Chủ Nhật, 20 tháng 8, 2017

Lậm lý thuyết.

Lậm lý thuyết nghĩa là gì?
Lậm lý thuyết nghĩa là nghe thuyết pháp rất nhiều, đọc kinh sách rất nhiều. Do nghe và đọc nhiều quá thành ra tự kỷ ám thị. Nghĩa là tưởng mình đã thật thấy thật biết đúng như kinh sách hay y như người thuyết pháp đã nói.
Đó là cái thấy cái biết do Ngã tạo ra. Hay nói chính xác là chỉ hiểu rồi tâm đắc rồi tự cho rằng mình đã thật thấy thật biết như vậy. Vì vậy có thể thao thao bất tuyệt. Thuật ngữ chuyên ngành gọi đây chính là Sở Tri Chướng. Vướng vào Sở Tri mà không biết mình vướng vào Sở Tri. Chỉ thấy sao mình có thể đối đáp trôi chảy, thao thao bất tuyệt, hiểu rất rõ vấn đề mình đang nói.

Dấu hiệu cho thấy mình lậm lý thuyết:
1.    Thích lý luận, đặc biệt là lý luận vòng quanh
2.    Thích tìm hết kiến giải này đến kiến giải nọ để tích trữ cho Sở Tri càng thêm dày.
3.    Không biết chỗ kẹt của mình nên không có sự tập trung tâm vào chỗ kẹt ấy, thay vào đó thích thảo luận về đủ mọi đề tài, rồi tích trữ thêm tri kiến của người vào kho.
4.    Thiếu sự quán sát thân tâm nên toàn là thấy người chứ chẳng thấy mình. Cái 4 liên quan đến cái thứ 3. Vì không biết chỗ kẹt của mình nên đi lan man, vì đi lan man nên chỉ thấy người.

Người thật sự có hành pháp luôn biết rõ chỗ kẹt của mình. Vì biết rõ chỗ kẹt nên tập trung cả thân và tâm vào chỗ kẹt ấy để tìm cách thoát. Càng biết rõ chỗ kẹt thì sự tập trung càng cao. Khi sự tập trung cao thì tất cả mọi thứ/mọi điều thâu nhận qua mắt tai mũi họng đều trở thành đối tượng thiền quán để giúp họ ra khỏi chỗ kẹt ấy. Do đó họ chỉ ghi nhận hay tập trung vào những gì có liên quan đến chỗ kẹt hay còn gọi là có liên hệ đến mục đích. Những cái không liên quan thì cho qua, không quan tâm để tránh bị loạn tâm.

Còn người lậm lý thuyết thì do không biết chỗ kẹt nên tâm phân tán tứ tung, vì vậy toàn đi lan man. Thuật ngữ chuyên ngành gọi là tâm phóng dật.


Làm sao biết mình thật sự đến được một cảnh giới trí tuệ nào đó?

Do căn nghiệp mỗi người không giống nhau nên cách đi của mỗi người cũng không giống nhau. Nghĩa là khi đến được một nơi thì cái thấy về nơi ấy là giống nhau, nhưng mỗi người đi mỗi con đường khác nhau. Chính vì đường đi khác nhau nên khi mô tả về nơi ấy và con đường ấy thì mỗi người tả một kiểu tùy theo thân tâm mà mình đã trải qua. Chính vì sự trải nghiệm thân tâm là khác nhau nên khi mô tả không ai giống ai, dù cùng nói về một điều. Còn khi sự mô tả của mình y chang sự mô tả của thầy hay của kinh sách thì có khi đấy chính là Sở tri mô tả, chứ không phải là thật đâu. Đó là lý do vì sao từ khi có kinh sách thì có vô số thuật ngữ khác nhau cho cùng một điều hay một cảnh giới.
Do đó, khi nào thấy sự mô tả của mình thật đúng với sự trải nghiệm của thân tâm thì ấy còn thật. Vì nó thật đúng nên những từ ngữ của mình khó giống người khác.  Còn khi mình cố dùng từ ngữ hay kiến giải cho giống kinh sách hay của thầy thì ấy là cái giả.
Bởi vậy tác hại của kinh sách là vậy đó. Dễ làm Sở tri thêm dày. 

1 nhận xét:

  1. Đúng là lời khai thị của Minh Sư! Em còn kẹt 2 con ma nơ canh, nên luôn bám riết Chị để nhờ trợ duyên đó.

    Trả lờiXóa