Thứ Hai, 6 tháng 11, 2017

Vì sao có câu: Bồ tát bó tay là Bồ tát hay. Bồ tát thài lai là Bồ tát dở.

Thế nào là Bồ tát hay? Bồ tát hay là Bồ tát đã thể nhập Chân Lý Nhân Quả, thấu tỏ Nhân Quả, nên không xen vào sự vận hành của Nhân Quả, không xen vào con đường giác ngộ của người khác.

Thế nào là bó tay?

Bó tay nghĩa là tôn trọng con đường giác ngộ của từng người. Ai cũng đang trong quá trình học hỏi của chính mình. Không xen vào vì nếu xen vào thì chỉ làm chậm đi sự giác ngộ của họ mà thôi. Ví như một con sâu bướm ở trong cái nhộng phải tự thân trải qua sự vật vã đau đớn, tự thân xé bỏ được cái kén thì mới thành con bướm mà tung cánh bay khắp được. Còn nếu xen vào quá trình nhân quả từ nhộng thành bướm, nghĩa là nhìn thấy sự vất vả khổ nhọc của con sâu bướm trong sự trưởng thành thành con bướm quá đau đớn nên đưa tay CỨU GIÚP bằng cách xé tan cái kén bướm ra. Do đây là việc làm phi nhân quả nên con bướm dù ra khỏi kén nhanh hơn những con khác nhưng không bao giờ có thể bay được, chỉ có thể quanh quẩn trên mặt đất mà thôi.

Bó tay nghĩa là tôn trọng quá trình giác ngộ của người khác, không chen ngang, không xen vào.

Thế nào là Bồ tát dở? Bồ tát dở là Bồ tát không thấu tỏ Mẹ Nhân Quả. Do không thấu tỏ Mẹ Nhân Quả nên khởi ý thương, khởi ý bi ái và xen vào việc làm của Mẹ để CỨU người này người nọ. Nói là cứu chứ thật ra lại làm chậm tiến trình giác ngộ của họ.

Ví dụ: Một kẻ có nhân giết người và muốn giết người khi đã đủ duyên. Vì thương kẻ này nên Bồ tát ra tay khuyên giải hòng cho kẻ ấy bỏ ý định giết người. Nghe lời khuyên giải của Bồ tát nên vị này từ bỏ ý định giết người. Rồi lại tái sanh, rồi lại muốn giết người, rồi lại được khuyên, rồi lại tái sanh, rồi lại muốn giết, rồi lại được khuyên,….Lời khuyên của Bồ tát là cái đến từ bên ngoài, không phải do vị này tự thân ngộ ra và dừng hành động giết người ấy được. Do vậy mà cái nhân ấy cứ theo cùng miết khi tái sanh và ngày càng lớn hơn. Đến lúc nào đó khi quả thật sự trổ, vị này trải qua sự giết người, trải qua trận đòn của Mẹ Nhân Quả cho hành vi giết người, thấu rõ thân tâm của kẻ giết người là như thế nào, thực sự tự thân trải nghiệm điều kinh khủng ấy thì phát sanh sự sợ hành vi ấy mà dừng hành vi ấy lại. Chẳng những dừng mà còn có thể cảm thông, bao dung và tha thứ cho những kẻ giết người. Dù cho kẻ ấy có giết chính mình thì cũng tha thứ được. Vì sao? Vì từng trải qua trải nghiệm giết người ấy, từng hiểu rõ thân tâm khi ấy nên mới có thể yêu thương, bao dung và tha thứ cho kẻ giết mình. Nếu không tự thân trải qua những điều này thì  không thể hiểu và không thể thương mà tha thứ được.

Vậy nếu không có Bồ tát dở xen ngang vào, có phải vị này đã trải nghiệm và giác ngộ ra hành vi giết người từ bao nhiêu kiếp trước rồi ư? Do lời khuyên của bồ tát mà làm trì hoãn sự giác ngộ ra hành vi ấy biết bao kiếp.

Đó là lý do Bồ tát thài lai là Bồ tát dở vì xen vào con đường giác ngộ của người khác và làm chậm đi tiến trình giác ngộ của họ.

Nhiệm vụ của một Bồ tát đúng nghĩa là tỏa bóng mát và ra quả ngọt, chứ không phải là xen vào công việc của Mẹ Nhân Quả.

Có người hỏi rằng: Vậy nếu Mẹ Nhân Quả đánh hoài mà không không ngộ thì sao?

Đáp rằng: Vì chưa đủ duyên để ngộ. Do vậy mà sẽ bị đánh tiếp, đánh miết, đánh đến lúc nào đó sẽ vỡ òa ra giác ngộ rằng đó là sai. Khi tự thân mình ngộ ra điều ấy thì mới dừng lại hành vi ấy. Khi dừng được rồi thì dù có tái sanh bao nhiêu kiếp đi chăng nữa thì cũng chẳng dám lặp lại lỗi lầm cũ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét