Thứ Tư, 26 tháng 3, 2014

Ngọn lửa Thích Quảng Đức

***************
Sáng ngày 11/06/1963, khi ánh nắng vừa bắt đầu gay gắt, người ta thấy một chiếc xe hơi hiệu Austin mang biển số DBA 599 có 2 màu xanh trắng do một sỹ quan của Nha Chiến tranh Tâm lý cầm lái. Chiếc xe len lỏi giữa dòng người biểu tình cuồn cuộn đổ về trung tâm Sài Gòn rồi ngừng lại tại ngã tư Lê Văn Duyệt và Phan Đình Phùng (nay là đường Cách Mạng Tháng Tam và Nguyễn Đình Chiều, quận 3, TP.HCM), cách Dinh Độc Lập không xa. 

Nơi đó, hơn 800 vị sư, ni và hàng ngàn Phật tử đang biểu tình bằng cách đọc kinh. Tiếng kinh trầm uất ai oán vang động một góc trời. Quân đội, cảnh sát được trang bị vũ khí đầy đủ đứng thành từng hàng trong tư thế sẵn sàng đối phó với những hành vi quá khích của người biểu tình.

Từ trên xe Austin, một vị sư choàng áo cà sa bước xuống, dội xăng lên người, đĩnh đạc ngồi xuống mặt đường trong tư thế kiết già thiền định rồi tự tay châm lửa. Ngọn lửa bùng lên, nhà sư chắp tay đón nhận cái chết. Sự việc diễn ra ngay trước mắt hàng ngàn Phật tử, hàng trăm cảnh sát, lính chiến và hàng chục phóng viên trong nước lẫn nước ngoài.

Nhiều người khóc thét lên. Nhiều người khác quì sụp xuống mặt đường hướng về phía ngọn đuốc sống của nhà sư vừa lạy vừa đọc kinh trong tiếng gào khóc. Một vài cảnh sát xông đến dập lửa khiến vị sư ngã xuống mặt đường nhưng ngay sau đó, ông ta lại ngồi dậy tiếp tục tư thế toạ thiền cho đến chết.

Ngọn đuốc sống ấy chính là Hoà thượng Thích Quảng Đức. Tục danh của ông là Lâm Văn Túc. Ông sinh năm 1897 tại Vạn Khánh, Vạn Ninh, Khánh Hoà, xuất gia từ năm 7 tuổi. 

Khi tự nguyện tự thiêu chống đối Diệm, Hoà thượng đang trụ trì một ngôi chùa ở Phú Nhuận, Sài Gòn đồng thời đảm nhiệm chức vụ Phó Ban Trị sự kiêm Trưởng Ban Nghi lễ giáo hội tăng già Nam Việt Nam. Trước khi tự thiêu một ngày, ông viết thư xin phép Tổng Trị sự Giáo hội tăng già Việt Nam nhưng chưa được phúc đáp. Ông để lại một bức tâm thư trăng trối: 

"Tôi, pháp danh Thích Quảng Đức, hòa thượng, trụ trì chùa Quán Âm, Phú Nhuận. Nhận thấy Phật giáo nước nhà đương lúc ngửa nghiêng, tôi là một tu sĩ, mệnh danh là trưởng tử của Như Lai, không lẽ cứ ngồi điềm nhiên tọa thị để cho Phật pháp tiêu vong, nên tôi vui lòng phát nguyện thiêu thân giả tạm này cúng dường chư Phật để hồi hướng công đức bảo tồn Phật giáo. Mong ơn mười phương chư Phật chư đại đức tăng, ni chứng minh cho tôi đạt thành chí nguyện… gia hội cho chư đại đức, tăng, ni, Phật tử Việt Nam tránh khỏi nạn khủng bố bắt bớ giam cầm của kẻ gian ác… Trước khi nhắm mắt về cảnh Phật, tôi thiết tha kêu gọi chư đại đức, tăng, ni, Phật tử nên đoàn kết nhất trí hy sinh để bảo tồn Phật giáo.

Nam mô đấu chiến thắng Phật”.

Cả thế giới rung động trước hình ảnh hoà thượng Thích Quảng Đức tự đốt mình để chống đối Diệm. Người dân một số nước trên thế giới đã tự nguyện biểu tình đã đảo cả Diệm lẫn Mỹ.

Có lẽ chính Mỹ cũng không tiên liệu được tình huống này. Họ chỉ muốn tạo làn sóng bất mãn Diệm để dễ lật đổ Diệm. Tuy nhiên, họ quên Diệm là một kẻ cố lỳ, ngu xuẩn và ác độc. Với kẻ ngôn ngoan và am tường chính trị thì trò chơi của Mỹ chỉ vừa đủ liều để Diệm từ chức và được sang Mỹ hưởng thụ cuộc sống còn lại. Đàng này, Diệm đã đẩy tình huống đi quá xa cái vạch mà Mỹ muốn đến khiến dư luận thế giới phẫn nộ luôn cả Mỹ. 

Người dân Mỹ không muốn nộp thuế cho một chính quyền đang nuôi dưỡng kẻ gian ác như Diệm. Dân Mỹ biểu tình chửi Mỹ. Tổng thống Kennedy bị Quốc hội Mỹ phản đối. 

Nhưng lúc này Mỹ đã không còn điều khiển được Diệm nữa. Một kế hoạch triệt tiêu anh em Diệm đã được khởi động ngầm từ Toà Bạch ốc. 

Như một đứa trẻ ngây ngô, anh em Diệm vẫn vô tư đẩy tiếp sự việc đi xa hơn nữa.

Đáp lại thông tin vị sư tuẫn tiết bằng lửa để cầu mong Diệm bãi bỏ sự phân biệt tôn giáo, Ngô Đình Thục cười khẩy, Ngô Đình Cẩn cho mật vụ tăng cường bắt bớ người biểu tình, Ngô Đình Nhu tuyên bố không nhượng bộ, Trần Lệ Xuân tru tréo: “Đó chỉ là món thịt thầy chùa nướng. Chính quyền sẽ cung cấp thêm dầu lửa cho các vị sư”. Còn Diệm thì tổ chức một cuộc hoà giải nguỵ tạo tạm chấp nhận nguyện vọng của các nhà sư nhưng không thực hiện. Các nhà sư biểu tình vẫn bị đàn áp nặng tay. Máu của các nhà sư vẫn tiếp tục đổ ngay sau khi bản thông cáo chung của Diệm và các nhà sư chưa ráo mực.

Ngày 19/06/1963, người ta bắt được một bức điện mật của Nhu ra lệnh cho các lực lượng vũ trang: “…Ngay từ giờ này chuẩn bị dư luận cho giai đoạn tấn công mới. Hãy theo dõi điều tra thanh trừng phần tử Phật giáo bất mãn và trình thượng cấp kể cả sĩ quan và công chức cao cấp…”

Không thể im lặng được nữa, ngày 20/06/1963, SD. Chan Htoong - Chủ tịch Giáo hội Phật giáo thế giới - Người Miến Điện - ban hành một văn bản hiệu triệu: 
“Tất cả các trung tâm Phật giáo Thế giới và các tổ chức Phật giáo hãy giúp đỡ những anh em Phật tử của chúng ta đã chịu đựng sự đau khổ từ lâu tại miền Nam Việt Nam…. 

Tôi cũng đã đề nghị thành lập một ủy ban điều tra gồm những pháp quan của Tòa Thượng thẩm miền Nam Việt Nam để điều tra một cách chính xác, vô tư những sự kiện xảy ra ở Huế đã làm cho nhiều người chết và bị thương, rồi đệ bản tường trình cùng với những đề nghị yêu cầu chính phủ áp dụng những biện pháp nào để ngăn chặn những sự kiện ấy khỏi tái diễn sau này…..

Tại Miến Điện: Tổng hội Phật giáo Miến Điện (kể cả Trung tâm Phật giáo Thế giới) Hội Thanh niên Phật tử, Giáo hội Tăng già và các Hội phật học. Tại Cao Miên: Hai Giáo hội Tăng già Miên Việt và các Giáo hội Phật giáo. Tại Tích Lan: Tổng hội Phật giáo Tích Lan (gồm cả trung tâm điểm của Phật giáo Thế giới) và nhiều tổ chức khác. … Tất cả tăng sĩ và Phật tử các nước Miến Điện, Ấn Độ, Hồi Quốc, Cao Miên, Thái Lan, Tích Lan, Tây Tạng, Đức Quốc, Việt Nam, Nhật Bản và Ai Lao đã nhóm họp tại Tân Gia Va trung tâm điểm Phật giáo thế giới… 

Tất cả Trung tâm Phật giáo Thế giới và các tổ chức Phật giáo trên khắp hoàn cầu hãy đoàn kết đồng thanh kêu gọi sự ủng hộ tinh thần của thế giới và giáo hội Thiên chúa giáo. Đồng thời kêu gọi tất cả các chính phủ của chúng ta áp dụng các biện pháp để có thể đòi hỏi cho được sự thỏa mãn 5 nguyện vọng của anh em Phật tử chúng ta tại miền Nam Việt Nam để họ thoát khỏi đau khổ và hưởng trọn vẹn quyền tự do tín ngưỡng và hành đạo như đã ghi trong bản Tuyên ngôn Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc. 

Cầu cho tất cả chúng sinh đều an lạc!”

Cũng trong ngày 20/06/1963, một đám rước tang hoà thượng Thích Quảng Đức từ chùa Xá Lợi đến Phú Lâm để làm lễ hoả táng. Hàng ngàn Phật tử lẫn người ngoại đạo tự giác tham gia đám rước để biểu tình trong câm lặng. 

The Washington Post, số ra ngày 23/06/1963, nhà báo Unka viết: “… Các nhà lãnh đạo Phật giáo đã dành cho Tổng thống Ngô Đình Diệm một thời hạn hai tuần lễ để ông tỏ thiện chí thực thi những lời cam kết của ông từ nay Phật giáo đồ sẽ không còn bị chính phủ Thiên chúa giáo của ông đàn áp.

… Cuộc khủng hoảng hiện nay không còn thuộc phạm vi một cuộc tranh chấp giữa số đông Phật tử ở đất nước và chính phủ Thiên chúa giáo ít ỏi của ông Ngô Đình Diệm tại Sài Gòn. Theo họ thì cuộc tranh chấp đó là một trận cuồng phong có thể đem lại cuộc cách mạng quốc gia và sự sụp đổ của ông Diệm….

Các viên chức Hoa Kỳ đã cảnh cáo ông Diệm mối nguy cơ mà ông đang phải đối phó, đó là cách đối xử bất công với Phật tử chiếm số đông trong nước. Trước những lời hứa mà ông Ngô Đình Diệm đã cam kết với Phật giáo tuần trước, ông còn phải đương đầu với bức tối hậu thư của Hoa kỳ: "Hãy giải quyết ngay những nỗi thống khổ của Phật tử, nếu không, ông sẽ phải chịu sự lên án công khai của Washington…”

Sài Gòn trở thành điểm nóng của dư luận quốc tế. Các hãng tin, các tờ báo của nhiều quốc gia cử phóng viên đến Sài Gòn quan sát từng phút diễn biến của cuộc đấu tranh. 
Tất cả những phóng viên có mặt tại miền Nam Việt Nam lúc đó đều công kích mãnh liệt anh em nhà Ngô Đình. Nhiều tờ báo kêu gọi Mỹ phải chịu trách nhiệm “giáo hoá” anh em Ngô Đình Diệm. Lãnh đạo của rất nhiều quốc gia lên tiếng. 

Giữa lúc phong trào quần chúng và Phật tử phản đối Diệm gay gắt nhất thì Diệm lại tổ chức một phiên toà xét xử vụ đảo chính 1960. Phiên toà giống như một lời đe doạ và thách thức dư luận từ phía anh em Diệm khiến ngọn lửa đấu tranh của quần chúng có dịp bùng lên. Lần này, quần chúng chuyển sang đấu tranh vì Diệm phản bội lời hứa trong bản thông cáo chung.

Suốt 3 tuần sau khi ký bản thông cáo chung giữa Chính quyền và giới Phật giáo, Diệm vẫn không thay đổi hành vi đàn áp các cuộc biểu tình. Nhiều chùa chiền vẫn bị cảnh sát, mật vụ dò xét và tấn công. 

Ở Khánh Hoà , mật vụ lẻn vào chùa cướp bức di ảnh của Hoà thượng Thích Quảng Đức trên bàn thờ. Một số chùa khác bị một số kẻ giấu mặt tấn công bằng lựu đạn. Ở Huế, chính quyền cấm quân nhân, công chức đi chùa. Ở Sài Gòn, cảnh sát có vũ trang và mật vụ bao vây ngôi chùa, nơi cố hoà thượng Thích Quảng Đức trụ trì trước khi tự thiêu.

Phong trào đấu tranh càng dâng cao khi lực lượng trí thức, học sinh, sinh viên cùng đứng lên đả đảo Diệm. Mượn cớ dự lễ tang nhà văn Nhất Linh (tự tử trong nhà giam của Diệm vì dính líu đến vụ đảo chính 1960), giới tri thức, học sinh, sinh viên xuống đường biểu tình. Hình ảnh 5 con chuột cống đi kèm những biểu ngữ đòi lật đổ Diệm là biểu ngữ sinh động nhất của giới tri thức. 

Ngày 17/07/1963, xuất phát từ chùa Xá Lợi Sài Gòn các nhà sư lại tổ chức tuần hành biểu tình, trong khi một số nhà sư khác tuyệt thực tại chỗ suốt 54 giờ. Cảnh sát và quân đội lại được lệnh đàn áp thẳng tay. Đoàn biểu tình vẫn tiến thẳng đến trước chợ Bến Thành ngồi toạ thiền phó mặc dùi cui đánh đập bật máu. Cảnh sát và quân đội bắt rồi quăng ném các nhà sư này lên xe chở thẳng đến An Dưỡng Địa - một nghĩa địa vắng vẻ - dùng kẽm gai rào bao quanh. Nhiều nhà sư chết ngất, máu me nhuộm đỏ người. Có người trong tình trạng hấp hối vẫn không được chăm sóc cấp cứu.

Nửa đêm ngày 17/07/1963, Nhu ra lệnh cho cảnh sát có vũ trang xông thẳng vào chùa Xá Lợi bắt bớ thêm nhiều vị sư rồi cũng đầy ra nơi giam giữ tạm ở An Dưỡng Địa. Ba ngày sau, khi các phóng viên, nhà báo tố cáo hành vi này, các nhà sư mới được phóng thích. Tuy nhiên, có vài vị sư mất tích một cách bí ẩn.

Hãng tin AP đã đưa tin vụ đàn áp này:
“Cảnh sát đàn áp cuộc biểu tình của Phật giáo.

Sài Gòn (AP). Cảnh sát chiến đấu Việt Nam hôm thứ tư đã tấn công một đám biểu tình gồm các tăng, ni, đàn bà và trẻ con, có ít nhất 50 người bị thương.

Những thiếu nữ, bà già và ni cô cầm hoa trong tay đã cố gắng mở đường để qua hàng rào dây kẽm gai mà cảnh sát đã giăng ngang đường để chặn lối đi của họ. Vào khoảng một ngàn người gồm cả tăng, ni và thiện tín mà đa số là phụ nữ, trẻ con đã tập trung tại một ngôi chùa để đi tới 1 ngôi chùa khác, nơi đây các nhà lãnh đạo Phật giáo đã bắt đầu một cuộc tuyệt thực hôm thứ ba (17/07/1963).

Với sự trợ lực của lính mũ sắt, cảnh sát chiến đấu dùng báng súng và gậy gộc đánh các người biểu tình rồi túm cổ vứt họ lên xe của nhà binh đang đậu bên cạnh.

Tăng, ni, đàn bà và trẻ con bị cảnh sát đánh và đá ngã lăn ra đường. Rất nhiều người đổ máu. Cà sa vàng của tăng, ni và áo dài của đàn bà bị xé rách tả tơi trong khi họ bị quẳng lên xe.

Những người biểu tình còn lại rút về chùa, sau đó cảnh sát chiến đấu phong tỏa chùa rất chặt chẽ bằng dây kẽm gai và hàng rào gỗ. Sau hai tiếng rưỡi đồng hồ, đám đông bị đàn áp hoàn toàn.

Sự lưu thông đình trệ tại nhiều khu vực Sài Gòn, vì tất cả ngã tư lớn đều có dây kẽm gai giăng kín’’

Diệm ấu trĩ đến mức, trong khi các nhà sư bị chính quyền tấn công đẫm máu thì ông ta liên tục nói trên đài phát thanh rằng, chính phủ tuyệt đối thực hiện nội dung của bản thông cáo chung.

Ngày 22/07/1960, Uỷ ban Liên phái Bảo vệ Phật giáo ra một thông cáo báo chí tường thuật lại diễn biến cuộc đàn áp mới của Diệm. Trích nguyên văn: 

“... Chúng tôi không muốn nhắc lại vụ đổ máu tại đài phát thanh Huế, cuộc đàn áp Sinh viên và Thanh niên Phật tử tại chợ Bến Ngự, Huế bằng một thứ lựu đạn gây thương tích nặng và điên cuồng, chưa nói việc xích chó berger cắn, những cuộc phong tỏa chùa chiền có các sư đang tuyệt thực ở Huế và Sài Gòn, những vụ phá chùa ở Bình Định, ám sát hụt ở Phật học viện Nha Trang hay mưu đầu độc ở nhiều nơi khác, v.v.. Chúng tôi không muốn nhắc vì những việc ấy đã xảy ra cách xa thủ đô, khỏi tầm quan sát hay chứng kiến của quý ngài, quí vị, khiến quí ngài, quí vị khó bề nhận xét và phê phán đúng với sự thật. 

... chúng tôi chỉ muốn khêu gợi lại hình ảnh của 2 cuộc diễn hành, một ở đường Phan Thanh Giản, một trước chợ Bến Thành, sáng ngày 17-7 vừa qua. Nếu ở địa điểm sau, toàn thể người diễn hành đều là tăng, ni, già có, trẻ có, Việt có, Miên có, Đại thừa có, Nguyên thủy có, ở địa điểm trước, ngoài số tăng, ni, còn một số cư sĩ và thanh niên nam, nữ. Tất cả đều tay yếu chân mềm, không một vũ khí, dầu là một cục đá, một khúc củi. 

Thế mà họ bị đàn áp một cách tàn khốc bằng dùi, bằng nắm tay, bằng giày có đinh sắt. Chịu đòn nặng nhất là chư tăng, ni bị chặn trước chợ Bến Thành. 

Muôn người như một, ai ai cũng thấy anh em cảnh sát, cảnh sát chiến đấu, dưới quyền điều khiển trực tiếp của ông giám đốc Trần Văn Tư đã hành hung như thế nào. Chư tăng, ni lúc ấy ví như bầy cá bị kẹt trong các rọ dây kẽm gai, có những chiếc xe to đậu san sát, trở đầu ra ngoài và kết thành một vòng đai kiên cố. 

Đập đánh xong, làm cho trật chân biêu đầu và bị thương ở ngực, ở bụng, ông Trần văn Tư làm hiền đề nghị đưa chư tăng về chùa Xá Lợi bằng xe cảnh sát, ông long trọng cam kết, tỏ ý hòa giải, nhưng mỉa mai thay, các xe lại dùng hết tốc lực theo đại lộ Trần Hưng Đạo chạy về hướng Chợ Lớn, thẳng xuống Bình Chánh và đổ tất cả xuống An Dưỡng Địa nghĩa trang của Giáo hội Tăng già Nam Việt được biến tức tốc thành một trại giam, chung quanh có quân đội vũ trang canh gác ngày đêm, không cho ai ra vào.

Khi đi trên xe, vị sư nào la thì bị bóp cổ hoặc bị bóp ở hạ bộ tới nín thở, còn chư ni thì bị cảnh sát giở trò bỉ ổi đụng chạm đến thân. 

Ở phương tây người ta không nỡ đánh đàn bà bằng một cành hoa, còn ở đây hàng nữ tu sĩ mà bị đối xử như thế, chúng tôi xin để quý ngài, quý vị phê phán. Ngoài ra, để phản đối lại lời hứa không thành thật của ông Trần văn Tư nên đã có 3 vị tăng nhảy xuống đất khi xe đang chạy và bị thương nặng. Một trong 3 vị ấy hiện đang nằm dưỡng bệnh tại bệnh viện Chợ Quán, bên ngoài có 3 vòng lính gác, không một ai được vào thăm cả.

.... Sự đàn áp cuộc diễn hành thứ nhì tại đường Phan Thanh Giản cũng tương tự. Đa số tăng, ni và thiện tín bị đánh đập thẳng tay. Ai chạy thoát vào chùa Giác Minh liền bị bao vây, ai bị bắt đều cũng bị vất lên xe đưa đi giam ở An Dưỡng Địa. ...

Ở An Dưỡng Địa, tất cả đều phải trải qua những ngày đói khát và đau nhức vì những vết thương, không ai ngó ngàng tới, chết sống mặc kệ, thật không bằng hạng tội đồ.
Đến lúc thả, sau 3 ngày 3 đêm giam cầm, ông Giám đốc Trần Văn Tư mời báo chí tới chụp ảnh các người mà ông cho là "phạm nhân’’.

Ông tuyên bố mấy lời xuyên tạc khiến cho một vị sư phải đứng lên đính chính, chưa kể ý định gieo sự ngờ vực chia rẽ mà ông đã tỏ ra trong một câu nói ngoài sự thật, là có mời Ủy ban Liên phái cử đại diện đến rước chư tăng, ni về, nhưng Ủy ban trước hứa, sau không chịu đi. Thật sự, chúng tôi trong Ủy ban đã phải chờ đợi mấy lần bởi những lời hứa đưa tăng, ni về chùa của ông Giám đốc Trần Văn Tư, từ đêm 18 tới trưa ngày 20. Rốt cuộc, đến khi ông thả, thì ông mời báo chí mà không cho chúng tôi hay đừng nói là mời cử đại diện dự kiến hay đi rước.

... đã gạt gẫm, đã vu cáo, đã đánh đập gây thương tích nặng cho trên 20 người và thương tích nhẹ cho 50 người khác.

Ngoài số tăng, ni và cư sĩ bị bắt trong 2 cuộc diễn hành nói trên, còn một nhà sư bị mật vụ giả tài xế xe chở tuốt lên cầu Bình Lợi không biết với ác ý gì, nhưng nhờ hết sức kêu cầu, nhà sư ấy được thả xuống xe và bỏ bơ vơ tại đó; còn nhiều cư sĩ khác bị bắt oan uổng như anh Mã Văn Tô, thợ điện chữa đèn cho chùa Xá Lợi, như 7 Phật tử ở ngã tư Bảy Hiền, trong những ngày 17 và 18 tháng 7. 

... hồi lúc 11 giờ tại chùa Xá Lợi, ngày hôm qua, chủ nhật 21-7, một nhóm thanh niên mặc thường phục len lỏi vào đám đông thiện tín và phân phát những tài liệu giả của Ủy ban Liên phái. Chẳng may cho họ, Phật tử nhận biết tri hô lên và một người trong bọn bị bắt. Hỏi cung, anh tự viết tờ khai là Nguyễn Đình Sỹ, binh nhất, quân số 305.675, thuộc đơn vị biệt động quân, quân khu thủ đô, đại đội 30 hành chính tiếp liệu, được lệnh thiếu úy Hùng đến chùa Xá Lợi phát những tài liệu ấy mà trong đó có những đoạn bất lợi cho cuộc vận động của Phật giáo.

Nửa giờ sau, một viên chức hiến binh tên là Hồ Xuân Rươu và vị đại diện trưởng ty cảnh sát quận III Sài Gòn là ông Hùynh Văn Trọng, đến chùa ký giấy lãnh Nguyễn Đình Sỹ, trước đó, hai thanh niên Phật tử có dự vào việc bao vây anh binh nhất nói trên bị công an bắt chở đi khi họ ở chùa ra về.

Trước những sự thật quá chán chường, quá đau lòng và nhất là quá phản bội đối với lời hiệu triệu của Tổng thống, mà chúng tôi vừa thuật lại, chắc quý vị đã thông cảm thái độ dè dặt và chờ đợi của chúng tôi đối với lời kêu gọi của vị nguyên thủ.

... Thật đúng như lời ông cố vấn chính trị Ngô Đình Nhu đã nói với một phóng viên ngoại quốc: "Chỉ 5 phút sau đủ giải quyết vấn đề Phật giáo’’. Năm phút mà kéo dài đến gần 3 tháng, điều ấy quả là đáng tiếc, càng đáng tiếc hơn nữa là điều ấy hoàn toàn ngoài ý muốn và sự quyết định của Phật giáo chúng tôi...’’

Giữa lúc các cuộc biểu tình ngày càng sôi động, ngay trong Dinh Độc Lập, một sỹ quan thân tín của Diệm âm thầm chuẩn bị thực hiện một vụ ám sát Diệm, Nhu, Lệ Xuân bằng lựu đạn. Tiếc rằng cuộc mưu sát bất thành, viên sỹ quan này bỏ lỡ một cơ hội trong tầm tay và sau đó bị bắt. Cuộc mưu sát này được giấu kín đến mức dư luận lúc ấy không hề hay biết. 

Anh em Ngô Đình Diệm đang đứng trên đỉnh cao nhất của ngọn núi thù hận.

Chính phủ Mỹ trở thành tấm bia công kích của Quốc hội Mỹ. Trước áp lực đó, các đơn vị tình báo Mỹ tại Việt Nam liên tục nhận được chỉ thị từ Washington: “Không thêm răng cho Diệm nữa mà cần trừng phạt”. 

Ngày 04/08/1963, ngọn lửa tự thiêu căm hờn lại bùng lên trước dinh tỉnh trưởng Bình Thuận – nơi mà trước đây Diệm từng là tuần vũ “đèn cầy đốt đít”.

Đó là ngọn lửa của đại đức Thích Nguyên Hương trụ trì chùa Bửu Tích. Tục danh của ông là Huỳnh Văn Lễ, pháp danh Đức Phong. Ông sinh năm 1940 tại Bình Thuận, xuất gia từ năm 18 tuổi. Trước khi tự biến thành ngọn đuốc sống, ông đã để lại 3 bức tâm thư, trong đó, ông nhận rằng mình tự thiêu vì chính sách thất nhân tâm của chế độ Diệm. Cảnh sát và mật thám của Cẩn được lệnh cướp xác thủ tiêu để bịt mồm dư luận.

8 ngày sau, tức ngày 12/08/1963, một nữ sinh trung học tên là Mai Tuyết An, sau khi đến chùa nguyện cầu đã tự dùng dao chặt một bàn tay để thể hiện sự căm hờn anh em Ngô Đình Diệm. Trước đó, cô đã viết 3 bức tâm thư. Một gởi cho các nhà sư, 1 cho Ngô Đình Diệm và 1 cho Trần Lệ Xuân. Ba lá thư này đều lên án trực tiếp những hành động vô lương anh em Ngô Đình Diệm. 

Ngay đêm hôm sau, tức 13/08/1963, nhà sư Thanh Tuệ, tục danh là Bùi Huy Chương, trụ trì chùa Phước Duyên ở Quảng Trị lại tự châm lửa thiêu mình để đáp lại lời tuyên bố của Trần Lệ Xuân: “Hãy nướng thịt thầy chùa nữa đi, chính quyền sẽ cung cấp dầu”.

Một loạt hành động tự huỷ thân mình để lên án chế độ Ngô Đình Diệm đã làm rung động cả thế giới. Lương tri những người bình tâm nhất miền Nam cũng bị lay động. Những cuộc biểu tình không còn trong phạm vi của Phật tử, trí thức, sinh viên học sinh mà lan rộng khắp các tầng lớp trong xã hội miền Nam. Người ta bỏ hẳn công việc mưu sinh thường ngày để rủ nhau đi kêu gọi thế giới tẩy chay anh em Ngô Đình Diệm.
ST

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét