Thứ Sáu, 23 tháng 3, 2018

Địa Tạng Vương Bồ tát thật ra là ai?

Câu nói nổi tiếng của Địa Tạng Vương Bồ tát mà hầu như ai cũng biết: Cõi địa ngục còn chúng sanh thề không thành Phật.

Địa ngục mà còn chúng sanh, khỏi thề cũng chẳng thành Phật nổi đâu. Địa ngục không phải là cái cõi nào đấy, ai chết mà làm ác thì đi về đấy. Địa ngục chính là u đồ ngục thất ở trong tâm tưởng của mỗi người.
Nói vầy cho dễ hiểu. Tâm thức của bậc giác ngộ y như đường cao tốc, lúc nào cũng sáng rực, láng ót, không có ổ gà ổ voi (đường cao tốc theo chuẩn quốc tế, chứ không phải cao tốc theo chuẩn Việt Nam đâu nha). Còn tâm thức của phàm phu thì y như đường cao tốc theo chuẩn Việt Nam, ổ gà ổ voi khắp nơi. Chính những cái ổ gà ổ voi ấy là u đồ ngục thất, là cõi địa ngục, cho nên những u đồ ngục thất ấy chưa được giải quyết thì làm sao thành Phật (giác ngộ) được chớ! Cho nên khỏi thề, còn ổ gà ổ voi thì còn chưa được gọi là cao tốc theo chuẩn quốc tế, còn u đồ ngục thức thì còn chưa thành Phật được đâu.

Bởi vậy, phá tan cánh cửa địa ngục nghĩa là mọi hóc hẻm trong tâm thức đều được mở ra cho ánh sáng rọi vào. Toàn thể tâm thức đều được phơi ra, chứ không còn núm lùm để đánh lén nữa rồi.

Cho nên hình ảnh Địa Tạng Vương Bồ tát tay cầm hạt minh châu tay cầm trượng nghĩa là hành giả (Bồ tát) dùng trí tuệ (minh châu) và sự tinh tấn dõng mãnh (trượng) để tự mình phá tan u đồ ngục thức, những hẻm hóc, những góc khuất trong tâm thức chính mình. Khi mọi ngục thất đều được ánh sáng trí tuệ rọi soi thì tâm thức trở nên rõ ràng bằng phẳng y như đường cao tốc theo chuẩn quốc tế.

Túm lại là vậy đó, Địa Tạng Vương Bồ tát chính là người tu (hành giả), hạt minh châu là trí tuệ (để có tuệ thì buộc phải giữ giới, từ giới mới sinh ra định và tuệ) và kiếm trượng chính là sự tinh tấn dõng mãnh chỉ có tiến chứ không lùi, sẳn sàng xông pha vượt qua tất cả mọi khó khăn cản trở. Nghĩa là hành giả sẳn sàng xông pha, không ngại bất kì thử thách nào, tiến bước đến đâu thì dùng minh châu trí tuệ (do giới và định sanh) để rọi đến nấy thì mọi u đồ ngục thất (chúng sanh trong các cõi địa ngục) được giải phóng (không còn ẩn nấp được nữa mà buộc phải trồi lên cho hành giả nhìn thấy và nhận diện), khi ấy thì hành giả giác ngộ (thành Phật) thôi.

Tôi chưa bao giờ đọc kinh Địa Tạng nha mọi người, chỉ thỉnh thoảng nghe mọi người thảo luận vài câu trong đó thôi hà. Nhưng như đã nói ở bài này, khi dùng Lý Duyên khởi để nhìn thì mọi kinh điển Bắc tông đều hiện rõ như lòng bàn tay.

2 nhận xét:

  1. Mấy ngày trước, sau khi đọc tựa đề và bốn dòng đầu của bài này, tự nhiên tui lướt qua! Bi giờ đọc lại thấy rất hay và hữu ích. Tuy là lướt qua nhưng không phải là bỏ qua. Đương nhiên rồi! Làm sao mà bỏ được chớ... (nếu chị mà biết trên đầu trượng có 12 cái vòng khoen, thì chắc là bài viết dài thêm mấy dòng). Mới nghe qua mà đã xuất chiêu như ri, quả là chiến binh cưỡi Voi Sáu Ngà lâm trận đấy chị à ☆

    Trả lờiXóa
  2. Minh châu ấy là giới
    Kiếm trượng ấy là định
    Giới làm lành lánh ác
    Định-nguyện vì chúng sinh.
    Tuệ như nhiên hoa nở
    Tự đẹp cõi quần sinh
    Vô thường rồi tự biết
    Hết duyên,lại cõi linh.

    Trả lờiXóa