Thứ Tư, 14 tháng 1, 2015

Đạo Phật có bi quan không?



Người không biết thì cho rằng Đạo Phật là bi quan bởi vì toàn là chấp nhận mà không đối kháng. Người biết thì lại không nghĩ vậy?
Vì sao?
Chính vì không đối kháng mà thay vào đó là thuận pháp tùy duyên mới không bị tổn thương nhiều.
Hãy thử quán sát mấy đứa trẻ con xem! Vì sao bọn trẻ con té rất ít khi bị tổn thương. Nhiều đứa té ịt đụi suốt, nhưng sau đó đứng lên vẫn tỉnh bơ. Người lớn té kiểu vậy, chắc gẫy xương rồi. Có người cho rằng bọn nhóc có bà mụ đỡ (!!!)
Hãy nhìn mấy ông xỉn rượu thì biết. Khi quắc cần câu rồi thì té lăn quay, lọt ao lọt sông lọt mương lọt vũng, tông cái này cái nọ, thậm chí có người lái xe nhào đầu xuống ruộng, lăn luôn mấy vòng, vậy mà (nếu leo được lên bờ) vẫn không bị gãy xương (bầm thịt thì có ít nhiều)
Khoa học đã chứng minh rồi, khi té mà mình thuận theo đà té, không đối kháng lại nó thì mình không bị tổn thương. Trong võ thuật người ta cũng dạy như thế. Khi té, cứ ôm chặt đầu và theo đà té mà lăn theo thì sau đó tỉnh bơ mà đứng dậy. Chỉ cần có lực đối kháng dù nhỏ tí ti thì hậu quả là xương không gãy chỗ này cũng gãy chỗ nọ.
Đạo Phật không phải là đạo tiêu cực mà là đạo rất tích cực. Nếu đã lỡ gieo nhân xấu, khi quả xấu đến, vui vẻ chấp nhận thì quả xấu đến đi rất nhanh, và mình không bị tổn thương nặng. Nhưng thường chúng ta hay gồng mình lên đối kháng lại nó. Mình hay than trời trách đất sao lại để chuyện này xảy ra với mình. Càng than thở càng oán thì càng tổn thương sâu!!!
Trong Đạo Phật có câu: “Sám hối từ tự tâm.” Khi mình lỡ gieo nhân xấu, mình thành tâm biết lỗi, thành tâm sám hối, thành tâm ăn năn thì quả xấu đến đi không hình dáng hay nói cách khác là nhân quả sẽ “tha” không trị cho tội ấy nữa.
Do đó, phương pháp sống chẳng những không đối kháng mà lại thuận pháp tùy duyên của Đạo Phật là một thái độ sống vô cùng khoa học và tích cực, bởi vì đó là cách duy nhất giảm thiểu hoặc tránh tổn thương khi tình huống xấu xảy đến..

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét