(Buổi 4 – Khóa giảng thứ 12)
Tác giả: Viên Minh
Ghi chép: Pháp Thuận
Ghi chép: Pháp Thuận
Thế nào là sống tuỳ duyên thuận pháp?
Cuộc sống luôn thay đổi. Môi
trường tự nhiên mỗi lúc một khác: Sáng - trưa - chiều - tối, mặt trăng
mọc - mặt trời lặn. Mỗi năm có bốn mùa biến dịch: Xuân - Hạ - Thu -
Đông. Trong mỗi tình huống, mỗi trạng thái của cuộc sống lúc nào cũng có
2 mặt đối lập: thành - bại, được - mất, hơn - thua, vui - khổ, cao -
thấp, sang - hèn, v.v… nghĩa là trong họa có phúc, trong âm có dương.
Tất cả những hoàn cảnh ấy đều là điều kiện hỗ tương cho sự sống gọi là
DUYÊN. Có nhiều loại duyên nhưng chung quy có ba loại chính:
Thứ nhất là duyên tương giao tự nhiên: Duyên
dễ thấy nhất là hoàn cảnh, môi trường thiên nhiên hoặc nhân tạo sẵn có
xung quanh chúng ta. Từ thời tiết tự nhiên bốn mùa thay đổi, mặt trời,
mặt trăng, mưa nắng... cho đến những gì đã có sẵn như ngôi nhà chúng ta
đang ở, văn phòng chúng ta đang làm việc, con đường chúng ta đang đi
v.v… đều là duyên ảnh hưởng từ bên ngoài.
Thứ hai là duyên do nghiệp quả: Những
hậu quả do chính chúng ta tạo ra trong quá khứ đang trở nên những điều
kiện tất nhiên trong đời sống hiện tại. Như tình trạng đau bụng là do
buổi sáng ăn phải đồ bị hư hỏng. Cũng thế, máu đang chảy trong huyết
quản với áp suất như vậy, tim đang đập với tốc độ như vậy, mắt thấy, tai
nghe trong tình trạng như vậy, v.v… có vẻ như tự nhiên nhưng thực ra
đều có liên quan đến quá trình gieo nhân gặt quả trong đời sống của mỗi
người.
Thứ ba là duyên trong mối quan hệ: Khi
sống trong cùng một tập thể hoặc cộng đồng xã hội, như gia đình, học
đường, công ty, làng xóm v.v... chúng ta luôn có mối quan hệ thân hay sơ
với những người khác. Những cuộc gặp gỡ tưởng chừng như tình cờ, kiểu
như, “Người ơi gặp gỡ làm chi, trăm năm biết có duyên gì hay không” thì
trong ý đã muốn thiết lập mối quan hệ rồi. Tuy gặp người thế này, người
thế khác, khi thuận, khi nghịch, không ai giống ai, nhưng đều có duyên
có nợ với nhau. Người Ấn khẳng định rằng bất kỳ người nào mình gặp trong đời đều là người đáng gặp,
thậm chí có người đột nhiên tiếp xúc được với những người trong cõi vô
hình – cùng là cư dân trên trái đất – thì đều có duyên với nhau cả.
Chúng
ta đang sống trong điều kiện môi trường tự nhiên nào, hoàn cảnh xã hội
nào, đang gặp tình huống nào, thân - tâm đang ở trong trạng thái nào, dù
tốt hay xấu, thuận hay nghịch, đó đều gọi là duyên. Vậy tùy duyên là
gì?
Tùy
duyên là tùy vào điều kiện hoàn cảnh đã có sẵn, thí dụ như khi chúng ta
đang ở buổi sáng thì tùy duyên buổi sáng, khi ở trong mùa thu thì tuỳ
duyên mùa thu, khi đang bệnh thì tuỳ duyên bệnh, khi đang khổ thì tuỳ
duyên khổ, khi đang vui thì tùy duyên vui. Tức là gặp hoàn cảnh nào thì
tuỳ hoàn cảnh đó mà ứng xử thích hợp, gặp môi trường nào thì tuỳ môi
trường đó mà ứng biến thích nghi, ở trong trạng thái nào thì tuỳ vào
trạng thái đó mà sống sao cho phù hợp và đúng tốt. Đó gọi là tuỳ duyên.
Còn
thuận pháp là sao? Thuận pháp thuộc về nhân, khi một người chê mình,
mình nổi sân thì đã khởi lên nhân sân, khi một người khen mình, mình
thích tức là khởi lên nhân tham. Khi gặp duyên mình khởi lên một phản
ứng chủ quan thì đó là nhân. Nhân có hai loại: thuận pháp và không thuận
pháp.
Thuận
pháp tức là nhận thức duyên một cách đúng đắn đồng thời có thái độ ứng
xử (phản ứng) trong duyên đó một cách tốt đẹp. Nghĩa là khi gặp duyên gì
đến thì tùy vào duyên đó mà có nhận thức đúng và hành vi tốt.
Có
người không chịu sống tuỳ duyên mà luôn cố tạo ra điều kiện cho hợp ý
mình. Đạo Phật không khuyến khích như vậy, mà dạy nên sống thích ứng với
duyên đến tự nhiên hơn là thay đổi hoặc tạo tác thêm duyên tự tạo khác.
Duyên chỉ là phụ thuộc bên ngoài, nhân mới là chính yếu bên trong, chỉ
thay đổi tình trạng duyên mà không biết điều chỉnh thái độ nhân thì chỉ
tạo rắc rối thêm thôi. Như hành thiền thì lấy duyên ngay nơi đời sống
tại đây và bây giờ mà tu, mà điều chỉnh thái độ nội tâm, vì dù ở trong
duyên nào mình cũng phải có thái độ nhận thức đúng mới biểu hiện được
hành vi ứng xử tốt. Thay vì phải tìm cho ra trường thiền nào có điều
kiện tốt nhất, phải chọn cho được thiền sư và pháp môn nào thích hợp
nhất, tức là tìm duyên bên ngoài cho vừa ý mình, thì người thực sự biết
tu cứ ngay nơi thực tại thân-tâm-cảnh mà thấy, dù là đang đi ngoài chợ
hay đang ở trong chùa, duyên đâu thì cũng tu đúng pháp là được. Vì vậy, ở
trong điều kiện nào không quan trọng mà có thái độ nào mới đáng quan
tâm.
Nếu
cứ muốn tìm duyên cho vừa ý mình thì sẽ mãi mãi lăng xăng không bao giờ
tự an được, mà cho dù có tìm được cái an trong điều kiện thì cũng tự cô
lập mình trong chính duyên đó, để rồi quên mất sự toàn diện của pháp tự
nhiên. Duyên pháp tự nhiên đến đi không theo ý mình, mà theo sự vận
hành của nhân quả nghiệp báo. Đúng là: “Đã mang chữ nghiệp vào thân, cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa”.
Đã tạo nghiệp trong quá khứ thì bây giờ phải gánh chịu hậu quả để học
ra bài học đáng giá đó chứ sao lại cứ cố tình lẩn tránh. Cuộc sống là vô
thường, ai muốn duyên phải thường theo ý mình thì càng đau khổ hơn. Đã
học dở thì phải nhận điểm thấp để ngay đó còn học ra cách điều chỉnh
việc học hành chứ mong điểm cao thế nào được. Vì vậy, nên sống tuỳ duyên
mà ứng chứ không nên mong chờ hay tạo tác thêm duyên để rồi rơi vào
vòng lẩn quẩn của nghiệp.
Sống
tuỳ duyên tức là pháp đến thế nào thì thấy nó là như vậy, không buông
xuôi theo nó mà cũng không đối nghịch lại nó. Người sống được như thế là
người có sức mạnh lớn nhất. Vì thành công không làm họ phấn khích, thất
bại không làm họ chán nản, hoàn cảnh khó khăn hay dễ dàng cũng không
làm họ dao động, gặp khổ không lo sợ, gặp vui không chìm đắm. Cuộc đời
dường như được trình hiện để mỗi người có thể nhận diện cả hai mặt của
cuộc sống mà học ra bài học của mình. Người nào chỉ chọn lựa mặt này và
loại bỏ mặt kia tức là đang trốn tránh học ra sự thật, đang tự cô lập
hay tự đào thải mình khỏi cuộc đời.
Sống
tuỳ duyên thuận pháp là đối với bất kỳ duyên nào cũng sống thuận pháp.
Sống tuỳ duyên thuận pháp cần có hai yếu tố cơ bản: trật tự và nhẫn nại.
1. Trật tự
Sống
vô trật tự gây ra bất an, bất an gây ra đau khổ. Một pháp đang hiện hữu
trong sự vận hành được xác định bởi 3 yếu tố: thời (thời gian) - vị
(không gian) - tính (tính chất của pháp ngay trong thời - vị đó). Vào
thời điểm này (thời), mình đang ngồi ở giảng đường đây (vị) và đang thấy
dễ chịu thoải mái (tính). Thời (thời gian) luôn luôn trôi chảy, vị (vị
trí) cũng luôn luôn chuyển động vì mình đâu có ngồi hoàn toàn yên một
chỗ, tính chất cũng luôn thay đổi, ngồi lúc đầu thì dễ chịu, nhưng sau
một lúc lại thấy mỏi chân, v.v… Vậy cả 3 yếu tố này luôn thay đổi một
cách trôi chảy, nhưng dù có biến đổi cách nào thì luôn luôn có thời - vị
- tính trong từng sát-na. Đi trật cái thời - vị - tính đó gọi là mất
trật tự. Mất trật tự cũng có 3 yếu tố:
Mất trật tự về thời
Đang
sống trong hiện tại mà lại tiếc nuối về quá khứ tức là mất trật tự vì
bị quá khứ chi phối, hoặc mơ ước đến tương lai tức là mất trật tự vì bị
tương lai chi phối. Thiền là trở về trọn vẹn trong sáng với sát-na hiện
tại nghĩa là sống đúng với chữ thời trong Dịch lý - dù chỉ là
một sát-na nhưng vẫn có đầy đủ tính biến dịch sinh-trụ-diệt. Một ngày 24
giờ được tính bằng sáu ngàn bốn trăm tỷ, chín vạn, chín ngàn, chín trăm
tám mươi sát-na. [1]
Nhưng
khi không sống trọn vẹn với từng sát-na hiện tại thì chúng ta đã đánh
mất rất nhiều thời gian thực sự sống, mà chỉ là sống trong mộng ảo của
quá khứ và tương lai.
Mất trật tự về vị
Khi
mất trật tự về thời thì cũng mất trật tự về vị. Khi bị quá khứ hay
tương lai chi phối thì đồng thời cũng quên mất vị trí thân-tâm đang ở
đây.
Mặt
khác, khi chúng ta bị thu hút sự chú ý vào đối tượng bên ngoài thì cũng
quên mất vị trí thực của mình, thí dụ quí vị đang nghe thầy nói mà quên
cả mình luôn, đầu óc cứ suy nghĩ xem thầy nói có đúng không, sao chưa
thấy sách nào nói như vậy v.v... Như vậy là nghe mà không nghe điều thầy
muốn nói, vì thầy đang chỉ ra thực tại nơi mỗi người thì lẽ ra nghe
thầy tức thấy ra chính mình mới đúng, mới không quên vị trí thực tại
thân-tâm-cảnh đang là.
Một
thí dụ khác là khi đang đi nhưng tâm không trọn vẹn với từng bước đi,
mà lại chỉ nghĩ về đích tới, hoặc bị những việc xảy ra bên ngoài chi
phối, chú mục xem một cách quán tính mà quên mất chính mình đang đi.
Trong
thiền định (chỉ), khi gắn tâm vào một đối tượng (cảnh) thì cũng dễ dàng
quên mất vị trí của thực tại thân tâm đang là. Đối tượng của định là do
tưởng sinh: sắc tưởng và vô sắc tưởng. Vì vậy cần
phải hết sức cẩn thận với loại tứ thiền bát định này. Chánh định là tâm
tĩnh tại ở khắp mọi nơi, tức là luôn luôn trọn vẹn với thực tại thời -
vị - tính, thì đó mới là đại định của Phật giáo. Còn nếu thiền định chỉ
là quên đi tất cả mọi chuyện và ép tâm an trú trong một trạng thái khả
lạc hay bất động nào đó thì chỉ là định thế gian, vẫn còn là kiết sử -
sắc ái, vô sắc ái – vẫn còn tự cô lập mình khỏi bản chất đời sống vốn vô
cùng uyển chuyển và vi diệu này. Nhầm lẫn giữa tứ thiền bát định thế
gian với chánh định quả là một sai lầm to lớn.
Đại
định hay chánh định của Phật giáo là trong mọi trường hợp, tình huống
hay hoàn cảnh (duyên) tâm đều tĩnh tại, tự tại tức là an, an là không
mất trật tự, tức là không đánh mất vị trí của thực tại hiện tiền - như
nó đang là. Định này mới đi đôi với trí tuệ, vì đối tượng của trí tuệ
chính là thực tánh pháp, mà thực tánh pháp chỉ hiện diện duy nhất trong
vị trí đang là của nó mà thôi. Thực tánh tức là “pháp trụ pháp vị” có nghĩa là pháp đúng với vị trí đích thực của nó, chứ không phải là hình ảnh ảo qua tướng do tưởng sinh của thiền định.
Mất trật tự về tính
- Về phương diện trạng thái thì
tính hay thực tính pháp là bản nguyên của sự vật như nó là, thực tính
của một pháp chính là trạng thái nguyên vẹn, hay tình trạng hiện hữu của
pháp đó, chứ không phải cái ngoài nó hay khái niệm về nó, vì đó chỉ là
tưởng tượng: Thí dụ khi đang ở trong trạng thái bực bội (cảm thọ ưu),
thay vì cảm nhận trọn vẹn tính chất của cảm xúc đó, thì lại cho nó là
không tốt, phải dẹp nó đi hoặc mong ước nó sẽ trở thành tốt đẹp hơn...
Ngược lại nếu lúc đó là trạng thái thích thú (cảm thọ hỷ), thay vì cảm
nhận trọn vẹn tính chất của cảm xúc này thì lại cho đó là tốt, phải giữ
nó lại hoặc mong muốn nó tồn tại lâu dài. Vì vậy chúng ta không ngừng cho là... phải là... sẽ là... hơn thấy trung thực sự vật như nó là.
Do đó chỉ thấy được vọng tưởng của mình chứ không thể nào thấy thực
tính pháp. Khi ở trong trạng thái của một pháp mình không trọn vẹn thấy
ra tính bản nguyên của nó mà luôn tự phân chia thành hai, một bên là
trạng thái khổ thực đang có, một bên là trạng thái lạc ảo chưa có. Lẽ ra
mình phải trở về trọn vẹn trong sáng với cái khổ thực đang có để thấy
rõ nó trong từng sát-na sinh diệt thì lại mong cầu một trạng thái lạc ảo
ở tương lai. Thế là mất trật tự về tính trong thời-vị-tính của thực tại
đang là.
- Về phương diện thái độ thì
tính biết nơi mỗi người vốn thanh tịnh, trong sáng và luôn có thể trọn
vẹn với pháp tính tự nhiên trong từng sát-na. Tính biết có khả năng thấy
biết tất cả pháp với đầy đủ thể tướng dụng, nhưng cái ngã không nhận ra
khả năng sẵn có này mà khởi lên ảo tưởng cho là “ta biết” và đôi khi còn coi tính biết là “tự ngã của ta”. Chính cái “Ta” này mới có phản ứng, chọn lựa lấy hoặc bỏ cái này cái kia theo tư kiến, tư dục hay tà kiến, tham ái của mình.
Thực
tính của pháp vốn vô ngã - thuộc chân đế - còn bản ngã chỉ là khái niệm
ảo thuộc tục đế. Vì quen sống trong khái niệm tục đế nên quên đi thực
tính chân đế của pháp. Khi không trọn vẹn với thực tính chân đế ngay đó
của các pháp mà khởi lên khái niệm ảo về chúng, đồng thời khởi lên cái
“Ta” giải quyết, xử lý pháp theo ý đồ của bản ngã. Vậy là vô tình đã
quên mất tự tính (sabhāva) chân như (yathābhūtā) mà rơi vào ảo tưởng
(saññā vipallāsa).
Cho
nên Đức Phật mới dạy tinh tấn - chính niệm - tỉnh giác, tức là trở về
trọn vẹn trong sáng với thời-vị-tính đang là nơi thân-thọ-tâm-pháp.
Thiền tức là trả lại trật tự tự nhiên của thời-vị-tính nơi tâm và pháp,
theo Dịch lý thì gọi đó là "Thời vị trung chính". Thời là ngay bây giờ
(trung), vị là ngay tại đây (chính) thì lúc đó tính mới là thực (chân).
Vậy đang đứng chỉ có đứng, đang nằm chỉ có nằm, đang nghe chỉ có nghe,
đang thấy chỉ có thấy… Đó là lúc thực sự trở về trọn vẹn trong sáng với
thực tại.
Trở
về trọn vẹn trong sáng với thực tại đang là tức là sống tùy duyên thuận
pháp. Nói theo Tứ Niệm Xứ thì khi đang đi trọn vẹn với đi là tùy duyên,
trong sáng với đi là thuận pháp. Nói cụ thể dễ hiểu hơn là khi đang đi
mà thận trọng - chú tâm - quan sát mọi diễn biến của động tác đi, chứ
không bị phân tâm ở chỗ khác là tùy duyên thuận pháp. Hoặc khi đi tâm
hoàn toàn sáng suốt - định tĩnh - trong lành là đang tùy duyên thuận
pháp. Cũng có thể nói theo kinh điển thì đó chính là đang đi với đầy đủ
Giới - Định - Tuệ hay trọn vẹn Bát Chính Đạo đều giống nhau. Thực ra
nguyên lý vẫn là trở về trọn vẹn trong sáng với cái thời - vị - tính tại
đây và bây giờ. Nếu duyên thuận đến thì sống thuận pháp là dễ, còn khi
duyên nghịch đến thì sống thuận pháp có vẻ khó hơn, do đó muốn chấp nhận
nghịch duyên thì phải nhẫn nại.
2. Nhẫn nại
Nhẫn
nại ở đây là nhẫn nại với tất cả phiền não như tham, sân, dao động, thụ
động, buông lung, phóng dật, ngã mạn v.v... Có câu nói khó hiểu nhưng
rất chí lý là "Phiền não tức Bồ Đề". Bồ Đề chính là tính giác rỗng lặng trong sáng sẵn có nơi mỗi người. Vậy sao lại nói phiền não tức Bồ Đề?
Đơn
giản là vì phiền não khởi lên để xem tính giác có thấy ra được hay
không. Có thể nói phiền não là phương tiện để đánh thức sự sáng suốt và
nhạy bén vốn có của tính giác. Tính giác phát hiện được nhiều phiền não
chừng nào thì trí tuệ càng thông sáng chừng đó. Nếu bất cứ phiền não nào
khởi lên cũng đều được tính giác phát hiện thì đó chính là giác ngộ
hoàn toàn. Và có thể nói nếu không có phiền não thì không thể biết được
hoạt dụng của Bồ-đề thực chất ra sao. Cho nên không sợ phiền não khởi mà
chỉ sợ không giác được đúng thời-vị-tính của nó. Người tu thường gặp
phải sai lầm khi tự tạo ra cái mình cho là đúng, thật ra cái
mình cho là đúng phần lớn chỉ là ảo tưởng. Người tu chỉ cần phát hiện
cái sai, cái ảo tưởng để đừng bị nó sai sử thôi, còn cái đúng chính là
pháp thực tánh chân đế tự nhiên không ai tạo được. Khi không còn ảo
tưởng thì tất cả pháp tự tánh đều trở về nguyên vị của nó. Chính tinh
tấn - chánh niệm - tỉnh giác mới giúp mình kịp thời phát hiện được phiền
não mà không bị bỏ sót.
Vậy
gặp thuận duyên thì cứ thuận mà không tham đắm là được, gặp nghịch
duyên không loại trừ mà nên nhẫn chịu thì tốt hơn. Nhiều người nghĩ rằng
để mau giải thoát cần phải khổ hạnh chứ không nên ở trong điều kiện
thuận lợi, vì sợ đắm chìm. Tuy nhiên bản chất cuộc sống luôn có hai mặt
thuận và nghịch, bỏ mặt này lấy mặt kia là thái độ lệch lạc. Cái gì đến
thì đến, cái gì đi thì đi là tốt nhất. Thực ra gặp thuận cảnh hay nghịch
cảnh đều cần nhẫn nại. Gặp thuận cảnh thì nhẫn nại để không bị đắm
chìm. Gặp nghịch cảnh cần nhẫn nại để không sinh đối kháng. Tính nhẫn
nại không thể rèn luyện nhờ bất kỳ một phương pháp nào, mà phải ngay khi
gặp nghịch cảnh hay thuận cảnh mà nhẫn nại điều chỉnh thái độ nhận thức
và hành vi của mình cho thích hợp.
Lúc
đầu khi gặp nghịch cảnh thì bản ngã đối kháng liền phản ứng – cương
quyết dẹp bỏ nó đi theo thói quen quán tính - nên không tự biết mình.
Nhưng khi thường tinh tấn - chánh niệm - tỉnh giác nghiêm túc hơn, tức
là luôn trở về trọn vẹn trong sáng với thực tại mà quan sát những gì xảy
ra nơi mình trong yên lặng thì mới dễ dàng phát hiện ra những phản ứng
lăng xăng này. Rồi bắt đầu nhận diện sự sinh khởi của các phiền não ngày
càng sớm hơn, và dễ dàng chấp nhận nghịch cảnh hơn. Thì ra chính nghịch
cảnh khơi dậy tính nhẫn nại và những phẩm chất cao quí khác vốn đang
tiềm ẩn nơi mình.
Nhờ
nghịch cảnh giúp mình thấy ra được bản chất vô thường, khổ, vô ngã của
vạn pháp mà giữ được cân bằng, không bị chìm đắm. Đến một lúc nào đó khi
nhận thức đã chín chắn mình mới thật sự biết tri ân nghịch cảnh. Đồng
thời nhận ra sai lầm của mình trước đây đã quá vội vàng dẹp bỏ nó đi một
cách chủ quan.
Rồi
cuối cùng khi đã thông suốt mới giác ngộ được rằng thuận hay nghịch đều
do cái ngã ảo tưởng dựng ra. Cho nó là thuận thì nó thuận, cho nó là
nghịch thì nó nghịch, thực ra chỉ có pháp đến đi ngàn đời vẫn vậy, còn
thuận hay nghịch là cái nhãn do mình dán lên. Khi thấy rõ điều này thì
mới có thể hoàn toàn sống tùy duyên thuận pháp được.
Người
sống hoàn toàn tùy duyên thuận pháp thì cũng sống vô ngã vị tha, vì chỉ
còn tính giác hòa đồng trong pháp giới tính mà thôi. Vị Thánh đầu tiên
là Tu-đà-hoàn còn gọi là Nhập Lưu tức là bắt đầu sống thuận theo dòng
pháp tính tự nhiên. Vị Tu-đà-hoàn đã giác ngộ ra được thế nào là sống
tùy duyên thuận pháp và bắt đầu sống đúng theo cái thấy ấy. Thực ra khi
đã hòa vào dòng pháp tính tự nhiên thì đâu còn ai đắc mà có quả vị này,
quả vị kia hiểu theo ngôn ngữ tục đế. Tất cả các quả vị chỉ là tên gọi
quy ước, Phật nói ra để mọi người có thể thấy trình độ tùy duyên thuận
pháp của mình tới đâu thôi.
Có
người nói rằng Phật cứu độ chúng sinh, nhưng Phật đã nhập Niết-bàn rồi,
không còn ai cứu độ nên chúng sinh vẫn khổ. Thật ra đức Phật không cứu
độ mà Ngài chỉ khai thị cho chúng sinh thấy bản chất thật của cuộc đời
là như vậy, nó luôn có hai mặt, không thể chọn mặt này bỏ mặt kia. Nếu
cứ loay hoay đi tìm cái mình cho là hạnh phúc thì chỉ gặp toàn là khổ
đau. Nhưng chính nhờ những khổ đau ấy mới giúp mình thấy ra bản chất hai
mặt của cuộc sống và hoàn toàn chấp nhận sự thật ấy mà giác ngộ giải
thoát.
Sống
tuỳ duyên thuận pháp như vậy Đức Phật gọi đó là Không, Vô Tướng, Vô
Tác, Vô Cầu. Lúc nào cũng sống trọn vẹn với pháp, không khởi lên tà kiến
tham ái nên gọi là Không; tâm luôn rỗng lặng trong sáng nên không cần
chấp giữ một pháp tướng nào, tướng tự đến đi vô ngại nên gọi là Vô
Tướng. Tâm hoàn toàn rộng mở, trọn vẹn với pháp tính tự nhiên, nên không
cần phải làm gì để trở thành nữa, đó là Vô Tác, Vô Cầu.
Ảo tưởng về bản ngã tạo ra rất nhiều trói buộc. Đức Phật có nói:"Này
các tỳ kheo, có cái không sinh, không hữu, không tác, không thành bởi
vì nếu không có cái không sinh, không hữu, không tác, không thành thì
không thể thực hiện được sự thoát ly khỏi cái sinh, hữu, tác, thành".
Ngay
thực tại thân - tâm - cảnh nơi mỗi người luôn có cả hai thứ: một là
Không Sinh - Không Hữu - Không Tác - Không Thành và hai là Sinh - Hữu -
Tác - Thành. Thiền chính là phát hiện ra khi nào là không sinh - không
hữu - không tác - không thành, còn khi nào là sinh - hữu - tác - thành.
Thí dụ ngay khi tâm đang rối loạn, mình lại khởi lên ý đồ phải định tâm, đó là sinh, ý niệm này làm xuất hiện ham muốn đạt được (trở thành) định tâm đó là hữu, ham muốn liền khiến mình nỗ lực hành động bằng mọi cách để đưa tới định tâm đó là tác, cuối cùng mình đạt được trạng thái định do mình tạo ra đó là thành. Dù mình có đạt định đi nữa thì tiến trình này vẫn là luân hồi sinh tử vì định này
có được từ Sinh - Hữu - Tác - Thành. Ngược lại nếu tâm đang rối loạn mà
mình trở về trọn vẹn trong sáng với ngay trạng thái đang rối loạn ấy
thì đó chính là Không Sinh - Không Hữu - Không Tác - Không Thành. Đó
chính là Đại Định, Đại Tuệ vượt thoát luân hồi sinh tử mà Đức Phật
truyền dạy.
Hỏi: Sao tâm con cứ lăng xăng hoài không an. Nó làm con rất phiền não. Làm sao cho tâm được an hả Thầy?
Trả lời: Chính ý muốn làm cho tâm an là "đổ dầu vào lửa", càng làm kéo dài trạng thái bất an của tâm.
Đó là câu chuyện về Huệ Khả và Tổ Đạt Ma. Khi tham kiến Tổ Đạt Ma, Huệ Khả trình:
- Xin ngài an cái tâm cho con
Tổ bảo:
- Đưa cái tâm đây ta an cho
Huệ Khả nhìn lại mình một lúc rồi nói:
- Con không tìm thấy tâm bất an đâu cả.
Tổ liền chỉ thẳng:
- Ta đã an cái tâm của ngươi rồi đó.
Mình
cố gắng an cái tâm thì không bao giờ tâm an được cả. Cho dù mình có đạt
được trạng thái định thì trạng thái định ấy chỉ là sự bất an đã bị đóng
đinh. Vì vậy cái định này còn khổ hơn sự bất an. Thật ra khi bất an mà
nhìn thấy rõ được sự bất an ấy với đầy đủ tánh - tướng - thể - dụng của
nó thì cả Đại Trí lẫn Đại Định đều xuất hiện. Vì thế mới có câu "phiền
não tức Bồ Đề". Nếu mình đè nén sự rối loạn đó đi thì sự bất an chỉ chìm
vào trong vô thức, còn mình thì tự "đóng đinh" mình trong một trạng
thái bất động nhất thời nào đó mà mình ưa thích. Cái bất an đã chìm vào
vô thức ấy trở thành nghiệp quả mà mình phải gánh chịu, sau này nó sẽ
khởi lên còn dữ dội hơn nữa.
Vậy
khi tâm mình rối loạn, hãy buông cái ý đồ chống đối nó đi, để nó diễn
ra trong yên lặng mà thấy cho rõ, hoàn toàn không xen ý chí kiểm duyệt
vào thì cái tâm bất an ấy sẽ lăng xăng một hồi rồi tĩnh lặng trở lại một
cách kỳ lạ. Nếu mình không xem cái bất an là kẻ thù, không còn chống
đối lại nó, thì nó sẽ giúp tính biết hoàn thành tuệ giác.
Bản
thân pháp vốn nhất thể, giống như bàn tay có 2 mặt nhưng cùng một thực
thể, chỉ có cái ngã lý trí muốn tách mặt này ra khỏi mặt kia theo tư
kiến tư dục của mình. Ngay trong sự đồng nhất và tịch tịnh của pháp đang
là, cái ngã lý trí khởi lên “tự chẻ đầu chính nó” (Pháp cú 72) rồi tự
than là phiền não bất an, chứ chẳng có pháp tính nào bất an cả.
Tâm
bất an, rối loạn, cũng có lý do của nó, giống như rối loạn tiêu hóa là
do ăn uống bừa bãi vậy. Nếu tâm lúc nào cũng lăng xăng tính toán việc
này việc kia, ý tưởng này ý tưởng nọ mà thiếu sự trầm tĩnh trong sáng
thì làm sao mà muốn nó an ngay được. Nhưng nếu ngay khi đang ở trong
trạng thái bất an mà tâm vẫn trầm tĩnh sáng suốt biết rõ trạng thái bất
an đó, không cố gắng lăng xăng xử lý theo ý mình thì thái độ thấy biết
vẫn an. Khi thấy biết an thì trạng thái bất an sẽ tự chấm dứt hoặc
chuyển hóa thành trạng thái an tĩnh theo luật chuyển hóa tự nhiên của
pháp.
Có
hai loại bất an: Một là những niệm tưởng lăng xăng có nguồn gốc từ
những xung động vô thức (tập khí), những gì mình đã chứa nhóm hay dồn
nén vào tiềm thức trong quá khứ bây giờ nó tìm cách khởi lên. Hai là
những ý đồ tạo tác hữu thức đang ứng xử trong hiện tại.
Đối
với những xung động vô thức liên quan đến những gì đã làm trong quá
khứ thì cần có sự nhẫn nại để chúng sinh khởi tự nhiên và lặng lẽ quan
sát chúng thì chúng sẽ tự diệt, đồng thời nhờ chúng mà mình mới biết
được nhân quá khứ mình đã tạo là gì. Làm như vậy chính là giúp hữu thức
hóa những tập khí vô thức ấy hầu giải thoát chúng ra khỏi tình trạng bị
dồn nén. Còn đối với những thái độ tạo tác hiện tại thì chỉ cần đủ chánh
niệm tỉnh giác để thấy được sự sinh khởi của chúng thì chúng không còn
gây tạo nghiệp được nữa.
Hỏi: Thưa
thầy, khi mình lập kế hoạch để làm việc này việc nọ chính là mình cố
tạo duyên đúng không ạ? Lúc đó làm sao để mình sống tuỳ duyên được ạ?
Trả lời: Kế
hoạch lập ra biểu hiện trình độ nhận thức và hành vi của mỗi người, vậy
mỗi người có quyền lập kế hoạch gì thì cứ lập. Nhưng quan trọng không
phải kế hoạch gì mà trong khi thực hiện kế hoạch đó có khả năng biết
mình để tùy cơ ứng biến hay không. Việc luôn quan sát và chiêm nghiệm để
học ra được bài học về quá trình diễn biến trong công việc hiện tại và
sẵn sàng điều chỉnh lại nhận thức và hành vi của mình cho thích hợp mới
là vấn đề đáng lưu ý.
Lập
kế hoạch tức là muốn lập trình công việc của mình trong tương lai. Nếu
đó là việc sắp xếp trình tự đương nhiên theo diễn biến công việc thì đó
chính là tùy duyên mà sắp xếp. Nhưng nếu người không thấy rõ chính mình
trong quá khứ và hiện tại thì làm sao lập được kế hoạch cho tương lai,
vì tương lai tùy thuộc vào quá khứ và hiện tại. Và nếu họ có lập kế
hoạch thì cũng chỉ dự đoán điều mình chưa biết chắc ở tương lai để tự
trấn an mà thôi. Nếu người có khả năng thấy mình trong quá khứ, hiện tại
rõ ràng thì đối với họ tương lai dù thế nào họ cũng sẽ biết rõ để tùy
cơ ứng biến kịp thời và đúng chỗ. Khả năng tùy duyên ứng biến tốt hơn là
lập kế hoạch trước để rồi không ứng phó kịp thời với mọi biến đổi vô
thường.
Người
có tầm nhìn càng rộng chừng nào thì lập trình càng ít chừng đó, họ có
cái nhìn bao quát quá khứ, hiện tại, tương lai và vạn pháp, nên họ chỉ
cần sống tuỳ duyên thuận pháp là đủ. Người như vậy thì “tùy cảm nhi ứng,
tùy ngộ nhi an” nên đụng đâu ứng đó mà lúc nào cũng hoàn toàn chính
xác.
Cái
sát-na thời - vị - tính tại đây và bây giờ tuy vô cùng nhỏ bé - gần như
không có - nhưng lại hội tụ tất cả yếu tính của hiện tại, quá khứ và
tương lai. Nếu không thể trở về tiếp xúc với cái điểm nhỏ bé ấy mà cứ
lập trình với thời gian - không gian giả định bề ngoài thì bao giờ mình
cũng chỉ là nông cạn. Nhưng chỉ cần sống trọn vẹn được với sát-na thời -
vị - tính tại đây và bây giờ thì toàn bộ yếu tính của sự sống đã nằm
sẵn trong đó. Lập trình làm cho tâm đi theo một lối mòn định sẵn, không
còn hồn nhiên trong sáng để đón nhận mọi sự đến đi đầy ngạc nhiên, mới
mẻ và sáng tạo.
Nguyên
lý đơn giản là luôn biết trải nghiệm, chiêm nghiệm, học hỏi sự thật mới
mẻ và sẵn sàng tùy cơ ứng biến để điều chỉnh nhận thức và hành vi cho
đúng với thời - vị - tính của pháp. Khi làm một việc, quan trọng không
phải kết quả của công việc mà là có thấy ra chính mình trong quá trình
mình làm việc đó không. Để có kết quả như ý nhiều khi chỉ cần bỏ tiền ra
là mua được. Nhưng thành quả cao quý nhất trong cuộc đời chính là học
ra bài học chân lý trong từng sát-na thực tại.
Xem PHẦN 1
...học ra bài học chân lý trong từng sát na thực tại.
Trả lờiXóaNgười viết, người copy, người đăng, người đọc, người hiểu, người hành,... đều là đồng đạo tương duyên nhiều kiếp hehehe. OK ****
Trả lờiXóa