Một thời, Thế Tôn trú
tại Ràjagaha, núi Gijjhakùta. Lúc bấy giờ, Tôn giả Sona ở tại rừng Sìta, trong
thiền định, tư tưởng sau đây được khởi lên: “Những ai là đệ tử Thế Tôn, phải
sống tinh cần tinh tấn. Nhưng ta còn chấp thủ, tâm chưa giải thoát khỏi các lậu
hoặc. Gia đình ta có tài sản, ta có thể hưởng thọ tài sản ấy và làm điều công
đức. Vậy ta hãy từ bỏ học pháp, hoàn tục, thọ hưởng tài sản và làm các công
đức”.
Thế Tôn biết được tâm
thối thất của Tôn giả Sona, liền đi đến trước mặt
và dạy:
Thầy nghĩ thế nào, này Sona ? Có phải trước đây, khi còn là
gia chủ, Thầy giỏi đánh đàn tỳ bà ?
Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
Khi những sợi dây đàn quá căng, đàn của Thầy có
phát âm hay sử dụng được không ?
Thưa không, bạch Thế Tôn.
Khi những sợi dây đàn quá chùn, đàn của Thầy có
phát âm hay sử dụng được không ?
Thưa không, bạch Thế Tôn.
Khi những sởi dây đàn không quá căng, cũng
không quá chùn, vặn đúng mức trung bình, khi ấy đàn của Thầy có phát âm hay sử
dụng được không ?
Thưa được, bạch Thế Tôn.
Cũng vậy, này Sona, khi tinh cần tinh tấn quá
căng thẳng, thời đưa đến dao động; khi tinh cần tinh tấn quá thụ động, thời đưa
đến biếng nhác. Do vậy, Thầy phải an trú tinh tấn một cách bình đẳng.
Sau đó, Tôn giả Sona trở thành một vị A la hán.
(ĐTKVN, Tăng Chi Bộ III, chương 6, phẩm Đại,
phần Sona, VNCPHVN ấn hành 1996, tr.155)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét