Thứ Năm, 5 tháng 3, 2015

Ai muốn đối trị với bệnh sân của mình thì có cách này.

Đó là: Khi muốn nổi sân thì cứ việc sân, không cần đè nén nó làm gì. Mỗi lần đè nén cũng như mỗi lần cho 1 viên thuốc nổ vào súng, cứ nhét thuốc nổ vào mãi, rồi khi đủ duyên thì súng phát nổ. Lúc ấy còn ghê hơn nữa! Và thường những khi như vậy, chúng ta thấy vô cùng hổ thẹn với chính mình. Chúng ta tự trách mình rằng: Mình tu rồi mà sao mình sân dữ vậy! Rồi chúng ta sám hối rồi chúng ta tự hứa mình không nên sân nữa. Rồi khi có chuyện bực mình, mình không dám sân nên ém nó lại. Rồi khi đủ duyên nó lại nổ. Rồi lại xấu hổ, rồi lại sám hối. Cái vòng lẩn quẩn này làm chúng ta không ra nổi sân đâu.

Tốt hơn hết mỗi khi nổi sân thì cứ việc sân nhưng phải QUÁN SÁT nó. Nghĩa là khi sân thì biết mình đang sân. Mình quán sát phản ứng của cơ thể như hơi thở, nhịp tim, độ nóng trên gò má,…. Mình quán sát tư tưởng như muốn chửi, muốn mắng, muốn đánh, muốn đập cái gì đó,…. Khi quán thân, quán thọ, quán tâm không xong mà dẫn đến hành động thì mình có thể phát khởi hành động chửi mắng người khác hay đập bể cái gì đó. Khi làm những hành động này thì mình QUÁN SÁT nó. Đó là quán pháp. Một người luôn quán sát rõ thân và tâm của mình thì thường biết dừng lại đúng lúc đúng chỗ, không để cho cơn sân xỏ mũi dắt đi.

Khi mình quán sát cơn sân vài lần như vậy thì mình sẽ nhận ra rằng: SÂN LÀ VÔ THƯỜNG. Khi tự thân nhận ra điều này thì đó là chánh kiến. Khi đã có chánh kiến rồi thì mới có chánh tư duy. Khi có chánh tư duy rồi thì tất cả những cái còn lại đều chánh. Còn khi mình nghe thầy mình nói hay kinh sách nói sân là xấu, sân là vô thường, rồi mình tìm cách ém nó lại không cho nó bộc lộ ra. Lúc nào cũng tâm niệm sân là xấu, sân là vô thường mà không tự thân thấy được điều ấy. Thì đó đích thị là TU TƯỞNG. Vì sao? Vì không tự nhìn thấy sân là vô thường thì không có chánh kiến. Không có chánh kiến rồi thì tất cả những cái còn lại đều không chánh.

Do đó mà có câu KIẾN TÁNH KHỞI TU là thế đấy. Kiến tánh (thấy như thật) nghĩa là Chánh Kiến trong Bát Chánh đạo đấy. Một khi đã có chánh kiến thì dù muốn tu theo pháp môn nào hay muốn làm gì cũng đều là chánh cả.

Khi thấy ra điều này thì sẽ hiểu được rất nhiều câu nói trong Thiền tông. Ví dụ câu: đói ăn, mệt ngủ. Người luôn chánh niệm tỉnh giác, nghĩa là thường quán sát thân tâm mình thì biết khi nào cơ thể mình thực sự đói (nghĩa là đói do nhu cầu chứ không phải đói ảo, đói do tham ăn). Đó là chánh kiến. Khi thấy đói do nhu cầu thì mới khởi ý muốn ăn (đó là chánh tư duy) rồi ăn (đó là chánh nghiệp),….

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét