HỎI: Xin cho hỏi, khi sanh con và cúng đầy
tháng cho con cái, tôi thấy mọi người thường cúng 12 bà Mụ. Nguồn gốc của vấn
đề đó xuất phát từ đâu? Người Phật tử muốn cúng Mụ nhân đầy tháng của con thì
nên làm thế nào?
ĐÁP: Về lai lịch cuả lễ cúng 12 bà mụ, theo
nghiên cứu của chúng tôi thì đó là một tập tục có từ rất lâu trong dân gian.
Theo tập tục, khi đứa trẻ chào đời được 1 tháng, gia đình thường làm một bữa
tiệc gọi là Đoàn du phạn (bữa cơm tròn đầy) để cúng các bà mụ. Vì theo quan
niệm cuả người xưa, đứa bé hay ăn, chóng lớn, biết nói, biết cười là do 12 bà
mụ đã dày công dạy dỗ. Do dó, phải thiết lễ để cúng tạ các bà mụ.
Theo tín ngưỡng dân gian người Việt thì đứa trẻ
được sinh ra là do các vị Đại Tiên (Bà chúa Đầu thai) và Tiên Mụ mà trực tiếp
là 12 bộ Tiên Nương (12 bà Mụ) nặn ra ban cho. 12 bà Mụ trong sinh nở giáo
dưỡng, bao gồm:
1. Mụ bà Trần Tứ Nương coi việc sinh đẻ (chú
sinh);
2. Mụ bà Vạn Tứ Nương coi việc thai nghén (chú
thai);
3. Mụ bà Lâm Cửu Nương coi việc thụ thai (thủ
thai);
4. Mụ bà Lưu Thất Nương coi việc nặn hình hài
nam, nữ cho đứa bé (chú nam nữ);
5. Mụ bà Lâm Nhất Nương coi việc chăm sóc bào
thai (an thai);
6. Mụ bà Lý Đại Nương coi việc chuyển dạ
(chuyển sinh);
7. Mụ bà Hứa Đại Nương coi việc khai hoa nở
nhụy (hộ sản);
8. Mụ bà Cao Tứ Nương coi việc ở cữ (dưỡng
sinh);
9. Mụ bà Tăng Ngũ Nương coi việc chăm sóc trẻ
sơ sinh (bảo tống);
10. Mụ bà Mã Ngũ Nương coi việc ẵm bồng con trẻ
(tống tử);
11. Mụ bà Trúc Ngũ Nương coi việc giữ trẻ (bảo
tử);
12. Mụ bà Nguyễn Tam Nương coi việc chứng kiến
và giám sát việc sinh đẻ (giám sinh).
Nhưng sự tích 12 bà Mụ hay 12 vị nữ thần này
hiện chưa rõ và có nhiều thuyết khác nhau. Theo tìm hiểu của chúng tôi thì dễ
chấp nhận hơn là thuyết 12 bà mụ chính là 12 địa chi, tức là Tí, Sửu, Dần,
Mão...., quan điểm này sở dĩ được hình thành xuất phát từ cơ sở đứa trẻ lớn lên
và trưởng thành phải thông qua thời gian. Nhờ thông qua thời gian và các điều
kiện thuận lợi khác, đứa trẻ mới trưởng thành. Việc tôn sùng thời gian như một
vị thần đó là truyền thống tâm linh của một số dân tộc Á Đông nói chung, trong
đó có cả Việt Nam. Do đó, việc lễ tạ những vị thần này thông qua làm lễ cúng 12
bà mụ là một tập tục có nguồn gốc lâu đời trong tín ngưỡng dân gian.
Ở một nghĩa khác, việc cúng đầy tháng cho con
còn là một dịp để thể hiện lòng biết ơn đối với những người mà cha mẹ đứa trẻ
đã trực tiếp mang ơn. Mặt khác, đây cùng là một dịp vui vì những nỗi hiểm nguy
cho cả đứa con và người mẹ vừa đi qua. Một tháng tuổi là độ thời gian vừa và đủ
để có thể “ăn mừng” niềm vui mẹ tròn con vuông. Cho nên, trong ngày này, gia
chủ thường tổ chức thiết những buổi tiệc linh đình, lắm nơi còn tổ chức to lớn
thái quá gây những lãng phí vô ích.
Theo Phật
giáo, căn cứ vào kinh Địa Tạng, thì khi sanh nở nên trì tụng kinh Địa Tạng để
cầu nguyện. Vì nhờ tụng kinh, cầu nguyện, làm việc phước thiện... sẽ tạo nên
một nhân tốt chiêu cảm đến các vị hộ pháp, thiện thần và các vị ấy có thể hỗ
trợ cho gia đình, cho đứa trẻ mới sinh ra được bình an. Thế nên, vào những dịp
như đầy tháng, thôi nôi..., gia đình thiết lễ cúng kiến thì không nên bày biện
rườm rà. Đặc biệt là không nên sát sinh hại vật, vì như thế sẽ không tốt cho
đứa trẻ mới sinh ra. Vào những ngày lễ ấy, ngoài lễ nghi cúng Mụ theo tập tục
lâu đời trong dân gian (lễ vật để cúng thường có 12 đôi hài, 12 miếng trầu và
các thứ bánh trái cũng phải đủ số 12), người Phật tử nên tụng kinh, cúng dường,
phóng sanh, làm việc phước thiện... để hồi hướng phước báo cho con. Làm được
như thế sẽ có ý nghĩa hơn và đem đến nhiều lợi lạc, không những cho đứa trẻ mà
còn cho gia đình, không chỉ ở hiện tại mà còn ảnh hưởng rất tốt đến tương lai.
ST
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét