Thứ Sáu, 23 tháng 3, 2018

Thế nào là “bản lai vô nhất vật?”

“Bản lai vô nhất vật” là câu nói của Lục Tổ và một số người cho rằng qua câu nói này cho thấy Lục Tổ đã vào được cửa thiền. Và có người dùng câu nói này để diễn giải sự mênh mông vô ngần mé của tâm lượng. Giảng giải như vậy thì chỉ càng làm cho trí tưởng tượng thêm phong phú mà thôi.

Thật ra câu “Bản lai vô nhất vật” là cách nói khác của một câu nổi tiếng trong kinh Kim Cang “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm.”

(Lưu ý: Tôi chưa hề đọc qua Kinh Kim Cang hay Pháp Bảo Đàn Kinh đâu nha mọi người. Nếu gọi là đọc kinh theo đúng nghĩa, là đọc rồi suy gẫm rồi hiểu thì tôi chỉ đọc Tiểu Bộ và Trung Bộ Kinh của Tạng Pali thôi. Còn Kinh Đại Thừa còn gọi là kinh Bắc Tông thì lúc ở chùa Bắc tông tôi có tụng (tụng chứ không phải là đọc) gần như trọn bộ Kinh Pháp Hoa. Chỉ duy nhất Kinh Pháp Hoa là tôi có tụng từ đầu đến cuối, còn lại các bộ kinh Đại Thừa khác thì tôi chỉ nghe nói hay chỉ nghe tụng vài đoạn rồi nhớ thôi nha.)

Tuy nhiên tất cả kinh Bắc Tông cũng chỉ xoay quanh Chân Lý Vận hành Nhân Quả còn gọi là Lý Nhân Duyên. Người nào thực sự thấu được chân lý này thì có thể thấu được tất cả kinh điển Bắc tông mà không cần phải đọc.

Ví dụ câu “Bổn lai vô nhất vật” trong kinh Pháp Bảo Đàn của Lục Tổ Huệ Năng chỉ là một cách nói khác của câu “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm” mà thôi. Vì sao? Vì cả hai câu đều là sự thể hiện của Lý Duyên khởi. Thể hiện thế nào?

Có thể diễn giải như sau: Bổn lai vô nhất vật có thể nôm na là Bản thể thì không chứa một vật nào cả. Bản thể nghĩa là Bản lai nghĩa là Phật tánh nghĩa là tánh tự thấy biết thì không chứa một vật nào cả. Vì sao không chứa? Vì không trụ nên không chứa. Có trụ mới có chứa. Tất cả mọi việc diễn ra đều do sự hội tụ của nhân duyên. Đủ nhân đủ duyên thì tự xuất hiện, nhân duyên tan rã thì tự diệt. Sự đến đi liên tục như vậy và do nhân duyên vận hành, đâu có liên quan gì đến mình đâu mà mình đòi trụ. Sanh và diệt là do nhân duyên vận hành. Người nào thấy rõ điều ấy thì không trụ vào bất kỳ sự sanh diệt nào, vì không trụ thì mới là “nhi sanh kỳ tâm” và vì không trụ nên mới là “vô nhất vật.”  Chỉ có bản lai/Phật tánh mới có thể không trụ, do vậy mà “Bản lai vô nhất vật.” Câu “Bản lai vô nhất vật” chính là quả của “Ưng vô sở trụ.” Chính vì “ưng vô sở trụ” là nhân thì mới ra được cái quả là “nhi sanh kỳ tâm” Kỳ tâm ở đây chính là “Bản lai vô nhất vật” ấy vậy.

Bởi, do cách giác ngộ của mỗi người về Lý Nhân Duyên là khác nhau nên cách diễn đạt cũng có vẻ khác nhau, và chỉ ai thật sự ngộ được Lý Nhân Duyên mới thấy được sự giống nhau trong những cái có vẻ khác nhau ấy.

Túm cái ý lại thì để có thể thể nhập kinh điển Bắc tông thì hãy thể nhập Lý Duyên Khởi còn gọi là Chân Lý vận hành Nhân Quả đi nha mọi người. Thể nhập Lý Duyên khởi rồi thì nhìn kinh điển Bắc tông như nhìn lòng bàn tay là vậy đó.

3 nhận xét:

  1. Nhìn lòng bàn tay cũng phải học xem chỉ tay mới là giỏi đấy chị nha! "Mười hai duyên khởi. Không thầy tự ngộ. Độc cư thiền định. Gương mẫU giữa đời". Em có duyên với thiền tông trên, trên 03 năm mà chẳng thấy sách mô luận cừ như chị á. Chắc kiếp trước chị có tu thiền chị nhỉ..."NGỘ ĐƯỢC LÝ NHÂN DUYÊN"..."THỂ NHẬP LÝ DUYÊN KHỞI"...Văn tư tu hành để theo chân thầy tổ và theo cho kip chị nữa chứ ạ.

    Trả lờiXóa
  2. Vẫn còn cái hiểu và cái bị hiểu chưa được rửa sạch
    đi...để " Xưa nay ko một vât"

    Trả lờiXóa
  3. Cái vốn ko có ý nghĩa,ko liên quan đến ý nghĩa...này mang ra biện giải thành có ý nghĩa, từ đó mà cái hiểu và cái bị hiểu đưoc tạo nhân duyên sinh khởi ..trùng trùng, điệp điệp phân chia thành quan điểm, tư tưởng vốn ko liên quan gì đến "CÁI ĐÓ" để rồi luân hồi trong Danh, Sắc, Pháp... . Hãy chỉ "KHÔNG" thôi nha. Hãy cho dừng lại theo, dập tắt theo nhà

    Trả lờiXóa