Thứ Tư, 11 tháng 4, 2018

Kể chuyện về duyên của tôi với mấy ông thiền/giảng sư nha mọi người!

 Lưu ý: Bài này dài miên man, có thể xem là một trong những bài dài nhất mà tôi từng viết liền một mạch.

Đầu tiên là ông Đạt Lai Lạt Ma. Như đã kể trong một số bài viết, lý do tôi đến Ấn độ là tại vì tôi muốn đến Varanasi nơi có con sông Hằng linh thiêng. Tôi bị dụ xem một bộ phim do nữ đạo diễn Ấn sản xuất lấy bối cảnh là Varanasi, bộ phim mô tả rất chân thực cuộc sống của một xã hội Hindu giáo. Xem xong là tôi dứt khoát lên đường đi Ấn độ, một quyết tâm ghê gớm không gì cản trở nỗi. Lần đầu lóc cóc sang xứ Ấn chỉ với 1 cái ba lô chừng 5 kí lô hành lý, trong đó có quyển sách để học thi một môn học cuối cùng nữa chớ. Hoàn toàn không có thiết bị điện tử nào, laptop, máy ảnh, điện thoại đều không có. Sách hướng dẫn du lịch cũng không luôn. Rồi trong 1 dorm (phòng rộng có nhiều giường, khách trọ trả tiền theo giường chứ không trả tiền theo phòng) tại một nhà trọ dành cho tụi đi bụi quốc tế tại thành phố Calcutta, tôi mượn quyển sách hướng dẫn du lịch Ấn độ bằng tiếng Anh của một anh chàng Hàn quốc nằm ở giường kế bên. Cầm quyển sách lên là tay tôi lật trúng trang nói về Bồ Đề Đạo Tràng. Đọc lướt qua thấy có cây bồ đề cổ thụ, vậy là vác ba lô lên đường thôi. Đến Bồ đề đạo tràng cái tôi bị dụ đến chỗ Ngài Đạt Lai Lạt Ma ở Bắc Ấn. Biết sao tôi bị dụ dễ dàng không? Vì lần đầu tiên đi Ấn độ không ăn nỗi thức ăn Ấn, ốm o gầy mòn, đói khát muốn chết. Đang tuyệt vọng vì thiếu ăn quá mà nghe nói có xứ nấu thức ăn kiểu người Hoa là tánh tham ăn như heo vùng dậy ngay lập tức. Ôi có ăn. Lên đường thôi chứ. Ta đi theo tiếng gọi của bao tử. Đúng là món ăn người Tạng ngon hơn thức ăn Ấn nhiều. Ăn ăn ăn. Ngon quá hà! Cái có lần Ngài Đạt Lai Lạt Ma về chỗ đó (nghĩa là chùa cũng là nơi cư trú của Ngài), mọi người kéo nhau rầm rộ đến nghe thuyết pháp. Bản tánh nhiều chuyện trỗi dậy. Tôi cũng chen đến và kiếm chỗ ngồi bên cánh tả của Ngài. Ngài lên bục ngồi. Lần đầu tiên thấy tận mắt một vị thầy tâm linh nổi tiếng của thế giới nha mọi người! Khi lên bục Ngài giảng bằng tiếng……….Tạng. Rồi nghe như vịt nghe sấm. Biết làm gì đâu, ngồi ngóc mỏ ngó thiên hạ chơi. Vừa giảng Ngài Đạt Lai Lạt Ma vừa đưa mắt nhìn khắp đại chúng. Khi ánh mắt Ngài lia về phía chỗ tôi ngồi, hổng biết có phải do tâm truyền tâm hay sao mà tự nhiên tôi thấy xúc động ứa nước mắt luôn. Tôi thấy ánh mắt của Ngài thật là ấm áp như ánh mắt của vị cha già hiền từ nhìn bầy con trẻ dại. Rồi, xem như tôi bị trúng bùa nha mọi người. Tự nhiên tình cờ ghê luôn, cô bạn người Nhật ở chung phòng rủ tôi đi thư viện của Ngài cách đó chừng 1 km đường núi. Tôi hăm hở nhận lời mới ghê chớ. Có 1 km mà do đường lên xuống dốc nên đi cũng đâu có dễ. Vào thấy thư viện đẹp quá. Tôi lôi sách tiếng Anh về các bài giảng của Ngài Đạt Lai Lạt Ma, về tiểu sử và cuộc đời của các Lạt Ma Tây Tạng ra đọc ngấu nghiến, phải nói là ngấu nghiến theo nghĩa đen luôn đó. Tôi đọc như thể ngày mai chết rồi hổng có cơ hội để đọc vậy. Đã nói, dân bị trúng bùa nó ngộ lắm nha mọi người. Tôi ham ăn như heo và mục đích đến đó là để ăn. Mà sau khi trúng bùa mê cái tôi nguyện ăn chay suốt thời gian ở đó luôn chứ. Đã ăn chay mà ngày nào cũng lội bộ 1-2 km đi đi về về đường núi để đến thư viện đọc sách. Đọc say sưa mê mẩn đến độ vầy nè mọi người: Buổi trưa người ta đóng cửa thư viện cho mọi người đi ăn trưa. Tôi giống như đang lên cơn mê sảng mà bị đánh thức nên tức quá hổng có đi đâu hết. Họ mà đóng cửa là tôi ngồi trước cửa thư viện chờ cho đến khi nào họ mở cửa trở lại để vào đọc tiếp. Giống y người nghiện lên cơn đang chích thuốc mà bị tịch thu kim tiêm nên chờ khi nào được trả kim lại thì chích tiếp hihi.
Mỗi sáng khi lội núi đến thư viện là tôi mua 2 cái bánh mì Tây Tạng giá Rs 5/cái (tương đương 2 ngàn tiền Việt). Tôi bị mê sảng mừ nên buổi trưa tôi ngồi ôm cứng cái thư viện, gặm bánh mì khô và uống nước lã. Đúng là ngộ thiệt. Bao nhiêu món ngon Tây Tạng tôi tự nhiên mất hứng ăn, đã ăn chay mà còn bị ghiền cái thư viện. Người ta đuổi ra ngoài để nghỉ trưa mà khi ra ngoài rồi vẫn ngồi đó ôm cứng cái thư viện nhai bánh mì khô uống nước lã khơi khơi. Vậy mà cũng làm được mới ghê chớ. Làm vậy đâu được một thời gian, cái có một sư cô Việt Nam đang ở trọ gần đó để học tiếng Tạng. Cổ đi học về ngang qua thư viện mấy lần đều thấy tôi ngồi chong ngóc trước cửa thư viện đóng kín cửa và nhai bánh mì khô nhưng cổ cứ nghĩ tôi là người Thái nên hổng có nói chuyện. Rồi một lần cổ đi ngang qua, rồi vào hỏi đại, tôi trả lời, cái cổ nói: Trùi ui, sống vậy sao mà sống nỗi, cái cổ một hai bắt ép tôi phải về phòng trọ của cổ để ăn trưa và nghỉ ngơi. Chắc lúc đó nhìn tôi thấy giống sắp chết tới nơi rồi hay sao ấy mà cổ cũng quyết liệt dữ dội ghê gớm lắm tôi mới chịu đi theo cổ về phòng đấy chứ. Cổ nấu món ăn chay Việt Nam ngon ghê luôn. Rồi máu tham ăn bùng dậy áp chế bớt cơn mê sảng của tôi (tôi là Trư Bát Giới mừ!) Vậy là từ khi ăn món ăn Việt tôi đỡ mê sảng, đỡ ôm cứng cái thư viện, trưa nào tôi cũng ghé phòng cổ ăn ké. Đúng là số ăn ké, lúc nào cũng có chỗ cho ăn ké hehehehe

Tôi nghĩ là tôi được Ngài Đạt Lai Lạt Ma truyền tâm ấn rồi nha mọi người! Biết sao không? Ngoài việc thay đổi 180 độ y như người mê sảng, từ đó về sau tôi hổng có cần hăm hở chen chúc vào gặp Ngài hay phải gần Ngài cho bằng được. Mỗi khi Ngài xuất hiện, tôi chỉ cần đứng từ xa ngó, và khi xuất hiện Ngài hay chấp tay chào đại chúng tứ phía. Cứ Ngài xoay về phía tôi đang đứng là tôi nhận được luồng điện ấm áp từ Ngài liền hà. Bởi, đâu cần chen chúc làm gì. Có duyên mới vậy đó. Túm lại là tôi cực kì có duyên với Ngài Đạt Lai Lạt Ma.

Đó là ông thiền sư thứ nhất, một lãnh tụ tâm linh lừng lẫy trên thế giới. Bây giờ sang ông thứ hai, cũng lừng lẫy khắp Việt Nam, và có vô số tai tiếng, đó là ông Thích Chân Quang. Trước khi trở lại Ấn độ lần 2, tôi dừng chân ở Thái Lan để xin visa Ấn 6 tháng. Trong suốt thời gian ở Thái Lan, không hiểu vì nguyên do gì mà tự nhiên tôi tình cờ vào nghe mấy bài thuyết pháp của ông Thích Chân Quang, nghe rất là ghiền, nghe mê mẩn vô cùng. Tôi ở Thái Lan cả tháng trời là hầu như ngày nào cũng nghe thuyết pháp của ổng. Đúng là tôi cũng có duyên với ổng vô cùng nên mới có thể nghe mê mẩn như vậy. Hình như ổng là vị giảng sư Việt Nam đầu tiên mà tôi nghe thuyết pháp luôn thì phải. Và lúc đó tôi không hề biết gì về ông Thích Chân Quang, tôi chỉ tình cờ bắt gặp 1 bài thuyết pháp ở trên mạng, rồi vào nghe, rồi mê luôn, rồi nghe hết bài này sang bài nọ. Mà đúng là lúc đó nghe say sưa vô cùng, say đến độ mà có thằng ở chung dorm ở Thái Lan chửi tôi quá trời, tại vì ban đêm người ta ngủ mà tôi hổng ngủ tôi nằm nghe thuyết pháp trên laptop, tôi mở loa cực nhỏ đến độ phải kê sát lỗ tai vào mới nghe được (tôi chẳng dùng headphone), mà thằng này khó ngủ nên nó ngủ không được, nó chửi tôi chứ mấy người kia có ai nói gì đâu. Tôi phớt lờ luôn, đang bị nghiện mừ, đụng vào con nghiện thì chết nha cưng hehehehe.

Bởi, tôi mà làm gì là làm cực kì say sưa như con nghiện luôn ấy, nhưng mà xong giai đoạn ấy rồi thôi hổng có phải trở lại nữa. Và tôi chỉ nghe thuyết pháp của ông Thích Chân Quang trong suốt giai đoạn ấy thôi. Sau đó thì nghe người khác hoặc đọc kinh sách.

Đó là người thứ 2. Người thứ ba là ông Thích Thanh Từ. Lúc tôi nghe ổng giảng là giai đoạn sau này, khi ổng đã già lắm rồi. Vì vậy nên giọng của ổng rất chậm rãi từ tốn và rất ấm áp. Tôi nghe giọng ổng mà tôi bị nghiện luôn là biết sao rồi đó. Ở đâu ra cái giọng nói vừa ấm áp vừa chân tình đến vậy được chớ. Cái có lần nghe ổng giảng về 7 đại nha mọi người, nghĩa là con người được tạo ra không phải từ tứ đại mà là từ thất đại. Lúc nghe bài pháp ấy là tôi đang nằm chứ hổng có ngồi. Vậy mà khi nghe tôi bị chìm vào một trạng thái định. Lúc đó không có biết, sau này mới biết mà mô tả cho mọi người nghe nè! Trạng thái định ấy giống vầy nè: Tự nhiên tôi hòa nhập tan biến luôn vào không gian. Tôi và không gian trở thành một, không hề có ngăn cách ngăn ngại. Bây giờ quán chiếu lại thì tôi biết đó là cái gì – đó là trạng thái vô ngã, nghĩa là sau khi nghe bài pháp ấy tôi thể nhập luôn vào trạng thái vô ngã. Và trạng thái ấy kéo dài luôn nguyên giai đoạn sau đó, nghĩa là tôi thấy tôi và mọi thứ xung quanh chỉ là một, không hề ngăn cách, cái ngăn cách là cái do mình tạo ra, do mình dựng lên chứ nó không phải là cái cố định không phải là cái tự nhiên. Hình ảnh lúc ấy tôi thấy là vầy nè: giống như một bãi cát sa mạc đâu đâu cũng là cát, chỉ toàn là cát giống hệt nhau không hề phân chia, không hề khác biệt nhưng mình đem vách dựng lên từng tấm ngăn che rồi hình thành ra cá nhân cá thể gia đình xã hội, quốc gia và các cảnh giới khác nhau. Tùy cách mình ngăn chia mà nó có hình dạng tương ưng theo cách ngăn che của mình. Dù là vậy như bản chất ai cũng là cát sa mạc y hệt nhau không hề khác biệt. Tôi chìm vào trạng thái ấy sâu lắm đó mọi người. Không có nghĩa là ngồi im đó hổng làm gì. Tôi vẫn ăn uống đi lại sinh hoạt bình thường như mọi người nhưng tôi không còn thấy tôi cách biệt gì với người khác với vạn vật và thế giới nữa. Mà trước khi trạng thái ấy diễn ra, tự nhiên tôi cảm thấy tri ân ông sư già có cái giọng ấm áp này vô cùng. Tôi nhớ lại lúc tôi thể nhập trạng thái ấy là lúc ổng nói đến một câu gì đó. Tôi chỉ bị dính chặt vào đúng câu ấy thôi, còn lại mấy cái khác cứ trôi tuột đi. Lúc ấy câu nói của ổng như dội thẳng vào tim, xoáy thẳng vào óc, và tác động đến từng tế bào trên người tôi. Tôi thấy tri ân ổng quá nên tôi ứa nước mắt. Tôi nói rồi, mỗi khi sự tri ân đến thì tôi đều rơi vào trạng thái thiền rất sâu. Và lần đó là sâu đến mức vậy đó. Tôi vẫn đi đứng ăn uống ngủ nghỉ nhưng trong cả một giai đoạn kéo dài bao lâu thì tôi quên rồi, tôi đều ở trạng thái định trong vô ngã ấy. Mà hình như trạng thái ấy cũng kéo hơi dài chứ hổng có kết thúc ngắn đâu mọi người. Đúng là một kiểu định kỳ lạ, định mà vẫn sinh hoạt nói chuyện bình thường. Đâu có ai nhận thấy có gì khác, chỉ có tự tôi biết từ tâm mình có sự thay đổi mà thôi. Và tôi biết chắc rằng vô số đệ tử của ổng chưa bao giờ đạt được trạng thái này. Cái gì cũng phải có duyên, đúng thời điểm thì mọi việc tự diễn ra. Tôi chưa bao giờ gặp thiền sư Thích Thanh Từ ngoài đời, và tôi cũng chưa bao giờ nhận tôi là đệ tử của ổng, tôi thậm chí còn chưa bao giờ nói tôi là Phật tử nữa thì lấy gì mà làm đệ tử của mấy ông thiền sư. Nhưng mà những việc ấy đâu có quan trọng, quan trọng là tâm truyền tâm có được hay không mà thôi. Mà đúng là tôi có duyên với ổng thật đấy chứ. Mọi việc diễn ra rất kỳ lạ, y như phép màu và tôi chưa từng kể cho ai nghe điều này. Giờ đủ duyên nên mới kể.

Ông tiếp theo là Thiền sư Thích Nhất Hạnh. Dù tôi có đọc sách của ổng nhưng rõ ràng là ổng và tôi không có duyên nha mọi người. Mỗi khi nghe bài thuyết pháp của ổng là tôi bị đau đầu. Không hiểu lý do tại sao. Chỉ nghe ổng nói vài câu thôi là tôi đau đầu liền luôn đó. Nhưng tôi đọc sách hay mấy bài viết của ổng thì không sao. Chắc do tôi không hợp với giọng nói lai Huế của ổng quá. Trong đời chưa bao giờ tôi nghe ổng thuyết pháp, chỉ thỉnh thoảng có đọc sách của ổng. Nhưng ổng không phải là người thường đâu nha mọi người. Thấy một số người quá khích chửi bới nói xấu ổng là tôi biết rồi. Dám chửi ổng đi cưng, ổng hổng phải người thường đâu nha. Bất thối Bồ tát đó. Mà đã là Bất thối Bồ tát thì đâu có ngại bị chửi. Cho nên đứa nào ngu đứa đó mới chửi ổng. Chửi Bất thối Bồ tát giống như đập bóng vào tường bê tông sắt thép, quả bóng chỉ nẩy ngược lại về phía mình thôi chứ có xi nhê gì đến bức tường. Tôi biết ổng là Bất thối Bồ tát lâu rồi nên ổng làm gì thì kệ ổng. Vì Bất thối Bồ tát sống vì hạnh nguyện và làm gì cũng vì hạnh nguyện. Mình đâu phải ổng đâu mà bày đặt phán xét hehehehehe.

Ông giảng sư tiếp theo mà tôi nghe rất khoái là ông Thích Trí Huệ. Tôi là người miền Tây Nam bộ, ổng cũng người miền Tây Nam bộ, nên mã tầm mã, ngưu tầm ngưu là vậy. Tôi nghe giọng của ổng sao có duyên ghê luôn ta. Nghe ghiền quá hà, hôm nào cũng nghe trong suốt cả một giai đoạn, nghe hết bài này đến bài kia, mà ổng thuyết pháp nghe cũng có duyên và hay ghê luôn hà. Nghe mê mẩn một thời gian là thôi. Hết duyên, cũng y như mấy ông ở trên vậy đó. Hết duyên nghĩa là mình lên lớp rồi, hoặc mình chỉ có duyên với họ giai đoạn ấy thôi. Qua giai đoạn khác thì cần người khác trợ duyên cho mình. Còn họ thì hết nhiệm vụ với mình rồi. Đó là lý do tôi nhắc đi nhắc hoài có một câu sến súa: Thấy pháp môn nào, tông phái nào, tôn giáo nào, thầy nào hợp với mình thì mình theo. Theo hoài luôn, đến khi nào hết hợp nữa thì hết theo, tìm người/pháp môn/tông phái khác mà theo. Tôi nói điều ấy từ chính trải nghiệm của mình chứ hổng có nói không không chơi chơi hay nói lý thuyết đâu nha. Bởi nhiều người nói tự lực cánh sinh hổng cần thầy bà hổng cần ai trợ duyên gì cả, tự mình làm nên tất cả. Còn lâu nha cưng! Chớ coi thường tha lực. Hổng có tha lực thì cưng còn lâu mới đứng nỗi chứ đừng nói chi là đắc đạo. Giống như trẻ con trước khi có thể tự đi tự đứng thì cần có tha lực trợ giúp vậy. Mà tôi được tha lực hỗ trợ không chỉ từ mấy ông sư Phật giáo mà còn tu sĩ của các tôn giáo khác nhau nữa kia. Khi đủ duyên tự nhiên mình phải buộc đến gặp họ để họ nhìn mình một cái hoặc đặt tay lên đầu mình hoặc nói gì đó một câu. Chỉ cần như vậy là được trợ duyên rồi chứ đâu cần gì nữa đâu. Cho nên người đắc đạo rồi thì họ tri ân cả tam thiên đại thiên thế giới là vậy. Vì không ai có thể đắc đạo mà không cần tha lực cả. Cái này tôi cũng nói ra từ trải nghiệm của chính mình, hổng có nói đại đâu nha. Khi nào đủ duyên tôi kể cho nghe chuyện tôi được tu sĩ các tôn giáo khác nhau trợ duyên như thế nào. Không nhờ những sự trợ duyên này thì không ai đương đầu nỗi với bản ngã của chính mình đâu. Chính thái tử Sĩ Đạt Ta cũng phải nhờ sự trợ duyên của hai vị thầy Bà la môn giáo của mình đấy thôi. Không có sự hỗ trợ này và không có sự tri ân họ cũng như tri ân tam thiên đại thiên thế giới thì ổng chẳng bao giờ có thể giác ngộ thành Phật toàn giác dưới cội Bồ đề cả. Chính vì vậy mà ngay sau khi đắc đạo ổng nghĩ ngay đến họ nghĩ ngay đến việc thuyết pháp cho họ. Đó là cách thể hiện lòng tri ân đấy. Một số người không hiểu, hạ thấp vai trò của họ xuống đến mức coi thường theo kiểu: Bà la môn giáo làm sao mà bằng được Phật toàn giác. Do không hiểu nên họ mới nói thế! Không có lòng tri ân thầy, không có lòng tri ân các thiện tri thức, không có lòng tri ân tam thiên đại thiên thế giới thì không một ai giác ngộ và đắc đạo cả. Vì tri ân khởi đầu mọi công đức. Bài viết này của tôi nhằm thể hiện sự tri ân đến tất cả thiện tri thức đặc biệt là những người tôi nhắc đến trong bài này đấy chứ! Không có lòng tri ân thì đã không thể giác ngộ rồi huống chi là chê bai chửi bới nha mọi người. Đó là lý do tôi biết rằng: Dù Thích Ca giác ngộ viên mãn nhưng chưa bao giờ không tri ân hai vị thầy Bà la môn giáo của mình cả. Và sự tri ân ấy thể hiện rất rõ ở việc: nghĩ ngay đến việc thuyết pháp cho hai vị ấy đầu tiên.

Ông thiền sư có duyên với tôi tiếp theo là thiền sư Viên Minh. Tôi gặp đệ tử của ổng ở Ấn độ và sư cô ấy có chép mấy bài giảng của ổng cho tôi nghe. Tôi có thèm nghe đâu, có sẳn bài thuyết pháp trong USB nhưng mà hổng có rớ tới. Biết sao không mọi người? Vì chưa đủ duyên, vì duyên chưa tới. Mà chắc ổng cũng tai tiếng dữ lắm nên tôi thấy thái độ của sư cô mà chép cho tôi mấy bài thuyết pháp của ổng có vẻ e ngại và rụt rè sao sao đó. Hổng biết diễn tả sao luôn. Tôi chỉ nhớ lại cái ấn tượng lúc ấy là vậy thôi. Mà thật ra thì tôi cũng có biết ổng là ai đâu. Có mấy bài thuyết pháp của ổng rồi mà tôi có thèm nghe đâu. Tôi lưu ở đó một thời gian cực kì dài. Cái đến một lúc tự dưng thấy tội lỗi sao sao ấy. Sư cô ấy bỏ công chép cho mình mà mình hổng nghe thì cũng là phụ công cổ quá nên tôi mở ra nghe thử xem sao. Đúng là cái gì chưa đủ duyên thì chẳng thể ép. Bài giảng hổng hiểu do cổ chép hay do duyên chưa tới mà nó rè như là radio mà vặn chưa đúng tần số vậy đó. Rè rè rè mà thêm giọng nói lai Huế. Trùi, nghe vài câu là tôi rùng mình đóng lại luôn. Cái tôi bị ấn tượng bởi cái giọng vừa rè vừa lai Huế nên tôi chả bao giờ nghĩ đến chứ đừng nói chi là rớ tới mấy bài thuyết pháp của ổng. Rồi vậy là xong. Tôi nói đi nói lại nhiều lần lắm rồi: Cái gì cũng do duyên và phải đủ duyên thì mới xảy ra được, chẳng thể ép.

Tưởng duyên với ông Viên Minh vậy xong rồi chớ, nhưng thật ra vẫn chưa xong. Trong một lần tình cờ tôi vào được chánh niệm bậc 2 và bậc 3 nha mọi người. Nhờ vậy mà tôi biết rằng chánh niệm có 3 bậc. Thật ra cái mình hay làm chỉ là bậc 1. Miên mật ở bậc 1 thì khi nào đủ duyên tự nhiên vào được bậc 2 và bậc 3. Bậc 2 và bậc 3 đến với tôi liên tục chứ hổng có ngắt quãng. Nghĩa là lúc ấy tôi đang lang thang ngoài vườn, ngẩng đầu nhìn lên ngọn cây, tôi vào được bậc 2. Bàng hoàng vô cùng nhưng tôi vẫn bước tiếp, đến giữa vườn tôi dừng lại, khi dừng lại thì tôi vào được 3. Kinh ngạc dễ sợ luôn, hổng ngờ mình làm được và cũng hổng biết lý do vì sao mình làm được. Ai hỏi làm sao vào là tôi bó tay nha, tự nhiên đủ duyên thì vào được thôi chứ hổng biết, chỉ biết là chỉ cần thường xuyên duy trì chánh niệm ở bậc 1 thì  đến lúc nào ấy tự nhiên vào được bậc 2 và bậc 3. (Có người hỏi chánh niệm bậc 2 và bậc 3 là gì? Hổng nói đâu nha. Khi nào đến đó thì tự biết, hỏi trước để tưởng tượng ra hả? Chẳng có ích lợi gì đâu. Đừng có mà nhiều chuyện hihi.) Ban ngày vào được chánh niệm bậc 2 và bậc 3, ban đêm tôi mở laptop lên, hổng hiểu bằng cách nào hay có ai mở giùm cho thì phải, tự nhiên tôi lại mở trúng bài thuyết pháp của thiền sư Viên Minh về điều đó. Dĩ nhiên là thiền sư Viên Minh dùng ngôn từ khác tôi rồi, nhưng cái trạng thái ấy quả là y như vậy, không sai chút nào. Tôi nghe đến đâu là há hốc đến đó luôn mọi người, vì khi trạng thái ấy xảy đến, tôi còn bàng hoàng chưa biết diễn tả bằng ngôn từ ra sao thì ông Viên Minh này ổng diễn tả giùm tôi hết luôn rồi, đúng từng chút một. Tôi kinh ngạc và duyên giữa tôi và ông Viên Minh là huynh đệ, tôi thấy rõ ràng là huynh đệ luôn đó. Ổng giống như sư huynh của tôi, trải qua trạng thái ấy rồi, tôi cũng qua rồi nhưng do tôi giống như trẻ sơ sinh hổng biết diễn tả ra sao thì ổng nói hộ giùm tôi hết tất tần tật. Tôi vào được trạng thái ấy xong là tôi bị á khẩu luôn, hổng thể diễn tả thành lời, và ông Viên Minh chính là người diễn tả giùm tôi điều ấy qua các bài thuyết pháp của ổng. Cho nên duyên giữa tôi và thiền sư Viên Minh là duyên huynh đệ. Trong suốt một thời gian dài sau đó, tôi lâm vào tình trạng á khẩu, không thể diễn tả cái mình biết sau khi vào được chánh niệm bậc 2 và bậc 3 nên tôi hoàn toàn lệ thuộc vào lời của ổng để diễn tả nó ra bằng lời. Tôi toàn chép lại lời ổng không hà. Và ổng đúng là sư huynh của tôi bởi vì tôi không chỉ chép mà còn học hỏi được rất nhiều từ trải nghiệm của ổng. Tôi chép y chang lời ổng nhưng tôi biết chắc một điều là tôi tự thân trải nghiệm chứ không phải do lời ổng nói mà tôi trải nghiệm, vì tôi trải nghiệm trước rồi tôi mới đủ duyên mà nghe thuyết pháp của ổng, chứ trước đó tôi nghe một lần là rùng mình luôn ấy. Chưa đủ duyên thì chẳng thể ép, khi duyên đến thì mọi thứ tự động vào guồng.

Do duyên đưa đẩy cái tôi đi Sri Lanka và vào trường thiền ở đó. Những kinh nghiệm cũng như trải nghiệm từ trường thiền ấy tôi có kể rải rác khắp nơi rồi đó. Mà cái trải nghiệm kinh dị và ấn tượng nhất tại nơi đó thì tôi vẫn còn ém lại, vẫn chưa kể đâu hà. Đợi khi nào duyên chín muồi rồi mới bung ra hehehehe. Những trải nghiệm từ trường thiền ấy làm tôi chảnh lên. Chảnh mà đâu có biết mình chảnh, giờ mới biết nè! Cái từ Sri Lanka tôi quay lại Ấn độ, rồi tôi mò mẫm đến Bồ đề đạo tràng để dự đạo tràng của Ngài Đạt Lai Lạt Ma. Tôi có lúc ở tại một ngôi chùa Việt Nam. Ở lâu một chỗ cái tôi bị cuồng chân. Cuồng chân muốn đi lắm rồi mà hổng biết làm sao mà đi. Cái có lần có một ông sư Việt Nam đến chùa chơi và ngồi kể lại trải nghiệm của ổng về khóa thiền ở trung tâm thiền Goenka. Thực ra tôi có nghe về hệ thống trung tâm thiền này 5-6 năm trước rồi, thậm chí có đọc vài bài pháp của ông Goenka và thấy đúng là hay thiệt. Nhưng mà nhắc lại lần nữa câu sến súa: Cái gì chưa đủ duyên thì chưa thể đến, đừng có ép. Tôi biết về trung tâm thiền này lâu rồi nhưng tôi chưa bao giờ dự khóa thiền nào cả. Cộng thêm lúc ấy tôi còn chảnh với mấy cái trải nghiệm ở trung tâm thiền ở Sri Lanka nên tôi không nghĩ tôi cần phải tham gia bất kì khóa thiền nào nữa cả. Đã nói rồi cái gì cũng đều có duyên của nó, chẳng theo ý mình được đâu nha. Tôi không hề nghĩ mình sẽ tham dự khóa thiền của Goenka. Nhưng mà ông sư ấy đến chùa chơi và kể kể kể, cái tự dưng tôi nổi hứng lên, thật ra đó giống như là cái phao cứu sinh cho tôi, tôi cuồng chân vì ở một nơi lâu lắm rồi, hổng biết làm sao mà đi, sẳn dịp này lấy cớ dự khóa thiền nên đi một cách danh chánh ngôn thuận, hổng làm buồn lòng ai được nè! Bởi hổng ai muốn gieo nhân ngăn cản người khác tu học cả, gieo nhân cản người thì mình sẽ bị cản trở. Khoái chí nha mọi người. Có sẳn cớ, với lại do duyên tới nên tôi hào hứng cao độ. Tôi mượn điện thoại của một vị tại chùa vào ngay mạng truy lùng trung tâm thiền. Bồ đề đạo tràng thì đầy rồi, nơi gần nhất mà còn nhận người vào là ở thành phố Calcutta và khóa thiền khai giảng 2 ngày sau đó. Heheheheh khoái chí tử tôi đăng kí luôn tích tự và chẳng bao lâu nhận được trả lời chấp nhận cho tôi tham gia. Tôi rủ hết người này đến người kia đi với tôi, nhưng họ chưa đủ duyên nên luôn có lý do từ chối. Vậy là ta có thể đường hoàng rời chùa đi đây hahahaha. Vui quá! Đi dự khóa thiền chứ có phải đi chơi đâu, nên đâu ai dám ngăn.

Thật sự tôi đến khóa thiền là do đó là phao cứu sinh cho tôi thoát khỏi tình trạng ở một nơi quá lâu bị cuồng chân, cộng thêm tâm lý tò mò muốn biết nó ra sao. Thật ra tôi có sự khinh khỉnh trong đó nha mọi người. Để chụy vào học xem sao mà nhiều người nói đến nó quá vậy. Tôi đến với khóa thiền với tâm trạng vừa khoái (vì thoát) vừa tò mò vừa khinh khỉnh. Ngày đầu tiên mọi việc diễn ra y như thời khóa biểu. Tôi nói mọi người điều này nha! Tôi là dân ở chùa ở trung tâm thiền lâu năm lâu đời trong vô số kiếp nên thật sự mà nói tất cả mọi nội quy hay không khí trầm tĩnh im lặng trong mấy trung tâm thiền chưa bao giờ xa lạ với tôi dù tôi lần đầu đi thiền hay lần đầu bước chân vào đó. Lần đầu tiên tôi vào trung thiền là ở Sri Lanka. Trong đời tôi, đó là lần đầu tôi bước chân vào một trường thiền nhưng mà sao tôi thấy nó quen thuộc quá trời quá đất, tôi cảm thấy dễ chịu y như người xa quê lâu năm trở về thăm quê vậy đó mọi người! Tôi vào thời khóa biểu y như cỗ máy vào guồng, tự nhiên khớp vậy chứ tôi chẳng có phải cố gắng cố sức gì cả. Quê cũ mừ, cái gì cũng quen thuộc. Cho nên tôi nói tôi là thiền sinh mới chả ai tin, vì tôi quen thuộc mọi việc quá chừng. Và thực sự mà nói các trung tâm thiền mới chính là nhà tôi, vì tôi quen với bầu không khí trong ấy quá chừng luôn mừ! Cho nên giờ ai hỏi: nhà tôi ở đâu thì tôi trả lời là: Các trung tâm thiền.
Tôi là thiền sinh lâu năm từ nhiều kiếp trước chứ kiếp này tôi là thiền sinh mới mấy cha ơi! Vậy mà có lần tôi bị oan ở trung tâm thiền Goenka nha mọi người! Thiền sinh mới lần đầu tham dự khóa thiền này mà sao làm gì cũng trơn tru, cái mọi người nghĩ tôi nói xạo, nghĩ tôi là dân chuyên lượn lờ mấy trung tâm thiền đây này. Thật ra trên thế giới có một số người đi thiền, nghĩa là trung tâm thiền nào cũng vào ở, ở một thời gian rồi qua trung tâm thiền khác, cứ vậy mà suốt tháng suốt năm toàn là ở trung tâm thiền. Do nhiều trung tâm thiền miễn phí nên một số người bản địa lẫn dân đi bụi hay làm vậy lắm. Nghĩa là dùng trung tâm thiền làm chỗ cưu mang mình. Chỉ cần canh thời gian thôi thì quanh năm suốt tháng khỏi làm gì cả, cứ ăn ở trong các trung tâm thiền mà thôi. Ở mấy nước Phật giáo Nam tông và Ấn độ hay có vụ này nên mọi người nghi ngờ tôi cũng vậy đó. Tôi khai tôi là thiền sinh mới mà từ cách ngồi thiền cho đến mọi sinh hoạt tôi đều vào guồng ngon lành gọn hơ. Tôi bị oan thiệt mà. Ngay cả bạn thiền chung với tôi sau khi khóa thiền kết thúc cũng nói y chang vậy. Họ bảo nhìn tôi lúc ngồi thiền oai nghi như một thiền sư đúng nghĩa chứ chẳng giống thiền sinh gì cả. Oai nghi đến mức vầy nè mọi người! Sau khi khóa thiền kết thúc, một cô bạn thiền sinh rủ tôi về nhà cô ấy ở vài ngày. Tôi theo về. Gia đình này thuộc dạng trí thức, toàn là tiến sĩ và thạc sĩ, họ theo đảng Cộng sản nên họ vô thần, không tôn thờ tôn giáo nào cả. Cô ấy đi học thiền là do cô ấy là chuyên gia tư vấn tâm lý nên nghĩ rằng khóa thiền giúp cô ấy sẽ tư vấn giỏi hơn cho nên đi học chứ không phải vì mộ đạo hay muốn giác ngộ mà đi. Nhưng mà khóa thiền 10 ngày đã thay đổi cô ấy, cô ấy chuyển sang mê đạo. Nhưng cha mẹ cô ấy là những trí thức vô thần. Họ chẳng tin bất kì tôn giáo nào cả. Hôm đầu ở nhà cô ấy, buổi tối tôi rủ cô ấy ngồi thiền. Sau đó mọi người kể cho tôi nghe rằng: Lúc tôi và cô ấy thiền trong phòng cô ấy thì cha cô ấy muốn vào phòng để lấy vật gì đó. Nhưng khi vừa chạm đến cửa phòng, nhìn thấy dáng ngồi thiền oai nghi của tôi, chẳng khác gì dáng ngồi của những thiền sư hay bậc giác ngộ mà họ thường thấy trong phim hay trong tranh ảnh. Nhìn thấy vậy ông ấy đột nhiên nảy sinh sự kính trọng và lui ra ngoài, không dám bước chân vào phòng nữa vì sợ bất kính trước một sự oai nghi như vậy. Tôi ngồi thiền xong, xả thiền đi ra ngoài thì họ kể cho tôi nghe vậy đó. Ông ấy bảo ông ấy vô cùng kinh ngạc vì tưởng sự oai nghi từ hành giả ngồi thiền chỉ có trong phim hay trong tranh ảnh thôi chứ tận mắt chứng kiến ở ngoài đời thì đúng là không thể tưởng tượng nỗi. Mà thật sự là lúc đó tôi đang ở trạng thái định sâu, cái trạng thái định mà từng tế bào đều hoan hỉ từng giọt máu đều hỉ lạc. Khi nào vào trạng thái định ấy thì không cần làm gì cà, lưng tự thẳng, cổ tự thẳng mọi thứ tự vào guồng chứ tôi không có khởi ý làm cho lưng thẳng đâu nha mọi người. Mỗi khi tôi vào trạng thái định hỷ lạc ấy thì tôi thấy rất rõ là dáng ngồi tự thẳng, các bộ phận trên cơ thể tự điều chỉnh để có dáng ngồi thẳng ấy, chúng nó tự làm chứ tôi không hề khởi ý làm. Có lần tôi thử làm ngược lại, tự nhiên lưng tự thẳng tôi cố ý gồng cho nó cong xuống thử xem sao. Không cong được nha mọi người. Cho nên cái khởi ý của tôi không liên quan gì đến lưng cả. Khi nó muốn thẳng là nó thẳng, tôi gồng cho nó cong mà nó nhất định không cong, vì đó là ý của tôi đâu phải là ý của nó đâu mà nó cong. Cho nên mọi người thường bảo ngồi thiền lưng thẳng này nọ thì theo tôi chẳng cần, chỉ cần vào trạng thái định hỷ lạc thì cơ thể tự nó điều chỉnh. Chính vì cơ thể tự điều chỉnh nên sự oai nghi mới phát khởi, vì điều đó là tự nhiên, vì đó là quả của cái định hỷ lạc, chứ không do khởi ý. Nếu mình khởi ý cho nó thẳng thì ấy là cái thẳng do mình muốn chứ có phải do nó tự thẳng đâu. Túm lại muốn dáng ngồi oai nghi thì cứ vào định hỷ lạc đi nha mọi người! (Trạng thái định này chắc có thuật ngữ chuyên ngành nhưng mà tôi chả quan tâm, tôi thích gọi nó là định hỷ lạc thì cứ thế mà gọi thôi)

Bây giờ quay trở lại khóa thiền đầu tiên của tôi tại trung tâm thiền ở thành phố Calcutta nha mọi người! Như đã nói, tôi đến với khóa thiền là do tò mò cộng thêm sự khinh khỉnh theo kiểu: Chụy xem chúng mày làm giề ở đây này! Tôi nghĩ nhiều người cũng có trạng thái khinh khỉnh ấy nhưng không nhận thấy ra mà thôi. Đêm đầu tiên, theo lịch lúc 7h tối là chúng tôi tập trung lại trước màn hình để nghe bài thuyết pháp của thiền sư Goenka. Trung tâm thiền Goenka có điểm đặc biệt là tất cả mọi trung tâm thiền khắp nơi trên thế giới đều chỉ thiền theo đúng một vị thầy duy nhất, đó là Goenka. Cho nên hằng ngày mọi người nghe hướng dẫn thiền từ thu âm bằng tiếng bản địa và tiếng Anh (chính giọng của thiền sư không có phiên dịch vì thiền sư nói được tiếng Anh), mỗi tối nghe thuyết pháp bằng video thu lại từ các buổi thuyết pháp thật sự của thiền sư. Tất cả trung tâm thiền trong hệ thống này đều phải tuân theo phương pháp thiền duy nhất do đích thân thiền sư Goenka dạy. Và chỉ có duy nhất một giảng sư là thiền sư Goenka, còn lại đều là trợ giảng. Họ giống như tình nguyện viên vậy đó, tham gia hỗ trợ các khóa thiền với tư cách trợ giảng và họ làm việc miễn phí. Họ giải đáp những thắc mắc phát sinh của học viên, và hỗ trợ học viên trong việc hành thiền. Họ không được phép đề ra phương pháp nào cả. Tôi còn được dạy rằng khi lời họ nói không giống lời của thiền sư Goenka thì mọi người nhất nhất phải nghe lời thiền sư chứ không nghe lời họ. Cho nên dù thiền sư viên tịch nhưng mọi trung tâm thiền hằng ngày cũng như hằng đêm đều mở băng thu âm và thuyết pháp của ông cho thiền sinh nghe.

Lúc nghe thuyết pháp là chia thành hai nhóm. Nhóm người bản địa, người Ấn nghe bằng tiếng Ấn thì nghe tại thiền đường do họ đông hơn. Còn người nước ngoài và người không nghe được tiếng Ấn thì nghe ở phòng khác, nghe bằng tiếng Anh. Tôi và mọi người kéo vào phòng nghe băng thuyết tiếng Anh. Tối, muỗi quá trời muỗi, vo ve nhức óc luôn. May là tôi cũng nhanh trí chạy ra ngoài đốt ngay nhang muỗi đem vào. Vậy mà muỗi vẫn bu. Lúc ấy là cuối mùa đông, trời còn lạnh nên ai cũng đem theo khăn choàng to hoặc mền để đắp cho ấm. Phòng này chỉ toàn thiền sinh nước ngoài, số lượng ít, hổng có trợ giảng nào cả, cộng thêm muỗi đốt chân quá trời nên mọi người ai cũng kéo hai cái ghế và đặt luôn chân trên ghế. Tôi ngồi gác chân chữ ngũ trên một cái ghế chờ xem ông thiền sư này ổng muốn nói cái gì đây. Màn hình nhấp nháy nhấp nháy, rồi thiền sư Goenka hiện ra trên màn hình, mở đầu là lời chúc mọi người bằng tiếng Pali. Lúc ấy thiền sư già lắm rồi. Tôi nghe lời chúc bằng tiếng Pali chậm rãi ngân nga. Trùi, không ngờ tôi bị đột biến luôn mọi người. Hổng biết ai từng tham dự khóa thiền này có cảm xúc giống vậy không nữa. Cảm xúc lúc ấy của tôi y hệt như cảm xúc tôi từng có khi nghe hòa thượng Thích Thanh Từ nói một câu gì đó trong bài giảng về thất đại. Một giọng nói ấm áp truyền cảm và vô cùng từ bi đi thẳng vào tim vào não vào từng tế bào, giọt máu của tôi nha mọi người. Thiền sư từ tốn đọc lời chúc bằng tiếng Pali mà tôi bị chấn động đến vậy. Mọi sự tò mò khinh khỉnh kiêu căng ngã mạn của tôi rớt sạch không vương dấu tích, tôi hoàn toàn quy phục thiền sư và sẳn sàng nghe theo mọi hướng dẫn của Ngài, không một sự chống cự hay chống đối nào cả. Túm lại, giây phút ấy là giây phút tôi quy y thiền sư thật sự luôn đó. Tự nhiên tôi thấy hai chân mình ngồi xếp bằng trên ghế trong một trạng thái tôn sùng vô cùng kính trọng và tôi còn không dám thở mạnh nữa nha mọi người. Tôi sợ hơi thở của tôi làm tổn thương sự kính trọng của tôi đối với thiền sư. Lúc đó mà tôi chỉ có một mình là tôi quỳ sụp xuống lạy thiền sư luôn đó. Tôi ngồi nghe thiền sư thuyết pháp một cách chăm chú, nín thở để nghe, uống từng lời, và luôn trong trạng thái hai chân xếp bằng. Và đó là cách mà tôi nghe thuyết pháp trong suốt khóa thiền 10 ngày ấy. Nghe trong sự quy phục kính trọng và uống từng lời. Dù buổi đầu tiên thiền sư không nói nhiều về phương pháp nhưng mà tôi ngồi nghe với sự tri ân và mắt ứa lệ, tôi tri ân thiền sư đã dạy thiền cho tôi với sự từ bi vô đối như vậy. Túm lại ngay phút đầu tiên là bản ngã của tôi bị hạ đo ván, hết dám ngóc đầu dậy trong suốt khóa thiền. Nhờ vậy mà tôi thiền y như thiền sinh lâu năm dạn dày kinh nghiệm chứ chẳng giống thiền sinh mới tí nào. Giờ tôi hiểu vì sao có câu nói: Muốn vào thiền đường thì phải bỏ dép bên ngoài, nghĩa là bỏ bản ngã bên ngoài, phải quy y vị thầy dạy thiền, hoàn toàn quy phục, không chống đối không kháng cự lại bất cứ điều gì thầy giảng. Như vậy mới có thể đạt đến tận cùng của phương pháp thiền ấy. Tôi đã làm được điều ấy đó đấy mọi người bởi vì bản ngã tôi hoàn toàn quy phục và ngã quỵ ngay giây phút nghe thiền sư ngân nga câu chúc bằng tiếng Pali. Đó đúng là một phép màu. Ngay câu đầu tiên mà tôi đã quy phục và tri ân thiền sư sâu sắc đến vậy rồi. Tôi có quán sát mấy thiền sinh nước ngoài khác thì thấy hổng ai có sự thay đổi giống tôi cả. Biết sao tôi biết không, vì ngồi nghe pháp mà họ chỉa thẳng chân về phía màn hình, trong khi tôi xếp bằng đến độ mỏi chân mà không dám duỗi ra để thư giãn luôn đó.  Khi bản ngã chưa quy phục nghĩa là chưa chịu bỏ dép bên ngoài thiền đường thì nói gì cũng giống như nước chảy đầu vịt thôi nha mọi người. Và tôi biết vì sao phải mất đến 5-6 năm thì tôi mới tham dự một khóa thiền của thiền sư Goenka. Vì phải đủ duyên thì bản ngã tôi mới chịu quy phục trước thiền sư thì tôi mới thiền được, bằng không chỉ là dạo chơi cho vui mà thôi. Nhắc lại câu sến súa: Cái gì cũng do đủ duyên mới thành, có cố ép cũng chẳng được. Một số người nghe tôi nói về khóa thiền của Goenka thì háo hức muốn tham dự. Chưa đủ duyên, nếu có tham dự thì cũng chỉ là tò mò dạo chơi cho biết thôi. Nếu đủ duyên rồi thì tự dưng bị buộc phải vậy không thể nào làm khác hay chống lại được đâu nha mọi người!

Chưa đủ duyên mà cố ép cho bằng được (vì tò mò) thì chẳng thể chạm được vào chỗ tận cùng của phương pháp/ pháp môn/ tông phái ấy . Khi ấy rất dễ buông lời phỉ báng chê bai. Vậy là càng ngày càng tự tách mình ra xa mà thôi.

Cho nên nếu mình nghe ai đó nói về một pháp môn nào đó với một sự phỉ báng và tự cho rằng mình đã hành qua rồi nên biết rõ như vậy nên mới phỉ báng như vậy thì điều ấy có nghĩa là vị này chưa có duyên với pháp môn ấy, chỉ đến vì sự tò mò nên chẳng thể hiểu nỗi phương pháp ấy nên mới phỉ báng như vậy.
84 ngàn pháp môn đều ngang nhau, không pháp môn nào cao trội hơn pháp môn nào, chỉ có phù hợp hay không phù hợp mà thôi. Bất cứ khi nào tự tâm mình xuất hiện sự phỉ báng chê bai một pháp môn nào đó thì điều ấy có nghĩa là mình chưa có duyên với pháp môn ấy, nói cách khác là duyên mình và pháp môn ấy chưa chín muồi. Bất kì ai chạm được đến điểm tận cùng của một pháp môn đều không thể phỉ báng. Chẳng những vậy mà còn tri ân. Vì pháp môn ấy, phương tiện ấy đã giúp mình chèo chống qua một giai đoạn nào đấy, khi qua rồi thì mình chỉ có sự tri ân và kính trọng chẳng thể khởi ý phỉ báng được.
Tương tự, bất kì ai sau khi học pháp hay nghe thuyết pháp của một vị thầy mà khởi ý chê bai phỉ báng thì cũng nên tự biết rằng mình chưa hiểu đến tận cùng điều vị ấy nói. Vì chưa hiểu tận cùng nên mới có thể chê bai và phỉ báng như vậy. Nếu đã hiểu tận cùng rồi thì chỉ có sự tri ân và kính trọng cho dù hiện tại vị thầy ấy không còn phù hợp với mình nữa. Khi đến tận cùng một pháp môn hay hiểu tận cùng lời của một vị thầy thì mới xem như mình qua được lớp học ấy hay giai đoạn ấy và hoàn toàn có thể bước qua giai đoạn khác hay cấp học khác. Khi chưa đến chỗ tận cùng, còn khởi ý chê bai phỉ báng thì còn dính mắc, còn phải quay lại pháp môn ấy hay vị thầy ấy để học cho đến tận cùng, cho đến khi trong tâm chỉ tràn ngập sự tri ân và kính trọng mà thôi. Cho nên trong 84 ngàn pháp môn, pháp môn nào mình xong rồi thì tự nhiên một sự tri ân và kính trọng được khởi lên từ bên trong, khởi lên một cách tự nhiên, không do chủ ý của bản thân. Khi ấy mới biết rằng mình thật sự xong một pháp môn rồi đó nha mọi người!

Mọi người thấy lạ ghê chưa! Còn vướng mắc thì mới có phỉ báng chê bai nói xấu. Hết vướng mắc thì chỉ có sự tri ân và kính trọng mà thôi. Trong ứng xử đời thường cũng vậy đó. Còn vướng mắc ân oán nợ nần với ai đó thì mình còn nói xấu chê bai phỉ báng họ. Khi nào mọi ân oán đứt sạch thì mình chỉ tràn ngập sự kính trọng và tri ân họ mà thôi. Cho nên ai thường nói xấu người này người nọ việc nọ việc kia là người ấy còn vướng mắc ân oán từa lưa, còn ai hổng thấy bất cứ ai hay thứ gì đáng để chê bai chỉ trích nói xấu nữa cả trái lại chỉ thấy tri ân và kính trọng thì người này ân đoạn oán tuyệt với tất cả rồi đó nha bà con hehehehe.

P.s Chừng nào tôi còn giữ chức Quỷ Vương thì chừng ấy ân oán giang hồ còn ngập tràn nè hehehehehehehe. Nhưng mà chụy thích vậy đó, được hơm?

Bài tiếp theo: KỂ TIẾP VỀ DUYÊN CỦA TÔI VỚI MẤY ÔNG THIỀN / GIẢNG SƯ.

8 nhận xét:

  1. Tui xin cám ơn người viết những điều chia sẻ trên đây. Rất hữu ích và thú vị. Có mấy điều tui tự suy sau: Thầy Thanh Từ dạy muốn giải thoát thì lấy không đại làm thân, kiến đại làm tâm tức nhập pháp thân (trong phần thất đại ). Thứ hai từ chánh niệm bậc1 qua bậc2 tui phải mất 24 năm (còn chánh niệm bậc3 thì chờ chị Dung trợ duyên!). Thứ ba, khi đọc bài của chị thì tui có tâm trạng như chị là thầy Viên Minh, con tui thì giống bà Chụy vậy. Chị thì đang hát mà tui thì bập bẹ học theo!...Ai có duyên với blog này, cảnh giới không gian bốn chiều, thì đọc bài này sẽ thấy ích lợi.

    Trả lờiXóa
  2. Mình đang bậc 0.ha ha. Đúng là có duyên mà. Thank you, i love you.

    Trả lờiXóa
  3. "..., chỉ biết là chỉ cần thường xuyên duy trì chánh niệm ở bậc 1 thì đến lúc nào ấy tự nhiên vào được bậc 2 va bậc 3.". Thật đáng ghi nhớ!

    Trả lờiXóa
  4. Trong thời gian này thật là tinh tấn và hỷ lạc(thật ra là bận rộn và thăng hoa). Vừa đọc Đường Xưa Mây trắng của thầy Nhất Hạnh, vừa chiêm nghiệm những bài đăng, bài viết của chị Dung. Tại sao đến thời điểm này tôi mới gặp duyên kỳ ngộ này! Một tác phẩm rất quen và rất xưa; và những bài viết rất rất lạ và rất mới. Hổng hiểu sao ra sao cả. Đang lai rai mừ !!! Xin tri ân các tác giả thiền sư.(Tôi chưa từng đọc ĐXMT. Do duyên kiểm tra lại đống sách cũ chuẩn bị đi hủy, tôi thu hồi lại được cuốn ĐXMT và hai cuốn kinh thánh, Tân ước và Cựu ước )

    Trả lờiXóa
  5. Cuốn ĐXMT có 3 tập mà tui mới đọc xong tập 1. Sách cũ chữ rất mờ rất khó đọc... Cái gì cũng do nhân quả, do duyên...AUM.

    Trả lờiXóa
  6. Có AUM là không do nhân quả, chẳng ngại duyên...

    Trả lờiXóa
  7. Theo như ý trên thì chánh niệm còn 1 bậc nữa. Nhưng bất khả tư nghì hihihi

    Trả lờiXóa
  8. ..."Cho nên mọi người thường bảo ngồi thiền lưng thẳng này nọ thì theo tôi chẳng cần, chỉ cần vào trạng thái định hỷ lạc thì cơ thể tự nó điều chỉnh"

    --> Uh, đồng ý, bên nếu bạn ngồi thẳng thì tốt, không đc hay chưa dc không phải sai. Đến lúc tự động năng lượng hay hơi thở sẽ hôz trợ giật thẳng làm chúng ta thẳng tự nhiên vậy đó.

    Trả lờiXóa