(Bài giảng tại Trung Tâm
tịnh xá và chùa Phổ Quang, ngày 25-9-2005)
Hiện nay, hàng cư sĩ Phật
tử học giáo lý nhiều, đó là điều tốt. Tuy nhiên, việc hướng dẫn thực hành lại
ít và những người áp dụng được pháp Phật trong cuộc sống thì lại càng ít hơn
nữa. Như vậy, giáo lý Phật dạy không gắn liền với cuộc sống của người đệ tử
Phật thì đó không phải là mục tiêu của Đức Phật hiện hữu trên cuộc đời này. Đó
là điều mà tôi muốn trao đổi với quý vị hôm nay. Thật vậy, khi chúng ta học
giáo lý nhiều, thường thấy ngay trong giáo lý cũng có những điểm khác biệt, đôi
khi khác đến mâu thuẫn và trên thực tế, những người tu hành cũng có những quan
niệm và pháp hành khác nhau, cũng mâu thuẫn nhau. Điều này khiến cho nhiều
người không biết pháp nào đúng và nên tu theo ai, để rồi cuối cùng rơi vô tâm
trạng khủng hoảng. Phật giáo Nhật Bản xưa kia đã từng trải qua thời kỳ khủng
hoảng trầm trọng nhất. Lúc bấy giờ, các nhà Sư đã tự võ trang và chém giết lẫn
nhau, chỉ vì phát xuất từ sự mâu thuẫn trong giáo lý cho đến mâu thuẫn trong
nhận thức và tiến đến mâu thuẫn trong cuộc sống. Nhưng may mắn thay, sau những
cuộc xung đột nguy hiểm ấy, người ta đã rút ra được nhận thức đúng đắn rằng
giáo lý Phật dạy khác nhau, tuy có nhiều vô số, nhưng tất cả các pháp đều là
phương tiện nhằm giúp chúng ta an lạc và có cuộc sống tốt đẹp. Không phải chấp
chặt vào giáo lý để sanh tâm bất mãn, buồn phiền, đau khổ, chống phá nhau.
Phật giáo Việt Nam chúng ta được may mắn từ khi đất nước thống nhất, Phật giáo
cũng được thống nhất. Nhờ đó, chúng ta bắt đầu có thuận duyên để hóa giải những
mâu thuẫn trong sinh hoạt Phật giáo. Nếu trước kia, khi Phật giáo chưa thống
nhất, thành thật mà nói thì các tu sĩ thuộc những hệ phái khác nhau khó hòa hợp
với nhau. Và nặng hơn nữa, khi mang ý thức bảo thủ cực đoan thì thường tìm cách
nói những điều không tốt của người khác. Đó là điều cấm kỵ nhất trong đạo Phật,
vì Phật dạy trong kinh Viên Giác rằng người tu giác ngộ thấy lỗi mình mà không
thấy lỗi người. Thấy lỗi người, không thấy lỗi mình, chắc chắn bị đọa. Phật
giáo Việt Nam cũng có một thời kỳ rơi vô tình trạng này. Đức Phật dạy rằng lỗi
thực của người, chúng ta còn không nói, huống chi là không thực.
Tôi nhờ có một khoảng thời gian dài, đọc tụng, suy tư kinh Viên Giác, nghĩ về
sự giác ngộ và những người đi trước để tự điều chỉnh mình. Tôi thấy rõ Phật dạy
rất đúng, nếu chúng ta làm theo, nhất định được kết quả tốt đẹp trong cuộc
sống. Điều chỉnh đầu tiên là tôi bắt đầu thấy lỗi mình, không thấy lỗi người;
nhờ đó người có thể tiếp xúc, trao đổi với tôi được. Nếu chỉ thấy lỗi người,
thì hai người như vậy gặp nhau là cãi nhau không dứt, người ta thường cho đó là
vì khắc khẩu. Nhưng theo tôi, không có khắc gì cả, vì cả hai chỉ thấy lỗi của
nhau, không ai thấy lỗi mình, nên tất yếu phải có cãi vã, xung đột.
Thực hành lời Phật dạy, áp dụng pháp tu tìm lỗi mình và khi được bạn chỉ thêm
lỗi của mình, như vậy, ta sẽ thấy rõ tất cả lỗi mình để tự sửa cho trong sạch
hoàn toàn. Giống như vết dơ trên mặt mình, nhưng ta không thấy, nhờ bạn chỉ
giùm mà ta thấy được vết dơ đó. Phật dạy tất cả đệ tử nên lóng nghe những người
xung quanh phê phán thế nào, theo đó tự sửa đổi là tu hành. Đó chính là truyền
thống Phật giáo, phải lóng nghe và thành thật sửa mình. Lóng nghe người chỉ
trích, ban đầu chúng ta thấy khó chịu, muốn cãi lại; nhưng nhớ lại Bảo Vương
Tam muội, Phật dạy rằng oan ức không cần biện minh. Nếu biện minh, việc càng
rắc rối thêm. Việc gì qua, hãy buông bỏ nó về quá khứ và cứ sống với những gì
hiện tại. Trong kinh Lăng Nghiêm, Phật dạy rằng dòng đời cứ trôi chảy mãi như
dòng sông, có bao giờ nó dừng lại đâu. Và chúng ta đứng trên bờ, thanh thản
nhìn tất cả mọi vật trôi xuôi ra biển đời mênh mông. Đừng bận tâm đến nó, hãy
để cho tất cả trôi đi vào quá khứ, lòng chúng ta sẽ được an lạc. Riêng tôi
thường áp dụng pháp này trên bước đường hành đạo. Tôi luôn lóng nghe và nhìn sự
việc cho nó trôi lần về quá khứ, để lại tâm mình sự yên tĩnh kỳ diệu. Tăng Ni,
Phật tử, ai áp dụng được pháp này, sẽ hưởng được phước lạc đầu tiên là tâm hồn
thanh thản. Phật dạy đó là phước báo lớn nhất trong năm tướng phước trên cuộc
đời này. Theo Phật có năm phước thế gian, đứng đầu là tâm an lạc, rồi mới đến
giàu sang, địa vị, sức khỏe và bạn bè. Nhưng trong năm tướng phước này, nếu
đánh mất phước căn bản là tâm an lành thì bốn tướng phước còn lại sẽ khó giữ
được, rồi cũng sẽ mất.
Tâm an lạc sẽ thể hiện trong tướng giải thoát. Vì thế, ta thấy người tu vô tâm,
vô sự, dáng vẻ rất thanh thản, tự nhiên. Người tính toan, lo âu, buồn phiền,
tướng của họ luôn biến đổi. Đạo Phật lấy tướng giải thoát làm chính, giàu cũng
thế mà nghèo cũng không sao, tâm không lo lắng, sợ hãi, buồn phiền, tức giận,
si mê. Phật tử tu hành cần nhớ giữ tâm an lạc, không để lo sợ, buồn giận, si mê
chi phối tâm mình. Người hiện tướng giải thoát có dáng đi nhẹ nhàng, tự nhiên
như mây bay. Từ thuở nhỏ, tu hành, tôi tập tướng giải thoát trong bốn oai nghi.
Học giáo lý nhiều, nhưng thực hành mới quan trọng. Trong đạo Phật có ba cách
đi. Cách thứ nhất là kinh hành, cách thứ hai là Thiền hành và cách thứ ba là
phi hành. Tập được phi hành thì tướng đi nhanh, nhưng thân không dao động,
tưởng họ đứng một chỗ mà người không chạy theo kịp; giống như mây phủ trên núi,
nhìn thấy dường như mây không bay, nhưng một lát sau, mây bay qua, trả lại núi
xanh. Chúng ta còn nhớ câu chuyện Vô Não cầm dao rượt theo Phật, nhưng không
theo kịp là vậy. Ngày nay, chỉ có một số vị Lạt Ma Tây Tạng áp dụng được thuật
phi hành.
Người đạt được thuật phi hành đã thể hiện pháp Thiền của họ đến đỉnh cao. Nhưng
dưới một nấc, chúng ta tập Thiền hành là tập đi trong vô tâm. Lúc ấy, tâm chúng
ta không nghĩ việc gì, tâm chỉ tập trung vào bước chân đi, vào hơi thở, nên đi
vô tâm, không quan tâm đến sự vật bên ngoài. Công phu tu như vậy để đạt được
gì? Thiền hành như vậy, chúng ta phải có cái được gọi là đắc Thiền, hay chứng
Thiền. Thiền hành, tập trung vào hơi thở, vào từng bước đi, nhằm đối trị bốn
loại ma, ngũ ấm ma, phiền não ma, thiên ma và tử ma và ta chiến thắng bốn thứ
ma này.
Trở lại tướng phước thứ nhất là tâm an lạc, thực tế cho thấy tâm an lạc là hạnh
phúc nhất của con người. Người giàu có hay quyền thế càng nhiều dễ mất ăn, mất
ngủ vì phải giữ gìn tài sản, chức vụ, phải đối phó với tất cả những việc đụng
chạm đến tài sản hay chức quyền. Giám đốc, Chủ tịch mà tôi tiếp xúc đều nói như
vậy. Biết tu hành, Phật tử không bị những thứ này chi phối, không có gì để lo
lắng, ăn no ngủ yên. Tôi nhận rõ tâm bình an sẽ cho chúng ta sức khỏe tốt. Tâm
không an, sức khỏe theo đó bị tiêu hao dần cho đến phát sanh bệnh tật. Thực
hành Thiền, chúng ta thấy rõ điều này. Thiền sư dạy chúng ta điều chỉnh hơi thở
thôi, nhưng đó là pháp tu cao nhất. Theo hơi thở, chúng ta kéo tâm hoài vọng
quá khứ trở về hiện tại, kéo tâm mong cầu tương lai trở về hiện tại và kéo tâm
biến động trong cuộc sống trở về hiện tại. Vì tất cả những gì lệ thuộc vào quá
khứ, lệ thuộc vào tương lai, lệ thuộc vào sự biến động đều vô ích. Thật vậy,
Đức Phật dạy rằng chế tâm nhứt xứ, vô sự bất biện; nghĩa là khi tâm tập trung
được ở đỉnh cao thì không có việc gì không giải quyết được. Tâm tán loạn, chúng
ta không thể nhìn sự việc chính xác, nên không thể tháo gỡ được gút mắc, dẫn
đến quyết định sai lầm. Đối với một số người bị căng thẳng vì quá nhiều công
việc khó khăn bao vây, tôi khuyên họ tạm thời buông bỏ hết, đừng nghĩ đến và
ngồi yên tĩnh tâm trong mười lăm phút thôi thì trí sáng ra; vì có định mới sanh
huệ, mới thấy việc chính xác. Nếu cứ tiếp tục suy nghĩ nhiều thêm nữa, trí óc
quá căng thẳng, chẳng những không giải quyết được việc mà còn có nguy cơ bị gục
tại chỗ vì đứt mạch máu não. Công thức này có thể áp dụng ở mức thấp trong sinh
hoạt của mọi người, cho đến đạt được quả vị Phật. Tuy nhiên, người bình thường,
hay hàng Nhị thừa, Bồ tát và Phật, tùy vị trí của mỗi người mà áp dụng công
thức tu này khác nhau.
Trước nhất, cần nhận rõ chúng ta phát xuất từ đâu. Nói cách khác, Phật khuyên
chúng ta phải thấy con người thực của mình, Thiền gọi là bản lai diện mục.
Chúng ta cần xác định lại, đương nhiên con người thực của chúng ta là chân tâm,
chân tánh, là Phật; nhưng ngay bây giờ chúng ta đã trở về chân tánh được chưa,
đã hoàn toàn sáng suốt như Phật hay chưa. Nếu chưa, thì hiện tại chúng ta không
phải là Phật; hay nói cách khác, con người thực của chúng ta hiện nay không
phải là Phật. Riêng tôi, luôn tỉnh táo đối trị với ma nghiệp của mình. Chính
Đức Phật trong đêm thành đạo, Ngài cũng phải chiến thắng tất cả ma, từ nội ma
là ngũ ấm ma trong Ngài cho đến hàng phục tất cả ba thứ ma bên ngoài. Phật dạy
đáng sợ nhất là ngũ ấm ma. Và đáng sợ hơn nữa, nhận lầm ma là mình, nhận lầm
giặc là con, chắc chắn ngày nào đó, nó sẽ giết mình, giống như An Dương Vương
nhận lầm Trọng Thủy là con vậy. Phải nhận ra con người mình thiệt là ma, mới
thoát khỏi nó được.
Ma này đối với tôi là ngũ ấm ma, tức những sai lầm của chính mình là ma, chưa
nói đến ma bên ngoài. Ngũ ấm ma là năm thứ tác động lên tâm chúng ta, làm chúng
ta không thanh tịnh; đó là sắc, thọ, tưởng, hành và thức. Nếu ngũ ấm là ma, thì
chính ta đang là ma. Không thấu hiểu ý này, tu sai, từng bước tâm bất an, phiền
não, thân bệnh hoạn, bạn bè khó chấp nhận và đạo nghiệp mất lần, thì năm tướng
suy bắt đầu hiện ra. Tự nhiên thấy tâm bất an, buồn phiền là tướng suy lớn nhất
đã hiện ra, phải biết đã đi lạc hướng, cần dừng lại.
Đức Phật dạy rằng con người là ngũ ấm. Một là sắc ấm, tức thân vật chất hữu hạn
của chúng ta. Xác thân này có được, nguyên nhân gần nhất là do cha mẹ sanh ra.
Và do cha mẹ sanh, thì thân ta tất yếu phải bị lệ thuộc vào sự chi phối của cha
mẹ, không thể khác. Có thể khẳng định rằng từ khi còn trong bào thai, cho đến
hiện hữu trên cuộc đời và đến chết, cũng không thể nào cắt đứt được sự ảnh
hưởng sâu xa của truyền thống gia đình, tổ tiên, ông bà, cha mẹ. Nếu ông bà,
cha mẹ chúng ta là người đạo đức thì chúng ta thừa hưởng được sự tốt lành này.
Ngược lại, họ tạo tội lỗi, thân chúng ta cũng phải gánh chịu ảnh hưởng không
tốt ấy.
Mang vào thân vật chất này, chúng ta phải khổ không ít với nó. Như vừa nói, cái
khổ thứ nhất mà chúng ta gánh theo là cái khổ của truyền thống, dòng họ. Chúng
ta sanh trong gia đình, dòng họ nào là phải có mối quan hệ với dòng họ đó, mới
sanh được; tức nghiệp của ta và nghiệp của dòng họ tương ưng với nhau, đồng
nghiệp mới vào đó được. Không phải tự nhiên chúng ta hiện hữu trên cuộc đời. Lý
do thứ nhất là dẫn nghiệp. Khi chết, bốn thứ ma là sắc, thọ, tưởng và hành đã
mất rồi, chỉ còn thần thức. Thần thức là tất cả những suy nghĩ, tính toán, việc
làm của chúng ta vẫn còn lực tác động và Thức này là ma. Chúng ta sẽ đi đầu
thai, tái sanh vào cảnh giới do nghiệp thức chỉ đạo, dắt dẫn. Vì thế, khi mối
quan hệ với dòng họ không phải là quan hệ tốt đẹp, mà là mối quan hệ oán thù
mạnh mẽ, tất nhiên lực thù oán của nghiệp thức sẽ tác động khiến họ nhất quyết
tìm đến gia đình từng gây thù chuốc oán để sanh ra làm con cháu rồi báo thù.
Điển hình là câu chuyện Đức Phật kể về nguyên nhân vua A Xà Thế đã giết vua cha
là Tần Bà Sa La, vì đây là sự tái sanh theo nhân quả ba đời, trong một tiền
kiếp, vua Tần Bà Sa La đã từng giết A Xà Thế.
Tôi thường tập trung tư tưởng quan sát xem túc nghiệp của mình và người liên hệ
như thế nào. Theo cảm tính, tôi nhận biết được tình cảm của người đối với tôi.
Tu hành, giữ được tâm bình yên, sẽ thấy được sự vật khách quan và tùy theo cảm
tính này mà biết đối tác, để chúng ta tùy theo đó xử sự. Đối với người có thiện
cảm hay ác cảm, tôi có cách giải quyết riêng và cũng hiểu rõ tại sao họ thương
hay ghét. Nói đến sự ghét có nhiều lý do, thu hẹp gần nhất là vì suy nghĩ và
việc làm của họ khác với mình, nên không chấp nhận mình là tất yếu. Biết như
vậy, muốn làm thân với họ, để xóa bỏ sự mâu thuẫn này, tôi thường dung hòa, tức
không cho đối nghịch. Đi thăm viếng các chùa ở nước ngoài, tôi tìm mẫu số chung
mà họ và tôi đều chấp nhận được là đạo pháp và dân tộc. Không bàn luận phải
trái, hơn thua, chỉ nói đến đạo pháp và dân tộc để hóa giải lòng trần thì không
thể có bực tức, cãi nhau. Thực hiện pháp này trong mọi lãnh vực đều thành công,
trước tiên tôi hóa giải những người tu theo đạo Phật. Trước kia chúng ta có
chín hệ phái khác nhau đến nỗi không thể nhìn nhau, nói chuyện với nhau được.
Nhưng nay tập hợp chung trong một Giáo hội Phật giáo Việt Nam, khi sinh hoạt
tôi không đề cập đến hệ phái, chỉ nói đến Đức Phật; vì dù tu theo hệ phái nào,
Đức Phật cũng là trên hết. Làm Trưởng ban Hoằng pháp, trên bước đường thăm
viếng, thuyết giảng tại nhiều bổn bộ của các hệ phái, tôi luôn triển khai về
đạo hạnh của Đức Phật và giáo lý của Ngài thì không ai chống đối cả. Lấy cái
chung để phát huy, lấy cái biệt truyền của mình, thì không có cách nào hài hòa
với nhau được. Trở về mẫu số chung là Phật, tôi bắt đầu hóa giải được tất cả
bạn tu các pháp môn khác nhau. Vì Đức Phật luôn khẳng định rằng tất cả giáo
pháp của Ngài tuy khác nhau, nhưng đều có cùng một vị giải thoát. Lấy Phật, lấy
giải thoát làm chính, ai cũng chấp nhận được.
Và đối với sinh hoạt của các tôn giáo khác, nếu chúng ta có suy nghĩ khác, sẽ
tạo mâu thuẫn chống đối nhau. Chúng ta vẫn tìm được ở các tôn giáo bạn những
điểm đồng nhau để cùng nói chuyện với nhau, cùng sinh hoạt chung với nhau. Cách
đây nhiều năm, tôi sang nước Ý, đến Milan để tham dự hội nghị tôn giáo thế
giới. Nước Ý theo đạo Thiên Chúa và Milan là thành phố lớn của họ, trong khi
một mình tôi là tu sĩ Phật giáo. Ban Tổ chức sắp xếp cho tôi ở trong phòng của
các vị giáo phẩm Thiên Chúa giáo tại một nhà thờ rất lớn. Trong phòng có đầy đủ
tiện nghi và có một bàn cầu nguyện với hình cây Thánh giá. Tôi cũng đứng đó
chắp tay cầu nguyện. Một vị Giám Mục hỏi tôi cầu nguyện điều gì. Tôi trả lời
rằng tôi cầu nguyện cho tất cả mọi người trên trái đất này biết thương yêu
nhau. Vì tất cả tôn giáo đều lấy tình thương làm chính, không biết thương nhau
thì không phải là tôn giáo. Tôi nói tiếp, dưới trần thế, con người không phải
là thần thánh, cũng không phải là tạo hóa, nên chúng ta hình dung ra thần thánh
hay đấng tạo hóa thế này thế kia, để rồi tự nhiên con người lại nhân danh thần
thánh, tạo hóa để sát hại nhau. Biết đâu các vị Thánh mà chúng ta tôn thờ giờ
này các ngài đang hiểu nhau, đang cùng nhau tìm cách cứu nhân loại ra khỏi biển
khổ mê lầm, thù hận. Tôi chỉ thuyết pháp rất ngắn và họ đều hoan hỷ, cúng
dường. Nếu tôi đứng lập trường Phật giáo, các Hồng Y đứng lập trường Thiên Chúa
giáo, nếu hai tôn giáo này tranh giành ảnh hưởng, chắc chắn sẽ gây ra xung đột.
Có thể thấy rõ từ ý thức cho đến lời nói và hành động mâu thuẫn chính là nguyên
nhân dẫn đến sai lầm lớn, gây ra thảm họa là chiến tranh tôn giáo.
Tìm mẫu số chung để sinh hoạt hòa hợp với nhau, đây là cách sống mà tất cả tôn
giáo đều chấp nhận được. Sang Mỹ, thăm viếng các nhà thờ Tin Lành, theo tinh
thần này, tôi cũng được các vị Mục sư hoan hỷ đàm đạo. Về thành phố Hồ Chí
Minh, Tổng Giám mục Phạm Minh Mẫn lên Hồng Y, tôi cũng đến tặng hoa chúc mừng,
tạo mối quan hệ tốt đẹp với tôn giáo bạn.
Trên bước đường tu, tâm chúng ta phải gạn lọc, cởi mở, hóa giải, phải an lành
trước. Thực tập pháp này, chúng ta phá bỏ được ác ma luôn kích động tâm ta là
phiền não ma. Bực tức, tự cao, khinh người là ma. Ma trong lòng chúng ta phá
được, tự nhiên người ta sẽ đối xử tốt với mình. Phá ngay ngũ ấm ma của mình, vì
nhận thấy rõ nó không tốt. Đức Phật dạy chúng ta thể hiện tinh thần vô ngã,
nghĩa là phủ nhận ngũ ấm thì năm thứ ma này không tác động chúng ta được. Triệt
tiêu năm thứ ma này, lòng chúng ta liền hoàn toàn yên tĩnh.
Ăn không ngon, ngủ không yên, vì lòng bất an, nên ngồi tĩnh tâm, tập thở ra vào
và tập từng bước chân đi. Tôi áp dụng hai pháp tọa Thiền và hành Thiền, tức đi
trong chánh niệm, trong tĩnh thức, kết hợp với hơi thở và tốt hơn nữa tôi kèm
theo niệm Phật, để cột tâm lại, không cho phiền não ma nổi dậy; thế giới bên
ngoài tự động tốt theo. Trong lòng chúng ta ghét giận người, làm sao họ chấp
nhận ta. Ta phải chấp nhận họ trước, trong tương lai, họ cũng hiểu ta.
Đức Phật dạy rõ ngũ ấm là ma, tức chúng ta là ma; nhưng ít ai chịu nhận mình là
ma. Phải nhận chân sự thật này và triệt tiêu cho ngũ uẩn giai Không, thì ma
biến mất, lúc đó con người thực của mình mới hiện ra, là Phật tâm hiện ra,
người mới kính quý. Ý thức như vậy, tôi luôn coi xã hội là tấm gương lớn để soi
bóng mình, coi phản ứng của người đối với chúng ta mà biết được con người thực
của chính mình. Tu như vậy, chúng ta bắt đầu sửa mình dần. Vì thế, trong ngày
Tự tứ, chư Tăng phải đắp y thỉnh các Tỳ kheo cho ý kiến trong thời gian sống
chung có thấy mình làm gì phạm pháp hay không, hay có nghi ngờ mình hay không,
hoặc có nghe nói gì về mình hay không. Xin thương xót chỉ dạy để mình điều
chỉnh cho tốt. Và thấy được con người thực của mình sai sót, khiếm khuyết chỗ
nào, phải nỗ lực chuyển đổi; khéo điều chỉnh thì mau đến Vô thượng Chánh đẳng
giác, không khéo thì đi chậm hơn.
Phân biệt ngũ ấm ma theo Phật dạy, trước hết là SẮC ẤM MA là thân vật chất do
cha mẹ sanh ra. Sự chi phối của truyền thống, dòng họ, cha mẹ đặt vào thân ta
gây áp lực cho chúng ta, là một loại ma. Chúng ta đối trị nó bằng cách quán
tưởng tứ đại giai Không, thân này là giả hợp, do cát bụi mà thành, hết duyên
thì nó phải mất. Vì thế, chúng ta không bao giờ chấp vào thân mạng này, vì nó
là thân sanh diệt, không phải là thân thực vĩnh hằng, nên chúng ta không bận
tâm đến nó. Quán xét như vậy, chúng ta bớt bị thân chi phối.
Còn nghĩ có thân này là thực và thấy những thứ sở hữu của thân là thực, tâm
chúng ta sẽ bị lôi cuốn, bị phóng đại theo để bảo vệ thân và những quyền lợi
vật chất của mình. Thực tế cho thấy biết bao nhiêu người khổ vì của cải vật
chất. Nhất là những người rất giàu, nhưng làm ăn càng bất chánh thì càng khổ.
Ngày hôm trước là tỷ phú, nhưng hôm sau đã vô tù. Giàu có bằng sự sống lương
thiện mới là phước và của cải tạo được do phước của chúng ta thì không thể mất
được. Nhiều người trải qua những cuộc biến đổi trong xã hội, tài sản mất hết,
nhưng sau họ lại có đầy đủ như trước. Chúng ta không quan tâm đến thân này và
sở hữu vật chất mới thấy phước báo thực của mình hiện ra. Sống với phước báo
thực, tâm chúng ta được an lành. Điển hình như các Tỳ kheo sống đời phạm hạnh,
không có của cải, nhưng tâm hoàn toàn an lạc. Một hôm, Đức Phật đi du hóa ở
phía Bắc, đến một khu rừng, Ngài gặp một người chủ nông trại vừa đi vừa khóc vì
bị mất trộm đàn bò. Gặp Phật, ông hỏi Ngài có trông thấy đàn bò của ông hay
không. Tội nghiệp thay, được gặp bậc Toàn giác mà chỉ hỏi về con bò. Đọc câu
chuyện này, tôi nghĩ nếu gặp Phật là mình hỏi Ngài làm sao cho trí tuệ phát
sanh nhanh, làm sao lên bờ giải thoát; vì đối với tôi, ham muốn nhất là trí
tuệ. Làm sao thấy được sự thực của cuộc đời, vượt qua được tất cả cạm bẫy, đó
là niềm thao thức mà tôi thường nhờ các bậc cao đức chỉ dạy.
Đức Phật nhân đó dạy cho các Tỳ kheo bài pháp rằng tội nghiệp cho ông chủ trại
có phước báo như thế, nhưng sẽ bị đọa; vì suốt đời chỉ nghĩ đến đàn bò và tiếc
của, khổ đau, sẽ từng bước dẫn ông ta vào ba đường ác. Phật hỏi các Tỳ kheo có
muốn giàu sang như ông chủ trại nọ hay không. Ngày nay, nhiều người tu hành,
nhưng vẫn muốn quyền cao chức trọng, tài sản nhiều. Muốn và tìm cầu những thứ
đó là đọa. Đương nhiên các Tỳ kheo trả lời rằng theo Phật, họ chỉ cầu giải
thoát. Phật nói các Tỳ kheo may mắn hơn ông chủ kia, vì không có bò để chăn,
khỏi lo mất và khỏi đau khổ vì mất. Sự thật hiển nhiên là tất cả mọi việc trên
cuộc đời đều mất, không có gì tồn tại mãi; cuối cùng, sức khỏe và mạng sống của
chúng ta cũng mất. Thân tứ đại làm sao vượt khỏi sự chi phối của già, bệnh,
chết.
Có thân phải khổ vì thân, phải quan tâm đến nó, không điều hòa được thì nó gây
cho chúng ta biết bao nhiêu điều khổ sở. Vì bị thân hành hạ, đòi hỏi, làm chúng
ta không giải thoát được, nên sắc thân của chúng ta chính là ma. Theo tôi, con
ma thân có những đòi hỏi của nó, tối thiểu là cơm ăn, áo mặc, chỗ ở. Tiến hơn
một chút, nó đòi cơm ngon, áo đẹp, chỗ ở sang trọng. Đừng nhận lầm thân là
Phật. Tại sao Đức Phật lìa bỏ điện ngọc cung vàng, vợ đẹp con thơ để dấn thân
trên con đường cát bụi. Vì Ngài đã nhận rõ rằng tất cả những thứ này chỉ gây
phiền lụy, khổ đau, làm sao giải thoát. Tất cả sự nghiệp công danh bao vây
không thoát được. Phật đi tu là thoát khỏi ngục vàng làm tâm đảo điên. Tu hành,
đầu tiên dám cắt bỏ quyền lợi bên ngoài liên hệ đến thân. Trước nhất, cắt bỏ
được ăn ngon, mặc đẹp, ở sang trọng, là cuộc đời mình hạnh phúc liền. Muốn ở
sang trọng, tiện nghi hơn, chạy theo con đường này không bao giờ đạt được mong
muốn. Vì hôm nay, có căn nhà đẹp này, mai kia lại muốn căn nhà đẹp hơn, chắc chắn
tâm phải điên đảo vì cái muốn vô hạn ấy. Tu hành, tập cắt bỏ những gì không nằm
trong phước báo của ta, không đeo đuổi theo nó. Dám đương đầu với ma, nhất định
thành công.
Để đối trị sự chi phối của thân về ăn, mặc, ở, Đức Phật dạy tam thường bất túc,
ăn ít, ngủ ít và mặc ít. Ăn no, mặc đẹp, ngủ nhiều, không tu được. Cắt bỏ một
phần đòi hỏi vật chất thì cắt bỏ được sự lệ thuộc vào thân một phần. Tôi có
kinh nghiệm về pháp tu này. Khi tu học ở Nhật Bản, tôi không có tiền, nhưng
không tiêu xài nhiều, nên không tiền cũng chẳng sao, là được giải thoát. Nghĩa
là đoạn một phần phiền não trần lao nghiệp chướng, tướng giải thoát hiện. Yêu
cầu lớn mà cung không đủ, phiền não nhân đây sẽ phát sanh. Tôi luyện tập ăn ít,
ngủ ít, có thức ăn nào dùng thức ăn đó, hành đạo như vậy, được giải thoát dễ
dàng. Trong cuộc sống, các Sa môn giải thoát vì biết hạn chế, giảm thiểu yêu
cầu cho đến mức không muốn gì cả, thì không ai làm khó, làm khổ mình được. Thậm
chí không muốn sống, không sợ tử ma, thì bắt tay vui vẻ với thần chết. Còn
muốn, dù là chút xíu cũng khổ.
Biết rằng mang thân này vô là kẹt vào ba việc ăn, mặc, ở. Con ma này làm khổ
chúng ta, nên cố gắng tháo bỏ lần để không bị lệ thuộc nó. Phật dạy Tỳ kheo
khất thực không sở hữu gì và thành tựu quả vị A la hán, bốn tướng đói, khát,
nóng, lạnh không chi phối được họ nữa. Người đắc Định, tự thân của họ đã ấm,
không cần mặc áo len. Họ đã điều tiết được thân, nên không cần ăn mà không bị
cái đói dày vò, không bị bệnh hoạn làm khổ, hiện tướng giải thoát. Phá được sắc
ấm ma, Pháp thân đầu tiên của họ sanh ra, gọi là Giới đức Pháp thân, không còn
lệ thuộc vào cuộc sống vật chất, không yêu cầu người khác cung cấp cho mình bất
cứ thứ gì. Đó chính là người đức hạnh, thành tựu giới đức Pháp thân. Vị A la
hán đã hoàn toàn chuyển đổi được sắc ấm ma thành Giới đức Pháp thân (tướng
Phật), nên được trời người cung kính, cúng dường.
Phá được sắc ấm ma, tiếp theo lần sâu vào để phá trừ loại ma thứ hai là THỌ ẤM
MA. Vì khi chúng ta có thân vật chất, thì thân vật chất này sẽ tiếp xúc với những
thứ vật chất bên ngoài, tạo ra những thứ đòi hỏi bức bách chúng ta, tạo ra
những cảm xúc ràng buộc chúng ta, nên cũng được gọi là xúc ấm ma. Theo Phật, có
sáu loại xúc ấm ma do mắt thấy, tai nghe, mũi ngửi, lưỡi nếm, thân chạm vào và
ý nghĩ tưởng. Thí dụ, nghe chuyện trái tai, thấy việc không vừa ý, ăn những món
không thích, nghĩ đến người mình ghét, v.v…, tất cả những tác động này của sáu
giác quan làm cho tâm chúng ta khó chịu, bất an. Vì vậy, sáu giác quan của
chúng ta là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý tiếp xúc với sáu trần sanh ra tất cả
phiền hà, khổ đau cho ta, nên chúng là ma. Điều này kiểm nghiệm dễ dàng, khi ở
trong Thiền thất tu hành, không cho sáu giác quan tiếp xúc với bên ngoài, chỉ
đọc tụng kinh điển, sám hối, sống với pháp Phật, tôi không biết gì về thế giới
bên ngoài. Trong tôi chỉ có một thế giới là Pháp giới của Phật, ở thế giới tâm
linh này chỉ có Phật và Bồ tát hiện hữu, nên thật yên tĩnh, sáng suốt. Vì vậy,
người tu cần có thời gian nhập thất để tâm lắng yên hoàn toàn, cắt bỏ được sự
chi phối của thế giới vật chất và không còn bị vướng mắc với bất cứ sự đòi hỏi
nào của chính bản thân mình, là phá được thọ ấm ma. Và phá được thọ ấm ma thì
một phần Pháp thân của chúng ta là Định Pháp thân hiện thành.
Kế đến, loại ma thứ ba là HOANG TƯỞNG MA. Với sự hiện diện của con ma này trong
thân, đầu chúng ta luôn nghĩ tưởng đủ thứ chuyện, nhưng những thứ nghĩ ngợi
lăng xăng, tưởng tượng lộn xộn này không thực tế và không đem lại lợi ích cho
ai cả. Người luôn chìm đắm suy tư về quá khứ đã qua hoặc luôn mơ mộng viễn vông
về tương lai không tới được, chắc chắn sanh ra bất mãn, buồn phiền, khổ đau.
Chúng ta hành Thiền, cố tận diệt con ma hoang tưởng, không nghĩ ngợi lăng xăng;
chỉ tập trung tâm trí vào bước đi, vào hơi thở, vào tiếng niệm Phật. Cắt bỏ
được tâm nghĩ tưởng đủ thứ, tâm sẽ được an định. Và từ Định tâm này, chúng ta
sẽ có tầm nhìn mọi việc một cách sáng suốt, hình thành được Pháp thân thứ ba là
Huệ Pháp thân.
Loại ma thứ tư là HÀNH UẨN MA. Cần biết rằng "Hành” này là hành động trong
tâm, không phải hành động bên ngoài. Vì thế, thân ngồi yên ở đây, nhưng tâm trí
đang chạy rong khắp hang cùng ngõ hẻm, đang nghĩ ngợi, tính toan vô số việc.
Con ma hành uẩn này luôn dẫn dắt chúng ta rời bỏ vị trí thực tế của mình và nó
dụ dỗ chúng ta đi vào con đường trần lao nghiệp chướng, khổ đau. Biết rõ sự tác
hại của ma hành uẩn, trong đời sống hàng ngày cho đến trong từng niệm tâm,
chúng ta cần trụ tâm trong kinh điển, quán tưởng về pháp Phật. Khi sự hướng tâm
mạnh mẽ đến tinh ba Phật pháp là nguồn sống duy nhất của chúng ta một cách miên
mật, sẽ giúp chúng ta phá trừ được hành uẩn ma. Và nhờ đó, tạo được Pháp thân
thứ tư là Giải thoát Pháp thân, thể hiện thành tướng an lành, giải thoát thực
sự trong từng lời nói, từng hành động, từng suy nghĩ, tác động cho người trông
thấy, hoặc tiếp cận phát tâm Bồ đề.
Sau cùng là THỨC ẤM MA. Thức là sự hiểu biết theo thế gian, nhưng chính nó gây
khổ đau cho ta không ít. Đối với người tu, không biết việc thế gian để tâm an
lạc và biết Phật pháp để tâm định tĩnh, trí sáng suốt. Phật cũng dạy rằng thế
gian trí là sự hiểu biết của phiền muộn, biết nhiều thì phiền não nhiều. Thật
vậy, tất cả sự tiếp xúc của chúng ta với cuộc đời trải qua vô số kiếp và trong
hiện đời, đã tạo thành vô số kinh nghiệm, vô số hiểu biết chất chứa đầy đủ,
không bỏ sót một thứ gì, trong một cái kho rộng vô tận, có thể gọi là
"biển Thức”.
Biển Thức của chúng ta giống như đại dương sâu thẳm vô cùng, trong đó có những
đợt sóng ngầm và những loài thủy quái gây ra những trận cuồng phong bão táp bất
cứ lúc nào, mà chúng ta không thể biết, không thể kiểm soát, không thể đo lường
được những cái lưu giữ và bộc phát từ biển Thức của chúng ta. Thực hành Thiền
định, chúng ta dễ nhận ra điều này. Có lúc tôi đang ngồi Thiền, nhưng túc
nghiệp quá khứ ẩn sâu trong tiềm thức bỗng vụt hiện lên làm cho tâm cảm thấy
bất an. Đó là những trận cuồng phong từ tạng Thức bộc phát do nhiều đời mình
tích lũy, hay do trong đời này lưu giữ trong tiềm thức và nó sống dậy, tác
động.
Trên bước đường tu, dần dần chúng ta sẽ phát hiện những cơn cuồng phong, những
loài thủy quái hiện hữu trong tâm thức chúng ta. Nói cách khác, đó là những đòi
hỏi của chính chúng ta, tác động phiền não cho chúng ta và khổ nhất mà Phật
thường nói là ngũ dục, tức năm thứ ham muốn là tiền tài, danh vọng, sắc đẹp,
ăn, ngủ. Nó gây khổ não nhất, vì khi năm món dục này bộc khởi, thường kích động
chúng ta phải làm, phải đối phó, không thể nhịn. Chính các loài thủy quái này
nằm sẵn trong lòng chúng ta, luôn tác động chúng ta bắt buộc theo nó thì nhất
định phải khổ. Thật vậy, bị thúc giục vì thèm khát, vì tham vọng, vì tự ái, vì
bực tức, vì sân hận tất yếu dẫn chúng ta lao vào con đường nguy hiểm.
Hoặc tâm đang thanh thản, nhưng do túc nghiệp của chúng ta nhiều đời, nên thấy
những việc vô lý mình phải gánh chịu khổ sở. Lúc ấy, những đợt sóng ngầm trong
tâm bỗng cuồn cuộn nổi lên, thể hiện ra những lời nói, những hành động căm thù.
Đó là trường hợp của một anh sinh viên đến than thở với tôi rằng vì gia đình
thuộc chế độ cũ nên anh gặp nhiều khó khăn trong học tập. Trong lòng anh chất
chứa sự tức giận và lâu ngày, gặp một việc nhỏ không vừa ý, nhưng làn sóng tức
giận nhân đó vụt nổi lên, không kiềm chế được, đến mức dám nói thẳng vào mặt
cha mình rằng ông hại tôi đến mức này còn chưa đủ hay sao!
Trong thâm tâm, tức trong kho chứa của Thức có nổi dậy những hiểu biết, nghĩ
tưởng khuấy động, chúng ta nên dùng Phật pháp để rửa sạch, xóa lần cho đến
những làn sóng ngầm không còn bùng phát, những loài thủy quái không còn tác hại
được, những trận cuồng phong không còn hoành hành nữa. Như vậy là đã phá được
Ma Thức ấm trong ta.
Tu hành, phá trừ được ngũ ấm ma là chính mình, sẽ hiện giải thoát tướng, được
mọi người cung kính, quý trọng. Điển hình như cố đại lão Hòa thượng Hải Tràng,
ngài ẩn tu, chẳng màng lợi danh, địa vị; nhưng đức hạnh của ngài tỏa sáng, danh
thơm đồn khắp, được Tăng Ni, Phật tử quý kính, nên Giáo hội Phật giáo Việt Nam
Thống nhất trước kia đã cung thỉnh ngài làm Phó Tăng Thống. Đến hôm nay, kỷ
niệm lần thứ 33 ngày viên tịch của ngài, trải qua một thời gian dài lâu như
vậy, mà trong lòng Tăng Ni, Phật tử còn in đậm hình bóng đức độ của ngài.
Tóm lại, dẹp trừ ngũ ấm ma ở trong tâm ta thì tất cả ma bên ngoài cũng tắt hẳn.
Nếu cứ để ma trong lòng ngùn ngụt nổi dậy, chắc chắn mọi người sẽ đối xử không
tốt với ta, hoàn cảnh bên ngoài sẽ mỗi ngày khó khăn thêm cho ta. Và những thứ
ma bên ngoài lúc đó sẽ tác động ngược lại cho ngũ ấm ma trong tâm ta thêm sức
tàn phá chính ta. Cứ như vậy, chúng ta bị xoay vần trong vòng sanh tử luân hồi,
cúi đầu chịu sự sai khiến không bao giờ ngừng nghỉ của ngũ ấm ma bên trong
chúng ta và các ma bên ngoài là phiền não ma, tử ma, thiên ma. Mong rằng tất cả
Phật tử chân chánh tinh tấn tu hành, thanh tịnh hóa thân tâm bằng cách phá trừ
ngũ ấm ma trong chính mình để xây dựng cảnh giới an vui, hòa hợp ngay trong gia
đình và trong xã hội.
HT. Thích Trí Quảng
Nguồn bài viết ở đây
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét