Thứ Hai, 5 tháng 5, 2014

Đạo ở chỗ nào?

Trong nhà Thiền có câu chuyện, có vị tăng đến hỏi Thiền sư Duy Khoan:

- Đạo ở chỗ nào?

Thiền sư đáp:

- Ở trước mắt.

Ông tăng hỏi:

- Ở trước mắt tại sao con không thấy?

Thiền sư đáp:

- Tại vì ông có ngã nên không thấy.

Vị tăng nói:

- Con có ngã nên không thấy, còn Hòa thượng có thấy hay không?

Sư trả lời:

- Có ông có ta thì cũng không thấy.

Vị tăng hỏi tiếp:

- Như vậy, nếu không có con không có Hòa thượng thì có thấy chăng?

Thiền sư đáp:

- Không ông không ta thì còn ai cầu thấy nữa?

Đó, lẽ thật là như vậy, rất là đơn giản! Đạo tức là chân lý, nó ở ngay trước mắt, rất là gần gũi không có đâu xa xôi hết. Nhưng "Tại vì ông có ngã nên không thấy", bị cái ngã này che, chỉ nhớ cái ngã này thì ông làm sao thấy đạo được! Luôn nhớ cái ngã, cái tôi này thì làm sao còn thấy cái gì khác nữa? Tuy Sư trả lời vậy nhưng ông tăng vẫn hỏi: "Con có ngã nên không thấy, vậy Hòa thượng có thấy hay không?". Hỏi vậy tức là sao? Thì còn thấy có mình, có người tức cũng là lòng vòng trong cái ngã thôi! Đây Sư đáp: "Có ông có ta rồi cũng không thấy luôn", thấy có mình có người tức là người đối với mình, thì tất nhiên cũng có chuyện nên rồi "cũng không thấy luôn". Ông tăng lại hỏi: "Như vậy, nếu không có con không có Hòa thượng thì có thấy không?". Nếu không có ông không có ta, sạch hết cái ngã, ngay đó là đạo rồi thì còn "ai cầu thấy trong đó nữa?". Lẽ thật rõ ràng là như vậy. Chỉ cần buông cái "ta" ở trong khái niệm này thì ngay đó đạo hiện tiền sáng tỏ rõ ràng không phải tìm đâu xa. Bởi vậy, chân lý giác ngộ rất đơn giản, rất thân thiết, gần gũi với mọi người nhưng chỉ vì mình tự ngăn che thôi chứ không phải ai khác ngăn che mình. Rất là gần, nhưng vì mình mê, cứ nhớ cái tôi này mãi nên đâu thấy đạo được. Quên cái tôi này thì đạo hiện tiền.
st

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét