trách nhiệm với mình và người hơn. Nếu một bác tài đang lặng lẽ lái xe với tâm sáng suốt, định tĩnh, trong lành (hoặc khi cần thì thận trọng, chú tâm, quan sát rõ ràng), biết rõ tình trạng đang điều khiển xe của mình, biết rõ tình trạng lưu thông trên đường... mà vẫn rất thoải mái tự nhiên trọn vẹn với việc lái xe. Như vậy con có cho là bác tài không trách nhiêm, không cố gắng làm gì cả không? Trong khi một bác tài khác, đang lái xe mà cứ hậm hực nghĩ cách trả thù một kẻ đã hại mình ngày hôm qua, hoặc mãi mê tính toán một kế hoạch làm ăn trong tuần tới, hoặc đang bị thu hút vào một bản tin thời sự nóng bỏng gây lo lắng bất an... vì vậy, nhiều khi anh ta lái xe trong tình trạng vô thức, khả năng gây tai nạn hay cản trở giao thông là rất cao. Như vậy không phải hành động hữu vi hữu ngã của anh ta không những làm khổ mình mà còn làm khổ người nữa hay sao? Tài xế thứ nhất hoàn toàn trọn vẹn với thực tại, tâm không lăng xăng tạo tác, không bị tham sân si chi phối, khả năng tự động điều chỉnh rất cao, như vậy là hành động vô vi thuận pháp. Tài xế thứ hai, không trọn vẹn với thực tai, bị quá khứ, tương lai và hiện tại chi phối, bị tham sân si dẫn dắt, nên tâm luôn lăng xăng tạo tác, hành động đó gọi là hữu vi thuận ngã. Hữu vi như vậy không khổ là gì, phải không?
Con muốn chuyển hóa một hành động hữu vi sang vô vi thì chỉ cần trở lại thận trọng, chú tâm, quan sát thực tại - trạng thái thân tâm đang là, hay công việc đang làm. Như vậy không những hành động hữu vi, hữu ngã được chuyển hóa mà còn làm công việc ấy chu đáo hơn nhiều trong vô vi vô ngã. Một người đang chăm chú lau nhà rất thoải mái tự nhiên và an lạc, bỗng thấy em mình đi chơi về giẫm lên sàn làm bẩn đi. Người chị nổi giận, bây giờ việc lau nhà trở nên bực bội không thoải mái nữa. Đó là chiều chuyển biến ngược lại từ hành động vô vi vô ngã thành hữu vi hữu ngã, từ an lạc đến khổ đau. Tóm lại, vô vi ở đây là thái độ hành động sáng suốt vô ngã, an lạc tự nhiên, thoát khỏi thái độ toan tính đầy lo lắng, sợ hãi, bất an của cái ta vô minh ái dục, chứ không phải là không hành động gì cả. Hãy chiêm nghiệm thật kỹ lưỡng chính hoạt động hàng ngày của con thì con sẽ thấy ngay đâu là vô vi, đâu là hữu vi...
TS Viên Minh.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét