Thứ Tư, 9 tháng 8, 2017

Nguồn gốc của khởi niệm

Bài trước: Các bước vào pháp Vô Ngã
Bài trước: Khởi niệm

Mỗi ngày mình khởi lên biết bao nhiêu là niệm. Tất cả các niệm này được khởi lên từ hai gốc. Thứ nhất là niệm khởi từ Vô Ngã gọi là niệm ban đầu. Thứ hai là niệm khởi lên từ Bản Ngã gọi là niệm thứ hai.

Khi sáu căn tiếp xúc với sáu trần thì niệm khởi lên là điều tự nhiên. Niệm khởi lên từ Vô Ngã. Ngôn ngữ dân gian gọi niệm này là Trực giác hay linh tính/linh cảm. Nếu mình luôn hành động theo niệm này thì không hề có ác khẩu hay hành động bất thiện. Tất cả những gì xuất ra đều là thiện, và mình luôn nói năng cư xử hành động theo Bát Chánh Đạo, các giới tự giữ, không có sự khởi ý giữ giới.

Nhưng do tập khí nên mình không nhận ra được niệm ban đầu huống chi là hành động theo nó. Thường mình ăn nói hành động cư xử theo niệm thứ hai, gọi là niệm khởi lên từ Hữu Ngã. Tại vì mình làm theo niệm này cho nên mới xảy ra chuyện xấu này chuyện xấu nọ. Và để dung hòa lại những cái xấu ấy thì mình khởi niệm thứ hai tiếp theo là cố ép mình sống theo Bát Chánh Đạo hay cố ép mình giữ giới để dung hòa lại cái xấu cái ác đã xảy ra. Cho nên tất cả những giới này đều được gọi là điều học, vì là cái từ bên ngoài vào. Còn giới tự giữ do mình hành động theo niệm ban đầu thì gọi là giới thể, hay giới tự tánh, bởi giới tự giữ chứ không hề có sự xen vào của hữu ngã.

Vào được pháp Vô Ngã không có nghĩa là bản ngã hoàn toàn bị triệt tiêu. Mà Vô Ngã chính là phương tiện giúp mình thấy rõ đâu là niệm ban đầu, đâu là niệm thứ hai. Khi mình nói năng cư xử hành động thì biết mình đang nói năng cư xử hành động theo niệm thứ nhất hay theo niệm thứ hai. Đó là chức năng của Vô Ngã, chứ chức năng của Vô Ngã không phải là để triệt tiêu bản ngã. 

1 nhận xét:

  1. Trong thời gian mới kiến tánh, hành giả thường trú ở niệm ban đầu này rất lâu. Khi ấy có nhiều hiện tượng tâm linh hiện ra. Người đã trải nghiệm thì mỉm cười thấu cảm! Còn những người khác chỉ thấy buồn cười mà thui hihihi...

    Trả lờiXóa