Thứ Sáu, 6 tháng 3, 2015

Thiền Tứ Niệm Xứ trong cuộc sống

Có lần Ngài Xá Lợi Phất đi khuất thực bị một người (do muốn thử Ngài) đập một gậy vào đầu từ sau lưng. Ngài chỉ thốt lên một câu: Ồ, cái gì thế nhỉ? Rồi không ngoái đầu lại để xem mặt kẻ đánh mình, Ngài lại tiếp tục cất bước. Người đàn ông ấy nể Ngài quá nên xin quy y Tam Bảo luôn.

Không dám bàn luận về tâm của bậc thánh nên chỉ nói về Tứ Niệm Xứ thôi.

Khi đang đi mà bị đánh như thế thì có đau không? Chắc chắn là có, bởi vì đánh như thế mà không đau thì chắc là gỗ đá vô tri rồi. Đau mà biết đau, rồi dừng lại ở chỗ ấy. Vậy là quán thân/thân.

Khi quán thân trên thân không xong phải qua cảm thọ thích hay không thích. Thân bị đau thì dĩ nhiên là không thích rồi. Không thích biết không thích. Đó là quán thọ trên thọ.

Khi quán thọ trên thọ không xong thì phải qua tâm rồi. Khởi lên tham (thích) hay sân (không thích). Sân mà biết mình sân. Đó là quán tâm trên tâm.

Quán tâm không xong thì chuyển qua pháp. Khi tham thì phát khởi hành động dính mắc; khi sân thì  phát khởi hành động loại bỏ. Từ đau rồi đến không thích rồi nổi sân rồi phát khởi hành động mắng chửi hay đánh đập cái người hay nguyên nhân làm cho mình đau. Khi phát khởi hành động rồi mà vẫn quán sát được thì đó là quán pháp trên pháp.

Khi ta áp dụng thiền Tứ Niệm Xứ vào cuộc sống hằng ngày thì tùy lúc, tùy duyên. Có lúc mình dừng lại ở quán thân/thân (ai thường được thế này là cao thủ rồi) có lúc phải qua quán thọ/thọ (dừng lại được ở đây cũng là cao thủ luôn), có lúc phải rơi xuống quán tâm/tâm (đến được mức này cũng không vừa đâu); quán 3 cái trên không xong nữa thì lọt xuống quán pháp/ pháp (vẫn còn chánh niệm tỉnh giác)

Quán cả 4 cái đều không xong thì xem như để cho Phật tạm nghỉ hưu và cho Tham Sân Si nắm quyền điều hành vậy.

Trên thực tế, từ quán thân/thân mà chuyển đến quán pháp/pháp diễn ra rất nhanh chỉ trong 1 sát na thôi. Cho nên chúng ta hay để cho Phật nghỉ hưu dài dài là thế đấy hihihihihihi

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét