Theo
chiều dài lịch sử, đạo Phật đã có trên hai mươi lăm thế kỷ, còn chiều rộng thì
Phật giáo có hai hệ:
1)
Nam truyền Phật giáo.
2)
Bắc truyền Phật giáo.
Hai
hệ này trước kia ở Trung Quốc gọi là hệ Đại thừa và hệ Tiểu thừa. Ngày nay
người ta không dùng hai từ đó nữa, vì nó mang tính cách so sánh dị biệt, Đại
thừa là to và Tiểu thừa là nhỏ, nghe như khinh nhau. Hiện giờ Phật giáo Việt
Nam có cả hai hệ Nam tông, Bắc tông cùng chung tồn tại. Trong đó hệ Đại thừa
đổi tên lại là hệ Phát triển. Hệ Tiểu thừa gọi là hệ Nguyên thủy. Tôi xin nói
sơ qua về hệ Phát triển và hệ Nguyên thủy.
Về
hệ Nguyên thủy, chữ nguyên là trước, chữ thủy cũng là trước, hai chữ đó dùng chung
lại để cho thấy hệ này y cứ từ buổi ban đầu của Phật giáo. Buổi ban đầu của
Phật giáo, sự truyền giáo, sự tu hành như thế nào thì hệ này sống đúng như vậy,
nên gọi là Nguyên thủy.
Còn
hệ Phát triển, Phát triển tức là tùy cơ, tùy duyên, có sự linh động và luôn
luôn tiến lên, chớ không dừng nghỉ ở một chặng nào. Vì vậy sanh hoạt của chư
Tăng trong hai hệ cũng khác nhau.
Ngày
xưa ở Ấn Độ, Phật đi khất thực, bây giờ hệ Nguyên thủy cũng đi khất thực. Do
khất thực nên thí chủ cho gì nhận nấy. Người ta cho thức ăn mặn chư Tăng cũng
phải ăn, quí vị nên hiểu như vậy để không khỏi ngạc nhiên khi thấy chư Sư
Nguyên thủy ăn mặn. Và các vị này chỉ ăn buổi sáng và buổi ngọ, gọi là ngọ trai
tức bữa ăn trưa.
Chữ
trai và chữ chay khác nhau. Chữ trai là ăn đúng ngọ, còn chữ chay là không ăn
cá thịt, chỉ ăn những thức ăn thực vật. Chữ trai giới là giữ đúng ngọ, quá giờ
ngọ không ăn. Như vậy hệ Nguyên thủy ăn trai mà không ăn chay. Buổi chiều có
thể chỉ uống một ly nước trà đường, đó là điều mà chúng tôi được biết nhân dịp sang
Tích Lan và Ấn Độ trước đây.
Về
mặc thì chư Sư quấn y màu vàng sậm. Ở trong Nam có hai hệ: một hệ quấn y màu
vàng sậm là hệ Nguyên thủy; còn hệ quấn y màu vàng nhạt và ăn chay là hệ Khất
sĩ, Sơ Tổ hệ này là ngài Minh Đăng Quang. Hệ này ở miền Nam phát triển cũng
mạnh lắm.
Về
giáo lý, hệ Nguyên thủy dùng giáo lý bằng chữ Pali, tức kinh điển Pali để giảng
dạy, tu học, kể cả đọc tụng. Còn hệ Khất sĩ dùng kinh chữ Việt. Thế là tôi đã
nói đại cương về hệ Nguyên thủy rồi.
Về
hệ Phát triển, đây là hệ từ Ấn Độ truyền sang miền Bắc, kinh điển dùng chữ
Sanskrit. Thời đó đức Phật đi khất thực, còn Trung Hoa, Việt Nam, Nhật Bản,
Triều Tiên không thích khất thực. Những vị Hòa thượng lớn ở Trung Hoa được
triều đình hay các ông quan cất chùa rồi cúng cho một thửa ruộng, chư Tăng
trồng trọt lấy mà ăn. Nếu trồng trọt, nấu nướng chẳng lẽ chư Tăng phải mua gà,
mua vịt thì không đúng, vì phạm tội sát sanh. Nên các ngài chỉ ăn các loại thực
vật, thành ra các ngài ăn chay chớ không phải hai hệ có sự chống đối nhau. Đó
là lý do các chùa thuộc hệ Phát triển đều ăn chay. Đã ăn chay lại phải làm
ruộng nữa, nếu giữ trai giới không ăn buổi chiều thì làm không nổi, nên buộc
lòng chư Tăng ăn cháo chiều. Đó là việc ăn uống của Bắc tông hay hệ Phát triển.
Đến
phần mặc, hệ Phát triển không đặt nặng hình thức ăn mặc, tùy theo phong tục
quốc gia mà chư Sư có các y phục riêng. Phật giáo sang Trung Hoa có hình thức
ăn mặc theo Trung Hoa, sang Việt Nam có hình thức ăn mặc theo Việt Nam, sang
Nhật Bản có hình thức ăn mặc theo Nhật Bản. Bởi vì hệ Phát triển không quan
trọng chuyện ăn mặc mà chỉ quan trọng ở chỗ biết bệnh và biết thuốc mà thôi.
Đâu vì ăn mặc khác mà chúng ta nói không phải đạo Phật. Đó là tinh thần Phát
triển.
Tinh
thần Phát triển còn có ý nghĩa tùy duyên. Tùy duyên là đến đâu tùy theo trình
độ, tập quán của địa phương, làm sao hòa nhập được để truyền bá Phật pháp thì
tốt chớ không cố chấp. Do đó giữa hệ Phát triển và hệ Nguyên thủy có những sai
biệt về mặt truyền giáo.
Trong
nhà Phật có từ “tùy duyên nhi bất biến, bất biến nhi tùy duyên”. Tùy duyên là
tùy căn cơ, tùy phong hóa tập tục; bất biến là chánh pháp của Phật không bao
giờ thay đổi. Tùy theo tập tục, phong hóa của mỗi địa phương mà ứng dụng được
Phật pháp. Làm thế nào cho người địa phương chấp nhận, đó là tùy duyên; còn chánh
pháp của Phật phải giữ thủy chung như nhất, không đổi thay, đó là bất biến. Như
vậy tinh thần của hệ Phát triển đi sâu vào phần này hơn.
Các
nước tu theo Phật giáo Nguyên thủy thờ tượng Phật cũng giống người Ấn Độ. Nhưng
sang Trung Hoa, Việt Nam, Nhật Bản thì nước nào diện Phật theo nước đó, chớ
không bắt buộc phải giống như người Ấn Độ. Đó là những đặc điểm của hai hệ phái
chánh đang được truyền bá ở Việt Nam.
<HT. Thích Thanh
Từ>
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét