Kinh giáo bây giờ chỉ
còn dính chữ "triết" mà thôi. Mà "Triết" là "tay cầm
cái búa" (chiết tự theo chữ Hán). Học Phật bây giờ, chỉ còn học cách tay cầm
cái búa mà chia chẻ sợi tóc làm tư, học về triết lý, nhưng chữ lý không còn là
lý của sự mà là lý của luận.
Nhưng nếu còn dính chữ
lý - triết lý - thì sao? Nó chẳng đi tới đâu cả. Vì triết lý chính là nghĩa của
lý. Nếu mình đọc kinh giáo, mình hiểu được nghĩa rồi mình đem cái nghĩa ấy ra
mà thực hành, thì đôi khi cũng chẳng ra cái gì, sai lầm nữa là khác.
Tôi xin có ví dụ: kinh
giáo định nghĩa rằng "Từ bi giống như tình thương người mẹ đối với đứa con
một của mình". Nghe vậy rồi mình đem áp dụng nó, thực hành nó, mình gặp bất
cứ ai, chúng sinh nào mình cũng cố gắng thương, như tình thương của người mẹ đối
với đứa con một. Vậy là trật rồi, có phải không? Sai lầm nghiêm trọng nữa là
khác. Chẳng có thể lấy bất kỳ một định nghĩa nào của từ bi mà đem ra áp dụng được
cả.
Một định nghĩa khác của
từ bi: "Từ là cho vui, bi là cứu khổ". Nghe vậy là khi không phát nguyện
làm Bồ Tát, trong khi tâm mình đầy phiền não khổ đau, vô minh ái dục, đầy rẫy
các chúng sinh đang làm loạn mà tự mình chưa "Bồ Tát" được. Các nhà
phân tâm học có lẽ sẽ gọi đó là "Bồ Tát tính dục" chỉ làm khổ người
khác mà thôi, giống như người ta nói thiện chí cộng với ngu dốt thành phá hoại
vậy.
Trong kinh giáo thường
nói đến bố thí. Có nhiều người Phật tử thật là tốt, tu hành rất ư là kịch liệt!
Họ chuyên bố thí áo quần, tiền bạc, thuốc men... cho đến người đói khổ. Họ
không mệt mỏi bố thí, cúng dường trai Tăng, làm phước. Đấy là khi họ có tiền.
Còn khi không có tiền thì họ rất khổ sở. Phải tìm mọi cách cho có tiền để bố
thí. Nhưng khi mà tìm mọi cách cho có tiền thì đã mất hết nghĩa bố thí rồi. Tìm
mọi cách cho có tiền thì họ đã giết chết bố thí! Than ôi! Hiểu bố thí như vậy
có nguy không?
Tôi là tu sĩ, là người
xuất gia thì tôi có đồng nào mà bố thí? Y, thực, thuốc men, sàng tọa đều là nhận
của người ta cho cả. Như vậy, chẳng lẽ vị khất sĩ không bằng kẻ cúng dường hay
sao? Theo tôi thì nhận cũng là một cách bố thí. Thí chủ cho tôi cơm áo, còn tôi
nhận để họ được phước lành. Vậy tôi chỉ việc tu hành thôi đã là bố thí rồi.
Đúng không? Người liễu đạo thấy cái thực nên luôn luôn bố thí, hằng sa bố thí.
Có lẽ quý vị ngạc nhiên nhưng rồi quý vị sẽ thấy bố thí không có nghĩa chỉ là đơn
giản đem một số tiền ra cho người khác. Nếu mình chưa hiểu bố thí, cái thực của
bố thí, mà mình đem áp dụng nghĩa của bố thí là mình đã tự hại mình.
Cái nghĩa mà mình đem
áp dụng là do tư ý, tư niệm của mình mà ra, chứ không phải do từ cái thực mà
mình thấy. Nó khác nhau một trời một vực. Như vậy cái nghĩa chưa phải là cái thực.
Cái nghĩa chỉ là triết lý, lý luận. Nguy hiểm chưa. Quý vị đọc kinh giáo lý có
tu, có hành, nhưng đến đây rồi cũng chẳng có một bảo đảm nào là đi đúng đường về
cái thực cả. Người nào từ nghĩa thoát ra được nghĩa (triết lý) và tìm về được
cái lý (đạo lý) đã là người có trình độ rất cao, rất khá.
(Trích đoạn của chương
2 "Kinh điển và cái thực",
sách "Thực tại hiện tiền" TS. Viên Minh 1993)
Sách đọc:
http://thuvienhoasen.org/a1086/thuc-tai-hien-tien
Sách nghe:
https://archive.org/details/ThucTaiHienTien-HtVienMinh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét