Thứ Ba, 3 tháng 4, 2018

Vì sao nhiều người rất sợ khi phải trình pháp hay gặp mặt trực tiếp với các thiền sư đúng nghĩa?

Lý do là vầy nè: Tôi trải qua rồi nên tôi biết. Do duyên đưa đẩy cái tôi lọt vào một trung tâm thiền trong thời gian ở tại Sri Lanka. Thời gian đầu hổng có miên mật gì cả đâu, ăn ngủ như heo thôi, nhưng mà vị ni trưởng khu ấy tỏ ra ưu ái người nước ngoài nên vị này trưa nào đến giờ trình pháp với thiền sư cũng đến khu người nước ngoài bắt từng người một phải đến trình pháp, mà còn được ưu tiên trình pháp trước người địa phương nữa chớ. Ta nói, thời gian đó là thời gian kinh hoàng vô cùng, bởi vì số lượng người nước ngoài cực ít so với người bản địa, mà còn được lưu tâm một cách đặc biệt như vậy nên không ai trốn được cả. Mà vị ni trưởng này mới được chuyển đến đây khoảng 1 năm thôi, trước đó rất ít gặp người nước ngoài, bây giờ được ở chung khu, được hành thiền chung nên rất thích, lúc nào có cơ hội là tận dụng tiếp cận để thực tập tiếng Anh (bởi trung tâm thiền cấm nói chuyện ngoài những chuyện cực kì cần thiết và chỉ có vị ni trưởng mới được nói với mọi người.) Cho nên thời gian xuống phòng từng người để “lôi” ra đi trình pháp cho thiền sư là thời gian được tiếp cận và nói tiếng Anh thoải mái với người nước ngoài nên vị ni trưởng này cực kì hăng hái làm công việc này. Trong khi tụi tui sợ gần chết cái giờ trình pháp ấy. Nghe tiếng vị ni trưởng từ bên ngoài là mọi người nhìn nhau tự hỏi: Đâu có gì đâu để trình mà sao ngày nào cũng bắt tụi tui đến đó trình hết vậy. Xong rồi ai cũng lắc đầu hổng chịu ra. Còn vị ni này lại quá nhiệt tình và hăng hái, phải ép cho bằng được từng người ra. Trùi ui khổ quá, ép dầu ép mỡ ai nỡ ép đi trình pháp hihi. Hôm nào cũng như hôm nấy. Có người ra ngoài cho vị ni này thấy mặt xong rồi trốn trở vô phòng. Điểm danh thấy thiếu người cái vị ni bắt tôi vô phòng lôi họ ra. Tự nhiên tôi gián tiếp trở thành trợ tá cho “cai ngục.” Thiệt tình lúc ấy chẳng khác nào cai ngục và tôi vẫn còn nhớ lại nỗi kinh hoàng mỗi khi buộc phải trình pháp mà lại chả có gì để trình. Toàn ăn với ngủ không hà, có thiền gì đâu mà trình hehehe. Nhớ lại giai đoạn ấy vui ghê là vui!

Nhưng mà cái gì cũng vậy hết đó nha mọi người. Bất cứ chuyện gì xảy ra cũng đều do đủ nhân đủ duyên, bất cứ người nào xuất hiện cũng là đúng thời điểm. Giờ nghĩ lại tôi thấy đúng là vị ni trưởng này là bồ tát trợ duyên cho tôi vô cùng. Hổng có sự nhiệt tình ép buộc của vị này thì còn lâu tôi mới miên mật hà. Lười biếng quen thói rồi, ăn ngủ vẫn sướng hơn ngồi thiền.

Nước chảy đá mòn. Chỉ sau một thời gian chứng kiến sự hăm hở và nhiệt tình vô đối của vị ni trưởng cùng sự ưu ái của vị này cũng như của thiền sư và của cả thiền sinh bản địa dành cho chúng tôi. Họ lúc nào cũng nhường cho chúng tôi trình pháp trước. Cộng với sự cúng dường thức ăn vô cùng ngon của Phật tử mỗi ngày. Cái tự nhiên tôi thấy cảm động quá vì mình được ưu ái được tiếp đón được chiêu đãi ngoài sức tưởng tượng. Cảm động xong cái tôi biết ơn họ, cái tự nhiên tôi buộc phải thay đổi thái độ nha mọi người. Thật ra nhìn bề ngoài hổng ai biết là tôi làm biếng đâu vì tôi tuân thủ mọi quy tắc và giờ giấc của trung tâm thiền, không hề vi phạm gì cả, nhìn có vẻ miên mật, nhưng chỉ có tự tôi mới biết là tôi có miên mật gì đâu, tôi giãy đãy làm biếng muốn chết. Lừa người chứ sao lừa mình được chớ. Còn vị ni trưởng thấy chúng tôi có vẻ miên mật nên cũng rất hăng hái nhiệt tình giúp chúng tôi. Bởi, vẻ ngoài lừa dối là vậy đó hehe.

Nhưng mà sau khi phát tâm cảm động và biết ơn trước tấm chân tình của cả trung tâm thiền dành cho mình cái tự nhiên tôi vào guồng được nha mọi người. Giống như bánh xe một khi quay đúng khớp rồi thì cứ thế mà lăn không gì cản lại được. Bánh xe cứ chậm rãi và từ tốn lăn từng vòng từng vòng một, rất thong thả và thư thái nhưng không gì cản trở được, cứ vậy mà nghiền nát mọi chướng ngại để mà tiến lên thôi. Lúc này mới gọi là miên mật nè! Miên mật nghĩa là sự định tâm ghê gớm, nhất tâm cao độ, toàn bộ thân tâm đều hướng về một phía. Thật ra lúc đó tôi cũng không nhận biết ra điều này, nhất tâm đến mức vậy đó. Nhưng mà lúc ấy tự dưng tôi có một nguồn năng lượng bất tận, nghĩa là không bao giờ cạn, tôi tập trung vào tuệ phân tích, không bao giờ chán, miệt mài ngày qua ngày. Tất cả mọi thứ được tiếp nhận thông qua sáu căn đều hướng về đó. Tôi không để ý đến bất cứ thứ gì, sẳn sàng lăn xả, sẳn sàng lao vào làm tất cả mọi công việc mà tôi thấy cần thiết để giúp tôi tìm ra câu trả lời. Mà khi câu trả lời đến thì câu hỏi khác lại xuất hiện. Khi sự nhất tâm đến cao độ thì tôi không hề sợ trình pháp nữa mà tôi mong chờ giây phút được trình pháp. Túm lại tôi cần chia sẻ với thiền sư về từng bước tiến của mình hằng ngày và hằng ngày. Tôi mong chờ giây phút được chia sẻ ấy chứ không hề sợ hãi trốn tránh nữa.

Nhưng mà nhờ vậy mà tôi mới biết rằng, chỉ có hai hạng người không bao giờ sợ hãi khi trình pháp, và hai hạng người này có một điểm giống nhau, đó là sự nhất tâm, gọi là định, khi toàn bộ tâm trí tập trung vào một điểm thì sợ hãi không thể phát khởi. Sợ là do thất niệm do tâm loạn mới sợ. Còn khi tâm định khi nhất tâm vào một điểm thì nỗi sợ hãi không tồn tại luôn chứ đừng nói chi là phát khởi. Cho nên kẻ sợ hãi là kẻ tâm loạn, tâm bất định, đã vậy thì có trình pháp cũng chẳng ăn thua gì đâu. Cho nên thường những kẻ này chẳng tiếp cận nổi thiền sư đâu.

Kẻ tiếp cận được thiền sư là kẻ nhất tâm thì có hai dạng. Thứ nhất là muốn bắt bẻ thiền sư, gọi là đánh đố, cho nên toàn bộ tâm trí tập trung vào sự thắng thua, vào sự tranh luận, lý luận. Thứ hai là kẻ nhất tâm vào con đường giác ngộ giải thoát, chỉ có duy nhất việc này là nung nấu tâm trí họ, còn lại thì chẳng quan tâm đến bất cứ vấn đề nào nữa cả. Kẻ này được gọi là Thật tâm cầu đạo, cho nên có khi thiền sư chẳng cần nói lời nào mà cũng có thể bùng vỡ chợt tỉnh cơn mê. Vì tâm trí miên mật hướng vào một điểm nên khi đủ duyên thì bùng vỡ thôi. Còn kẻ thứ nhất thì mang tâm hơn thua đi gặp thiền sư, tâm trí dồn vào sự thắng thua mà thôi. Kẻ này thì cũng tiếp cận được thiền sư nhưng khó mà bùng vỡ mê tình vì tâm hướng không đúng mục tiêu, thay vì hướng vào hồng tâm để bắn thì lại hướng vào ngoại biên mà bắn lung tung. Nếu phải dùng ngôn từ để diễn tả thì đây gọi là Tà Định, còn trường hợp kia là Chánh Định. Và chỉ có Chánh Định mới có thể giúp bùng vỡ cơn mê thôi nha mọi người.

Qua trải nghiệm này thì tôi học được hai bài học:

Bài học thứ nhất: Tri ân là khởi đầu mọi công đức. Nếu tôi không thật tâm phát khởi lòng tri ân thì tôi còn ăn ngủ như heo dài dài dù bề ngoài có vẻ miên mật. Mà tôi để ý thấy rồi nha mọi người. Mỗi khi tôi khởi lên lòng tri ân sâu sắc một ai hay một điều gì thì giống như có phép màu xảy ra vậy đó. Ví dụ như khi nào tôi bắt đầu buổi thiền bằng cách phát khởi lòng tri ân. Tự dưng đủ duyên thì lòng tri ân tự khởi chứ hổng phải là do dụng tâm khởi nó đâu nha. Dụng tâm là có bản ngã xen vào rồi. Còn đủ duyên là do Nhân quả tự vận hành. Chỉ cần lòng tri ân khởi lên tôi ứa nước mắt rơi lệ thì tôi vào thiền rất sâu, sâu tới mức vầy nè: Tôi thấy từng tế bào trong người tôi đều hoan hỉ, từng giọt máu đều hỉ lạc. Nhưng mà cái trạng thái cũng vô thường thôi. Nó đến được thì nó đi được.
Tri ân là khởi đầu mọi công đức, đó là lý do mà người ta đề cao chữ hiếu đến cực độ. Hiếu thực ra chính là sự tri ân đối với cha mẹ, và sự tri ân này phải xuất phát từ tự trong sâu thẳm và phải do đủ nhân đủ duyên mà ra, chứ không phải do mình khởi ý hiếu là mình có hiếu đâu nha. Túm lại, Hiếu chính là tri ân đó mọi người. Nhờ học ra bài học qua trải nghiệm trên mà tôi ngộ ra điều này đấy nha!

Bây giờ ai mà nói : Hiếu đứng đầu vạn hạnh thì mọi người hiểu ra tại sao rồi đó. Nó phải xuất phát từ bên trong tự thân mình ngộ ra kìa chứ hổng phải nghe người ta nói rồi mình ép lòng ép dạ hiếu cho bằng được để được đứng đầu vạn hạnh đâu nha hahahaha.

Bài học thứ hai đó là bài học về sự miên mật. Khi tôi nói miên mật, cái một số người hiểu miên mật là ép lòng ép dạ phải làm như vậy, quyết tâm ghê rợn, thà chết không lùi bước. Thật ra đó là tâm chộn rộn chứ không phải tâm miên mật. Tâm miên mật rất tĩnh lặng chứ không hề chộn rộn. Tĩnh lặng nhưng lại bền bì dẻo dai y hệt như nước, nhìn thấy vậy như mà có thể đâm thủng cả núi đá. Tâm miên mật là tâm không vội vã ồn ào, từ tốn chậm rãi nhưng lại bất tận không bao giờ dừng lại, cứ từ từ mà lăn miết lăn miết. Còn tâm chộn rộn thì có vẻ quyết chí ghê gớm nhưng mà lại giống như sắt, rất dễ gãy khi gặp chướng ngại dù là nhỏ nhất. Nước bền bĩ đâm thủng núi, còn tâm miên mật bền bĩ đâm thủng vô minh.

Do không phân biệt được tâm miên mật và tâm chộn rộn nên thường mình rơi vào tâm chộn rộn mà mình cứ ngỡ là mình miên mật không hà. Thật ra nếu bản thân chưa từng trải qua sự miên mật thì không bao giờ có thể hiểu tâm miên mật là gì đâu. Phải trải qua rồi mới biết và mới tự thấy xấu hổ khi mình lấy tâm chộn rộn làm tâm miên mật hihi.

2 nhận xét:

  1. Mỗi lần lên mạng là có hàng ngàn, hàng vạn bài viết và video sẵn sàng phục vụ...Vậy mà sau khi đọc những bài viết này là cá nhân tui như trúng bùa mê. Càng đọc càng thấm lại càng khó dứt ra. Hình như nó đã ăn tới tâm trí và xương tủy rồi thì tuyệt!!! Ai hổng tin thì phản biện thử xem. Đúng là nói từ tâm chân thật, từ tự tánh lưu xuất. Tới bao giờ con mới theo kịp hả MẸ!

    Trả lờiXóa