Khi
còn tại gia tôn giả Nanda là một thanh niên chăn bò mướn. Ngày ngày, Nanda dẫn
bò đến ăn cỏ bên bờ sông Hằng thuộc địa phận xứ Kosambi. Lúc ấy gặp dịp đức Thế
tôn trú tại đấy, cùng với chúng tỳ kheo 1250 vị.
Một
hôm Thế tôn cùng các tỳ kheo du hành dọc bờ sông. Ngài thấy một khúc gỗ lớn
trôi theo dòng nước, và chỉ cho các tỳ kheo:
-
Này các Tỳ kheo, các con có thấy khúc gỗ lớn trôi theo dòng nước kia không?
-
Thưa vâng, bạch Thế tôn.
-
Các tỳ kheo, nếu khúc gỗ ấy không đâm vào bờ này, không đâm vào bờ kia, không
chìm giữa dòng, không mắc cạn trên đất nổi, không bị người nhặt lấy, không bị
phi nhân nhặt lấy, không bị lọt vào xoáy nước, không bị mục nát bên trong,...
thì nó sẽ hướng về biển, xuôi theo biển, nhập vào biển, Vì cớ sao, này các tỳ
kheo, vì dòng sông này hướng về biển, xuôi theo biển, nhập vào biển. Cũng vậy,
hỡi các tỳ kheo, nếu các con không đâm vào bờ này, bờ kia, không chìm giữa
dòng, không mắc cạn, không bị người hay phi nhân nhặt lấy, không lọt vào xoáy
nước, không mục nát bên trong,... thì các con sẽ hướng về, sẽ xuôi theo Niết
bàn, sẽ nhập vào dòng Niết bàn. Vì sao? Này các tỳ kheo, chính bởi vì pháp của
Như Lai giảng nói xu hướng Niết bàn, xuôi theo Niết bàn, nhập vào Niết bàn.
Khi
được nghe nói vậy, một vị tỳ kheo bạch:
-
Bạch Thế tôn, bờ này là gì? Bờ kia là gì? Thế nào là chìm giữa dòng? Thế nào là
mắc cạn trên đất nổi? Thế nào là bị người nhặt, phi nhân nhặt? Thế nào là lọt
vào xoáy nước? Thế nào là mục nát bên trong?
-
Các tỳ kheo, bờ này ám chỉ sáu căn: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý. Bờ kia chỉ
cho sáu trần: sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp. "Bị chìm giữa dòng"
dụ cho hỷ và tham (khoái thích, ham muốn). Mắc cạn trên đất nổi đồng nghĩa với
ngã mạn. "Bị người nhặt" là dụ cho vị tỳ kheo sống quá liên hệ với cư
sĩ, chung vui chung buồn, an lạc khi chúng an lạc, đau khổ khi chúng đau khổ,
trói buộc mình trong các công việc chúng xướng xuất. Ðó là vị tỳ kheo bị loài
người nhặt lấy. Và này các tỳ kheo, "Bị phi nhân nhặt lấy" có nghĩa
là vị tỳ kheo tu phạm hạnh với mơ ước được sanh lên cõi trời, hưởng phước báo
chư thiên. "Bị lọt vào xoáy nước" là đồng nghĩa với năm dục trưởng
dưỡng: tài lợi, sắc đẹp, danh tiếng, ăn và ngủ. "Bị mục nát bên
trong" ám chỉ vị tỳ kheo theo các ác pháp, có những hành động khả nghi,
không giữ giới mà hiện tướng thanh tịnh, nội tâm hủ bại, đầy dục vọng, đó gọi
là mục nát bên trong.
Khi
ấy người chăn bò Nanda đứng cách Thế tôn không xa. Chàng tiến lại bạch:
-
Bạch Thế tôn, con không đâm vào bờ này, con không đâm vào bờ kia, con không
chìm giữa dòng, con không bị mắc cạn trên đất nổi, con không bị loài người nhặt
lấy, con không bị phi nhân nhặt lấy, con không lọt vào xoáy nước, con không mục
nát bên trong. Bạch Thế tôn, mong Thế tôn cho con được xuất gia với Thế tôn,
được thọ đại giới.
-
Này Nanda, hãy đem trả bò cho chủ của con đã.
-
Bạch Thế tôn, chúng sẽ tự trở về. Các bò mẹ đang mong gặp lại chúng.
-
Tuy vậy này Nanda, con hãy trả lui các con bò ấy cho những người chủ.
Nanda
vâng lời dắt bò về trả cho chủ rồi trở lại bên Phật:
-
Bạch Thế tôn, con đã trả lại những con bò. Hãy cho con được xuất gia với Thế
tôn. Hãy cho con thọ đại giới.
Rồi Nanda, người chăn
bò, được xuất gia với Thế tôn, được thọ đại giới. Sau khi thọ giới không lâu,
Tôn giả Nanda sống một mình an tịnh, thân cảm được lạc thọ mà các thiện gia nam
tử vì lòng tin xuất gia từ bỏ gia đình đã hướng đến. Vị ấy biết sanh đã tận,
phạm hạnh đã thành, các việc nên làm đã được làm xong, không còn bị trói buộc
vào đời này nữa. Tôn giả Nanda trở thành một vị A La Hán.
Nguồn ở đây
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét