Thứ Sáu, 6 tháng 4, 2018

Nói qua về pháp môn THIỀN CHỬI

Một số diễn đàn Phật Pháp vẫn có dùng pháp môn này nhưng không phải ai cũng biết vận dụng nó một cách triệt để và đúng đắn. Cho nên thường rơi vào Chửi chứ không phải là Thiền Chửi.

Thế nào là Thiền Chửi? Chửi trong Chánh Niệm Tỉnh giác thì đó là Thiền Chửi. Đơn giản là vậy đó. Túm lại không chỉ có Chửi mà tất cả những gì mình làm/nói/suy nghĩ trong Chánh Niệm Tỉnh Giác thì ấy đều là Thiền. Cho nên người hằng Tỉnh giác thì không cần ngồi thiền. Lúc nào cũng tỉnh hết thì ngồi thiền chi nữa. Ngồi thiền là để đạt đến Tuệ hòng Tỉnh giác, cho nên ngồi thiền là phương tiện. Còn tỉnh rồi thì dùng phương tiện ấy làm gì nữa. Vậy thì sao người Tỉnh vẫn ngồi thiền? Quỡn quá hổng có gì làm nên ngồi thiền. Vậy thôi!

Quay lại pháp môn Thiền Chửi nha! Đây là một pháp môn rất mạnh, giống như liều thuốc cực mạnh vậy đó, uống đúng liều là hết bệnh ngay lập tức, còn nếu không thì có tác dụng ngược. Những liều thuốc mạnh mẽ thực ra chính là con dao hai lưỡi. Ai đủ căn cơ dùng cái là Tỉnh giấc. Còn không thì càng ngập ngụa trong si mê mà thôi. Nhiều người lạm dụng pháp môn này ngày này qua tháng nọ mà không biết rằng mình đang chửi chứ chả có thiền gì cả. Đó là lý do tôi viết bài viết này nè!

Cách hành đúng pháp môn Thiền Chửi:

Thứ nhất, để chửi thì cần có nộ khí. Đừng cho rằng tôi chỉ chửi thôi chứ làm gì có nộ khí. Không có nộ khí thì chẳng ai chửi được cả. Nộ khí chính là phương tiện để cho hành vi Chửi diễn ra. Ngay cả bậc giác ngộ khi chửi thì cũng cần có nộ khí mới chửi được chứ. Do hổng hiểu điều này nên khi mình chửi, mình lầm tưởng là mình hành thiền chửi, mình tự ảo tưởng rằng: Tui chửi là chửi vậy thôi chứ hổng có sân. Hổng sân không bao giờ chửi được, thậm chí lời thô tục còn không thốt ra được, ngay cả trong khởi ý cũng không có luôn chứ đừng nói chi chửi. Cho nên, chửi mà không sân, đó là điều huyễn hoặc, tự lừa dối chính mình mà thôi. Phải sân thì mới chửi được, không có nộ khí thì chẳng thể thốt ra thành lời, chẳng thể hình thành ý nghĩ thì lấy gì mà chửi. Giống như cái miệng là phương tiện cho mình thực hiện hành vi ăn và uống. Hổng có miệng thì ăn uống bằng cách nào, cũng như hổng có nộ khí thì chửi bằng cách nào.

Túm lại, vì không hiểu rõ pháp môn thiền chửi nên mới tự ảo tưởng rằng: Tôi chửi chứ tôi không sân. Đó là điều trái tự nhiên, nghịch nhân quả.

Ây dza, vậy bậc giác ngộ khi chửi thì họ có sân không? Dĩ nhiên là có rồi, ngay cả bậc giác ngộ cũng thuận theo nhân quả chứ có làm trái lại được đâu. Vậy bậc giác ngộ có khác gì phàm phu khi chửi đâu? Cũng sân như vậy thôi. Khác chứ. Cái khác nằm ở chỗ này: Bậc giác ngộ không bị sân điều khiển còn phàm phu thì có. Bậc giác ngộ chửi vì một mục đích gì đó, phải dụng sân để thực hiện hành vi chửi, còn phàm phu cũng vậy, chửi vì một lý do nào đó và phải sân thì mới chửi nhưng phàm phu khi chửi xong rồi không kiềm lại được, lửa càng ngày càng to càng bốc cháy đến thui rụi chính mình hồi nào không hay luôn, cho nên dễ tự mình làm tổn thương chính mình qua hành vi chửi, còn bậc giác ngộ thì không bị sân quyến dụ, dùng sân để chửi chứ không bị sân điều khiển, không bị sân tiếp nối sân làm cho sân ngất trời, sân bốc khói như phàm phu. Túm lại, tham sân si là tham sân si, bậc giác ngộ thì không bị chúng điều khiển còn phàm phu thì có. Cho nên người đời hay gọi họ là sân quá mất cả lý trí là vậy. Một khi tức rồi thì chửi kinh hồn, chửi xong rồi vẫn chưa hết tức, ghim miết để tự chửi trong đầu, trong tâm, trong não, ghim đến mức khi gặp lại người đó dù họ chưa làm gì chưa nói lời nào thì cái tiềm thức quay lại nên sân tự dưng lại bốc trở lại, thấy người đó thậm chí nghe đến tên thôi đã thấy tức tối ngập trời rồi.

Túm lại, thiền chửi là chửi trong chánh niệm tỉnh giác, khi chửi thì cần nộ khí để chửi nhưng không bị nộ khí điều khiển.

Hai là, thiền chửi là con dao hai lưỡi. Lạm dụng nó thì tự mình bị tổn thương công đức mà thôi. Dùng qua một thời gian mà hổng thấy giác ngộ gì cả thì cần tìm pháp môn khác thay thế. Vì thiền chửi chưa thích hợp với mình. Khi nào căn cơ phù hợp thì có thể quay trở lại pháp môn ấy. Còn dụng một thời gian hổng thấy hiệu quả gì cả, càng dùng thì càng lún sâu vào chửi thay cho thiền chửi, càng lún thì càng tự mình làm tổn thương mình mà thôi. Cho nên đối với những liều thuốc mạnh thì chỉ dùng trong thời gian ngắn mà thôi nha mọi người, tối đa vài tháng, dài hơn nữa thì trở thành thuốc độc, tự mình giết mình. Có người bị nghiền liều thuốc độc này nên không dừng lại được, cứ dùng miết hết năm này qua tháng nọ, công đức mòn theo năm tháng.

Ba là, khi dùng pháp môn thiền chửi cần có sự tỉnh giác cao độ để không bị nộ khí điều khiển ngược lại. Tỉnh giác trong từng câu nói chứ không phải chửi cho sướng miệng, muốn nói gì cũng được. Khi bị nộ khí điều khiển thì sẽ chuyển qua tranh thắng thua, chửi để giành phần thắng, vì vậy mà không từ bất kì thủ đoạn nào chỉ để thắng mà thôi. Một trong những thủ đoạn ấy là nói dối, nói láo, bịa chuyện nhằm sỉ nhục đối phương. Từ thiền chửi rơi vào chửi y như mấy con mẹ hàng tôm hàng cá, mà có khi còn tệ hại hơn họ nữa, vì khả năng bịa chuyện cao siêu hơn họ rồi.

Cho nên khi nào dùng pháp môn thiền chửi mà thấy mình rơi vào tình huống này nghĩa là nói những điều mình không chắc là thật, là đúng về đối phương thì nên biết khi ấy mình đang bị nộ khí điều khiển rồi đó.

Bốn là, có người bảo nộ khí là phải đỏ mặt tía tai tức hổn hển khi chửi thì mới là nộ khí chớ, tôi chửi mà tôi có bị vậy đâu. Khi ấy càng nguy hiểm. Vì sao? Vì chửi trở thành thói quen luôn rồi, nghĩa là chửi theo quán tính chứ không hề có sự tỉnh giác gì cả. Nghĩa là lạm dụng pháp môn thiền chửi đến mức trở thành chửi theo thói quen, theo quán tính. Mà cái gì đã là thói quen, là quán tính thì cái ấy trở thành nghiện. Túm lại, khi mình rơi vào trường hợp này là mình bị nghiện chửi chứ mình không có thiền chửi gì cả. Giống như người nghiện thuốc vậy đó, tới cơn là phải uống phải chích cho đã thèm. Người nghiện chửi cũng vậy, gặp cơ hội là chửi cho đỡ nghiện. Chửi đến mức nghiện luôn cho nên càng chửi càng say mê càng thích thú càng thoải mãn, giống con nghiện khi lên cơn gặp thuốc vậy đó.

Làm sao để biết mình nghiện chửi thay vì thiền chửi? Đó là những từ ngữ mình dùng, những câu mình nói, khi mình thốt ra thì mình tự dưng thốt ra, tự dưng bật ra khỏi miệng, bật ra khỏi miệng xong có khi chính mình còn ngạc nhiên, theo kiểu nói mà không ý thức được mình nói gì, nói theo quán tính luôn rồi ấy. Giống như vầy nè: mỗi ngày khi dắt xe ra khỏi nhà mình đều quẹo tay trái để đến cơ quan. Hôm nào cũng như hôm nấy riết thành quán tính. Cái đến cuối tuần nghỉ làm mà mình khi dắt xe ra khỏi nhà để đi chơi, đáng lẽ phải quẹo phải để ra công viên nhưng mình cứ theo quán tính mà quẹo trái, có người chạy thẳng đến cơ quan luôn mới sự tỉnh, thức giấc khỏi quán tính ấy, có người vừa quẹo là ý thức được liền, cỏn có người phải chạy cả đoạn đường rồi mới biết. Cái quán tính nó nguy hiểm là vậy đó. Hằng ngày chúng ta vẫn thường ăn nói ngủ nghỉ nói làm nghĩ theo quán tính mà chúng ta không biết đấy thôi. Cho nên chửi cũng rơi vào quán tính luôn là vậy. Khi ấy thì thật vô cùng nguy hiểm. Cái gì thành thói quen, quán tính rồi thì rất khó từ bỏ. Giống như một khi đã nghiện rồi thì rất khó mà bỏ là vậy đó. Cho nên: nói biết mình nói gì, nghĩ biết mình nghĩ gì, làm biết mình làm gì để tránh rơi vào quán tính, tránh trở thành con nghiện của thói quen là vậy.

Kẻ nào chửi đến mức nghiện luôn thì đến mức này rất khó trị, nếu không muốn nói là bó tay, đặc biệt là khi thời gian ấy kéo dài, năm này qua năm nọ. Cực kì khó trị. Cái này tôi trải qua rồi nên tôi biết. Trước đây tôi hay dùng từ “tào lao bí đao” và “xạo mỏ” để hành pháp môn thiền chửi. Chỉ 3 tháng là tôi không dùng pháp môn này nữa nhưng không ngờ trong thời gian 3 tháng ngắn vậy mà hai từ ghim vào tàng thức của tôi nha mọi người. Có khi tự nhiên tôi thốt ra xong rồi giật mình luôn đó, vì mình không hề nghĩ đến những từ ấy mà sao có thể nói ra được chớ. Vậy là tôi ý thức ra được cái thói quen ấy dù chỉ là mới 3 tháng thôi nên thói quen này chưa mọc rễ, chưa ghim sâu, nhưng mà dù vậy lâu lâu chúng vẫn hiện trở lại trong tiềm thức. Do trải qua rồi nên tôi biết rằng: đối với ai đã dùng những từ quen thuộc để chửi năm này qua năm nọ thì những từ ấy ghim đến tận kiếp sau luôn ấy, cực kì khó bỏ.

Làm sao để tránh bị ghim như vậy? Đó là cần đa dạng hóa ngôn từ khi chửi. Gặp ai cũng cứ một câu nói hoài nói tới nói lui, chỉ trong 1 tuần hoặc thậm chí 1 ngày thôi cũng đủ ghim rồi đó, nói chi đến tháng hay năm. Cho nên hãy đa dạng hóa ngôn từ khi chửi để tránh trường hợp ghim.

Ngoài ra cần phải chửi theo từng tình huống cụ thể, nghĩa là cái chửi phải ứng dụng được vào đúng tình huống ấy chứ không dùng trong tình huống khác được. Nói cách khác là mỗi người mình chửi đều là phải chửi khác nhau, không chửi y chang nhau được, vì như vậy dễ rơi vào quán tính. Nghĩa là để chửi một ai đó mình cần biết họ rất rõ để chửi cho khác với người kia và để tránh rơi vào bịa đặt, đặt điều theo sự lôi cuốn của nộ khí. (Đó là lý do mà tôi có viết bài này: Ai muốn gặp tôi phải vào cõi Atula. Vì khi ấy tôi mới biết họ rõ như lòng bàn tay và tôi mới chửi họ được chớ. Họ mà ở cõi khác là tôi không rớ tới được.)

Hằng tự quán sát mình khi chửi để có sự điều chỉnh kịp thời nhằm tránh rơi vào chửi thay cho thiền chửi.

Túm lại, thiền chửi không phải là pháp môn mà ai muốn hành cũng được, phải đến một căn cơ nhất định thì mới hành nỗi pháp môn này, bằng không thì rơi vào chửi mà thôi. Giống như một liều thuốc cực mạnh, trước khi dùng cho một bệnh nhân nào đó thì bác sĩ phải đắn đo suy nghĩ rất cẩn thận rồi mới quyết định áp dụng lên bệnh nhân thích hợp.

Nếu thấy người khác chửi, mình cũng nhào vô chửi là do mình bị lây chứ mình có hành cái gì đâu.

Cuối cùng là: Mọi người thấy thiền chửi khó hành ghê chưa?

P.s Tôi từng hành qua pháp môn này rồi, chẳng những vậy mà còn ra sức kêu gọi người khác cùng hành với mình. Có người bị tôi quyến dụ pháp môn này nên lao vào và giờ thì kẹt cứng với nó luôn chẳng tiến mà cũng chẳng biết làm sao thối lui, ngày càng lún.

Cho nên cái câu “Ma vương thuyết pháp nhiều như cát sông Hằng” là vậy đó mọi người. Ma vương nghĩa là người tu đó chứ không phải người thường đâu, Ma vương gốc bồ đề cực to, to hơn người thường gấp bội, tu hành cực kì miên mật. Nhưng tại sao lại trở thành ma? Đơn giản là vầy nè! Xúi người hành pháp môn không phù hợp với họ thì trở thành ma liền chứ gì. Cho nên ai cũng đã đang và sẽ là Ma vương thuyết pháp mà mình không nhận ra đấy thôi. Mỗi người căn cơ không giống nhau nên không bao giờ có thể hành pháp môn giống nhau. Muốn xúi người theo pháp môn nào đó thì phải biết rất rõ căn cơ của họ. Mình chả biết căn cơ người khác, chỉ thấy pháp môn ấy hợp với mình nên nghĩ rằng nó cũng hợp với người nên xúi họ, vậy là mình thành Ma vương thôi. Chỉ có Phật toàn giác mới biết rõ căn cơ của mọi chúng sanh trong tất cả các cõi giới, ngay cả Phật A La Hán, Phật Độc giác và Bất thối Bồ tát cũng không biết rõ đến vậy. Đó là lý do chúng ta rất cần Phật toàn giác tại thế. Nhưng mà hổng có ổng nên mình nghe ai xúi cái này hay, cái kia đúng là mình chạy theo chứ mình có biết nó hợp hay không hợp với mình đâu. Giống như mình bị bệnh đau lưng mà toàn uống thuốc nhức đầu sổ mũi thôi thì làm sao mà hết bệnh, đã không hết bệnh có khi còn bị phản ứng phụ từ mấy cái thuốc kia làm cho bệnh thêm nặng nữa kìa. Cho nên Ma vương chính là mình nè mọi người, mình hổng biết căn cơ người ta mà mình xúi họ tu giống mình hehehehe.

Đó là lý do tôi hay nói câu: Thấy pháp môn nào, tông phái nào, tôn giáo nào, thầy nào hợp với mình thì mình theo, không nghe lời ai cả. Chỉ có mình thường xuyên quán sát mới tự biết mình có hợp hay không mà thôi. Hổng có Phật toàn giác thì hổng có ai chỉ cho đâu, chờ gặp minh sư thì lâu quá, phải tự thân vận động trước đi, phải tự cứu mình trước khi trời cứu, phải bị Ma vương xúi dại miết thì mới gặp được minh sư nha hahahaha.

Tôi từng là Ma vương xúi dại người ta chạy theo pháp môn Thiền chửi mà không biết căn cơ họ nên tôi mới biết rõ vậy đó hihi.

2 nhận xét:

  1. Bài viết này thật đặc sắc và thời sự! Chị chia sẻ bài pháp này, pháp môn thiền chửi, thật hào hứng và hữu ích. Thiền không lìa cuộc sống. Thiền chửi là tùy duyên thuận pháp đó. Mấy quán "Bún Chửi","Cháo Mắng",...mà nổi tiếng và rất đắt khách là do họ biết "thiền chửi" đó. Thiền chửi thì chỉ la mà không mắng, chỉ trách mà không chửi. Trách la đúng cách, đúng người, đúng lúc, đúng nơi để giữ trật tự công cộng !!!... Chứ nếu mắng chửi không không (không có thiền) thì có mà bị vả sưng mỏ đấy chư chẳng đùa, phải vậy không ạ!!!

    Trả lờiXóa
  2. Có trường hợp nào lậm thiền chửi lâu năm quá đến khi nhân duyên thay đổi thì chuyển qua thiền khen hổng chị!!! Theo luật cân bằng nhị nguyên mà!! Cho nên cũng phải Chánh niệm Tỉnh giác khi khen mới được nha các bạn!

    Trả lờiXóa