Thứ Tư, 28 tháng 1, 2015

Có ba yếu tố giúp con giác ngộ:



1) Nhận thức đúng: Tức chánh kiến, là thấy biết đúng bản chất của sự thật, đồng thời thấy ra tính hư ảo của bản ngã tham sân si. Thấy biết sai thì hành động, nói năng, suy nghĩ đều sai. Đó là lý do vì sao chánh kiến được đứng hàng đầu trong Bát Chánh Đạo. Không qua tánh thấy rỗng lặng trong sáng đó con không thể nào có được nhận thức đúng. Vậy con hãy thường tinh tấn, chánh niệm, tỉnh giác; sáng suốt, định tĩnh, trong lành hoặc thận trọng, chú tâm, quan sát vì đó là những yếu tố giúp con nhận thức đúng.

2) Vượt qua chướng ngại: Khi còn bản ngã tham sân si thì còn có cái ta đương đầu với chướng ngại, do vậy chướng ngại là thử thách để con thấy ra phản ứng của bản ngã, nhờ đó con thấy ra mức độ tồn tại của bản ngã như thế nào. Không có trở ngại thì những thành tựu chỉ nuôi lớn bản ngã mà thôi. Đừng sợ chướng ngại, đó là thước đo xem bản ngã có còn đó hay không. Trước chướng ngại hãy xem lúc đó chỉ có pháp hay chỉ là bản ngã đang đối kháng lại chướng ngại ấy. Cũng cần lưu ý, thuận lợi cũng là chướng ngại, vì khi được thuận lợi con sẽ sinh tham lam. Hãy xem, qua đó con có dính mắc không? Dính mắc và đối kháng là hai mặt tham sân của bản ngã. Khi nào con thấy chướng ngại là thực tánh pháp và tánh thấy cũng là thực tánh pháp, không còn bóng dáng của đối kháng hay dính mắc thì ngay đó mới thật sự là vô ngã, thật sự sống tùy duyên thuận pháp. Vậy vượt qua chướng ngại không phải là hủy diệt hay trốn tránh chướng ngại mà là vượt qua cái bản ngã tâm lý tạo ra chướng ngại ấy (hay nói cách khác là vượt qua sự đối kháng hay dính mắc đối với cái gọi là chướng ngại ấy mà thôi).

3) Thể hiện đức vô ngã vị tha: Nếu con thấy vô ngã trên lý thuyết nhưng trong hiện thực con vẫn ích kỷ thì chỉ có lý mà chưa có sự. Vậy con cần thể nghiệm đức vô ngã vị tha bằng cách thể hiện thành hành động, nói năng, suy nghĩ cụ thể để xem có còn bản ngã vị kỷ hay không. Phật dạy pháp Ba-la-mật không phải là để tích lũy công đức cho bản ngã mà chính là để thể hiện đức vô ngã vị tha. Hơn nữa chúng ta giác ngộ được là nhờ cuộc đời dạy cho chúng ta thấy rõ bản chất của chính mình và thế giới xung quanh, cho nên cuộc đời là ân huệ lớn lao, tạo điều kiện cho chúng ta học bài học giác ngộ giải thoát. Vậy hành động lợi lạc quần sinh cũng chính là đền ơn cuộc đời vậy. Tuy nhiên, cần phải cảnh giác, hành động vị tha không vô ngã thì chỉ làm tăng trưởng bản ngã thôi.
TS. Viên Minh.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét