-------------------------- ---
Điều kiện niệm Phật:
Niệm Phật mà không
phát lòng Bồ Đề, thì không tương ứng với bổn nguyện của Đức A Di Đà Phật, tất
khó được vãng sanh, thành tựu sở nguyện. Lòng Bồ Đề là tâm lợi mình, lợi người,
trên cầu thành quả Phật, dưới nguyện độ chúng sanh “thượng cầu hạ hoá”, tế khổ
quần mê. Tuy phát lòng Bồ Đề mà không chuyên trì niệm Phật, không thành nhất phiến, thì không được vãng sanh. Nên các liên hữu cần
phải lấy sự phát lòng Bồ Đề làm chánh nhân, niệm danh hiệu Phật làm trợ duyên,
rồi sau mới cầu sanh Tịnh Độ. Người tu tịnh nghiệp (tu pháp niệm Phật) cần phải
hiểu biết điều nầy thật sâu rộng, cần thiết phải vừa tu niệm vừa nghiên cứu
nghiêm tầm giáo lý pháp môn tu càng thêm hiệu quả.
Hành trang để phát tâm tu niệm Phật:
Một chữ nguyện bao gồm cả tín và hạnh. Tín là tin;
tự tha, nhân, quả, sự, lý không hư dối (Tín tự là tin tất cả do tâm tạo. Mình
niệm Phật sẽ được tiếp dẫn. Tín tha: tin Phật Thích Ca không nói dối, Phật A Di
Đà không nguyện suông. Tin nhân: khi niệm Phật là nhân vãng sanh, giải thoát.
Tin quả: tin sự vãng sanh thành Phật là kết quả. Tin sự: tin cảnh giới Tây
Phương, tất cả sự tướng đều có thật. Tin lý: tin lý tánh duy tâm, bao trùm Phật
độ. Mỗi điều trên đây đều xác thật nên gọi là không hư dối).
Hạnh là chuyên trì danh hiệu không xen tạp, không
tán loạn. Nguyện là mỗi tâm ưa thích, mỗi niệm mong cầu. Trong ba điều kiện nầy,
người tu tịnh nghiệp (tu pháp niệm Phật) cần phải đủ, không thể thiếu một, mà
nguyện là điểm cần yếu. Có thể có tin, hạnh mà không nguyện, chưa từng có nguyện,
mà không tin, hạnh.
Trong đời mạt pháp, người phát tâm tu niệm Phật, vẫn
có nghiệp trần dấy động, ma sự nhiễu dương, nguyên do bởi ba nguyên nhân :
không rõ giáo lý, ít học kinh điển, nhất là pháp môn tu; không nhất tâm tìm cầu,
phát tâm tu cho lấy lệ, để được ca tụng tán thán là Đại Sư Tịnh Độ, chỉ nghiên
cứu xem chừng năm ba câu pháp, vội cho là người tu của pháp môn niệm Phật, do
ngã mạn, nên không gặp thầy lành bạn sáng; thiếu tự tin, xem lại những hành động
không tốt của mình, hay thích nói lỗi người, khoe khoang điều tốt của mình, hay
chê Tông phái nầy khen Tông phái nọ, rốt cuộc mình không tu được ở đâu, ai nói
hay cũng được, nói quấy cũng xong; họ có tu hành gì đâu mà nói hay nói quấy, biết
gì mà nhận định, cuộc đời tu của họ không lúc nào tự soi xét lại chính mình,
xem mình đã làm được gì, tu được gì, làm được gì cho Thầy Tổ, cho pháp môn, cho
Phật pháp?
Với ba điều trên, sự tự xét chỗ sai lầm của chính
mình là điều mà người liên hữu Tịnh Độ rất cần thiết trong lúc thực tập, hành
pháp. Đại để muốn sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới, không phải dùng chút phước
lành, chút công đức lơ là là được; muốn thoát sự khổ sống chếtn luân hồi trong
muôn vạn kiếp, không phải dùng tâm dần dà, hẹn hò, hứ khả, rồi lo rong chơi du
hý, không lo tự cảnh tỉnh, trở về với cuộc sống hiện thực để có cơ hội tìm cầu
giải thoát, vãng sanh Tây phương theo sở nguyện ban đầu! Họ đâu rõ chiếc bóng
vô thường cô liu lặng lẽ, mới sớm mai thấy đó, rồi hoàng hôn phủ mất đó, đâu
nên không siêng năng lo dự phòng giữ tịnh tâm gìn chánh niệm trước ư? Còn e sức
chí nguyện không thắng nổi sức tình ái trong tam giới buộc ràng. Lúc bấy giờ
tâm niệm Phật không hơn nổi tâm dục trần, như những kẻ niệm Phật, tu nhơn hạnh
kém, lơ là biếng trể, nữa tin nữa nghi ngờ pháp Phật, thì ta cũng đành không biết
làm sao vậy.
Đại Sư có bài kệ khuyến tấn :
Nam Mô A Di Đà,
Người nào không biết niệm?
Tuy niệm, chẳng tương ưng
Mẹ con khó hội kiến
Khi đi đứng ngồi nằm
Đem tâm nầy thúc liễm
Mỗi niệm nối tiếp nhau
Niệm lâu thành nhứt phiến
Như thế, niệm Di Đà
Di Đà tự nhiên hiện
Quyết định sanh Tây phương
Trọn đời không thối chuyển.
Niệm Phật cần phải có niềm tin sâu nguyện thiết,
như Đại Sư Tĩnh Am từng khuyến tấn : đi đứng nằm ngồi luôn gìn chánh niệm, hoặc
kiết thất thực tập thúc liễm thân tâm, hoặc kinh hành vào đại định, lực Phật
gia trì thành nhứt phiến, như kim cang bền chắc, một đời không thối chuyển, niềm
tin yêu pháp môn, lục độ vạn hạnh ảnh hiện, lợi ích khắp mười phương, chúng
sanh nương nhờ oai đức, làm bạn thánh hiền, dự hội hải chúng liên trì nơi thế
giới Tây phương mầu nhiệm.
-------------------------- ----
Lời dạy của Tỉnh Am đại sư
Trích: Sách Tịnh Độ Giảng Lược
Tác giả: Hòa Thượng Thích Giác Quang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét