Thứ Ba, 4 tháng 7, 2017

Vì sao Chánh Kiến lại đứng đầu trong Bát Chánh Đạo?

Khi đã có Chánh Kiến rồi thì tất cả những cái còn lại đều chân chánh. Khi không có Chánh Kiến thì không có gì là chân chánh cả. Dù có Tinh Tấn, dù có Niệm, dù có Định, dù có Tuệ,…. giỏi đến mức nào đi chăng nữa mà thiếu đi Chánh Kiến thì cũng đều là Tà. Bởi vậy mới có vị thiền sư ngồi thiền định suốt 10 ngàn năm, sau đó chết và tái sanh thành rắn Naga. Bởi vì Chánh Kiến quan trọng đến như vậy mà sau này nhiều người đẩy lên đến mức tột đỉnh, dùng biết bao bài văn, bài luận, mỹ từ, thậm chí viết thành nguyên bài kinh để mô tả Chánh Kiến. Một trong những ví dụ đó là Kiến Tánh. Kiến Tánh là một cách gọi khác của Chánh Kiến. Người có Kiến Tánh là người có Chánh Kiến. Kiến Tánh Khởi Tu, nghĩa là có Chánh Kiến rồi thì mọi cái tu đều là chân chánh; không có Chánh Kiến thì làm gì cũng là tà.

Người đã có Chánh Kiến là người không còn đi lạc đường nữa, chỉ việc đi trước sau gì thì cũng đến bờ. Một khi đã biết đường đi rồi thì dù họ có làm gì, dù họ có đi tiếp hay dừng lại, dù họ có quẹo trái hay quẹo phải thì họ cũng không thể đi lạc. Người có Chánh Kiến rồi thì không còn bị trói buộc vào những quy định, luật lệ của thế gian. Họ vượt ra ngoài mọi tông phái và tôn giáo. Hay nói cách khác là họ không còn bị Giới Cấm Thủ xiềng xích, và họ không còn lệ thuộc vào Thân Kiến. Người có Chánh Kiến là người đã Nhập Dòng, hay còn gọi là người chứng Sơ Quả, và họ cũng chính là bậc Nhập Lưu.

Do vậy người Kiến Tánh nghĩa là người có Chánh Kiến, nghĩa là người đã phá tan được Vô Minh, cũng là bậc Thánh Nhập Dòng. Hay nói theo ngôn ngữ đời thường thì họ là người đã ĐẮC ĐẠO. ĐẮC ĐẠO nghĩa là đã thấy ra con đường, và không còn sợ bị đi lạc nữa. Người đã thấy ra đường đi thì việc trở thành A La Hán, thành Phật là việc tất yếu. Đó là lý do vì sao nhiều người xem người Kiến Tánh như là Phật là vậy đó.

Chánh Kiến đứng đầu trong Bát Chánh Đạo, tương đương với Kiến Tánh Khởi Tu hay Duy Tuệ Thị Nghiệp (Tuệ ở đây là một từ khác của Chánh Kiến.)

Trước khi có Chánh Kiến thì phải dùng mọi cách, mọi thứ, mọi phương tiện, bất kể thứ gì phù hợp với căn cơ của mình để mà chèo chống, đề mà đi, để mà đến được con đường, để mà Đắc Đạo. Những phương tiện mà họ dùng để vào dòng một khi đã vào được dòng rồi thì đều không cần thiết nữa. Bởi vậy mới có câu “muốn qua sông phải bỏ đò” hay “ngón tay chỉ mặt trăng.” Nhập Dòng nghĩa là chỉ còn xuôi theo dòng mà ra biển thôi. Khi bị vướng bờ này hay bờ kia, họ tự biết nên dùng phương tiện gì để ra khỏi chỗ kẹt. Tự biết dùng phương tiện nhưng không có nghĩa là họ phụ thuộc vào phương tiện ấy. Họ biết lúc nào nên cầm, lúc nào nên bỏ xuống, lúc nào nên dùng phương tiện này, lúc nào nên dùng phương tiện kia. Dùng mọi phương tiện mà không lệ thuộc vào phương tiện nào.

Bởi vậy mới có câu: “…..Cuối cùng bạn phải vất bỏ mọi hệ thống, mọi phương pháp, và ngay cả vị thầy của mình…….” (Thiền sư Ajahn Chah) Còn lệ thuộc vào phương pháp, hệ thống hay vị thầy,… là còn bị Giới Cấm Thủ trói buộc.Vứt bỏ không có nghĩa là tẩy chay, là chối từ. Vứt bỏ nghĩa là không còn lệ thuộc nữa. Trên lộ trình xuôi theo dòng ra biển thì họ vẫn phải dùng phương tiện để giúp họ ra khỏi chỗ kẹt, nhưng những phương tiện này (kể cả thầy) đều là yếu tố phụ, cái chính là họ phải tự mình xuôi dòng. Tóm lại, mọi thứ họ dùng để Nhập Dòng hay để đẩy họ ra khỏi chỗ kẹt chỉ là những phương tiện, còn khi họ xuôi theo dòng để ra biển thì đó mới là cách hành pháp của họ.

Làm gì để Kiến Tánh hay để có Chánh Kiến? Làm gì cũng được, tùy thuộc vào căn cơ, nghiệp duyên của từng người. Cho nên mới có nhiều tông, nhiều pháp môn, nhiều tôn giáo, nhiều cách tu, nhiều cách thiền,… để phù hợp cho tất cả mọi căn cơ. Nhưng nên nhớ làm gì thì làm cũng cần đến được cái đích cuối, đó là Kiến Tánh hay Chánh Kiến, khi phá tan Vô Minh rồi thì mới nhẹ gánh mà thực sự tu, còn trước đó thì chẳng phải là tu gì cả đâu.

Người Kiến Tánh là người có Chánh Kiến, là tương đương với bậc Thánh Nhập Lưu, cho nên con đường thành Phật, thành A La Hán là tất yếu. Chứ người Kiến Tánh không phải là người tương đương Phật và cao hơn A La Hán như nhiều người lầm tưởng đâu. Câu chuyện “Niệm Hoa Vi Tếu” mà nhiều người sử dụng như bằng chứng cho rằng Kiến Tánh là cái gì đó rất ghê gớm, tương đương Phật Toàn Giác. Thật sự là mỗi người đều có duyên nghiệp khác biệt, không ai giống ai. Cho nên các A La Hán trở thành A La Hán cũng theo những cách khác nhau, không ai giống ai. Rồi cũng do duyên nghiệp phước báu không giống nhau, nên dù là A La Hán, mỗi người lại có những đặc điểm khác biệt, không ai giống ai. Ngài Ca Diếp tiếp xúc Phật Thích Ca và con đường thành A La Hán của Ngài cũng đâu có giống ai. Có thể do biệt duyên mà Ngài có với Phật Thích Ca, cho nên khi Phật Thích Ca đưa bông hoa lên chỉ có Ngài Ca Diếp mỉm cười, còn các vị A La Hán khác thì không thấy cười thì cũng đâu có gì ghê gớm như mọi người hay nghĩ. A La Hán nghĩa là Vô Sanh (không còn sanh lại cõi Ta Bà nữa), nhưng nghiệp duyên thì không ai giống ai, cho nên có cái (ví dụ một cái phước nào đó) có vị còn có phước hơn cả Phật Thích Ca, và có cái thì chỉ có vị A La Hán này tương ưng với Phật Thích Ca, còn vị khác thì không có. Đây cũng là điều bình thường, có gì đâu mà ghê gớm đến nỗi nhiều người cực đoan đến mức gần như là “mạt sát” các vị A La Hán khác. Chỉ vì một bãi nước bọt của một vị A La Hán khạt ra mà một tỳ kheo ni nổi giận nói: “Con đĩ nào nhổ nước bọt ở đây?” và vị tỳ kheo ni này phải làm đĩ 100 kiếp. Còn tội "mạt sát" hàng loạt A La Hán thì hổng biết sẽ ở dưới chơi bao lâu đây. Cho nên nói gì làm gì thì cũng nên thận trọng. Mà nếu không muốn thận trọng thì cũng chẳng sao, bởi vì mọi thứ đều là phương tiện, dù đó là phương tiện “mạt sát” A La Hán thì cũng chỉ là phương tiện. Ở dưới chơi cũng không có sao, miễn sao Kiến Tánh là được rồi hihihihihihi.

Ngoài ra một số người hay dùng câu chuyện về Ngài Duy Ma Cật chất vấn các A La Hán và Bồ tát mà coi thường A La Hán. Đây cũng là một lầm tưởng. Duy Ma Cật là hiện thân của Phật Toàn Giác tương lai, đó là Phật Di Lạc, bởi vì Phật tương lai trở thành Phật toàn giác với thân phận một cư sĩ tại gia. Ai tự quán thấy mình là tiền thân của Phật tương lai thì hãy "mạt sát" A La Hán nhé, còn nếu không phải mà đi bắt chước, thấy người ta làm rồi làm theo, thấy người ta nói rồi nói theo thì cũng xuống dưới chơi đã đời luôn đó hehehehe.

Lưu ý: Có thể có người cho rằng: “Tôi cũng có Chánh Kiến nè, tôi cũng biết “Vạn vật là vô thường, là khổ, là vô ngã” nè, tôi cũng biết rằng Tham Ái là gốc của khổ nè, bla bla bla bla. Cái biết của bộ não về những điều này không phải là cái biết thật và nó cũng vô thường theo thời gian. Còn người thực sự Kiến Tánh và có Chánh Kiến thì họ không phải biết những điều này qua lý trí, qua logic hay qua niềm tin mà họ thật sự trải nghiệm, thật sự tự mình thấy ra.

Để kiểm tra xem cái Chánh Kiến của mình là thật Chánh Kiến hay không thì chỉ cần thường quán sát xem mình có còn bị Thân Kiến và Giới Cấm Thủ trói buộc hay không. Nếu còn thì cái Chánh Kiến ấy cũng vô thường thôi. Nếu không còn bị trói buộc thì đó mới thật sự là Kiến Tánh. Và khi ấy thì “…..Cuối cùng bạn phải vất bỏ mọi hệ thống, mọi phương pháp, và ngay cả vị thầy của mình…….” (Thiền sư Ajahn Chah)

2 nhận xét:

  1. ... Đúng đây là bài viết quan trọng và hay nhất mà tôi từng mong. Tôi đã đoc đi đọc lại nhiều lần. Tôi đọc từng câu một, rất rõ ràng, rất mạch lạc và dung dị...Nó thể hiện trình độ chứng nghiệm tâm linh của người viết và cũng muốn chia sẻ cho những ai tu thiền hữu duyên.

    Trả lờiXóa
  2. Tình cờ đọc lại bài này, tôi thật vô cùng ngưỡng mộ người viết. Theo phần cuối, chị viết chánh kiến là phải thoát khỏi trói buộc thân kiến và giới cấm thủ thì là rất đúng. Nhưng muốn là bậc dự lưu thì giải thoát kiết sử nghi là rất quan trọng (thâm tín tam bảo). Vì đây là bài về chánh kiến, nên không nhắc đến mà thôi. Chứ vị nào tu Phật, thì hễ thoát thì đồng thời thoát cả bộ ba luôn...(có gì sai xin Ttt chỉ giáo )

    Trả lờiXóa