ pháp
thế gian, pháp xuất thế gian và sự luân hồi quả báo như trên trời có mặt nhật,
như đêm tối có đèn. Được hiểu biết, được nghe thấy sự báo ứng của việc lành việc
dữ, hễ hiểu biết nghe thấy rồi liền bỏ dữ theo lành, cải tà quy chánh. Việc phi
lý không bao giờ nói, ngoài phận sự không bao giờ làm, không phải đạo chơn
chánh không theo, không phải vật của mình không lấy. Tư tưởng trung chánh mỗi mỗi
chơn thật, tích đức nêu danh lưu truyền đời sau, như vậy gọi là người trí thức.
Ngu là tối, người ngu cái lòng tối tăm, chẳng biết
cao thấp lớn nhỏ, chẳng biết thiên đàng địa ngục, chẳng tin có tội phước luân hồi.
Một bề tham luyến tửu sắc, sát sanh hại mạng để cung cấp cho cái miệng hay bao
tử. Trong một đời sát sanh trăm ngàn súc vật, gây cái nợ oan trái trăm ngàn
muôn ức tánh mạng, luân hồi gặp gỡ ăn nuốt lẫn nhau, không biết bao giờ thôi dứt.
Hết thảy các loại trâu, dê, heo, ngựa đều là đòi trước hoặc kẻ thân nhân, hoặc
người thù oán, sau khi luân hồi thay hình đổi dạng làm thân súc sanh. Người si
mê không biết giết hại mà ăn, cũng như giết cha mẹ của mình, hay ăn thịt bà con
dòng họ của mình. Cha bị con giết, con bị cháu giết, trên đường luân hồi cha
con chẳng biết nhau, giết nhau ăn nhau không bao giờ dứt, một khi mất thân người
muôn kiếp khó phục hồi đặng.
Người mê muội tham mến tửu sắc, muốn được khoái lạc,
buông lung sáu căn tham mến sáu trần, làm nhiều cách điên đảo đủ điều, chỉ nhớ
sự thọ dụng hiện tiền, không ngó lại thân sau chịu khổ, mê muội chơn linh đuổi
theo huyễn vọng, bỏ xa tánh giác phối hợp trần duyên. Ví dù gặp bậc thánh hiền
cũng không cứu độ được, chìm sâu biển khổ mất hẳn tánh linh, một khi mất thân
người muôn kiếp khó phục hồi đặng.
Chữ ngộ là giác, người ngộ rồi tự hiểu biết tâm mình
là Phật, mộ đạo tu hành, ba nghiệp không còn, sáu căn thanh tịnh. Phương tiện đủ
cách, không có ngã nhơn, độ mình độ người đều thành Phật đạo. Tuy ở thế gian mà
chẳng nhiễm thế gian, ở trong trần lao mà vẫn chuyển pháp luân, giáo hóa Ta bà
đổi thành Cực lạc, biến địa ngục làm thiên đường. Chỉ dẫn những người mê đặng
thấy Phật tánh, làm các việc Phật pháp, độ thoát chúng hữu tình, chẳng bỏ lòng
từ bi, thệ nguyện cứu độ. Nếu chúng sanh nào biết cúng dường người này thì đặng
phước đức như cúng dường các Phật ba đời công đức như nhau không khác. Cớ sao vậy?
Nghĩa là mình giác tỉnh rồi, độ người cùng giác tỉnh gọi là chánh giác, thuyết
pháp lợi sanh, diệu dụng thần thông cùng Phật không khác. Hay mở bày chỉ rõ cho
chúng sanh ngộ tri kiến Phật, hay dẫn dắt cho chúng sanh nhập tri kiến Phật,
hay tìm xét cho chúng sanh tánh tri kiến Phật.
Tại sao? Nếu có người biết tỉnh ngộ thì đặng danh hiệu
Bồ tát, đặng thông các pháp bí mật của Phật, chơn chánh truyền thọ cho người. Nếu
có người trai lành gái tín đặng thầy nghe pháp, tin theo giáo pháp của người
này chỉ dạy, đều là chánh nhơn, đều đặng chánh quả. Cho nên người còn nhỏ tu
hành đặng chánh pháp, liền thành Phật đạo; hai mươi tuổi tu hành đặng chánh
pháp cũng thành Phật đạo; ba mươi tuổi tu hành đặng chánh pháp cũng thành Phật
đạo; bốn mươi tuổi tu hành đặng chánh pháp cũng thành Phật đạo; năm mươi tuổi
tu hành đặng chánh pháp cũng thành Phật đạo; sáu mươi tuổi tu hành đặng chánh
pháp cũng thành Phật đạo; bảy mươi tuổi tu hành đặng chánh pháp cũng thành Phật
đạo; tám mươi tuổi tu hành đặng chánh pháp cũng thành Phật đạo. Kẻ trai lành tu
hành đặng chánh pháp cũng thành Phật đạo; người gái tín tu hành đặng chánh pháp
cũng thành Phật đạo. Người giàu sang tu hành đặng chánh pháp cũng thành Phật đạo;
người nghèo khổ tu hành đặng chánh pháp cũng thành Phật đạo. Đế vương tu hành đặng
chánh pháp cũng thành Phật đạo; Tể quan tu hành đặng chánh pháp cũng thành Phật
đạo; cho đến loài người và không phải loài người tu hành đặng chánh pháp cũng
thành Phật đạo.
Nên Đức Thế Tôn nói bài kệ như vầy:
Bằng có nam hay nữ
Đặng gặp chơn minh sư
Tu hành đặng chánh pháp
Tất cả đều thành Phật.
Đại Thừa Kim Cang Kinh Luận
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét