Thứ Sáu, 30 tháng 5, 2014

Sở tri chướng là mắc kẹt vào cái mình biết

Danh mục Bài viết, Khoa học, Tâm linh
26-06-2012

Tôi gọi anh là một nhà khoa học trẻ vì anh có khả năng buông bỏ những kiến thức, những học hỏi mà anh đã tích lũy để có thể trở thành khách quan hơn trong công việc khảo cứu và trình bày công trình khảo cứu của anh. Theo nguyên tắc, nhà khoa học phải có tinh thần khách quan, và anh biết trong giới các khoa học gia, có rất nhiều vị tự cho là khách quan, nhưng trên thực tế, vẫn quan sát và trình bày dưới cái nhìn chủ quan của mình. Trong đạo học, nhất là đạo Bụt, chúng tôi được dạy rằng phải buông bỏ sở tri mới có cơ hội đi tới trong việc tìm cầu chân lý. Sở tri là những kiến thức mình đã thu lượm được trong quá trình học hỏi và khám phá. Nếu mình đã tin vào cái sở tri ấy như là chân lý tuyệt đối rồi thì mình không còn khách quan nữa, mình không có được cơ hội tiếp cận với sự thật nữa, bởi vì cái sở tri kia đã trở thành một chướng ngại, gọi là sở tri chướng (jneya avarana).
Nhà khoa học cũng như nhà đạo học phải có khả năng buông bỏ sở tri chướng. Trong kinh Bách Dụ, Bụt có kể chuyện một chú bé bị kẻ cướp bắt cóc, sau khi đã cướp bóc và đốt phá cả xóm. Người cha của đứa bé vì bận đi buôn bán cho nên vắng mặt trong lúc ấy. Về nhà anh thấy nhà mình đã cháy và bên cạnh nhà có một thân thể cháy nám của một em bé, và tin ngay rằng đó là thi thể đứa con mình. Anh bứt tóc đấm ngực tự trách mình đã không làm tròn bổn phận của một người cha. Và sau khi làm lễ hỏa thiêu hình hài của con mình, anh đã để tro đứa con vào một cái túi gấm, đi đâu cũng mang theo, cả những lúc ăn, ngủ và làm việc. Một đêm kia, thức dậy lúc nửa đêm sau khi nằm mộng thấy con, anh không ngủ được, cứ thương tiếc và khóc lóc, không thể nào nguôi được. Ngay lúc ấy thì có tiếng gõ cửa bên ngoài. Đứa con đã may mắn thoát khỏi tay kẻ cướp và lần mò về được tới nhà. Đứng trước căn nhà mới nó tin rằng đây là căn nhà của nó và gõ cửa gọi cha, nhưng người cha không chịu mở. Đứa bé đang gọi “cha ơi, cha ơi, mở cửa cho con”. Vì đã tin chắc chắn rằng con mình đã chết, và mình đang ôm túi tro của nó, ông cho rằng đứa bé ngoài kia là một đứa du côn nào đó chỉ muốn nghịch ngợm quấy rầy không cho mình ngủ. Kêu cứu một hồi, đứa bé nghĩ rằng đây không phải nhà của mình cho nên bỏ đi, và từ đó hai cha con xa nhau vĩnh viễn.
Kết luận câu chuyện ngụ ngôn ấy, Bụt bảo nếu ta đã tin vào một cái gì như là chân lý tuyệt đối thì ta sẽ mắc kẹt vào đó, và nó trở thành chướng ngại cho ta nhận ra sự thật. Cho nên cả nhà khoa học lẫn nhà đạo học phải biết luyện tập để buông bỏ những sở tri của mình. Tinh thần khoa học là tinh thần khách quan, không vướng mắc vào cái thấy chủ quan của nhận thức mình. Nếu nhà đạo học làm được như thế thì ông ta cũng có tinh thần khoa học. Còn nếu nhà khoa học không làm được như thế thì ông ta không phải là một nhà khoa học đích thực.
Trong các cộng đồng tôn giáo, giới tiến bộ chỉ là một thiểu số rất nhỏ và hay bị lên án, trừng phạt. Nói như thế không có nghĩa là trong giới khoa học gia, mọi người đều có khuynh hướng tiến bộ. Đa số các nhà khoa học đều có khuynh hướng bảo thủ: họ sợ những khám phá mới làm sụp đổ cái cấu trúc nhận thức của họ. Những gì họ cho là chân lý, họ dựa lên đó để khám phá thêm. Nhưng nếu cái căn bản kia sụp đổ thì họ phải bắt đầu từ số không trở lại, vì vậy cái khuynh hướng bảo thủ luôn luôn có đó.
Kiến thức phải được xây dựng trên một nền tảng vững vàng, trong đó các nguyên lý cơ bản, các ý niệm, các hằng số cơ bản. Nhưng ta biết trong lịch sử khoa học, cái nền tảng nhận thức ấy đã sụp đổ nhiều lần. Trong sách Discours de la Méthode chính Descartes cũng đã nói: “Nếu nền tảng cứ thay đổi hoài như thế thì không có gì chắc chắn để xây dựng trên nền tảng ấy.”
Trong đạo Bụt, những giáo lý căn bản như vô thường, vô ngã, không, tương tức, nhân duyên v.v…được sử dụng như những phương tiện để giúp người hành giả buông bỏ những ý niệm về thường, ngã, có, không, không nhân, không quả, nhưng những người thực tập cũng được chỉ dẫn là phải vượt thắng và buông bỏ luôn những ý niệm vô thường, vô ngã, không, tương tức, nhân duyên kia để đừng bị kẹt vào chúng. Đó đúng là tinh thần phá chấp, không cho bất cứ một ý niệm nào được sử dụng làm cơ sở cho tuệ giác, dù là ý niệm niết bàn, giải thoát, giác ngộ v.v… Vì vậy ta thường nghe: “Tìm niết bàn trong sinh tử, phiền não tức bồ đề, Phật và chúng sinh là một v.v…”
Sở tri chướng - cái mà mình biết là rào cản cho sự đi tới, vì vậy không những nhà đạo học phải buông bỏ mà nhà khoa học cũng phải buông bỏ.
Nếu nhà đạo học có thể bị ảnh hưởng bởi những chủ trương của tông phái mình, bởi những nhận thức của vị bổn sư và các vị giáo thọ của mình, và bị kẹt vào những gì mà mình đã được học trong kinh luận, kể cả những khái niệm về niết bàn, sinh tử, tịnh độ, ta bà vv… thì nhà khoa học cũng có thể bị ảnh hưởng của những trường phái khoa học của mình, những gì mà mình đã học trong thời gian đào luyện ở trường khoa học, những mô hình và lý thuyết mà mình đã được nghe và đọc.
Những ý niệm, những mô hình và những lý thuyết mình đang nắm giữ có thể đang là những trở ngại lớn cho công trình khám phá của mình. Những nhà khoa học lớn như Einstein cũng có thể bị ảnh hưởng bởi những thành kiến siêu hình. Vì ông bị kẹt vào thực tại luận (realism) cho nên ông đã không chấp nhận được cái mô tả xác suất (probabilistic description) của thực tại nguyên tử và hạ nguyên tử mà cơ học lượng tử khám phá ra được. Vậy thì cả nhà đạo học lẫn nhà khoa học đều phải học hỏi và thực tập để có khả năng buông bỏ sở tri mới có thể thành công.
Nhà đạo học biết ông ta không nên bị kẹt vào những ý niệm, dù là những ý niệm căn bản nhất như ý niệm “tất cả đều có Phật tính”. Để giúp cho một thiền sinh thoát ra khỏi ý niệm ấy, một vị thiền sư (Triệu Châu) đã nói với vị thiền sinh ấy: “Con chó không có Phật tính”. Câu nói này có thể được xem như chống lại với giáo lý đạo Bụt là tất cả các loại hữu tình và vô tình đều có Phật tính. Nhưng lời nói của thiền sư không phải là để trao truyền hay xác nhận một ý niệm mà trái lại là để giúp vị thiền sinh vượt khỏi ý niệm ấy. Bởi vì còn bị một ý niệm giam hãm thì người ta vẫn chưa có tự do, dù cho đó là ý niệm về Thượng đế hoặc ý niệm về một thực tại tối hậu.
langmai.org





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét