Thứ Hai, 5 tháng 1, 2015

RỘNG MỞ TÂM VÀ HOÀN TOÀN TIN TƯỞNG



Một trong những định nghĩa của sự chứng ngộ tâm linh là đó là kinh nghiệm mà trong đó bạn tự mình buông bỏ tất cả và chấp nhận bất cứ cái gì có thể xảy ra, cho dù đó là những gì khủng khiếp nhất; thậm chí lúc đó, bạn cũng không nhờ Thượng Đế giúp; khi bị ai đó tấn công, bạn cũng không kêu gào "Xin hãy cứu tôi"; bạn hoàn toàn đón nhận tất cả hiểm nguy mà không tìm cách đối phó lại và hoàn toàn nhạy cảm với sự vận hành của hành tinh, vũ trụ, và những điều bí ẩn vĩ đại bao quanh chúng ta. Đối với tôi, toàn bộ mục đích của cuộc sống và sự hoàn thiện tối thượng của con người chính là thái độ hoàn toàn mở rộng nầy và thái độ hoàn toàn chấp nhận bất cứ điều gì xảy ra trên cuộc đời nầy. Chúng ta sẽ thấy rằng cách duy nhất để đi ra khỏi khổ đau không phải là tìm cách bảo vệ chúng ta khỏi sự khống chế của khổ đau mà là làm cho tâm chúng ta hoàn toàn mở rộng để tiếp nhận khổ đau.
Xã hội thường tìm cách bảo vệ con người khỏi sự khống chế của những gì mà họ không thể biết được.Họ đặt ra chế độ bảo hiểm, phúc lợi về hưu bổng, và đủ loại chế độ an toàn xã hội mà người đời đòi hỏi và mong đợi. Nhưng cuộc sống tâm linh trong đạo Phật như được thể hiện qua hình ảnh vị sa môn là hoàn toàn khác hẳn. Cuộc sống vật chất của vị sa môn hay khất sĩ là hoàn toàn tùy thuộc vào sự bố thí của người khác và vị sa môn không bao giờ tìm cách bảo vệ mình; họ sống hơi khác với người đời thường, bên ngoài những ràng buộc của xã hội, với tấm y vàng và đầu cạo trọc. Lề lối và cách sống của một vị sa môn là những thể hiện bên ngoài của một quá trình tu tập nội tâm. Để có được nội tâm của vị sa môn hay khất sĩ, bạn phải sẵn sàng tự nguyện tin tưởng vào sự vận hành của Pháp và chân lý tuyệt đối. Càng hành thiền, bạn sẽ càng có cái nhìn trí tuệ về những gì đang thật sự xảy ra, và bạn sẽ càng cảm thấy hạnh phúc, tin tưởng ở giáo Pháp, và tự tin hơn. Càng thực hành giáo pháp, bạn sẽ càng sẵn sàng mở rộng tâm thức hoàn toàn để tiếp cận với những gì bí ẩn, bao la, và đáng khiếp sợ từ bên ngoài -- mà không hề run sợ.
Là con người, chúng ta là những sinh vật nhỏ bé và yếu đuối. So với vũ trụ, chúng ta rất yếu ớt và mềm mại. Thí dụ, làn da của chúng ta rất mềm mỏng và dễ bị thương tích. Nhưng cho dù yếu đuối giữa vũ trụ bao la và đầy bí ẩn nầy, chúng ta vẫn có thể hoàn toàn tin tưởng. Nhờ hành thiền và từ đó có được cái nhìn trí tuệ, tôi biết là tôi có thể hoàn toàn tin tưởng. Tôi hoàn toàn tin tưởng vào sự bao dung và kỳ diệu của vũ trụ.
Chúng ta không thể thật sự thấy và biết rỏ được toàn thể vũ trụ bao la nầy; chúng ta chỉ có thể mở rộng tâm để tiếp cận và đón nhận nó. Ý thức con người thường chỉ tiếp nhận được thế giới qua cửa ngỏ của sáu giác quan; chúng ta khó có thể nhìn xa hơn nữa. Nhưng khi càng buông bỏ những dính mắc vào thế giới nầy -- nghĩa là càng ít bám vào và đồng hóa mình với nó -- chúng ta sẽ bắt đầu thoáng thấy được sự bất tử. Chúng ta sẽ bắt đầu cảm nhận được cõi bất tử (amaravati), thấy được sự thống nhất xuyên suốt các Pháp, cùng với năng lượng từ bi trùm phủ tất cả trong cái tổng thể kỳ diệu của vũ trụ.
Là những chúng sinh riêng lẻ, rõ ràng là chúng ta có rất nhiều giới hạn, nhưng sự kiện được sinh ra làm người cũng bao hàm ý nghĩa là chúng ta có khả năng hiểu được toàn bộ vũ trụ. Nhưng sự hiểu biết nầy không đến từ những nhận thức mà là từ sự mở rộng của tâm thức để tiếp cận với vũ trụ. Chúng ta không dựa vào một giáo thuyết nào đó để tìm hiểu về vũ trụ. Khi mở rộng tâm thức, chúng ta sẽ trực tiếp thể nghiệm toàn thể vũ trụ. Đây chính là tinh thần vô úy. Đó là tinh thần sẵn sàng chịu đau đớn, sẵn sàng cảm nhận tất cả, và sẵn sàng chịu đựng nỗi khổ đau, niềm tuyệt vọng, và sự hoang mang bấn loạn của cuộc sống trong cõi dục giới nầy.
Vì thế tương lai là cái chúng ta không thể biết được. Là những người đi tìm đạo, chúng ta hãy hướng về cái không biết được. Trong khi hành thiền, thay vì cứ bám chặt vào những cái biết được, chúng ta hãy mở rộng tâm và hướng về cái không biết được. Điều mà chúng ta trân trọng và mong đợi là rất đơn giản: đó là sự mở rộng tâm thức, sẵn sàng chấp nhận và chịu đựng cuộc đời như chúng ta đang sống với chính nó -- với tất cả những bước thăng trầm, may mắn và bất hạnh, niềm hoan lạc và nỗi đau đớn của nó. Chúng ta sẽ không còn kêu gào và cầu mong Thượng Đế bảo vệ, giúp đở và ban nhiều phúc lành cho chúng ta. Chúng ta sẽ không còn chỉ mong cầu có thật nhiều sức khoẻ và thụ hưởng những khoái lạc. Chúng ta sẽ chấp nhận bất cứ những gì đến với chúng ta, cái gì cũng được. Đây là cách chúng ta tiếp cận với tương lai, không phải bằng cách phòng ngự và bảo vệ, mà là mở rộng tâm để tiếp nhận nó.

* Câu hỏi: Khi một người nào đó bị tai họa, Sư sẽ đề nghị giải quyết như thế nào?

Trả lời: Tôi sẽ đề nghị là họ nên thật sự cố gắng chấp nhận thực tại. Họ có thể ghi nhận thực tế đó, thay vì tìm cách đẩy nó sang một bên, chỉ biết than khóc, hay phản ứng chống lại nó. Họ có thể cố gắng đơn thuần ghi nhận và chấp nhận rằng đây là sự vận hành tự nhiên của các Pháp, và chịu đựng tình cảm ưu sầu và buồn khổ do tai họa mang đến. Rồi họ sẽ có khả năng buông bỏ nó. Buông bỏ ởđây không có nghĩa là tai họa sẽ biến mất như ý họ muốn, nhưng có nghĩa là họ không tìm cách tranh chấp với nó hay tác động đến nó nữa.
Đời sống là như thế đấy. Là con người, tất cả chúng ta đều trải qua kinh nghiệm mất mát người thương.Đây chỉ là một phần của kiếp người và loài người đã luôn trải qua kinh nghiệm nầy. Chúng ta phải chứng kiến cha mẹ qua đời. Có thể chúng ta phải chịu cảnh mất con hay bè bạn. Đôi khi chúng ta phải chấp nhận những điều kinh khủng xảy ra trong đời. Nhưng với tâm chánh niệm và tỉnh giác, chúng ta có thể sẵn sàng chấp nhận tất cả những gì xảy ra. Có thể chúng ta sẽ cảm thấy buồn và thương tiếc, nhưng chúng ta có thể chấp nhận cảm giác đau khổ ấy. Khả năng chấp nhận sự khổ đau tự nó cũng đã dung chứa sự bình an và tự tại; và kinh nghiệm đời người luôn mang theo chất liệu khổ đau với nó.
Mỗi buổi sáng ở tu viện, chúng tôi tụng đọc, "Tất cả những gì thương yêu và đem lại hạnh phúc cho con rồi sẽ thay đổi." Bạn có thể cho đọc tụng như thế là kỳ quặc, nhưng đó là quán tưởng về chân lý vô thường của cuộc đời -- những gì chúng ta yêu thương, những gì làm chúng ta toại nguyện rồi sẽ thay đổi. Chúng ta sẽ đau khổ nếu chúng ta không muốn thay đổi và không chấp nhận bất cứ thay đổi nào. Nhưng nếu tâm chúng ta mở rộng với cuộc đời, chúng ta sẽ thấy là những lúc chúng ta đau khổ cũng là những lúc chúng ta trưởng thành. Những người có cuộc sống quá dễ dãi đôi khi không bao giờ trưởng thành; họ thường hư hỏng và tự mãn. Chỉ khi nào bạn bị bắt buộc phải thật sự nhìn thẳng vào và chấp nhận những nỗi đau, lúc đó bạn mới có thể trở thành người trí tuệ và trưởng thành hơn.
Có người mời tôi nói chuyện với các bịnh nhân AIDS ở vùng San Francisco, bang California. Dĩ nhiên AIDS là một chứng bịnh rất hiểm nghèo và kèm theo nó là tất cả những gì xấu xa và ghê tởm nhất. Một hệ thống miễn nhiễm bị hư hỏng có lẽ là một trong những điều khổ sở nhất xảy ra cho con người.Vì thế những người mắc bệnh AIDS thường xem đây là nỗi đau riêng của họ với tình cảm cay cú và phẫn uất, hay với mặc cảm tội lỗi và hối hận. Bạn có thể xem đây là sự trừng phạt của Thượng đế vì bạn đã không sống một cuộc đời đạo đức. Bạn có thể cảm thấy cuộc đời không tử tế với bạn, bạn có thể căm thù Thượng Đế vì ngài bắt bạn phải chịu chứng bịnh khủng khiếp nầy. Bạn có thể giơ cao những cú đấm lên trời rồi cảm thấy thương hại và đổ lỗi cho chính mình. Hay ngược lại, bạn có thể xem kinh nghiệm nầy là một cơ hội để thức tỉnh về cuộc đời, một cơ hội để thật sự nhìn và hiểu cuộc đời.
Khi bạn biết là bạn sắp chết, đôi khi điều này sẽ làm cho khoảng đời còn lại của bạn tăng giá trị hẳn lên. Nếu bạn biết bạn sẽ chết trong sáu tháng nữa, và nếu bạn có chút trí tuệ nào đó, bạn sẽ không đi lang thang và lãng phí sáu tháng này trong những việc phù phiếm và vô ích. Nếu còn đầy đủ sức khỏe, có thể bạn sẽ nghĩ, "Tôi vẫn còn nhiều thời gian phía trước mà. Tôi không cần phải hành thiền ngay bây giờ đâu, vì khi lớn tuổi hơn, tôi vẫn có thể làm việc nầy. Bây giờ thì tôi sẽ vui chơi và hưởng thụ trước cái đã." Trong chừng mực nào đó, khi biết là bạn sẽ chết trong sáu tháng nữa có thể là một điều đau đớn, nhưng một mặt khác, nó sẽ thức tỉnh bạn. Đó là điều quan trọng -- sự tỉnh thức và sẵn sàng học hỏi từ cuộc đời -- cho dù bạn đã làm gì hay điều gì đã xảy ra đi nữa. Trong mỗi người chúng ta, lúc nào cũng có khả năng thức tỉnh này, cho dù chúng ta đã làm gì đi nữa trong cuộc đời nầy.
Tôi nhìn cuộc sống của chúng ta trong sắc thân nầy chỉ như là một giai đoạn chuyển tiếp. Chúng ta không thật sự thuộc về thế gian nầy. Trái đất nầy không phải là mái nhà thật sự của chúng ta. Chúng ta sẽ không bao giờ hài lòng với thực tại của kiếp người nầy. Cứ lẩn quẩn và dính mắc trong cõi nhân sinh là việc không đáng làm, nhưng chúng ta cũng không nên xem thường và chối bỏ kiếp sống làm người nầy. Sống làm người là để thức tỉnh và hiểu. Nếu bạn có thể thức dậy từ giấc mơ của cuộc đời thì bạn không hề phí phạm đời mình. Nếu bạn sống lâu -- như một trăm năm chẳng hạn -- mà cứ chạy theo những tư tưởng mê lầm và ích kỷ, thì một trăm năm đó quả thật là hoang phí. Nhưng nếu bạn thức tỉnh -- ngay cả nếu đời bạn rất là ngắn ngủi -- thì ít ra, bạn đã không hề phí phạm nó.


Trích: Tâm và Đạo
Tác giả: Ajahn Sumedho
Susanta Nguyễn dịch

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét